chương 1 - baocaotaichinhtextbook.files.wordpress.com filevề tình trạng tài chính, kết...

19
1 Chương 1 GII THIU VHTHNG BÁO CÁO TÀI CHÍNH Mc tiêu: Sau khi nghiên cứu chương này, người hc có th: Xác định mục đích của báo cáo tài chính. Nm vng yêu cu ca chất lượng thông tin trên báo cáo tài chính. Nhn din các thành phn ca hthng báo cáo tài chính. Nhn din các cách thức tác động ti thông tin trên báo cáo tài chính ca các nhà qun trdoanh nghip. Hiu rõ thách thc của báo cáo tài chính trong môi trường kinh doanh toàn cu. 1.1. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU CA CHẤT LƯỢNG THÔNG TIN TRÊN BÁO CÁO TÀI CHÍNH 1.1.1. Mục đích của báo cáo tài chính Báo cáo tài chính là sn phm cui cùng ca hthng kế toán tài chính, cung cp thông tin vtình trng tài chính, kết quhoạt động và dòng tiền lưu chuyển sau mi kì hoạt động ca doanh nghip. Báo cáo tài chính cung cp thông tin hu ích cho nhiều đối tượng bao gm cbên trong và bên ngoài doanh nghiệp, như các nhà quản lí cp cao trong doanh nghip, các cđông hiện ti, các nhà đầu tư tiềm năng, các nhà cung cấp tín dng,... Mỗi đối tượng này sdng thông tin báo cáo tài chính để đánh giá về quá kh, dbáo vtương lai của doanh nghip, tđó ra các quyết định kinh doanh liên quan ti li ích tài chính ca h. Các cđông hiện tại và các nhà đầu tư tiềm năng sử dng thông tin trên báo cáo tài chính chyếu để đánh giá khả năng sinh li và trin vng ca doanh nghiệp trong tương lai. Từ vic phân tích thông tin trên báo cáo tài chính, các cđông hiện ti ra các quyết định tiếp tục đầu tư hay rút vốn đầu tư khỏi doanh nghip (gihoc bán cphiếu). Các nhà đầu tư tiềm năng căn cứ vào thông tin trên báo cáo tài chính để quyết định la chn danh mục đầu tư hợp lí. Các nhà cung cp tín dụng (ngân hàng, người bán) sdng thông tin trên báo cáo tài chính chyếu để đánh giá khả năng thanh toán của doanh nghip. Tvic phân tích khnăng thanh toán

Upload: others

Post on 22-Sep-2019

9 views

Category:

Documents


0 download

TRANSCRIPT

1

Chương 1

GIỚI THIỆU VỀ HỆ THỐNG BÁO CÁO TÀI CHÍNH

Mục tiêu:

Sau khi nghiên cứu chương này, người học có thể:

• Xác định mục đích của báo cáo tài chính.

• Nắm vững yêu cầu của chất lượng thông tin trên báo cáo tài chính.

• Nhận diện các thành phần của hệ thống báo cáo tài chính.

• Nhận diện các cách thức tác động tới thông tin trên báo cáo tài chính của các nhà quản trị

doanh nghiệp.

• Hiểu rõ thách thức của báo cáo tài chính trong môi trường kinh doanh toàn cầu.

1.1. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU CỦA CHẤT LƯỢNG THÔNG TIN TRÊN BÁO CÁO TÀI

CHÍNH

1.1.1. Mục đích của báo cáo tài chính

Báo cáo tài chính là sản phẩm cuối cùng của hệ thống kế toán tài chính, cung cấp thông tin

về tình trạng tài chính, kết quả hoạt động và dòng tiền lưu chuyển sau mỗi kì hoạt động của doanh

nghiệp. Báo cáo tài chính cung cấp thông tin hữu ích cho nhiều đối tượng bao gồm cả bên trong

và bên ngoài doanh nghiệp, như các nhà quản lí cấp cao trong doanh nghiệp, các cổ đông hiện tại,

các nhà đầu tư tiềm năng, các nhà cung cấp tín dụng,... Mỗi đối tượng này sử dụng thông tin báo

cáo tài chính để đánh giá về quá khứ, dự báo về tương lai của doanh nghiệp, từ đó ra các quyết

định kinh doanh liên quan tới lợi ích tài chính của họ.

Các cổ đông hiện tại và các nhà đầu tư tiềm năng sử dụng thông tin trên báo cáo tài chính

chủ yếu để đánh giá khả năng sinh lợi và triển vọng của doanh nghiệp trong tương lai. Từ việc

phân tích thông tin trên báo cáo tài chính, các cổ đông hiện tại ra các quyết định tiếp tục đầu tư

hay rút vốn đầu tư khỏi doanh nghiệp (giữ hoặc bán cổ phiếu). Các nhà đầu tư tiềm năng căn cứ

vào thông tin trên báo cáo tài chính để quyết định lựa chọn danh mục đầu tư hợp lí.

Các nhà cung cấp tín dụng (ngân hàng, người bán) sử dụng thông tin trên báo cáo tài chính

chủ yếu để đánh giá khả năng thanh toán của doanh nghiệp. Từ việc phân tích khả năng thanh toán

2

của doanh nghiệp thông qua báo cáo tài chính, các ngân hàng sẽ quyết định cho vay với các điều

khoản hợp lí trên hợp đồng tín dụng theo đúng khả năng thanh toán đó. Các nhà cung cấp vật tư,

hàng hóa và dịch vụ cũng sẽ đánh giá khả năng thanh toán thông qua báo cáo tài chính để quyết

định các điều khoản trả chậm hợp lí cho doanh nghiệp.

Mặc dù thường sử dụng thông tin do hệ thống kế toán quản trị trong nội bộ doanh nghiệp

cung cấp để ra các quyết định kinh doanh, thực hiện việc điều hành các hoạt động của doanh

nghiệp, các báo cáo tài chính cũng là nguồn thông tin hữu ích đối với các nhà quản lý. Các nhà

quản lí cấp cao trong doanh nghiệp sử dụng thông tin báo cáo tài chính để đánh giá về thực trạng

tài chính, phát hiện các nguy cơ tiềm ẩn, từ đó hoạch định chiến lược kinh doanh và thực thi các

giải pháp nhằm nâng cao năng lực tài chính cho doanh nghiệp.

Ngoài các đối tượng cơ bản trên, báo cáo tài chính còn được nhiều đối tượng khác quan tâm

như người lao động, khách hàng, cơ quan thống kê, cơ quan thuế, báo chí,… Mỗi đối tượng này

sử dụng báo cáo tài chính dưới một góc độ khác nhau, như cơ quan thuế sử dụng báo cáo tài chính

để xem xét việc tuân thủ luật thuế của doanh nghiệp, khách hàng sử dụng báo cáo tài chính để

đánh giá về triển vọng dài hạn của doanh nghiệp, từ đó đánh giá việc thực hiện các cam kết trong

hợp đồng bán hàng (các nghĩa vụ bảo hành, sửa chữa sản phẩm).

1.1.2. Yêu cầu chất lượng của thông tin trên báo cáo tài chính

Để báo cáo tài chính hữu ích cho các đối tượng sử dụng, chất lượng của thông tin trên báo

cáo tài chính cần đáp ứng một số yêu cầu cơ bản (hình 1.1).

