nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

193
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BỘ QUỐC PHÒNG VIỆN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC Y DƯỢC LÂM SÀNG 108 NGUYỄN THÀNH NHÂN NGHIÊN CỨU TẠO HÌNH NÂNG MŨI BẰNG MÔ TỰ THÂN PHỐI HỢP VỚI VẬT LIỆU NHÂN TẠO Chuyên ngành : Răng Hàm Mặt Mã số : 62.72.06.01 LUẬN ÁN TIẾN SĨ Y HỌC Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS.TS. NGUYỄN TÀI SƠN 2. TS. NGUYỄN HUY THỌ HÀ NỘI - 2016

Upload: dinhkhanh

Post on 29-Jan-2017

232 views

Category:

Documents


6 download

TRANSCRIPT

Page 1: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BỘ QUỐC PHÒNG

VIỆN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC Y DƯỢC LÂM SÀNG 108

NGUYỄN THÀNH NHÂN

NGHIÊN CỨU TẠO HÌNH NÂNG MŨI

BẰNG MÔ TỰ THÂN

PHỐI HỢP VỚI VẬT LIỆU NHÂN TẠO

Chuyên ngành : Răng Hàm Mặt

Mã số : 62.72.06.01

LUẬN ÁN TIẾN SĨ Y HỌC

Người hướng dẫn khoa học:

1. PGS.TS. NGUYỄN TÀI SƠN

2. TS. NGUYỄN HUY THỌ

HÀ NỘI - 2016

Page 2: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi.

Các số liệu, kết quả nêu trong luận án này là trung thực và chưa từng

được ai công bố trong bất kỳ luận án nào khác.

Nguyễn Thành Nhân

Page 3: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

LỜI CẢM ƠN

Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến PGS.TS. Nguyễn Tài Sơn - Chủ

nhiệm bộ môn Răng Hàm Mặt Viện NCKH Y Dược Lâm sàng 108, người thầy

đã trực tiếp hướng dẫn tôi cho đến khi hoàn thành luận án này.

Tôi xin trân trọng cảm ơn đến TS. Nguyễn Huy Thọ nguyên Chủ nhiệm

khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo Hình Bệnh viện TƯQĐ 108 đã luôn tận

tình chỉ bảo, hướng dẫn tôi trong suốt quá trình thực hiện luận án này.

Tôi xin chân thành cảm ơn: PGS.TS. Nguyễn Bắc Hùng; TS. Vũ Ngọc

Lâm; TS. Nguyễn Quang Chung, TS. Nguyễn Quang Đức đã đóng góp nhiều ý

kiến quý báu giúp tôi hoàn thành luận án này.

Tôi xin trân trọng cảm ơn Ban lãnh đạo và tập thể nhân viên

- Bộ môn Răng Hàm Mặt và Phòng Sau đại học Viện nghiên cứu Khoa

học Y Dược Lâm sàng 108.

- Bệnh viện Chợ Rẫy TP. HCM.

- Bệnh viện Đa Khoa Mắt SÀI GÒN.

Là những nơi đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ tôi trong quá trình nghiên

cứu để hoàn thành luận án.

Xin chân thành cảm ơn các đồng nghiệp và toàn thể tập thể nhân viên

Bộ môn và các Bệnh viện luôn sát cánh động viên tôi trên con đường học tập

và nghiên cứu khoa học.

Cuối cùng xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến gia đình, bạn bè, đồng

nghiệp đã tin tưởng, động viên, quan tâm giúp đỡ tôi hoàn thành luận án này.

TP. Hồ Chí Minh - 2016

Nguyễn Thành Nhân

Page 4: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

MỤC LỤC

Trang Trang phụ bìa

Lời cam đoan

Lời cảm ơn

Mục lục

Danh mục chữ viết tắt

Danh mục các bảng, biểu đồ, hình

Đóng góp mới của luận án

ĐẶT VẤN ĐỀ ..................................................................................... 1

Chương 1: TỔNG QUAN TÀI LIỆU .................................................... 3

1.1. Đặc điểm giải phẫu mũi. ................................................................. 3

1.1.1. Khung xương ......................................................................... 4

1.1.2. Sụn mũi: gồm có 6 sụn chính .................................................... 5

1.1.3. Hệ thống dây chằng mũi .......................................................... 8

1.1.4. Da và mô dưới da.................................................................... 9

1.1.5. Các cơ tháp mũi .....................................................................10

1.1.6. Mạch máu .............................................................................11

1.1.7. Thần kinh chi phối tháp mũi ....................................................12

1.1.8. Niêm mạc và các van mũi .......................................................13

1.2. Đặc điểm hình thái mũi người Châu Á ứng dụng trong tạo hình mũi......14

1.3. Vật liệu cấy ghép..........................................................................17

1.3.1. Nhóm vật liệu có nguồn gốc sinh học .......................................18

1.3.2. Nhóm vật liệu tổng hợp nhân tạo và diễn biến sau khi cấy ghép....23

1.4. Các phương pháp nâng mũi............................................................26

1.4.1. Phương pháp nâng mũi đơn thuần ............................................27

1.4.2. Phương pháp nâng mũi kèm gia cố cấu trúc khung sụn đầu mũi ...27

1.4.3. Phương pháp mổ mũi kín ........................................................28

Page 5: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

1.4.4. Phương pháp mổ mũi mở ........................................................28

1.4.5. Phương pháp tạo hình nâng mũi sử dụng một loại vật liệu ...........29

1.4.6. Các phương pháp tạo hình nâng mũi phối hợp các loại vật liệu.....30

Chương 2: ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU ............36

2.1. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu hình thái ................................36

2.1.1. Đối tượng nghiên cứu hình thái ................................................36

2.1.2. Phương pháp nghiên cứu hình thái............................................37

2.2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu lâm sàng................................45

2.2.1. Đối tượng nghiên cứu lâm sàng nhóm B....................................45

2.2.2. Phương pháp nghiên cứu lâm sàng ...........................................47

2.2.3. Địa điểm và thời gian nghiên cứu .............................................47

2.2.4. Qui trình nghiên cứu lâm sàng: ................................................47

2.2.5. Quy ước đánh giá kết quả phẫu thuật ........................................61

2.3. Phương pháp xử lý số liệu..............................................................63

2.4. Đạo đức nghiên cứu ......................................................................63

Chương 3: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU .................................................64

3.1. Kết quả nghiên cứu hình thái nhóm A .............................................64

3.1.1. Tuổi .....................................................................................64

3.1.2. Giới......................................................................................65

3.1.3. Các thông số nhân trắc mũi nhóm A .........................................66

3.1.4. Phân bố các dạng mũi nhóm A theo giới tính. ............................67

3.2. Kết quả nghiên cứu nhóm lâm sàng B .............................................69

3.2.1. Tuổi .....................................................................................69

3.2.2. Kết quả theo giới....................................................................70

3.2.3. Đặc điểm lâm sàng nhóm B .....................................................70

3.2.4. Khảo sát phẫu thuật ................................................................71

3.2.5. Kết quả phẫu thuật nhóm lâm sàng B ........................................77

Page 6: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

Chương 4: BÀN LUẬN .......................................................................98

4.1. Bàn luận về kết quả nghiên cứu hình thái tháp mũi nhóm A . ...............98

4.1.1. Bàn luận về đối tượng.............................................................98

4.1.2. Bàn luận về khác biệt giới .......................................................99

4.1.3. Bàn luận về các dạng mũi........................................................99

4.1.4. Bàn luận về các thông số hình thái mũi ................................... 103

4.2. Bàn luận về kết quả nghiên cứu lâm sàng của nhóm B ..................... 105

4.2.1. Bàn luận về tuổi ................................................................... 105

4.2.2. Bàn luận về phương pháp nâng sống mũi ................................ 106

4.2.3. Bàn luận về chỉ định của phương pháp .................................... 107

4.2.4. Bàn luận về chọn lựa vật liệu ghép ......................................... 109

4.2.5. Bàn luận về qui trình kỹ thuật ................................................ 114

4.2.6. Bàn luận về kết quả thu hẹp chiều ngang cánh mũi và sự thay

đổi hình dáng lỗ mũi. .................................................................... 119

4.2.7. Bàn luận về biến chứng và xác suất mổ lại............................... 121

4.2.8. Bàn luận về kết quả cải thiện 7 thông số mũi trước và sau mổ nhóm B . 124

KẾT LUẬN...................................................................................... 130

KIẾN NGHỊ..................................................................................... 132

DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU

TÀI LIỆU THAM KHẢO

PHỤ LỤC

Page 7: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT

AC-AC : Chiều ngang nền mũi

AL-AL : Chiều ngang cánh mũi

BN : Bệnh nhân

Cs : Cộng sự

CSEG : Mảnh ghép mở rộng đuôi vách ngăn

NTP : Chiều dài mũi từ gốc đến chóp

NSN : Chiều dài mũi từ gốc đến trụ

NFA : Góc mũi trán

NLA : Góc mũi môi

PTV : Phẫu thuật viên

SEG : Mảnh ghép mở rộng vách ngăn

SN-TP : Chiều cao chóp mũi

StG : Mảnh ghép thanh chống trụ mũi.

NI : Chỉ số mũi.

DG : Mảnh ghép chêm.

SpG : Mảnh ghép rải.

AG : Mảnh ghép cánh mũi.