Hình 1.1. Yêu cầu chất lượng thông tin trên báo cáo tài chính

Tin cậy. Thông tin trên báo cáo tài chính cần phải bảo đảm tính tin cậy. Để đáp ứng được

yêu cầu này, thông tin trên báo cáo tài chính phải là những thông tin khách quan và có thể thẩm

3

định được. Thông tin trên báo cáo tài chính mang tính khách quan, không phụ thuộc vào ý kiến

chủ quan của bất kì cá nhân nào do nó là kết quả của quá trình kế toán các nghiệp vụ kinh tế phát

sinh, căn cứ từ các chứng từ kế toán và tuân thủ theo các chuẩn mực, chế độ kế toán hiện hành.

Hơn nữa, thông tin trên báo cáo tài chính có thể được thẩm định lại để tìm kiếm các bằng chứng

chứng minh cho tính đúng đắn của các số liệu trên báo cáo tài chính. Bên cạnh đó, ý kiến của

kiểm toán viên về tính trung thực, khách quan, tuân thủ chuẩn mực và chế độ kế toán sẽ nâng

cao độ tin cậy của thông tin trên báo cáo tài chính.

Kịp thời. Báo cáo tài chính cần được cung cấp kịp thời nhằm bảo đảm cho tính hữu ích của

thông tin đối với các đối tượng sử dụng để ra quyết định. Nếu cung cấp thông tin báo cáo tài chính

chậm trễ cho các đối tượng sử dụng thì những thông tin đó dù có tính tin cậy rất cao cũng không

có ý nghĩa do các quyết định kinh doanh thường mang tính thời điểm. Hơn nữa, nếu dựa vào các

thông tin lạc hậu về tình hình tài chính của doanh nghiệp để ra quyết định có thể dẫn đến các quyết

định sai lầm.

Thông tư 200/2014/TT-BTC qui định thời hạn công bố báo cáo tài chính khác nhau đối với

các loại hình doanh nghiệp khác nhau, trong đó:

− Doanh nghiệp nhà nước phải nộp báo cáo tài chính quí trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày

kết thúc kì kế toán quí, nộp báo cáo tài chính năm trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết

thúc kì kế toán năm;

− Doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh phải nộp báo cáo tài chính năm trong thời

hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc kì kế toán năm;

− Công ty cổ phần và công ty TNHH phải nộp báo cáo tài chính năm trong thời hạn 90

ngày kể từ ngày kết thúc kì kế toán năm.

Đối với các công ty đại chúng (công ty cổ phần niêm yết), thông tư 155/2015/TT-BTC qui

định phải công bố báo cáo tài chính năm đã được kiển toán trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tổ

chức kiểm toán ký báo cáo kiểm toán nhưng không vượt quá 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài

chính. Ngoài ra, các công ty đại chúng qui mô lớn (vốn góp của chủ sở hữu từ 120 tỷ đồng trở lên

tại báo cáo tài chính năm gần nhất), cần công bố báo cáo tài chính quí chậm nhất là sau 20 ngày

kể từ ngày kết thúc quí, báo cáo tài chính bán niên trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày kết thúc 6

tháng đầu năm tài chính và báo cáo tài chính năm trong thời hạn 90 ngày.

Thực tế và Suy ngẫm 1.1

Ngày 10/5/2017 Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh đã ra văn bản số 156/QĐ-

SGDHCM để nhắc nhở Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) vì đã vi phạm công bố thông

tin từ ba lần trở lên trong vòng một năm. Công ty này đã chậm công bố báo cáo tài chính riêng và

hợp nhất quí IV năm 2016 (Công ty công bố ngày 12/2/2017), báo cáo tài chính riêng và hợp nhất

năm 2016 (Công ty công bố ngày 3/5/2017), báo cáo thường niên năm 2016 (Công ty chưa công

bố), báo cáo tài chính riêng và hợp nhất quí I năm 2017 (Công ty chưa công bố).

4

Tại công văn 72/2017/CV-HAGL ngày 12/5/2017, HAG đã giải trình việc nộp chậm báo cáo tài

chính riêng và hợp nhất quí IV năm 2016 là do thời gian nộp báo cáo cận với lịch Tết cổ truyền.

Việc nộp chậm báo cáo tài chính kiểm toán riêng và hợp nhất năm 2016 được HAG lý giải là do

hoạt động kinh doanh nhiều ngành nghề, có nhiều công ty con và công ty liên kết ở nước ngoài như

Lào, Campuchia và Myanmar, và cả Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai –

HNG (cũng nộp chậm báo cáo tài chính). Báo cáo thường niên năm 2016 và báo cáo tài chính riêng

và hợp nhất quí I năm 2017 đang được Công ty gấp rút hoàn thiện.

So sánh được. Thông tin báo cáo tài chính cần bảo đảm tính so sánh được. Yêu cầu này đòi

hỏi các khoản mục trên báo cáo tài chính phải được trình bày nhất quán giữa các kì và nhất quán

giữa các doanh nghiệp cả về nội dung và hình thức. Để bảo đảm tính so sánh được của thông tin

báo cáo tài chính giữa các doanh nghiệp, số liệu sử dụng để lập báo cáo tài chính của các doanh

nghiệp phải được hình thành từ việc tuân thủ và áp dụng cùng một hệ thống các nguyên tắc, chuẩn

mực và chế độ kế toán. Trong trường hợp có sự thay đổi giữa các kì về nội dung hoặc hình thức

trình bày, những thay đổi này cần được giải trình chi tiết trong thuyết minh báo cáo tài chính hoặc

trình bày lại báo cáo tài chính của kì trước nhằm cung cấp thông tin so sánh được giữa các kì với

nhau.

Thực tế và Suy ngẫm 1.2

Khi phân tích báo cáo tài chính, nhà phân tích thường tiến hành so sánh các chỉ số tài chính giữa

các kì, rút ra xu hướng biến động của chúng để đánh giá về những tiến triển trong tình hình tài

chính của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chế độ kế toán - tài chính có thể có những thay đổi làm cho

các chỉ tiêu trên báo cáo tài chính giữa các thời kỳ không được trình bày một cách nhất quán, và

do đó nếu sử dụng trực tiếp các số liệu này để tính toán các chỉ tiêu tài chính sẽ dẫn tới việc so

sánh khập khiễng giữa các kì, dẫn tới các kết luận không đúng về tình hình tài chính của đơn vị.

Ví dụ Thông tư 200/2014/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp thay thế cho Quyết

định 15/2006/QĐ-BTC qui định đối với hàng hóa khuyến mại, quảng cáo kèm theo điều kiện như

khách hàng phải mua sản phẩm, hàng hóa (mua 2 tặng 1) thì giá trị hàng hóa khuyến mại được

ghi nhận vào giá vốn hàng bán, ngược lại nếu không thu tiền, không kèm theo các điều kiện khác

(như phải mua sản phẩm) thì được hạch toán vào chi phí bán hàng. Trong khi trước đây, do qui

định không rõ rang nên các khoản khuyến mại này hầu hết được ghi nhận vào chi phí bán hàng.

Điều này dẫn tới thông tin trình bày về doanh thu, giá vốn hàng bán, lợi nhuận gộp của các doanh

nghiệp sản xuất kinh doanh hàng tiêu dùng có sự thay đổi đáng kể giữa năm 2015 và các năm

trước đó. Điều này đòi hỏi nhà phân tích trước khi tính toán các chỉ số tài chính cần tiến hành điều

chỉnh số liệu trên bảng cân đối kế toán để có được số liệu nhất quán giữa các năm, bảo đảm tính

so sánh được của số liệu.

5

theo QĐ15 theo TT200

1. Doanh thu bán hàng và

cung cấp dịch vụ 7.114.393 6.992.283

2. Các khoản giảm trừ

doanh thu 153.808 9.440

3. Doanh thu thuần về bán

hàng và cung cấp dịch vụ 6.961 6.983

4. Giá vốn hàng bán 4.588 4.752

5. Lợi nhuận gộp về bán

hàng và cung cấp dịch vụ 2.373 2.231

8. Chi phí bán hàng 735 571

10. Lợi nhuận thuần từ hoạt

động kinh doanh 1.668 1.690

11. Thu nhập khác 49 27

13. Lợi nhuận khác 40 17

14. Tổng lợi nhuận kế toán

trước thuế 1.708 1.708

Kết quả kinh doanh của Vinamilk quí I/ 2014 (triệu đồng)

(Nguồn: http://cafebiz.vn/cau-chuyen-kinh-doanh/thong-tu-200-tac-dong-manh-den-bien-lai-

gop-va-chi-phi-ban-hang-cua-vinamilk-masan-20150604153655853.chn)

Coi trọng bản chất hơn hình thức. Thông tin báo cáo tài chính cần phản ảnh theo bản chất

kinh tế, chứ không phản ánh theo hình thức pháp lí của các nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Nhìn chung

hầu hết các nghiệp vụ kinh tế phát sinh thường có bản chất kinh tế phù hợp với hình thức pháp lí

của chúng. Tuy nhiên có một số trường hợp đặc biệt, khi bản chất kinh tế trái với hình thức pháp

lí thì báo cáo tài chính cần trình bày các thông tin đó theo bản chất kinh tế của nghiệp vụ (ví dụ

các giao dịch thuê tài sản cố định tài chính, giao dịch bán và mua lại).

Trọng yếu. Báo cáo tài chính cần cung cấp những thông tin có ảnh hưởng quan trọng đến

quyết định của người sử dụng thông tin. Các thông tin trọng yếu này cần được trình bày riêng rẽ

trên báo cáo tài chính, còn các thông tin không trọng yếu có thể được tập hợp lại và trình bày chung

trong trong một khoản mục. Ví dụ, bảng cân đối kế toán cần cung cấp thông tin về giá trị của các

lại tài sản của doanh nghiệp, trong đó cần báo cáo riêng rẽ từng loại tài sản ngắn hạn và tài sản dài

hạn như “tiền”, “đầu tư ngắn hạn”, “phải thu khách hàng”, “hàng tồn kho”,… Đối với các tài sản

ngắn hạn không quan trọng, chiếm tỉ trọng không đáng kể sẽ được báo cáo dưới tiêu đề “tài sản

ngắn hạn khác”, ví dụ như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế phải nộp lên các cơ quan quản lí quĩ.

Thực tế và Suy ngẫm 1.3

Bảng cân đối kế toán ngày 31/12/2009 của Công ty Vinaconex (công ty mẹ) cho thấy khoản mục

“phải trả, phải nộp ngắn hạn khác” là 2.656 tỉ đồng chiếm tỉ trọng khá lớn - 39% tổng nợ ngắn hạn

của công ty. Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy khoản mục này bao gồm 1.290 tỉ đồng là doanh

6

thu nhận trước từ các khách hàng mua nhà thuộc các dự án của Vinaconex; 758 tỉ đồng là khoản

nhận trước tiền mua cổ phần từ các cổ đông chiến lược; 400 tỉ đồng là khoản nhận trước từ một đối

tác để thành lập công ty liên doanh. Có thể thấy những khoản mục này khá lớn và quan trọng đối

với Vinaconex, nên việc báo cáo chúng dưới tên gọi “nợ ngắn hạn khác” đã làm giảm tính quan

trọng của các khoản mục này.

Chế độ kế toán Việt Nam ban hành theo quyết định số 15/2006 - QĐ/BTC yêu cầu khoản doanh

thu chưa thực hiện (doanh thu nhận trước) phải được phản ánh vào chỉ tiêu “người mua trả tiền

trước” trên bảng cân đối kế toán (căn cứ từ số dư Có tài khoản 131 và tài khoản 3387). Tuy

nhiên thông tư 224/2009/TT-BTC qui định từ năm 2010 “người mua trả tiền trước” và “doanh

thu chưa thực hiện” phải được phản ánh thành hai khoản mục riêng biệt trên bảng cân đối kế

toán. Như vậy, việc trình bày thông tin về khoản “doanh thu nhận trước” gộp vào chỉ tiêu “các

khoản phải trả, phải nộp khác” trên bảng cân đối kế toán của Vinaconex chưa đúng theo cả qui

định cũ và qui định mới của chế độ kế toán Việt Nam. Chính vì vậy, trên góc độ người sử dụng

báo cáo tài chính, cần thiết phải đọc thuyết minh báo cáo tài chính để hiểu rõ hơn và đánh giá

mức độ trọng yếu của các con số cô đọng trên bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh

và báo cáo lưu chuyển tiền tệ.

Phù hợp. Báo cáo tài chính cần cung cấp thông tin phù hợp với nhu cầu của các đối tượng

sử dụng, tức là cung cấp đúng thông tin mà các đối tượng sử dụng cần. Mỗi đối tượng sử dụng

thông tin báo cáo tài chính (ngân hàng, nhà đầu tư, người bán, …) đều có thể tìm thấy các thông

tin hữu ích, liên quan tới các quyết định kinh doanh của họ. Tính phù hợp và tính tin cậy của thông

tin trên báo cáo tài chính đôi khi mâu thuẫn với nhau, trong những trường hợp này, các thông tin

bổ sung cần được cung cấp trên thuyết minh báo cáo tài chính để giúp các đối tượng sử dụng có

thể đánh giá đúng đắn về tình hình tài chính của doanh nghiệp.

1.2. CÁC THÀNH PHẦN CỦA HỆ THỐNG BÁO CÁO TÀI CHÍNH

Hệ thống báo cáo tài chính doanh nghiệp hiện nay bao gồm bốn báo cáo: bảng cân đối kế

toán, báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ và thuyết minh báo cáo tài chính.

Mỗi báo cáo này cung cấp thông tin về các khía cạnh khác nhau trong tình hình tài chính của doanh

nghiệp nhằm giúp cho các đối tượng sử dụng thông tin có thể đánh giá toàn diện về tình hình tài

chính doanh nghiệp, từ đó đưa ra các quyết định hợp lí.

1.2.1. Bảng cân đối kế toán

Bảng cân đối kế toán cung cấp thông tin về tình trạng tài chính (giá trị tài sản, nợ phải trả và

vốn chủ sở hữu) của doanh nghiệp tại một thời điểm. Chúng ta luôn luôn có phương trình cân đối

cơ bản của kế toán:

TÀI SẢN = NỢ PHẢI TRẢ + VỐN CHỦ SỞ HỮU (1.1)

Tài sản là các nguồn lực sử dụng trong hoạt động kinh doanh để mang lại lợi ích kinh tế

trong tương lai cho doanh nghiệp. Tài sản của doanh nghiệp bao gồm hai loại cơ bản là tài sản

ngắn hạn và tài sản dài hạn. Tài sản ngắn hạn là những tài sản có thời gian chuyển đổi về hình thái

tiền tệ trong vòng một năm (hoặc một chu kì kinh doanh), còn tài sản dài hạn là những tài sản có

7

thời gian chuyển đổi về hình thái tiền tệ trên một năm (hoặc một chu kì kinh doanh).