Page 8: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

DANH MỤC CÁC BẢNG

Trang

Bảng 1.1. Kích thước sụn cánh mũi lớn theo nhiều tác giả trên thế giới. .... 6

Bảng 3.1. Phân bố nhóm A theo lứa tuổi ............................................64

Bảng 3.2. Phân bố theo giới nhóm nam (A1) và nhóm nữ (A2) ...............65

Bảng 3.3. Các thông số nhân trắc mũi theo giới tính .............................66

Bảng 3.4. Phân bố các dạng mũi theo giới tính......................................67

Bảng 3.5. Phân bố nhóm B theo lứa tuổi ..............................................69

Bảng 3.6. Các dạng mũi trong nhóm B ...............................................70

Bảng 3.7. Phẫu thuật bổ sung .............................................................71

Bảng 3.8. Vật liệu được phối hợp để tạo hình nâng mũi .........................72

Bảng 3.9. Phân bố vật liệu theo nơi nhận ghép ......................................73

Bảng 3.10. Tỷ lệ mảnh ghép bổ sung cho các nơi khác của mũi ................73

Bảng 3.11. Biến chứng thời điểm trong 1 tháng đầu sau mổ ....................74

Bảng 3.12. So sánh biến chứng giữa 2 nhóm B1 và B2 ............................75

Bảng 3.13. Tỷ lệ phẫu thuật chỉnh sửa lại...............................................76

Bảng 3.14. Kết quả sớm .....................................................................77

Bảng 3.15. Đánh giá kết quả gần (sau mổ 1- 6 tháng) .............................78

Bảng 3.16. Sự thay đổi tỷ lệ các dạng mũi trước và sau mổ 1-6 tháng. .......79

Bảng 3.17. Đánh giá kết quả điều trị sau mổ trên 12 tháng ......................80

Bảng 3.18. Sự thay đổi tỷ lệ các dạng mũi sau mổ trên 12 tháng ..............81

Bảng 3.19. Cải thiện các thông số nhân trắc nhóm B sau mổ trên 12 tháng....82

Bảng 3.20. Số lượng các thông số mũi được cải thiện sau mổ nhóm B ......83

Bảng 3.21. So sánh kết quả trước và sau mổ nhóm B1 với nhóm hình thái A2 ...84

Bảng 3.22. So sánh kết quả trước và sau mổ nhóm B2 với nhóm hình thái A2 ..91

Bảng 4.1. So sánh tỷ lệ các dạng mũi................................................. 102

Bảng 4.2. So sánh các thông số nhân trắc mũi với các tác giả khác ........ 104

Bảng 4.3. So sánh cách phối hợp vật liệu trong tạo hình nâng mũi. ....... 113

Bảng 4.4. So sánh biến chứng với Choi J.Y. ....................................... 123

Bảng 4.5. So sánh kết quả cải thiện các thông số mũi với các tác giả khác .... 124

Page 9: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

DANH MỤC CÁC BIỂU ĐỒ

Trang

Biểu đồ 3.1. Phân bố nhóm A theo lứa tuổi...........................................64

Biểu đồ 3.2. Phân bố theo giới .............................................................65

Biểu đồ 3.3. Phân bố nhóm B theo lứa tuổi............................................69

Biểu đồ 3.4. Vật liệu được phối hợp để tạo hình nâng mũi .......................72

Biểu đồ 3.5. Đánh giá chung kết quả điều trị sớm. ..................................77

Biểu đồ 3.6. So sánh NTP trước và sau mổ nhóm B1 với nhóm A2..........85

Biểu đồ 3.7. So sánh NSN trước và sau mổ nhóm B1 với nhóm A2 ..........86

Biểu đồ 3.8. So sánh AL-AL trước và sau mổ nhóm B1 với nhóm A2.......87

Biểu đồ 3.9. So sánh AC-AC trước và sau mổ nhóm B1 với nhóm A2 ......87

Biểu đồ 3.10. So sánh BTP trước và sau mổ nhóm B1 với nhóm A2...........88

Biểu đồ 3.11. So sánh NFA trước và sau mổ nhóm B1 với nhóm A2. .........89

Biểu đồ 3.12. So sánh NLA trước và sau mổ nhóm B1 với nhóm A2 ..........90

Biểu đồ 3.13. So sánh NTP trước và sau mổ nhóm B2 với nhóm A2...........92

Biểu đồ 3.14. So sánh NSN trước và sau mổ nhóm B2 với nhóm A2 ..........93

Biểu đồ 3.15. So sánh AL-AL trước và sau mổ nhóm B2 với nhóm A2.......94

Biểu đồ 3.16. So sánh NTP trước và sau mổ nhóm B2 với nhóm A2...........95

Biểu đồ 3.17. So sánh SN-TP trước và sau mổ nhóm B2 với nhóm A2 .......95

Biểu đồ 3.18. So sánh NFA trước và sau mổ nhóm B2 với nhóm A2 ..........96

Biểu đồ 3.19. So sánh NLA trước và sau mổ nhóm B2 với nhóm A2 ..........97

Page 10: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

DANH MỤC CÁC HÌNH

Trang

Hình 1.1: Các tiểu đơn vị thẩm mỹ mũi ngoài .......................................... 4

Hình 1.2. Đặc điểm xương chính mũi. .................................................... 4

Hình 1.3. Cấu trúc khung xương - sụn mũi. ............................................. 5

Hình 1.4. Phân loại khớp nối giữa sụn mũi bên và sụn cánh lớn ................. 7

Hình 1.5. Cấu trúc vách ngăn. ............................................................... 8

Hình 1.6. Dây chằng treo nâng đỡ chóp mũi. ........................................... 9

Hình 1.7. Cấu trúc da và mô mềm tháp mũi............................................10

Hình 1.8. Các cơ tháp mũi....................................................................11

Hình 1.9. Hệ thống mạch máu mũi ngoài ...............................................12

Hình 1.10. Ba dạng của nhánh thần kinh mũi ngoài. ..................................13

Hình 1.11. Các điểm mốc theo Wang J.H. ...............................................14

Hình 1.12. Các thông số nhân trắc mũi theo Wang J.H. ............................15

Hình 1.13. Ba phương án ghép mở rộng vách ngăn (SEG) theo Byrd...........27

Hình 2.1. Bốn tư thế chụp hình mũi chuẩn .............................................38

Hình 2.2. Thước đo độ các góc mũi.......................................................38

Hình 2.3. Thước kẹp Vernier caliper .....................................................38

Hình 2.4. Máy chụp ảnh Canon 60D.....................................................39

Hình 2.5. Ống kính máy ánh KTS Canon 18-55mm ................................39

Hình 2.6. Các điểm mốc đo đạc 7 thông số nhân trắc mũi ........................39

Hình 2.7. Cách đo chiều dài mũi từ gốc đến chóp....................................41

Hình 2.8. Cách đo chiều dài mũi từ gốc đến trụ.......................................41

Hình 2.9. Cách đo chiều ngang cánh mũi ...............................................42

Hình 2.10. Cách đo chiều ngang nền mũi ................................................42

Hình 2.11. Cách đo chiều cao chóp mũi SN-TP ........................................43

Page 11: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

Hình 2.12. Cách đo góc mũi trán ............................................................43

Hình 2.13. Cách đo góc mũi môi ............................................................44

Hình 2.14. Các dạng mũi ......................................................................44

Hình 2.15. Sụn tự thân dùng để cấy ghép.................................................48

Hình 2.16. Mảnh ghép từ silicone có đục lỗ. ............................................49

Hình 2.17. Nẹp tự tiêu endotine ribbon....................................................49

Hình 2.18. Bộ dụng cụ phẫu thuật nâng mũi 28 dụng cụ ............................50

Hình 2.19. Máy cắt đốt điện cao tần........................................................50

Hình 2.20. Máy hút dịch .......................................................................50

Hình 2.21. Đèn đeo đầu hãng Heinz. .......................................................51

Hình 2.22. Lấy mảnh ghép từ sụn vành tai. ..............................................52

Hình 2.23. Phương pháp mổ mũi mở ......................................................53

Hình 2.24. Đường mổ mở xuyên trụ hình V đảo ngược. ............................53

Hình 2.25. Bộc lộ khung sụn và vách ngăn mũi. .......................................54

Hình 2.26. Mảnh ghép từ sụn vách ngăn. .................................................55

Hình 2.27. Phương án 1: Chỉ dùng sụn vách ngăn. ....................................55

Hình 2.28. Ghép endotine ribbon dọc theo sống mũi và đứng theo trụ mũi........56

Hình 2.29. Nẹp sụn vách ngăn vào khung ER ..........................................56

Hình 2.30. Phương án 2 dùng thêm sụn vành tai cho phía đối diện. .............57

Hình 2.31. Tạo hình trụ mũi với mảnh ghép mở rộng vách ngăn. ................57

Hình 2.32. Tạo hình chóp mũi bằng sụn vành tai ......................................58

Hình 2.33. Nâng lưng sống mũi bằng mảnh độn silicone. ..........................59

Hình 2.34. Đường rạch da kéo dài xuống trụ mũi......................................60

Hình 4.1. Phân bố địa lý theo chỉ số mũi trên thế giới. ............................. 100

Hình 4.2. (1). Trước mổ mũi còn hếch, bóng đỏ, mỏng đe dọa thủng.