Nợ phải trả là phần nguồn vốn do các chủ nợ tài trợ cho các tài sản của doanh nghiệp, thể

hiện trách nhiệm hiện tại của doanh nghiệp sẽ phải sử dụng các nguồn lực (tài sản) của mình để

thanh toán. Nợ phải trả của doanh nghiệp bao gồm hai loại cơ bản là nợ ngắn hạn và nợ dài hạn.

Nợ ngắn hạn là các khoản nợ có thời hạn trả trong vòng một năm (hoặc một chu kì kinh doanh),

còn nợ dài hạn là các khoản nợ có thời hạn trả trên một năm (hoặc một chu kì kinh doanh).

Vốn chủ sở hữu là phần còn lại của tài sản sau khi bù đắp các khoản nợ phải trả. Vốn chủ sở

hữu thường bao gồm vốn đầu tư ban đầu của chủ sở hữu và phần lợi nhuận tích lũy để tái đầu tư,

bổ sung từ kết quả hoạt động kinh doanh.

Như vậy vế bên phải của phương trình (1.1) cho biết nguồn huy động vốn và vế bên trái cho

biết tình hình sử dụng vốn của doanh nghiệp. Khi xem xét bảng cân đối kế toán của một doanh

nghiệp, chúng ta cần xem xét tính cân đối giữa nợ phải trả và vốn chủ sở hữu. Một doanh nghiệp

có tổng giá trị tài sản cao chỉ thể hiện khía cạnh qui mô hoạt động của doanh nghiệp đó lớn, còn

tiềm lực tài chính của doanh nghiệp được thể hiện ở phần nguồn vốn: nếu hầu hết các tài sản của

doanh nghiệp được hình thành từ nợ phải trả sẽ thể hiện tình hình tài chính không tốt của doanh

nghiệp với mức độ rủi ro tài chính cao và ngược lại. Minh họa Bảng cân đối kế toán tóm tắt của

Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang ở bảng 1.1. Tại ngày 31/12/2016 Công ty Cổ phần Dược Hậu

Giang có tổng số vốn đầu tư trong hoạt động kinh doanh (tổng giá trị tài sản) là 3.945.744 triệu

đồng, trong đó được tài trợ từ các chủ nợ là 1.051.505 triệu đồng, và phần còn lại (2.894.239 triệu

đồng) được tài trợ từ các chủ sở hữu.

8

Bảng 1.1. Công ty cổ phần Dược Hậu Giang

BẢNG CÂN ĐỐI KẾ TOÁN

Ngày 31/12/2016

Đơn vị tính: triệu đồng

Chỉ tiêu Số cuối kì Số đầu năm

TÀI SẢN

A.Tài sản ngắn hạn 2.747.174 2.221.373

I.Tiền & các khoản tương đương tiền 603.189 420.713

II.Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn 703.731 507.605

III.Các khoản phải thu ngắn hạn 692.281 644.064

IV.Hàng tồn kho 732.861 639.321

V.Tài sản ngắn hạn khác 15.113 9.670

B.Tài sản dài hạn 1.198.570 1.141.826

I. Phải thu dài hạn 5.099

II.Tài sản cố định 1.103.242 1.067.774

III. Tài sản dở dang dài hạn 16.652 15.723

IV.Đầu tư tài chính dài hạn 15.744 15.932

V.Tài sản dài hạn khác 57.831 42.396

TỔNG TÀI SẢN 3.945.744 3.363.199

NGUỒN VỐN

A.Nợ phải trả 1.051.505 841.963

I.Nợ ngắn hạn 993.904 779.632

II.Nợ dài hạn 57.600 62.330

B.Vốn chủ sở hữu 2.894.239 2.521.236

TỔNG NGUỒN VỐN 3.945.744 3.363.199

9

Hình 1.2. Tài sản và nguồn vốn của Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang

1.2.2. Báo cáo kết quả kinh doanh

Báo cáo kết quả kinh doanh cung cấp thông tin về doanh thu, chi phí và kết quả (lãi/lỗ) trong

một kì hoạt động của doanh nghiệp.

LÃI (LỖ) = DOANH THU - CHI PHÍ (1.2)

Doanh thu từ hoạt động kinh doanh và các khoản thu nhập khác đạt được trong một kì hoạt

động góp phần làm tăng vốn chủ sở hữu (mà không phải do các chủ sở hữu góp vốn). Các khoản

doanh thu và thu nhập này rất đa dạng, phụ thuộc vào đặc điểm ngành nghề kinh doanh và qui mô

hoạt động của doanh nghiệp. Ví dụ, Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang có nguồn doanh thu chủ

yếu là từ hoạt động sản xuất kinh doanh các loại dược phẩm.

Chi phí của hoạt động kinh doanh và các khoản chi phí khác phát sinh trong kì hoạt động

của doanh nghiệp có tác động làm giảm vốn chủ sở hữu (mà không phải do các chủ sở hữu rút

vốn). Các khoản chi phí này tương ứng phát sinh theo các khoản doanh thu mà doanh nghiệp đạt

được. Tương ứng với nguồn doanh thu từ các loại dược phẩm, các khoản chi phí phát sinh chủ yếu

tại Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang bao gồm các chi phí liên quan tới giá vốn của các loại dược

phẩm (nguyên liệu và nhân công sản xuất dược phẩm, khấu hao dây chuyền sản xuất và nhà xưởng

sản xuất ,…); các chi phí phát sinh trong quá trình tiêu thụ sản phẩm dược (quảng cáo, hội thảo

giới thiệu sản phẩm,..) và các chi phí hành chính chung của cả công ty.

Doanh thu và chi phí ghi nhận trên báo cáo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trên cơ sở

kế toán dồn tích (accrual basis). Theo cơ sở này, doanh thu được ghi nhận tại thời điểm bán hàng

hóa hoặc cung cấp dịch vụ, không phụ thuộc vào thời điểm thu tiền và chi phí được ghi nhận phù

hợp với doanh thu mà nó tạo ra, không phụ thuộc vào thời điểm chi tiền.

Kết quả hoạt động của doanh nghiệp bao gồm lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh

(chênh lệch giữa doanh thu và chi phí của hoạt động kinh doanh) và lợi nhuận khác (chênh lệch

giữa thu nhập khác và chi phí khác). Các khái niệm này sẽ được thảo luận sâu hơn trong chương

3. Minh họa Báo cáo kết quả kinh doanh tóm tắt của Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang ở Bảng

1.2. Năm 2016 Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang đạt kết quả kinh doanh tốt với lợi nhuận sau

Tài sản ngắn hạn70%

Tài sản dài hạn

30%

Tài sảnNợ phải

trả27%

Vốn chủ sở

hữu73%

Nguồn vốn

10

thuế và lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng hơn 120 tỉ đồng (tăng xấp xỉ 20%) so với

năm 2015.

Bảng 1.2. Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang

BÁO CÁO KẾT QUẢ KINH DOANH

Cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2016

Đơn vị tính: triệu đồng

Chỉ tiêu Năm nay Năm trước

1.      Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ 3.783.045 3.607.760

2.      Giá vốn hàng bán và dịch vụ cung cấp 2.070.059 2.194.892

3.      Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ 1.712.986 1.412.868

4.      Chi phí bán hàng 631.640 457.614

5.      Chi phí quản lí doanh nghiệp 297.319 262.310

6.      Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh 756.903 636.890

7.      Lợi nhuận (lỗ) khác (246) 64.419

8.      Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế 756.657 701.309

9.      Chi phí thuế TNDN hiện hành 64.546 108.690

10. Chi phí thuế TNDN hoãn lại (20.987) (66)

11.   Lợi nhuận (lỗ) sau thuế 713.098 592.685

1.2.3. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cung cấp thông tin về các khoản tiền thu, tiền chi trong một kì

hoạt động của doanh nghiệp.

LƯU CHUYỂN TIỀN THUẦN TRONG KÌ = THU - CHI (1.3)

Các khoản tiền thu, tiền chi trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ được sắp xếp theo ba loại hoạt

động: lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh, lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư và lưu chuyển

tiền từ hoạt động tài chính. Lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh bao gồm các khoản tiền thu,

tiền chi liên quan tới các hoạt động hàng ngày và tạo ra doanh thu chủ yếu của doanh nghiệp. Lưu

chuyển tiền từ hoạt động đầu tư liên quan tới các khoản tiền thu, tiền chi cho việc mua sắm, nhượng

bán tài sản cố định và các khoản đầu tư dài hạn của doanh nghiệp. Lưu chuyển tiền từ hoạt động

tài chính liên quan tới các khoản tiền thu, tiền chi làm thay đổi qui mô, kết cấu của vốn chủ sở hữu

và vốn vay của doanh nghiệp.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là cầu nối thông tin giữa các báo cáo tài chính (hình1.3). Báo cáo

lưu chuyển tiền tệ cho biết nguyên nhân khác biệt giữa lợi nhuận và biến động tiền (lưu chuyển

tiền thuần) trong một kì hoạt động của doanh nghiệp. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng lí giải nguồn

tiền đầu tư (hoặc tiền thu về) cho các tài sản dài hạn của doanh nghiệp. Các khoản tiền thu, tiền

11

chi liên quan tới biến động của phần tài sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn (không bao gồm nợ vay) của

bảng cân đối kế toán cùng với doanh thu, chi phí và kết quả của hoạt động kinh doanh trên báo

cáo kết quả kinh doanh được tổng hợp trong phần lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh. Các

khoản tiền thu, tiền chi liên quan tới các biến động trong phần tài sản dài hạn của bảng cân đối kế

toán được tổng hợp trong phần lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư. Các khoản tiền thu, tiền chi

liên quan tới các biến động trong phần vốn chủ sở hữu và nợ vay của bảng cân đối kế toán được

tổng hợp trong phần lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính. Minh họa báo cáo lưu chuyển tiền tệ

tóm tắt của Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang ở bảng 1.3.

Hình 1.3. Mối quan hệ giữa các báo cáo tài chính

Hoạt động kinh doanh của Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang trong cả hai năm 2015 và

2016 đều tạo ra lượng tiền dồi dào (năm 2016 tăng hơn 169 tỉ đồng, tương ứng với 35,6% so với

năm 2015) đã giúp Công ty có nguồn tiền đầu tư mua sắm tài sản cố định và các tài sản dài hạn

khác, đồng thời chi trả mức cổ tức cao cho cổ đông1.

1 Thuyết minh báo cáo tài chính số 25 cho biết Nghị quyết Đại hội đồng Cổ đông ngày 26/4/2016 phê duyệt phương

án chia cổ tức bằng tiền mặt ở mức 35% vốn điều lệ của Công ty.

BẢNG CÂN ĐỐI KẾ

TOÁN

Tài sản

Tài sản ngắn hạn

Tài sản dài hạn

Nguồn vốn

Nợ phải trả

Nợ trong HĐ KD

Nợ vay

Vốn chủ sở hữu

BÁO CÁO LƯU

CHUYỂN TIỀN TỆ

Lưu chuyển tiền từ

hoạt động kinh doanh

Lưu chuyển tiền từ

hoạt động đầu tư

Lưu chuyển tiền từ

hoạt động tài chính

BÁO CÁO KẾT QUẢ

KINH DOANH

Doanh thu

Chi phí

Lợi nhuận

12

BẢNG 1.3. Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang

BÁO CÁO LƯU CHUYỂN TIỀN TỆ

Cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2016

Đơn vị tính: triệu đồng

Năm Năm

nay trước

1.    Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh 644.491 475.195

2.    Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư (276.885) (369.331)

3.    Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính (185.363) (183.442)

Thu từ nhận vốn gốp của cổ đông thiểu số và

tái phát hành cổ phiếu quĩ 36.104

Tiền mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quĩ (15.665)

Thu từ đi vay 1.561.815 1.222.255

Tiền trả nợ gốc vay (1.477.761) (1.128.251)

Cổ tức đã trả cho cổ đông (305.522) (261.781)

4.    Tổng lưu chuyển tiền trong năm 182.243 (77.579)

5.    Tiền và tương đương tiền đầu năm 420.713 498.292

6.    Tiền và tương đương tiền cuối năm 603.189 420.713

Chỉ tiêu

1.2.4. Thuyết minh báo cáo tài chính

Thuyết minh báo cáo tài chính là bản giải trình giúp các đối tượng sử dụng hiểu rõ hơn về

các con số trên bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ của

doanh nghiệp. Thuyết minh báo cáo tài chính thường bao gồm bốn nội dung cơ bản: các chính

sách kế toán áp dụng tại doanh nghiệp, các thông tin bổ sung cho các khoản mục trên báo cáo tài

chính, biến động vốn chủ sở hữu và các thông tin khác.

Phần các chính sách kế toán áp dụng sẽ cung cấp thông tin về niên độ kế toán của doanh

nghiệp, chế độ kế toán áp dụng, đồng tiền ghi sổ kế toán, các nguyên tắc và phương pháp kế toán

cơ bản trong việc ghi nhận các khoản mục trên các báo cáo tài chính như nguyên tắc ghi nhận

doanh thu, nguyên tắc ghi nhận chi phí, phương pháp trích khấu hao tài sản cố định, phương pháp

tính giá hàng tồn kho,…

Phần chủ yếu của thuyết minh báo cáo tài chính là các thông tin bổ sung cho các khoản mục

trên báo cáo tài chính. Trong phần này, từng khoản mục quan trọng của báo cáo tài chính sẽ được

cung cấp các thông tin chi tiết, giúp người sử dụng hình dung đầy đủ về tình hình tài chính của

doanh nghiệp. Ví dụ, khoản mục tài sản cố định trên bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp sẽ

được cung cấp các thông tin bổ sung về từng loại tài sản cố định theo nguyên giá, giá trị hao mòn,

giá trị còn lại với số dư đầu kì, biến động tăng, biến động giảm và số dư cuối kì.

13

Một phần rất quan trọng của thuyết minh báo cáo tài chính là tình hình biến động vốn chủ

sở hữu2. Phần này cung cấp thông tin chi tiết về từng thành phần trong vốn chủ sở hữu với số dư

đầu kì, biến động tăng, biến động giảm và số dư cuối kì.