(2). Sau mổ 18 tháng đầu mũi dài, hết đỏ. .............................. 111

Hình 4.3. SEG-cải tiến khi ghép thêm sụn vành tai bên đối diện. .............. 115

Page 12: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

Hình 4.4A: PDS có lỗ ......................................................................... 116

Hình 4.4B: Endotine ribbon ................................................................ 117

Hình 4.5. Mảnh ghép lớn của Boenisch M ............................................. 117

Hình 4.6A. Vật liệu thanh ER. ............................................................. 118

Hình 4.6B. Vật liệu tấm PDS ............................................................... 118

Hình 4.7. Trong mổ: Ghép endotine ribbon cho trụ mũi........................... 118

Hình 4.8. Sơ đồ thay đổi hình dáng lỗ mũi trước và sau mổ...................... 119

Hình 4.9. Hình dạng lỗ mũi BN N.T.D.T mã số 33A trước và sau mổ. ...... 120

Hình 4.10. Mô xơ phát triển xuyên qua lỗ trên mảnh silicone. .................. 121

Page 13: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN

1. Xác định được 7 thông số hình thái tháp mũi và phân loại được 9 dạng

mũi cơ bản, góp phần tạo cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc thẩm định,

đánh giá kết quả phẫu thuật tạo hình nâng mũi được hoàn thiện hơn.

2. Mô tả kỹ thuật mới : tạo hình mũi cấu trúc cải tiến - phối hợp mô tự thân

với vật liệu nhân tạo bao gồm:

- Dùng sụn tự thân ghép mở rộng vách ngăn và gia cố khung sụn di động

đầu mũi trước khi nâng sống mũi.

- Tạo hình chóp mũi bằng sụn vành tai.

- Phối hợp với vật liệu nhân tạo silicone, với thiết kế mới có nhiều lỗ

dùng tạo dáng cho phần khung xương-sụn mũi cố định.

Page 14: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

1

ĐẶT VẤN ĐỀ

Tạo hình nâng mũi là loại hình kỹ thuật rất phổ biến ở Châu Á, tuy

nhiên phương pháp và vật liệu dùng để tạo hình nâng mũi thì đa dạng và còn

nhiều quan điểm rất khác biệt [17], [52], [97]. Cho đến nay việc sử dụng vật

liệu tự thân vẫn được xem là ưu tiên hàng đầu vì mô tự thân có được tính

tương hợp sinh học cao [45] [59], [95], [99], [105], [122], [123]. Nhược điểm

của mô tự thân là số lượng và chất lượng không ổn định, khó được nuôi

dưỡng đầy đủ và có nguy cơ cao bị biến dạng với thời gian, nhất là khi cần

cấy ghép với khối lượng lớn trên người Á đông. Chính những điều này đã làm

giảm tính hấp dẫn khi sử dụng thuần tuý mô tự thân để nâng mũi cho người

châu Á [52], [55], [85], [102], [106].

Bên cạnh đó nhiều tác giả khác lại thành công khi nâng mũi thuần tuý

bằng vật liệu nhân tạo, vì cho rằng da và mô dưới da vùng mũi của người châu Á

thường dày hơn, săn chắc hơn [9], [48], [52]. Từ năm 1964, sau khi Khoo B.C.

mô tả sử dụng silicone để nâng mũi, thì nhiều PTV châu Á chuyển xu hướng

sang dùng thuần túy silicone trong tạo hình nâng mũi [52], [55]. Theo Myriam

Loyo (2013), nhiều nghiên cứu theo dõi trong thời gian dài trên người đã

chứng minh tính an toàn của một số chất liệu nhân tạo tương hợp sinh học cao

như: Silicone, Gore-tex, Medport [86]. Trong đó, silicone dẻo là thông dụng

nhất được dùng để nâng mũi cho người châu Á cho đến nay [52], [59], [86],

[102]. Tuy nhiên, sau thời gian dài sử dụng silicone thuần túy để nâng sống

mũi, phương pháp này cũng bộc lộ một số yếu điểm như: lộ chất liệu độn,

mỏng da, căng bóng thậm chí thủng da, tạo sẹo lõm co rút biến dạng chủ yếu

vùng đầu mũi [63], [64], [94], [98].

Nhằm phát huy ưu điểm và khắc phục nhược điểm của hai nhóm

chất liệu chính này, nhiều tác giả trên thế giới đã thành công khi dùng mô

Page 15: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

2

tự thân theo một kỹ thuật mới nhằm gia cố một số cấu trúc khung sụn ở

phần đầu mũi di động trước, sau đó phần khung sụn - xương mũi cố định

thì phối hợp với vật liệu nhân tạo hoặc mô tự thân [55], [59], [65], [97],

[98], [125]. Ngày nay việc phối hợp vật liệu theo xu hướng này đã được nhiều

tác giả trên thế giới ứng dụng trong thực tế lâm sàng, còn được gọi là phương

pháp tạo hình mũi cấu trúc [57], [65], [113], [114].

Tại Việt Nam, chưa có nhiều nghiên cứu chuyên sâu về tạo hình nâng

mũi, mà chủ yếu là điều trị sau chấn thương hay bệnh lý [1], [11]. Trên thực

tế việc sử dụng thuần túy silicone để nâng mũi vẫn còn khá phổ biến, dẫn đến

nhiều di chứng đặc biệt ở vùng đầu mũi [85]. Những di chứng này gây ảnh

hưởng trầm trọng đến chức năng và thẩm mỹ vùng mặt nhưng chưa có nhiều

nghiên cứu trong y văn nước nhà. Một số tác giả như: Nguyễn Huy Thọ và cs

(1995) [6], Lê Đức Tuấn (2004) [11], Vũ Công Trực (2007) [10], Trần Thị

Bích Liên (2009) [5], Bùi Duy Vũ (2011) [13] đã có những công bố nghiên

cứu tạo hình nâng mũi chủ yếu bằng mô tự thân hoặc sử dụng thuần tuý

silicone. Việc phối hợp mô tự thân với vật liệu nhân tạo theo hướng gia cố

cấu trúc khung sụn đầu mũi trong tạo hình nâng mũi hầu như chưa được

nghiên cứu và đánh giá. Chính vì nhu cầu cấp thiết khắc phục những hạn chế,

di chứng do nâng mũi và góp phần cho phẫu thuật tạo hình nâng mũi được

hoàn thiện hơn, chúng tôi thực hiện đề tài: “Nghiên cứu tạo hình nâng mũi

bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu nhân tạo”, với hai mục tiêu:

1. Xác định một số đặc điểm hình thái tháp mũi của người Việt

trưởng thành ứng dụng cho tạo hình nâng mũi.

2. Đánh giá kết quả tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp

với vật liệu nhân tạo.

Page 16: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

3

Chương 1

TỔNG QUAN TÀI LIỆU

Sự hiểu biết về cấu trúc giải phẫu và hình thái mũi người Việt cũng như

mối tương quan của chúng là rất cần thiết, là yếu tố quyết định cho sự thành

công khi phẫu thuật tạo hình nâng mũi.

1.1. Đặc điểm giải phẫu mũi.

Mũi có hình dáng lăng trụ tứ giác hình tháp bao gồm 3 phần chính:

khung xương-sụn mũi, bên ngoài phủ bởi da, tổ chức mô mềm dưới da và lót

bên trong bởi niêm mạc. Ngoài ra mũi còn được chia làm 3 tầng: tầng cố định

(ứng với phần xương chính mũi); tầng bán cố định (ứng với vị trí 2 sụn mũi

bên); tầng di động (ứng với sụn cánh lớn và các sụn vừng). Tầng di dộng còn

gọi là đầu mũi gồm 2 phần tiểu trụ và chóp mũi [115]. Các phần tạo nên vòm

mũi gồm: xương chính mũi, sụn mũi bên và sụn cánh lớn. Các phần tạo nên

vách ngăn mũi gồm: xương (mảnh thẳng xương sàng, xương lá mía) và sụn

(sụn vách mũi, sụn lá mía, trụ trong của sụn cánh lớn).

Mũi còn được chia làm 3 phần mũi ngoài (còn gọi là tháp mũi), mũi

trong, và các xoang. Giải phẫu mũi ngoài được các nhà tạo hình thẩm mỹ

quan tâm ứng dụng trong lâm sàng nhiều hơn. Phía trên mũi ngoài được gắn

vào phần dưới trán bởi gốc mũi. Từ gốc đến chóp mũi là một gờ tròn, gọi là

sống mũi, và nối dài xuống dưới là chóp mũi. Về mặt giải phẫu thẩm mỹ có

thể chia mũi ngoài thành 6 tiểu đơn vị (Hình 1.1).

Trong quá trình phẫu thuật phải tôn trọng các tiểu đơn vị thẩm mỹ và

các đường rạch da, nếp sẹo phải nằm trên ranh giới các đơn vị này thì kết quả

sẽ được cải thiện hơn [135].

Page 17: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

4

Hình 1.1: Các tiểu đơn vị thẩm mỹ mũi ngoài

“Nguồn: ÏÅÉÏËÀ À.Ä. (2007)” [135]

1.1.1. Khung xương

Khung xương mũi ngoài: là một vành xương hình quả lê, gồm có 2 xương

mũi và phần mũi của xương trán, mỏm trán và gai mũi của xương hàm trên.

Xương mũi là xương đôi nhỏ và dài, hình tứ giác gồm hai mặt, dầy ở trên (2,06

mm) nhưng mỏng dần (1,51mm) ở giữa và khi xuống dưới và ra ngoài (1,11mm)

[68]. Theo Kim. C.H có 8 dạng xương chính mũi cơ bản theo tỷ lệ trên hình 1.2,

trong đó loại 1 chiếm 28,1% và loại 2 chiếm 28% là phổ biến nhất.

(n=57) 28,1% 28,0% 12,3% 17,5%

5,3% 1,8% 3,5% 3,5%

Hình 1.2. Đặc điểm xương chính mũi.

“Nguồn: Kim CH, Jung DH, Park MN, Yoon JH (2010), Laryngoscope” [68]

Gốc mũi

Sống mũi

Thành bên mũi

Chóp mũi Cánh mũi

Tam giác phần mềm mũi Trụ mũi

Page 18: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

5

1.1.2. Sụn mũi: gồm có 6 sụn chính

- Các sụn mũi: gồm sụn mũi bên, sụn cánh mũi lớn, sụn cánh mũi nhỏ,

các sụn mũi phụ (sụn vừng), sụn vách mũi và sụn lá mía.

Hình 1.3. Cấu trúc khung xương - sụn mũi.

“Nguồn: Frank H. Netter (2012), Atlas giải phẫu người, trang 45”[2]

+ Sụn mũi bên: Sụn mũi bên gồm 2 sụn nằm hai bên vách mũi. Có

hình tam giác, phẳng, có 3 bờ; bờ trong tiếp giáp với 2/3 trên của bờ trước sụn

vách mũi; bờ trên ngoài khớp với xương mũi và mỏm trán xương hàm trên;

bờ dưới khớp với sụn cánh lớn, thường lõm xuống tạo rãnh và nằm dưới bờ

trên trụ ngoài sụn cánh lớn 2-3mm [9], [48]. Bờ này tạo một gờ vào trong tiền

đình mũi gọi là nếp mũi. Han S.K và cs. (2006) nghiên cứu trên 10 xác người

và nhận thấy sụn mũi bên có hình bầu dục hoặc tam giác. Chiều cao của bờ

trong sụn mũi bên tính cả phần sụn nằm dưới xương mũi, theo nghiên cứu này

trung bình là: 17,9 ± 2,28mm [48].

Page 19: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

6

+ Sụn cánh mũi lớn: gồm 2 sụn nằm 2 bên đỉnh mũi. Sụn cong hình

chữ U, có 2 trụ và phân đoạn vòm ở giữa: trụ trong tiếp với sụn vách mũi và

cùng với trụ trong của sụn cánh lớn bên đối diện tạo nên phần dưới của vách

mũi di động. Trụ ngoài lớn và dài hơn, tạo nên phần ngoàì cánh mũi. Phân

đoạn vòm là vùng chuyển tiếp giữa trụ trong và trụ ngoài. Theo Daniel R.K.

hình dạng sụn cánh mũi lớn rất thay đổi và không thể đếm hết được [111].

Đây là một trong những cấu trúc nâng đỡ chóp mũi góp phần quyết định sự

thành công khi nâng mũi. Việc kết hợp hai sụn cánh mũi lớn hai bên và trụ

mũi ở giữa tạo thành một khối kiềng ba chân, nguồn gốc của thuyết kiềng ba

chân và khái niệm cung động học M. Những khái niệm này ảnh hưởng đến

việc lựa chọn kỹ thuật và kết quả trong tạo hình thẩm mỹ mũi [135].

Bảng 1.1. Kích thước sụn cánh mũi lớn theo nhiều tác giả trên thế giới.

Trần Thị

Anh Tú,

Việt Nam

(n=10)

Han S.K,

Hàn Quốc

(n=20)

Harlem Hos,

Châu Phi

(n=12)

Zelnik et al,

Châu Âu

(n=27)

Chiều dài sụn

cánh mũi 15 ±2,6 mm 19,7 ±3,2 mm 18mm 22mm

Chiều rộng

sụn cánh mũi 9 ±1,8 mm 10,5 ±1,5 mm 12mm 11mm

"Nguồn: Han S. K. (2006), Koonja Publishing Inc" [48]

Page 20: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

7

Kích thước trung bình sụn cánh mũi lớn ở người Việt là nhỏ nhất so với

các dân tộc châu Âu, châu Phi và thậm chí là châu Á cụ thể là Hàn Quốc [48].

Bờ trên sụn cánh lớn khớp với bờ dưới sụn mũi bên theo một trong 3

kiểu [9] tận-tận, chồng lên, tạo rãnh. Theo tác giả Trần Thị Anh Tú (2003)

kiểu tận - tận chiếm 37%; chồng lên chiếm 20% và tạo rãnh chiếm 43%.

Ngoài ra sụn cánh mũi lớn của người Việt luôn có chiều dài ngắn hơn và

chiều ngang hẹp hơn và mỏng manh hơn so với kết quả nghiên cứu của Han

S.K. [48]. Nhưng theo Kim C.H. thì có thêm kiểu thứ tư là hai bờ mép sụn

không khớp nhau và có khoảng cách rời nhau giữa chúng [68]. Đây là yếu tố

quan trọng cần chú ý khi bóc tách giữa hai bờ sụn để kéo dài mũi.

Loại I: 59,5% Loại II: 11,9% Loại III: 16,7% Loại IV: 11,9%

Hình 1.4. Phân loại khớp nối giữa sụn mũi bên và sụn cánh lớn

“Nguồn: Kim CH, Jung DH, Park MN, Yoon JH (2010), Laryngoscope” [68]

+ Sụn cánh nhỏ: nằm giữa sụn cánh lớn và sụn mũi bên.

+ Sụn cánh phụ hay còn gọi là sụn vừng nằm bên trên sụn cánh nhỏ

+ Sụn vách ngăn: hình tứ giác nằm trên đường giữa. Bờ trước trên

tương ứng với sống mũi. Bờ trước dưới đi từ góc trước đến gai mũi trước,

Page 21: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

8

cùng với hai trụ trong của sụn cánh mũi lớn tạo nên trụ mũi. Bờ sau trên của

sụn vách ngăn khớp với mảnh thẳng của xương sàng. Bờ sau dưới khớp với

bờ trước của xương lá mía và phần trước của mào mũi xương hàm trên [9].

Đây là cấu trúc chịu lực chính cho chóp mũi. Đối với Byrd HS [29] vách ngăn

mũi là cột nâng đỡ toàn bộ vòm sụn của mũi.

+ Sụn lá mía: là hai sụn dài nhỏ nằm dọc theo bờ sau dưới của sụn

vách ngăn.

Hình 1.5. Cấu trúc vách ngăn.

“Nguồn: Frank H. Netter (2012), Atlas giải phẫu người, tr. 46” [2]

1.1.3. Hệ thống dây chằng mũi

Ngoài khung xương sụn nêu trên cấu trúc nâng đỡ chóp mũi còn bao

gồm: cơ, mô liên kết và các nhóm dây chằng.

Có 4 nhóm dây chằng tạo nên cấu trúc nâng đỡ chóp mũi (hình 1.6):

Page 22: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

9

I. Dây chằng giữa sụn mũi bên và sụn cánh mũi lớn.

II. Dây chằng giữa chân bên sụn cánh mũi lớn và sụn cánh mũi nhỏ.

III. Dây chằng gian vòm: treo giữa hai phân đoạn vòm sụn cánh mũi lớn.

IV. Dây chằng gian trụ: treo giữa 2 trụ trong sụn cánh mũi lớn và các

chỗ bám tới đuôi vách ngăn [115].

Hình 1.6. Dây chằng treo nâng đỡ chóp mũi.

“Nguồn: Siemionow M.Z (2010),”Plastic and Reconstructive Surgery”,

Springer-Verlag London Limited” [115]

Ngoài ra theo Han S.K. còn có dây chằng da - sụn nằm dọc theo đường

giữa, dính vào phân đoạn vòm của sụn cánh lớn, biến mất dần vào sụn vách

ngăn [48]. Những cấu trúc nâng đỡ này thường bị gián đoạn, hoặc phá vỡ khi

mổ mở. Do đó cần tái tạo lại những cấu trúc này nhằm bảo đảm tái tạo tháp

mũi mới ổn định về cấu trúc cũng như về chức năng [48].

1.1.4. Da và mô dưới da

Theo Han S.K (2006) da tháp mũi ít lông và tương đối dày ở một phần

ba trên của mũi. Da trở nên mỏng hơn ở đoạn một phần ba giữa, ở đoạn một

phần ba dưới thì dày trở lại và có nhiều tuyến bã. Da người châu Á thường

Dây chằng nhóm I

Dây chằng nhóm III Dây chằng nhóm II

Dây chằng nhóm IV

Page 23: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

10

dầy và săn chắc nên có thể sử dụng chất liệu nhân tạo thuần tuý khi tạo

hình nâng mũi [48].

Mô mềm dưới da bao gồm: các cơ, mạch máu, thần kinh, mô mỡ và các

mô liên kết khác.

Hình 1.7. Cấu trúc da và mô mềm tháp mũi.

“Nguồn: Yong Ju Jang (2014), Koonja Publishing Inc” [119]

1.1.5. Các cơ tháp mũi

Có 8 cơ vùng mũi bao gồm: 1. Cơ nâng môi trên; 2. Cơ hạ cánh mũi;

3. Cơ mảnh khảnh (cơ tháp); 4. Cơ hạ lỗ mũi (phần cánh cơ mũi); 5. Cơ nở lỗ

mũi sau (phần ngang cơ mũi); 6. Cơ hạ vách mũi; 7. Cơ nở lỗ mũi trước; và 8.

Cơ hẹp lỗ mũi bé.

Các cơ của mũi theo tên gọi, phục vụ hai chức năng chính là: di chuyển

đầu mũi và hỗ trợ dòng không khí qua mũi. Các cơ mũi nằm ở bên trong của

hệ thống cân mạc nông vùng mũi (SMAS) và hoạt động như là dây chằng đỡ

trong suốt quá trình co kéo cơ [48], [55]. Sự co kéo không hợp lý của cơ hạ

vách mũi có thể làm đầu mũi lệch xuống dưới khi cười. Trong liệt thần kinh

Da Lớp mỡ nông dưới da

Cơ mũi và mô liên kết

Lớp mỡ sâu

Màng sụn Sụn

Page 24: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

11

mặt, cơ nâng môi trên, cơ hạ cánh mũi bị liệt, không thể giữ van mũi ngoài

mở, do đó dẫn tới tắc nghẽn đường mũi bên lệch [48], [115]. Cần chú ý đến

các cơ này để bảo tồn chức năng thở và linh động sau khi tạo hình mũi mở.