Phần các thông tin khác bao gồm các sự kiện quan trọng xảy ra sau ngày lập báo cáo tài

chính, các khoản nợ tiềm tàng, các thông tin về các bộ phận kinh doanh,… Ví dụ, kết thúc quí một

hàng năm các đối tượng quan tâm mới nhận được báo cáo tài chính năm trước của doanh nghiệp,

khi đó tình hình tài chính thực tế có thể đã thay đổi nhiều so với những gì thể hiện trên báo cáo tài

chính này do có các sự kiện quan trọng xảy ra sau ngày lập (và trước ngày công bố) báo cáo tài

chính. Các sự kiện này không thể điều chỉnh trên báo cáo tài chính nên cần được giải trình trong

thuyết minh báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

Thực tế và Suy ngẫm 1.4

Ngày 11/3/2011 một trận động đất mạnh 8,9 độ Richter gây lên sóng thần cao 10m tràn qua thủ

đô Tokyo và thành phố Sendai của Nhật bản. Rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã bị thiệt hại

nặng nề. Trong thuyết minh số 19 - Các sự kiện xảy ra sau ngày lập báo cáo tài chính, báo cáo

tài chính hợp nhất cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2010 của Tập đoàn sản xuất lốp xe

Bridgestone có viết:

“ Thảm họa thiên nhiên này đã phá hủy các nhà máy Nhật Bản thuộc khu vực Kanto và phía

bắc của khu vực này, đặc biệt là các nhà máy Tochigi, nhà máy Nasu, nhà máy Kuroiso, nhà

máy Tokyo và nhà máy Yokohama. Các công ty đã ghi nhận khoản “chi phí khác” 2.261 triệu

yên liên quan tới việc sửa chữa, xây dựng lại các thiết bị và thiệt hại hàng tồn kho trong quí 1

năm 2011. Các công ty cho rằng thảm họa này sẽ không có ảnh hưởng trọng yếu tới hoạt động

kinh doanh của mình, mặc dù sản lượng tiêu thụ ở Nhật Bản sẽ giảm.”

1.2.5. Báo cáo kiểm toán

Trên phương diện của các đối tượng sử dụng báo cáo tài chính, bộ báo cáo tài chính sẽ chỉ

có ý nghĩa khi được sử dụng cùng với báo cáo kiểm toán. Báo cáo kiểm toán độc lập thể hiện ý

kiến của kiểm toán viên về tính trung thực, khách quan của các số liệu trên các báo cáo tài chính.

Có bốn loại ý kiến kiểm toán, đó là chấp nhận toàn phần, chấp nhận từng phần (ý kiến ngoại

trừ), từ chối đưa ra ý kiến (không thể đưa ra ý kiến) và không chấp nhận (ý kiến trái ngược). Các

đối tượng sử dụng thường mong muốn báo cáo tài chính của các doanh nghiệp được quan tâm có

ý kiến chấp nhận toàn phần của kiểm toán viên. Điểm mấu chốt của ý kiến chấp nhận toàn phần là

kiểm toán viên công nhận báo cáo tài chính đã phản ánh trung thực và hợp lí tình hình tài chính

của doanh nghiệp xét trên các khía cạnh trọng yếu. Trong thực tế, bên cạnh ý kiến chấp nhận toàn

2 Theo chuẩn mực kế toán quốc tế và chuẩn mực kế toán Mỹ, tình hình biến động vốn chủ sở hữu không thuộc thuyết minh báo

cáo tài chính mà được tách thành một báo cáo tài chính độc lập gọi là Báo cáo vốn chủ sở hữu, tương tự như Bảng cân đối kế toán,

Báo cáo kết quả kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Ở Việt Nam, các công ty chứng khoán có Báo cáo biến động vốn chủ

sở hữu được tách riêng là một báo cáo độc lập theo qui định của Thông tư 210/2014/TT-BTC.

14

phần kiểm toán viên đã đưa ra khá nhiều ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo tài chính của các công

ty cổ phần niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam khi không đồng tình với số liệu báo

cáo của một vài khoản mục trên báo cáo tài chính hoặc không có đủ cơ sở để đưa ra ý kiến. Các ý

kiến ngoại trừ của kiểm toán viên thường xoay quanh các vấn đề như trích lập dự phòng, giá trị

của một số các khoản mục tài sản như hàng tồn kho, tài sản cố định hoặc các khoản nợ phải trả.

Khi có ý kiến ngoại trừ, các đối tượng sử dụng cần điều chỉnh số liệu trên báo cáo tài chính theo ý

kiến của kiểm toán viên trước khi tiến hành phân tích báo cáo tài chính.

Thực tế và Suy ngẫm 1.5

Kiểm toán viên của Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán AAC đã đưa ra ý kiến ngoại trừ

đối với báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 của Công ty Cổ phần Cảng Thị Nại như sau:

“Cơ sở của ý kiến kiểm toán ngoại trừ

Như đã trình bày tại mục (*) của thuyết minh số 30, khoản phạt chậm tiến độ và vi phạm

hợp đồng 3.001.293.833 đồng được Công ty ghi nhận vào kết quả kinh doanh năm 2016

mà không hạch toán giảm nguyên giá tài sản cố định – Bến cập tàu 10.000 DWT là chưa

phù hợp với hướng dẫn hạch toán kế toán tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày

22/12/2014. Nếu hạch toán đúng qui định nêu trên thì trên Bảng cân đối kế toán, các chỉ

tiêu “Tài sản cố định”, “Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước” và “Lợi nhuận sau thuế

chưa phân phối ” sẽ giảm đi lần lượt là 2.901.250.706 đồng, 580.250.142 đồng và

2.321.000.564 đồng. Đồng thời trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, các chỉ tiêu

“Giá vốn hàng bán”, “Thu nhập khác”, “Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành”,

“Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp” và “Lãi cơ bản, suy giảm trên cổ phiếu”

giảm đi lần lượt là 100.043.127 đồng, 3.001.293.833 đồng, 580.250.142 đồng,

2.321.000.564 đồng và 301 đồng.

Ý kiến kiểm toán ngoại trừ

Theo ý kiến chúng tôi, xét trên các khía cạnh trọng yếu, ngoại trừ ảnh hưởng của vấn đề

nêu tại đoạn “Cơ sở của ý kiến ngoại trừ”, các báo cáo tài chính đã phản ánh trung thực

và hợp lí về tình hình tài chính của Công ty tại ngày 31 tháng 12 năm 2016 cũng như kết

quả hoạt động kinh doanh và tình hình lưu chuyển tiền tệ cho năm tài chính kết thúc cùng

ngày, phù hợp với các chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam và các

qui định pháp lí có liên quan đến việc lập và trình bày báo cáo tài chính.”

1.3. ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC NHÀ QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP TỚI BÁO CÁO TÀI

CHÍNH

Hầu hết số liệu trên các báo cáo tài chính có thể chịu tác động của các nhà quản trị doanh

nghiệp ở một mức độ nhất định. Các nhà quản trị doanh nghiệp tác động tới số liệu trên báo cáo

15

tài chính theo ba cách: (1) lựa chọn các phương pháp kế toán, (2) sử dụng các ước tính kế toán và

(3) dàn xếp các nghiệp vụ kế toán.

Theo chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán, các doanh nghiệp có nhiều lựa chọn trong việc

sử dụng các phương pháp kế toán khác nhau, vì vậy mặc dù báo cáo tài chính của doanh nghiệp

có ý kiến chấp nhận toàn phần của kiểm toán viên, số liệu trên báo cáo tài chính vẫn có một mức

độ “linh hoạt” nhất định phụ thuộc vào các phương pháp kế toán được chọn. Ví dụ, các doanh

nghiệp được quyền lựa chọn giữa phương pháp khấu hao theo đường thẳng, khấu hao theo số dư

giảm dần và khấu hao theo sản lượng để trích khấu hao các tài sản cố định của mình, hoặc lựa

chọn giữa phương pháp nhập trước - xuất trước hoặc bình quân khi xác định giá trị hàng tồn kho.