Hình 1.8. Các cơ tháp mũi.

“Nguồn: Yong Ju Jang (2014), Koonja Publishing Inc. [55]

1.1.6. Mạch máu

Sự cấp máu cho mũi xuất phát từ động mạch cảnh trong và động mạch

cảnh ngoài.

Sự cấp máu bên ngoài mũi từ hai nguồn bởi động mạch mắt - thuộc

nhánh mắt của động mạch cảnh trong và động mạch mặt - một nhánh của

động mạch cảnh ngoài. Các nhánh lưng mũi của động mạch mắt cấp máu

chủ yếu cho gốc mũi và 2/3 sống mũi trên. Còn các nhánh của động mạch

mặt cung cấp máu cho phần đầu và trụ mũi phía dưới [55]. Đây là những

nhánh dễ tổn thương khi mổ mũi mở và cắt cánh mũi. Tuy nhiên năm 2012

Cơ mảnh khảnh

Cơ nở lỗ mũi trước

Cơ hẹp lỗ mũi trước

Cơ hạ vách mũi Cơ hạ cánh mũi Cơ vòng môi

Cơ nâng môi trên

Cơ nở lỗ mũi sau

Page 25: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

12

Saban Yves đã chỉ ra rằng khi mổ mũi mở, nếu bóc tách dưới SMAS là an

toàn vì mạch máu nuôi chóp mũi có từ nhiều nguồn rất phong phú [112].

Sự cấp máu bên trong và từ trên mũi chủ yếu từ động mạch sàng trước

và động mạch sàng sau, cũng là nhánh của động mạch mắt. Bên trong mũi từ

phía dưới vách ngăn được cấp máu từ động mạch khẩu cái lớn và các nhánh

của động mạch mặt [55]. Các nhánh của hai nguồn máu nuôi này tập trung ở

vùng trước hai bên vách ngăn mũi tạo thành điểm mạch (gọi là điểm mạch

Kisselbach), nơi thường xảy ra chảy máu mũi tự phát [55].

Hình 1.9. Hệ thống mạch máu mũi ngoài

“Nguồn: Frank H. Netter (2012), Atlas giải phẫu người, trang 45” [2]

1.1.7. Thần kinh chi phối tháp mũi

Cảm giác cho vùng mũi ngoài được chi phối bởi các nhánh thần kinh

hàm trên và nhánh thần kinh mắt của thần kinh sọ V. Nhánh thần kinh

Page 26: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

13

mắt chi phối cảm giác cho vùng gốc mũi và tháp mũi, trong khi phân nhánh

thần kinh hàm trên chi phối cảm giác cho vùng cánh mũi.

Về phía trong, cảm giác mũi được phân bố bởi thần kinh mũi mi và

thần kinh hạch bướm khẩu cái [55], do vậy khi phẫu thuật mũi có thể gây tê

gốc ở dây thần kinh hàm trên. Han S.K và cs (2006) nhận thấy nhánh thần

kinh mũi ngoài (External nasal nerve) có 3 dạng cơ bản (Hình 1.10) và cách

tránh tổn thương nó khi phẫu thuật là hạn chế bóc tách rộng vùng này [48].

Hình 1.10. Ba dạng của nhánh thần kinh mũi ngoài.

"Nguồn: Han S.K. (2006), Koonja Publishing Inc" [48]

1.1.8. Niêm mạc và các van mũi

Phần da lót bên trong mũi thường có lông và phần niêm mạc có tuyến

nhầy vùng tiền đình mũi, phía trong và lên trên có vùng niêm mạc có tế bào

biểu mô trụ mỏng, tế bào nhầy và các tế bào khứu giác gắn liền với thần kinh

khứu giác [11].

Ngoài ra ở vùng này còn có van mũi ngoài và van mũi trong, hai van

mũi này có ý nghĩa rất quan trọng cho việc thông khí. Trong tạo hình mũi mở

cần lưu ý hai ngách van này. Van mũi ngoài giới hạn từ rìa lổ mũi vào trong

niêm mạc đến mép dưới của sụn cánh mũi lớn, đây là vùng rạch da khi mổ

mở và sẹo co rút sau mổ có thể làm hẹp van mũi ngoài.

Page 27: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

14

Van mũi trong là góc tạo bởi sụn vách ngăn với giao điểm nối sụn cánh

lớn và sụn mũi bên. Góc này thường bị thu hẹp khi nẹp thêm các mảnh ghép

hai bên sụn vách ngăn trong tạo hình mũi mở, dẫn đến bệnh nhân bị cảm giác

khó thở. Cần chú ý các van này khi phẫu thuật, bảo tồn sự thông thoáng khe

mũi sau mổ, nhằm không gây ảnh hưởng đến chức năng thở và ngửi mùi [55].

1.2. Đặc điểm hình thái mũi người Châu Á ứng dụng trong tạo hình mũi

Hầu hết các số liệu về hình thái khuôn mặt và cấu trúc tháp mũi đều

được nghiên cứu sớm từ người da trắng, một số ít trên người da đen sau đó

đến người Trung Quốc và các nước châu Á [9]. Tác giả Abdelkader M.

(2005) và cs. nghiên cứu sự khác biệt hình dáng mũi ngoài của 3 nhóm

người đàn ông từ châu Âu, Ấn Độ và Trung Quốc cho thấy chiều ngang

cánh mũi của người Trung Quốc khác biệt rộng hơn 2 nhóm còn lại có ý

nghĩa thống kê [14].

Hình 1.11. Các điểm mốc đo đạc hình thái mũi theo Kyle S.C. (2004) [76]

Page 28: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

15

Hình 1.12. Các thông số nhân trắc mũi theo Wang J.H. (2009) [126]

Tại Hàn Quốc (2007), Wang J.H. cùng cs. nghiên cứu hình thái tháp

mũi trên 123 bệnh nhân và cho rằng mũi người Hàn Quốc thấp hơn, có góc

mũi môi nhọn hơn so với người da trắng nhưng góc mũi trán thì như nhau

[126]. Các tác giả trên đều đồng thuận rằng các thông số nhân trắc mũi của

người châu Á và châu Âu khác biệt có ý nghĩa. Tác giả Leong S.C. và cs đã

tổng hợp số liệu về chỉ số mũi NI (là tỷ lệ chiều ngang cánh mũi AL-AL /

chiều dài mũi NSN x100) từ 1966 đến 2008 và lập bản đồ phân bố NI theo

chủng tộc trên thế giới. Người Đông Nam Á có chỉ số mũi (NI) trung bình là

86-90 thuộc nhóm có cánh mũi rất rộng [81].

Tại Việt Nam, Phan Ngọc Toàn (1999) có nghiên cứu đặc điểm hình

thái khuôn mặt trên 431 sinh viên bao gồm cả mũi bằng phương pháp đo trực

tiếp. Tác giả phân loại thành 4 dạng mũi cơ bản là mũi thẳng, mũi có ụ sống

mũi, mũi hếch và mũi tẹt. Khi so sánh với người Châu Âu thì mũi người Việt

ngắn hơn, thấp hơn, chóp mũi to hơn và nền mũi rộng hơn [8].

Sau đó Trần Thị Anh Tú (2003) thực hiện nghiên cứu hình thái mũi

bằng phương pháp đo trên ảnh kỹ thuật số 400 sinh viên, với kết quả tạm xếp

thành 6 dạng mũi cơ bản: mũi thẳng (53,5%), mũi lõm (39,25%), mũi gãy

(2%), mũi gồ (5,25%), mũi hếch (17%), mũi khoằm (1,5%) [9].

Page 29: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

16

Nhìn chung khi nghiên cứu về hình thái mũi thì các tác giả chủ yếu

dùng phương pháp đo trực tiếp hoặc đo trên ảnh kỹ thuật số và xử lý bằng các

phần mềm khác nhau [9]. Năm 2005, Nguyễn Hữu Khôi và cs đã khảo sát cấu

trúc giải phẫu khung sụn mũi trong đường mổ thẩm mỹ mũi ngoài, đã đưa ra

các thông số cần thiết để ứng dụng trong lâm sàng [4].

Trong thực tế, các thông số nhân trắc chuẩn để tạo hình mũi cho từng

cộng đồng, dân tộc là khác biệt. Theo Ahmed O. (2014) thì góc mũi mặt

(columellar facial angle - CFA) hấp dẫn nhất ở 106 độ [16], còn Jang J.Y.

(2014) cho rằng góc mũi môi (NLA) vào khoảng 97,3± 8,6 độ và góc mũi trán

(NFA) khoảng 137,5 ± 6,9 độ là được nhiều người yêu thích nhất. Ngoài ra

hình dáng mũi thẳng được công chúng đồng thuận nhiều hơn các dạng khác

[55]. Tác giả Pearson D.C. (2004) xác nhận không có sự khác biệt có ý nghĩa

giữa hình dáng mũi lý tưởng mô phỏng với hình dáng mũi theo yêu cầu của

bệnh nhân [101].

Tác giả Jang Y.J đề xuất tiêu chuẩn của một tháp mũi lý tưởng thì cần

có những tiêu chí sau [55]:

1. Chiều dài sống mũi bằng 2/3 chiều dài tầng mặt giữa (khác với tác

giả châu Âu là bằng chiều dài tầng mặt giữa 1:1).

2. Chiều cao chóp mũi bằng 2/3 chiều dài sống mũi.

3. Chiều rộng phần xương sống mũi bằng 75-85% chiều ngang cánh mũi.

4. Chiều rộng của cánh mũi bằng khoảng cách giữa hai góc mắt trong.

5. Góc mũi trán khoảng 137,5 ± 6,9 độ

6. Góc mũi môi khoảng 97,3 ± 8,6 độ

7. Nhìn từ phía bên, tiểu trụ nhô ra về phía dưới 2-3mm so với bờ dưới

cánh mũi.

Page 30: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

17

Theo Honrado C.P. (2003) thì góc mũi môi (NLA) thích hợp là 95-100

cho đàn ông và từ 100-110 ở nữ giới [49].

Mặc dù còn nhiều tranh luận và quan điểm khác nhau về mẫu mũi lý

tưởng nhưng đây là những mốc cơ bản làm cơ sở ứng dụng cho phẫu thuật tạo

hình nâng sống mũi người Châu Á.

Tóm lại theo y văn tháp mũi người Châu Á thường có những đặc điểm sau:

- Nhỏ và thấp hơn chủng da trắng và da đen.

- Da và mô dưới da dầy và săn chắc hơn.

- Sống mũi rộng hơn, thấp hơn so với người da trắng.

- Độ nhô thấp, sụn cánh mũi mỏng manh và tiểu trụ ngắn.

- Lỗ mũi rộng và thường bị dẹp hơn theo chiều ngang.

- Cánh mũi rộng hơn người da trắng nhưng nhỏ hơn cánh mũi người da đen.

1.3. Vật liệu cấy ghép

Việc tìm kiếm vật liệu ghép thích hợp đồng hành từ khi kỹ thuật nâng

mũi ra đời cho đến nay. Đặc điểm của nó bao gồm:

- Tương hợp về mặt sinh học, ít phản ứng miễn dịch.

- Nguy cơ dị ứng, nhiễm trùng thấp.

- Cấu trúc co giãn, đàn hồi và bền với thời gian

- Kích thước đa dạng và khả năng tạo hình dễ dàng

- Không gây phản ứng viêm, ung thư và lây bệnh

- Chi phí thấp

- Ít ây tổn thương nơi cho và dễ dàng bỏ đi nếu cần.

Cho đến nay việc tìm kiếm này vẫn được tiến hành tiếp tục và chủ

yếu từ 2 nhóm vật liệu chính là:

- Vật liệu có nguồn gốc sinh học: mô tự thân, mô đồng loại, hoặc dị loại.

Page 31: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

18

- Vật liệu tổng hợp nhân tạo bao gồm vật liệu trơ (Silicone, Goretex,

Medport) [86], và vật liệu nhân tạo tự tiêu như PDS [20], [35], [53], [107],

[124], Endotine Ribbon [23], [70], [84]; Integra [103] cũng đã được sử dụng.

1.3.1. Nhóm vật liệu có nguồn gốc sinh học

1.3.1.1. Nhóm vật liệu từ mô tự thân và diễn biến sau khi cấy ghép

Từ xa xưa cho đến nay mô tự thân vẫn là chọn lựa hàng đầu của PTV

trong tạo hình nâng mũi so với mô đồng loại và vật liệu tổng hợp nhân tạo

[105]. Mô tự thân cho đến nay thường được sử dụng nhất bao gồm sụn vách

ngăn, sụn vành tai, sụn sườn, cân mạc và mô mỡ trung bì.

- Sụn vách ngăn: Từ năm 1597, Gaspare Tagliacozzi, người Ý đã mô

tả những phẫu thuật tái tạo cấu trúc phần ngoài của mũi từ mô tự thân. Năm

1598, tác giả đã mô tả cách sử dụng vạt da, các mảnh ghép vùng mũi, các

dụng cụ phẫu thuật, chăm sóc sau mổ và cách đề phòng biến chứng trong

phẫu thuật tạo hình vùng mũi [26]. Đến 1997, Byrd H.S cho rằng sụn vách

ngăn là trụ cột cho chóp mũi khi ghép cấu trúc [29], [30], từ đó sụn vách ngăn

được sử dụng thường xuyên hơn. Sụn vách ngăn được xem là rất thích hợp

khi cấy ghép tự thân vì các lí do sau: dễ phẫu tích, có sẵn, thẳng, cấu trúc khá

ổn định, được lấy từ cùng một phẫu trường nên rất dễ được bệnh nhân chấp

nhận. Cấu trúc sinh học của sụn vách ngăn giúp cho bề mặt chắc và ít bị cong

biến dạng sau khi đã ghép [43], [44]. Trong y văn nhiều nghiên cứu ủng hộ

việc dùng sụn vách ngăn với kết quả lâu dài rất ổn định [85]. Tuy nhiên cần

chú ý rằng chất lượng và số lượng sụn không phải lúc nào cũng đáp ứng đầy

đủ cho phẫu thuật nâng mũi [52].

- Sụn vành tai: Sụn vành tai là lựa chọn ưu tiên khi tạo hình chóp mũi

vì hình dáng cong vênh rất phù hợp của nó. Ưu điểm của sụn vành tai là lấy

được thể tích sụn lớn và khá chắc chắn vì mảnh ghép này thường còn giữ

Page 32: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

19

được màng sụn một bên. Sụn vành tai có thể được làm phẳng bằng cách rạch

khía hoặc chập đôi [43] hoặc dùng làm thanh chống trụ mũi [40]. Ngoài ra

mảnh ghép phức hợp da-sụn từ vành tai là vật liệu lý tưởng khi tái tạo khi có

khuyết hổng đầu mũi [109]. Theo Jang Y.J. [55] và Rollin D.K. [109] thì có

thể dùng mảnh ghép phức hợp sụn vành tai kèm da ghép tạo hình mũi rất tốt

cho cho những trường hợp khiếm khuyết phức hợp mô sụn kèm da.

- Sụn sườn tự thân: Năm 1896 Koenig lần đầu dùng sụn sườn tự thân

để tăng thể tích mô mềm trên người [135], cho đến nay sụn sườn tự thân vẫn

được xem là chất liệu được nhiều PTV tin cậy và sử dụng vì có độ co ngót ít

nhất trong các loại sụn tự thân [31], [38], [45], [128].

Sụn sườn thường dùng cho những trường hợp còn quá ít sụn mũi, vì ưu

điểm của sụn sườn là khối lượng lớn, dễ lấy và hỗ trợ như mảnh ghép cấu trúc

rất tốt. Hạn chế của sụn sườn là tổn thương nơi cho và sụn hay bị cong vênh

lên đến 26,1% [19]. Tác giả Moon B.J. (2012) cho rằng dùng thuần túy sụn

sườn tự thân khi nâng mũi có nhiều biến chứng và kết quả thẩm mỹ không

cao với 17,5% trường hợp không hài lòng [91]. Park J.H (2012) báo cáo

nghiên cứu với kết quả 6% nhiễm trùng và 6% bị cong vênh phải phẫu thuật

lại [95], Jung D.H. cho rằng có thể gặp biến chứng hoại tử niêm mạc khi dùng

sụn sườn ghép nẹp hai bên sụn vách ngăn mũi [66]. Tác giả Nguyễn Huy Thọ

(1995) trong nghiên cứu của mình nhận thấy sụn sườn VII, VIII ở người Việt

dài 8-10 cm, dầy từ 0,5 đến 0,8cm, rộng 0,8 đến 1,2cm. Ông cũng cho rằng

sụn tự thân bị teo đi một phần với thời gian và sụn có xu hướng bị biến dạng

khi cấy ghép [7]. Nhiều nghiên cứu ghi nhận để giảm độ cong vênh bằng cách

lấy rộng và chỉ dùng phần lõi của sụn [69]. Một số kỹ thuật cải tiến hơn để

chống sự cong vênh của sụn sườn bằng cách dùng phức hợp mô ghép sụn-

xương [38], hoặc cắt lát mỏng [119] hoặc ứng dụng kỹ thuật cắt nhuyễn sau

đó bọc lại bằng cân mạc [110], [114]. Tuy còn vài nhược điểm nhưng sụn

Page 33: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

20

sườn vẫn là lựa chọn hàng đầu đối với nhiều PTV khi ghép cấu trúc đặc biệt

là những trường hợp mũi ngắn thứ kỳ, di chứng sau chấn thương và mũi gãy

yên ngựa [31], [47], [51], [122].

- Cân mạc: Cân mạc thái dương hay cân đùi là những chất liệu phù hợp

để che phủ các chất liệu ghép khác trong những trường hợp da mũi bị mỏng.

Rollin D.K. (2004) báo cáo thành công trong việc dùng cân thái dương sâu

bọc quanh sụn tự thân băm nhỏ kích thước khoảng 1x1mm khi tạo hình sống

mũi [109], [110]. Ian Loh dùng cân đùi với khối lượng lớn hơn khi nâng sống

mũi với kết quả 10% bệnh nhân không hài lòng vì teo ngót, giảm thể tích

[55]. Cả hai tác giả đều cho rằng cân cơ có tác dụng che phủ tốt hơn là làm

đầy vì với số lượng lớn thì độ teo ngót là đáng kể.

- Mô mỡ, trung bì: Theo Tarhan E. (2008) mô mỡ kèm trung bì ít bị teo

ngót hơn so với khi dùng mô mỡ thuần túy, tuy nhiên trung bì có nhiều nguy

cơ tạo nang, còn mô mỡ có thể teo ngót đi đến 50% [116]. Điều này làm cho

tính hấp dẫn của mô mỡ, trung bì khi sử dụng giảm đáng kể. Mặc dù gần đây

Li S.H. (2014) đã báo cáo kết quả khả quan hơn khi dùng trung bì tự thân bọc

quanh vật liệu tổng hợp nhân tạo để nâng sống mũi và chóp mũi [83].