Mỗi phương pháp này sẽ dẫn đến các số liệu khác nhau trên các báo cáo tài chính về chi phí, lợi

nhuận và giá trị tài sản của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó các nhà quản trị có thể có những tác động nhất định tới số liệu báo cáo tài chính

theo hướng họ mong muốn thông qua việc phê chuẩn các ước tính kế toán. Chế độ kế toán - tài

chính luôn có một khoảng dao động giữa mức tối đa và mức tối thiểu cho các ước tính kế toán,

việc chọn một mức cụ thể trong khoảng dao động cho phép đó sẽ ảnh hưởng tới giá trị tài sản và

lợi nhuận báo cáo. Ví dụ, theo Thông tư 45/2013/TT-BTC, phương tiện vận tải đường bộ có khung

thời gian trích khấu hao từ 6 năm tới 10 năm. Để quyết định chọn thời gian trích khấu hao cho một

chiếc ô tô, nhà quản trị sẽ phải ước tính thời gian sử dụng kinh tế của chiếc ô tô này, từ đó ảnh

hưởng tới mức trích khấu hao. Việc ước tính này sẽ không bao giờ là chính xác nên số liệu trên

các báo cáo tài chính chỉ có thể đạt được mức độ hợp lí, tuân thủ theo các chế độ kế toán - tài chính

hiện hành, chứ không thể chính xác theo thực tế hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được.

Ngoài ra, các nhà quản trị có thể tác động tới số liệu trên các báo cáo tài chính thông qua việc

dàn xếp các nghiệp vụ kế toán. Ví dụ, phương pháp kế toán tài sản thuê hoạt động rất khác biệt so

với phương pháp kế toán tài sản thuê tài chính, do đó hai loại tài sản thuê ngoài này có những ảnh

hưởng khác nhau tới số liệu trên các báo cáo tài chính. Việc phân loại một tài sản thuê ngoài là thuê

hoạt động hay thuê tài chính hoàn toàn phụ thuộc vào các điều khoản kí kết trên hơp đồng, do đó các

nhà quản trị sẽ sắp xếp các điều khoản trên hợp đồng thuê để có được số liệu trên báo cáo tài chính

theo đúng mục đích của doanh nghiệp3. Các nhà quản trị cũng có thể làm tăng lợi nhuận kì hiện tại

bằng cách cắt giảm các chi phí hữu ích cho lợi nhuận trong tương lai của doanh nghiệp, như chi phí

nghiên cứu và phát triển.

1.4. BÁO CÁO TÀI CHÍNH TRONG MÔI TRƯỜNG KINH DOANH TOÀN CẦU

Có hai lí do cơ bản đòi hỏi hệ thống báo cáo tài chính doanh nghiệp cần có sự tương thích

nhất định giữa các quốc gia trong môi trường kinh doanh toàn cầu. Thứ nhất, trước khi quyết định

đầu tư mua cổ phiếu, trái phiếu của một doanh nghiệp nước sở tại, các nhà đầu tư nước ngoài cần

hiểu rõ về tình hình tài chính của doanh nghiệp này. Điều đó sẽ dễ dàng thực hiện hơn khi báo

cáo tài chính doanh nghiệp nước sở tại tương thích với báo cáo tài chính doanh nghiệp nước ngoài.

3 Vấn đề này sẽ được thảo luận kĩ hơn ở chương 2.

16

Thứ hai, sau khi một công ty nước ngoài đầu tư vào một công ty con ở nước sở tại, định kì sẽ cần

tiến hành lập báo cáo tài chính hợp nhất của tập đoàn. Nếu báo cáo tài chính của công ty con và

báo cáo tài chính công ty mẹ không tương thích nhau thì việc hợp nhất báo cáo tài chính sẽ rất khó

khăn.

Để báo cáo tài chính giữa các quốc gia tương thích với nhau, hệ thống chuẩn mực kế toán

và chế độ kế toán của các quốc gia cần phù hợp với nhau. Chính vì lẽ đó, Ủy ban Chuẩn mực kế

toán quốc tế (International Accounting Standard Committee - IASC4) đã ra đời năm 1973 với sự

tham gia của hiệp hội kế toán Úc, Anh và Ai len, Canada, Pháp, Đức, Nhật Bản, Mê - hi - cô, Hà

Lan và Mỹ. Ngày nay, Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế có khoảng 140 thành viên. Ủy ban

chuẩn mực kế toán quốc tế chịu trách nhiệm soạn thảo và ban hành các chuẩn mực kế toán quốc

tế (International Accounting Standards - IAS) và các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế

(International Financial Reporting Standards - IFRS). Các quốc gia thành viên có thể áp dụng

nguyên vẹn các các chuẩn mực kế toán quốc tế hoặc dựa trên các chuẩn mực kế toán quốc tế để

xây dựng các chuẩn mực kế toán cho riêng mình. Năm 1993 Việt Nam bắt đầu tiếp cận với các

chuẩn mực kế toán quốc tế và năm 1999 bắt đầu soạn thảo các chuẩn mực kế toán Việt Nam trên

cơ sở hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế. Tháng 12/2001 Việt Nam đã ban hành được bốn chuẩn

mực kế toán đầu tiên, và hiện nay đã ban hành được 26 chuẩn mực.

Trên thực tế, chuẩn mực kế toán các quốc gia và chuẩn mực kế toán quốc tế còn khá nhiều

điểm khác biệt. Hàng năm, chuẩn mực kế toán quốc tế và chuẩn mực kế toán các quốc gia đều

có sự sửa đổi để xích lại gần nhau hơn và phù hợp hơn với thực tiễn hoạt động kinh doanh cũng

như đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin của các đối tượng sử dụng.

Thực tế và Suy ngẫm 1.6

Cuối năm 1993 hãng Daimler-Benz trở thành doanh nghiệp Đức đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên

thị trường chứng khoán New York (NYSE). Các công ty niêm yết trên NYSE phải công bố các

báo cáo tài chính được lập theo các nguyên tắc kế toán Mỹ (US GAAP). Năm 1993 Lợi nhuận

của hãng Daimler-Benz là 615 triệu Mác Đức khi lập báo cáo kết quả kinh doanh theo hệ thống

kế toán Đức, nhưng đã báo cáo lỗ 1.839 triệu Mác Đức khi lập báo cáo kết quả kinh doanh theo

hệ thống kế toán Mỹ.

Ở Việt Nam, trong tiến trình cải cách hệ thống ngân hàng, các ngân hàng lớn phải lập báo cáo tài

chính theo cả VAS và IFRS. Năm 2015, Lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng TMCP Việt Nam

Thịnh Vượng (VPBank) là 2.396 tỉ đồng theo VAS và là 2.093 tỉ đồng theo IFRS. Công ty Cổ

phần Vincom (nay là Tập đoàn Vingroup) khi phát hành trái phiếu trên Thị trường Chứng khoán

Singapore cũng đã phải lập báo cáo tài chính theo IFRS. Lợi nhuận sau thuế của Vingroup năm

2015 là 1.501 tỉ đồng theo VAS và là 2.559 tỉ đồng theo IFRS.

Năm 2017 Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk báo cáo lợi nhuận sau thuế là 10.278 tỉ đồng

theo VAS và 8.792 tỉ đồng theo IFRS.

Nguồn:

• Diamond, Stice & Stice (2000). Financial Accounting: Reporting and Analysis. South-Western College

4 Năm 2001 đổi tên thành International Accounting Standard Board (IASB)

17

Publishing. Fifth Edition. pp.672.

• Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 của VPBank và Vingroup, Báo cáo thường niên năm 2017 của

Vinamilk.