Diễn biến mô tự thân sau khi cấy ghép:

Năm 2003 tác giả Lattyak B.V. và cs công bố kết quả nghiên cứu về so

sánh sự hấp thu của sụn vách ngăn, sụn vành tai và sụn sườn tự thân trên thỏ

được cấy ghép dưới da sau 3 tháng theo dõi. Kết quả cho thấy sụn vách

ngăn bị hấp thu 30,8% khối lượng; sau đó là sụn vành tai 23,1% còn sụn

sườn là 7,6%. Kết quả mô bệnh học là tương tự nhau, không có chứng cứ

hoại tử hay viêm nhiễm trong các lô nghiên cứu. Tác giả kết luận rằng sụn

Page 34: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

21

sườn ít bị tiêu ngót nhất kế đến là sụn vành tai và sau cùng là sụn vách

ngăn khi đặt dưới da [77].

Năm 2005 Cakmak O. báo cáo kết quả đánh giá sức sống của sụn khi

cắt nhỏ và bị nghiền nhuyễn trên động vật [33] và sau đó là trên người [32].

Kết quả cho thấy sức sống của sụn cắt nhỏ và bị nghiền ít, tốt hơn khi sụn bị

nghiền nhiều. Tác giả chứng minh rằng sụn càng bị nghiền nhỏ thì nguy cơ

hoại tử và teo nhỏ càng cao, điều đó cho thấy độ teo ngót của sụn phụ thuộc

vào mức độ cắt nhuyễn của nó [33].

Năm 2008 một nghiên cứu khác trên động vật của Tarhan E. đã so

sánh 5 loại chất liệu gồm 4 mô tự thân (sụn, cân mạc, mỡ, trung bì) và một

trung bì đồng loại đã qua xử lý (AlloDerm). Kết quả cho thấy: sụn tự thân có

khả năng sống tốt nhất, không bị hấp thu nhiều; cân mạc thì bị hấp thu một

phần; mảnh ghép trung bì tự thân có phát triển vi nang; mô mỡ bị hấp thu

từng phần từ 3060%, còn trung bì đồng loại bị tiêu hoàn toàn sau 3-4 tháng

[116]. Với nghiên cứu này tác giả góp phần định hướng cho việc chọn lựa vật

liệu cấy ghép bằng mô tự thân chủ yếu là sụn và cân cơ có cơ sở khoa học

hơn, bên cạnh đó cũng chỉ ra những nhược điểm làm cho mô tự thân mất đi

tính hấp dẫn ban đầu vì sự hấp thu, teo ngót là đáng kể.

1.3.1.2. Nhóm vật liệu từ mô đồng loại và diển biến sau khi cấy ghép

- Sụn-xương sườn đồng loại qua chiếu xạ:

Việc sử dụng sụn-xương sườn qua chiếu xạ bắt đầu từ 1993 bởi Kridel và

cs khi cho rằng xác suất teo ngót của sụn sườn qua chiếu xạ chỉ 2,5% và cong

vênh là 2,7% sau 15 tháng theo dõi [75]. Tuy nhiên nhiều tác giả khác cho rằng

sụn sườn qua chiếu xạ thường bị tiêu và cong vênh nhiều hơn [85], [89].

Page 35: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

22

- Trung bì đồng loại không tế bào - Alloderm:

Trung bì đồng loại không tế bào (Alloderm, do công ty Lifecell

Branchburg NJ, USA) được dùng để ghép độn hoặc phối hợp sử dụng gia

tăng diện tích mô thay thế trung bì. Alloderm là loại chất liệu s inh học mà

thành phần tế bào và các kháng thể được loại bỏ để giảm nguy cơ phản ứng

miễn dịch. Alloderm có hai dạng: dạng miếng kích thước từ 1x2cm đến

16x20cm độ dày 0,33-3mm và dạng bột dùng để làm đầy. Theo Jang .Y.J thì

khả năng co ngót là 20-30% sau khi cấy ghép một năm [56]. Tuy nhiên theo

Tarhan E. (2008) thì mức độ teo ngót lên đến 50% là rất đáng kể khi sử dụng

Alloderm [116].

+ Diễn biến mô đồng loại sau khi cấy ghép.

Năm 2008 Marcia M.A. cho rằng khi cấy ghép trên động vật thì sụn

tươi tự thân có sức sống ưu việt hơn so với sụn đồng loại và sụn tự thân đã

qua xử lý và bảo quản [87].

Theo Tarhan E. (2008) đối với trung bì không tế bào - Allo-Derm

trong thực nghiệm cho thấy mức độ tái hấp thu lên đến 50% và chưa có chứng

cứ xác đáng khi dùng lâu dài [116]. Các trường hợp hấp thu muộn sau đó

không thấy ghi nhận, tuy nhiên vẫn tồn tại các nguy cơ thải loại đồng ghép.

Một số nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng chứng minh rằng tỷ lệ biến

chứng của loại sụn sườn đồng loại qua chiếu xạ cao hơn so với ghép sụn sườn

tự thân [44]. Jang Y.J. cho rằng việc dùng sụn sườn nguyên khối dù là tự thân

hay đồng loại cho lưng sống mũi đều bị teo nhỏ, cong vênh và kết quả thường

bị hạn chế về mặt thẩm mỹ [55].

Page 36: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

23

1.3.2. Nhóm vật liệu tổng hợp nhân tạo và diễn biến sau khi cấy ghép.

1.3.2.1. Nhóm vật liệu tổng hợp nhân tạo trơ

- Silicone: Chất liệu này được phát triển từ những năm 1940 tại Mỹ với

tên thương mại là Silastic. Năm 1964 Beekhuis được xem là người đầu tiên

giới thiệu silicone dẻo dùng để nâng sống mũi [97]. Đến những năm 1970

silicone được sử dụng rộng rãi như vật liệu cấy ghép dùng trong nâng mũi ở

người Á châu. Cho đến nay silicone vẫn là chất liệu được dùng nhiều nhất

vùng châu Á vì da và mô dưới da thường đủ dày để che phủ thanh silicone

[18], [21], [52]. Ưu điểm của silicone là tương thích sinh học khá tốt và

không giới hạn số lượng, hình dáng ổn định và không teo ngót với thời gian.

Nhược điểm là có khả năng không bám dính vào nền nhận, dễ trồi ra gây

nhiễm trùng thứ phát, và nguy cơ vôi hóa với thời gian [55]. Một nghiên cứu

của Ansari K. liên quan đến nâng sống mũi bằng silicone cho thấy tỷ lệ nhiễm

trùng là đến 7,9% và lệch mảnh độn sống mũi là 5% sau thời gian theo dõi

trên 10 năm [18].

Theo Tham và cs. báo cáo kết quả nghiên cứu 1500 trường hợp nâng

sống mũi bằng s ilicone có 18% trên tổng số các biến chứng là do lỗi thiết kế

mảnh độn và liên quan đến kỹ năng của phẫu thuật viên. Ngoài ra trồi mảnh

độn là 7,5% chủ yếu vùng chóp mũi và thường có liên quan đến mảnh độn lớn

hình chữ L (gấp 4 lần nhiều hơn các hình dáng khác) [85]. Mặc dù nhiều tác

giả Tây Âu cho rằng không nên dùng silicone như mảnh độn khi tạo hình

nâng mũi, nhất là khi chỉnh sửa lại [28], nhưng Berghaus A. cho rằng mảnh

độn từ silicone vẫn được sử dụng nhiều nhất bất chấp thông tin về biến chứng

do ghép lên đến 6,5% [21].

Page 37: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

24

- Gore Tex® (Polytetrafluoroethylene chuỗi dài)

Theo Gassner H.G (2010) - Gore Tex là chất liệu nhân tạo được tổng

hợp từ năm 1969, dạng xốp nhiều khoang trống có kích thước siêu nhỏ từ 10-

30μm (trung bình là 22μm) gồm những nút Poly-tetrafluoroethylene và vi sợi.

Gore-tex ban đầu được sử dụng trong phẫu thuật tim mạch, sau đó trong nhiều

lĩnh vực y khoa khác. Từ 1983 được nghiên cứu trên động vật và năm 1989

Rosthein and Jacobs báo cáo kết quả phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ bằng Gore-

tex ở vùng mặt cho bệnh nhân. Loại vật liệu mềm và dễ uốn này có nhiều độ

dày mỏng khác nhau giúp che những khuyết điểm cũng như làm đầy trong tạo

hình nâng mũi. Tuy nhiên mảnh Gore tex có thể giảm khối lượng khoảng

29% sau khi đặt vào cơ thể [44]. Biến chứng nghiêm trọng nhất của Gore

Tex là nhiễm trùng muộn phải lấy bỏ [55]. Theo một số nghiên cứu trên số

lượng lớn bệnh nhân thì tỷ lệ nhiễm trùng do Gore Tex dao động từ 1.2 đến 5.4%

[82]. Các trường hợp nâng mũi từ lần hai trở đi thì tỷ lệ nhiễm trùng còn cao hơn

so với mổ lần đầu [127]. Ngược lại theo Jin H.R. thì cho rằng trong 769 trường

hợp phải mổ lại tỷ lệ nhiễm trùng của tác giả chỉ có 2.6% [60]. Các vị trí

thường được lựa chọn để dùng Gore Tex là sống mũi, hai thành bên sườn

mũi, và nền mũi. Nếu ghép vào những vùng mũi di động hoặc vùng mô mềm

mỏng nguy cơ biến chứng sẽ cao hơn [44].