TÓM TẮT

Báo cáo tài chính cung cấp thông tin về tình trạng tài chính, kết quả hoạt động và dòng tiền

lưu chuyển của doanh nghiệp sau mỗi kì kinh doanh. Các đối tượng sử dụng báo cáo tài chính bao

gồm cả bên trong doanh nghiệp (các nhà quản trị, công nhân viên) và bên ngoài doanh nghiệp (các

nhà đầu tư, các nhà cung cấp tín dụng, cơ quan thuế, …). Báo cáo tài chính cần đáp ứng các yêu

cầu tin cậy, kịp thời, so sánh được, coi trọng bản chất hơn hình thức, trọng yếu và phù hợp để đảm

bảo tính hữu ích đối với các đối tượng sử dụng. Hệ thống báo cáo tài chính bao gồm bảng cân đối

kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ và thuyết minh báo cáo tài chính.

Bảng cân đối kế toán cung cấp thông tin về tình hình tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu của

doanh nghiệp tại một thời điểm. Báo cáo kết quả kinh doanh cung cấp thông tin về doanh thu, chi

phí và kết quả kinh doanh trong một kì hoạt động của doanh nghiệp. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ

cung cấp thông tin về dòng tiền thu, chi trong một kì hoạt động của doanh nghiệp. Thuyết minh

báo cáo tài chính cung cấp các thông tin bổ sung, giúp người sử dụng hiểu rõ hơn về các con số

trên bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ của doanh

nghiệp. Các báo cáo tài chính này cần được sử dụng kèm theo báo cáo kiểm toán với ý kiến của

kiểm toán viên về tính trung thực, khách quan của các số liệu trên báo cáo tài chính. Các nhà quản

trị doanh nghiệp có thể có những tác động nhất định tới thông tin trình bày trên báo cáo tài chính

thông qua việc lựa chọn các phương pháp kế toán, phê chuẩn các ước tính kế toán và dàn xếp các

nghiệp vụ kế toán. Hệ thống báo cáo tài chính doanh nghiệp cần có sự tương thích nhất định giữa

các quốc gia nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư.

18

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

Câu hỏi

1. Báo cáo tài chính giúp các nhà cung cấp tín dụng ra quyết định như thế nào?

2. Báo cáo tài chính giúp các nhà đầu tư ra quyết định như thế nào?

3. Việc công bố báo cáo tài chính cho công nhân viên có ích lợi gì cho doanh nghiệp và cho

công nhân viên?

4. Tại sao báo cáo tài chính luôn phải trình bày dưới dạng so sánh giữa hai kì?

5. Hãy liệt kê và giải thích nội dung của các thành phần cơ bản của Bảng cân đối kế toán.

6. Hãy liệt kê và giải thích nội dung của các thành phần cơ bản của Báo cáo kết quả kinh

doanh.

7. Hãy liệt kê và giải thích nội dung của các thành phần cơ bản của Báo cáo lưu chuyển tiền

tệ.

8. Hãy giải thích các cách thức mà các nhà quản lí có thể tác động tới thông tin trình bày trên

báo cáo tài chính.

9. Vì sao cần có các chuẩn mực kế toán quốc tế? Chuẩn mực kế toán Việt Nam có nên thống

nhất với chuẩn mực kế toán quốc tế không? Vì sao?

10. Vì sao cần kiểm toán các báo cáo tài chính? Việc kiểm toán viên đưa ra ý kiến ngoại trừ có

ý nghĩa gì đối với đối tượng sử dụng báo cáo tài chính?

Bài tập

Bài 1

Các nghiệp vụ sau ảnh hưởng như thế nào tới phương trình cân đối kế toán cơ bản:

1. Mua hàng hóa chưa trả tiền cho người bán.

2. Tòa nhà văn phòng được bán với giá cao hơn giá trị còn lại trên sổ kế toán.

3. Tòa nhà văn phòng được bán với giá thấp hơn giá trị còn lại trên sổ kế toán.

4. Chi trả cổ tức cho cổ đông.

5. Nhận được vốn vay từ ngân hàng.

6. Phát hành cổ phiếu thu tiền mặt.

Bài 2

Theo công bố của Thanh tra Chính phủ về tình tình tài chính của Tập đoàn Công nghiệp tàu

thủy VINASHIN, tổng giá trị tài sản - nguồn vốn của Tập đoàn, tính tới cuối năm 2009, đạt hơn

102.500 tỷ đồng. Nếu loại trừ các công nợ nội bộ thì con số này còn lại gần 92.600 tỷ đồng. Trong

khi đó, tổng nợ phải trả của tập đoàn, cũng tính đến thời điểm nói trên đã lên tới hơn 86.700 tỷ

đồng.

(Nguồn:http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2011/06/vinashin-lo-no-nhieu-hon-bao-cao/)

Hãy xây dựng phương trình cân đối kế toán ngày 31/12/2009 cho VINASHIN.

19

Bài 3

Khoản 1 Điều 19 Luật Kiểm toán qui định kiểm toán viên hành nghề không được thực hiện

kiểm toán khi là thành viên, cổ đông sáng lập hoặc mua cổ phần, góp vốn vào đơn vị được kiểm

toán.

1. Vì sao cần phải có qui định này? Bạn có đồng ý với qui định này không?

2. Giả sử bạn là kiểm toán viên và bạn đã đầu tư vào HAG từ khi HAG không phải là khách

hàng của công ty bạn. Mùa kiểm toán năm nay, HAG đã chọn công ty của bạn để kí kết

hợp đồng dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính. Bạn được phân công thực hiện kiểm toán

tại HAG. Nếu bây giờ bạn bán cổ phiếu của HAG, bạn sẽ bị lỗ. Bạn sẽ làm gì?

Bài 4

Thuyết minh số 39b - báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 của Công ty Cổ phần Dược Hậu

Giang trình bày về các cam kết mua sắm tài sản của công ty như sau:

Các cam kết về chi tiêu tạo lập tài sản cố định tại ngày lập Bảng cân đối kế toán hợp nhất như

sau(đơn vị tính: triệu đồng)

31/12/2016 31/12/2015

Đã được duyệt nhưng chưa kí hợp đồng 25.292 51.906

Đã được duyệt và kí hợp đồng nhưng

chưa thực hiện 31.867 35.194

57.159 87.100

Bạn hãy phân tích ý nghĩa của thuyết minh này dưới góc độ của từng đối tượng sử dụng báo

cáo tài chính.

Bài 5

Dựa vào báo cáo tài chính năm 2017 của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) ở phụ

lục (trang 327) và trả lời các câu hỏi sau:

1. Công ty kiểm toán độc lập nào đã kiểm toán Báo cáo tài chính của Vinamilk? Kiểm toán

viên đã đưa ra loại ý kiến gì về báo cáo tài chính của Vinamilk?

2. Vốn tài trợ cho hoạt động kinh doanh của Vinamilk chủ yếu từ nguồn nào?

3. Hoạt động kinh doanh của Vinamilk tạo ra tiền hay làm thâm hụt tiền của công ty?

4. Vinamilk có các loại doanh thu nào? Nguyên tắc ghi nhận từng loại doanh thu đó như

thế nào?

5. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh nào tạo ra nhiều lợi nhuận nhất cho Vinamilk?

6. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh nào đạt mức tăng trưởng cao nhất? Lĩnh vực hoạt động

kinh doanh nào bị suy giảm?

7. Vinamilk có hoạt động thành công trong những năm gần đây không? Hãy giải thích.