- Medpor® (Porous polyethylene)

Medpor (Porous polyethylene, Porex Surgical, Newnan,GA, USA)

được giới thiệu năm 1993 như một vật liệu thay thế cho mô ghép tổng hợp

dùng để nâng mũi. Medpor có cấu trúc xốp, các khoảng trống từ 100-250μm

giúp mô xơ có thể xâm nhập, làm mảnh ghép bám chặt hơn. Tác giả Jang

D.W. (2012) [54], Zhou J. (2014) [134] đều có báo cáo nâng cao mũi thành

công khi dùng Medport gia cố trụ mũi. Cả hai tác giả này cho rằng có thể

dùng Medport thay thế sụn vách ngăn để gia cố trụ mũi. Ngược lại, tác giả

Page 38: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

25

Lin G. (2007) khuyên rằng không nên dùng chất liệu này cho những nơi có

mô dưới da mỏng, những vùng di động của mũi, và cảnh giác với nguy cơ

nhiễm trùng [85]. Gần đây Winkler (2012) báo cáo xác xuất nhiễm trùng xảy

ra đến 20% khi dùng Medpor và cảnh báo phải rất cẩn trọng khi dùng nó nhất

là ở vùng trụ mũi [130].

Về vấn đề sử dụng vật liệu nhân tạo trong tạo hình nâng mũi, Peled

Z.M. và cs đã tổng hợp và chọn ra 20 bài báo với thời gian theo dõi trung bình

đến 11 năm để phân tích. Tác giả thấy rằng vật liệu thường được sử dụng nhất

là Silicone, kế đến là Gor-Tex và Medpor. Tỷ lệ đào thải mảnh độn của

silicone trung bình là 6,5%. Vật liệu Gor-Tex và Medport có tỷ lệ đào thải

trung bình tương tự nhau là 3,1% [102].

Tổng hợp lại cho thấy ưu điểm của vật liệu nhân tạo là không bị hấp

thu, ít gây ra phản ứng của cơ thể, dễ đẽo gọt, khối lượng không giới hạn, có

nhiều sản phẩm sản xuất sẵn đa dạng, thuận tiện cho việc sử dụng [21].

1.3.2.2. Nhóm vật liệu tổng hợp nhân tạo tự tiêu và diễn biến sau khi cấy ghép

Trong nhóm này bao gồm: PDS (polydioxanone) và ER (endotine

ribbon)-hỗn hợp Polylactic acid (PLLA) và Polyglycolic acid (PGA)

- PDS (polydioxanone): là một hợp chất cao phân tử trong suốt không

màu, nó có thể bị tan rã bởi sự thủy phân và được chuyển hóa hoàn toàn trong

cơ thể sau 6 tháng [25]. PDS- có ba dạng miếng cơ bản tùy độ dày bao gồm:

0,15mm (có lỗ sẵn); 0,25mm (không có lỗ) và 0,5mm (không có lỗ) [20].

Năm 2000 Boenish M. và Trenite N.J. đầu tiên công bố nghiên cứu mô

bệnh học và kết quả lâm sàng việc sử dụng PDS trên thỏ [24]. Những mảnh

PDS này hiện đang được James S.E. (2008) sử dụng để tạo hình vách ngăn

mũi và có thể phối hợp với sụn tự thân trong tạo hình nâng mũi [53].

Trong một cuộc nghiên cứu trên động vật khác Tweedie D.J (2010), đã

chỉ ra rằng tấm PDS có lỗ được xem là mảnh ghép vượt trội hơn PDS không

Page 39: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

26

có lỗ trong việc hỗ trợ để tái s inh sụn ở vách ngăn và ở các vùng khác thuộc

mũi [124]. Tiếp theo Rimmer J và cs. (2012) cũng có nghiên cứu trên động

vật cho thấy rằng tấm PDS có tác động đến việc tái s inh sụn, về mặt mô học

người ta thấy có nhiều hơn các tế bào sụn trưởng thành được tạo ra [107].

Từ năm 1960 xuất hiện thêm chất liệu tự tiêu khác mà bản chất là hỗn

hợp Polylactic acid (PLLA) và Polyglycolic acid (PGA) được nghiên cứu sử

dụng bởi Kulkarni R.K., nhưng mãi năm 1990 thì mới được sử dụng phổ biến

dưới dạng nẹp, vít tự tiêu với thời gian phân hủy hoàn toàn từ 6-12 tháng Nổi

bật trong nhóm này là ER- (Endotine ribbon) được sản xuất tại hãng Microair

- Hoa Kỳ [92].

- ER (Endotine Ribbon): là nẹp tổng hợp tự tiêu, gồm hỗn hợp

Polylactic acid (PLLA) 82% và Polyglycolic acid (PGA) 18%, Lactosorb®

được thiết kế bởi Eppley từ 1996. Nẹp từ ER còn giữ độ cứng ổn định 70%

sau 2 tháng, và được sản xuất như nẹp tự tiêu dùng để treo mô, cân cơ mặt

[23],[92]. ER đã được ứng dụng thành công trong tạo hình ổ mắt [84], tạo

hình mũi gãy [70] như là vật liệu hỗ trợ tương tự như PDS trong phẫu thuật

chỉnh hình vách ngăn.

Những kết quả nghiên cứu về diễn biến của các loại vật liệu sau khi cấy

ghép là cơ sở lý luận khoa học cho việc lựa chọn vật liệu nâng mũi ngày càng

thích hợp hơn. Vật liệu thích hợp hoàn toàn chưa được tìm thấy và việc phối

hợp các loại vật liệu là lựa chọn mà nhiều tác giả trên thế giới đang nghiên

cứu [55], [60], [65].

1.4. Các phương pháp nâng mũi

- Theo cấu trúc tháp mũi chia làm hai nhóm phương pháp nâng mũi

đơn thuần và nâng mũi kèm thay đổi cấu trúc khung sụn nâng đỡ đầu mũi.

- Theo đường rạch khi phẫu thuật có hai nhóm phương pháp là mổ mũi

mở và mổ mũi kín.

- Theo vật liệu cấy ghép có hai nhóm phương pháp là sử dụng đơn giản

một loại và dùng phối hợp nhiều loại vật liệu.

Page 40: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

27

1.4.1. Phương pháp nâng mũi đơn thuần

Trước đây các tác giả trên thế giới phổ biến dùng một hay nhiều loại

chất liệu làm vật liệu độn dưới da trong phẫu thuật nâng sống mũi được gọi là

phương pháp nâng sống mũi đơn thuần. Phương pháp này không tính đến sự

vững chắc của cấu trúc nâng đỡ khung sụn mũi, trong khi cấu trúc này thường

nhỏ, yếu và rất khác biệt ở người châu Á. Mặc dù vậy, nhưng phương pháp

này vẫn được sử dụng cho đến nay tùy thuộc phẫu thuật viên chỉ định là vật

liệu nhân tạo [13], mô tự thân [6] hoặc phối hợp cả hai loại vật liệu này [57].

1.4.2. Phương pháp nâng mũi kèm gia cố cấu trúc khung sụn đầu mũi

Năm 1997 Byrd H.S. công bố và được xem là người đầu tiên mô tả

phương pháp mở rộng vách ngăn (SEG: Septal Extension Graft), một loại hình

kỹ thuật nâng sống mũi mới, kèm gia cố cấu trúc khung sụn đầu mũi [29], [30].

Hình 1.13. Ba phương án ghép mở rộng vách ngăn (SEG) theo Byrd.

“Nguồn: Yong Ju Jang (2014), Rhinoplasty and Septoplasty” [55]

Phương pháp này nhanh chóng được áp dụng khắp thế giới đặc biệt trên

người châu Á, nơi được chứng minh là chủng tộc có khung sụn mũi yếu,

mỏng, nhỏ hơn so với người Châu Âu [9], [48], [68]. Sau đó phương pháp

ghép mở rộng vách ngăn này được cải tiến với nhiều kỹ thuật khác nhau [61],

[72], [78]. Hiện nay phương pháp này có nhiều tác giả còn gọi là: phương pháp

ghép mở rộng đuôi vách ngăn (CSEG: Caudal Septal Exstension Graft) [20].

Page 41: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

28

Năm 2005 Pastorek N.J. mô tả kỹ thuật khác là dùng sụn tự thân tạo

hình thanh chống trụ mũi sau đó đặt vào giữa hai trụ trong của sụn cánh mũi,

trên gai mũi trước và khâu lại bằng chỉ PDS. Mảnh ghép này giúp gia cố trụ

mũi và thay đổi độ nhô cũng như góc mũi môi và cuối cùng cũng mở rộng

vách ngăn. Kỹ thuật này kèm mở rộng vách ngăn nhưng không dùng sụn vách

ngăn mà dùng sụn vành tai hoặc sụn sườn [100]. Sau đó cộng sự của ông là

Carron M.A. (2013) đã chứng minh bằng số liệu sự gia tăng thành công và ổn

định độ nhô chóp mũi với kỹ thuật này [34].

Các tác giả ở châu Á thường dùng hai kỹ thuật trên nhằm gia cố trụ mũi

cho vững chắc hơn trước khi tạo hình nâng mũi [52], từ đây hình thành trường

phái nâng sống mũi kèm thay đổi cấu trúc khung sụn đầu mũi hay còn gọi là

tạo hình mũi cấu trúc (Structural Rhinoplasty). Bản chất của phương pháp

này là gia cố trụ mũi hoặc ghép mở rộng vách ngăn về phía trước và phía dưới

bằng sụn tự thân. Cho đến nay phương pháp tạo hình mũi cấu trúc này được

nhiều tác giả từ châu Á đến châu Âu tin dùng [36], [50], [55], [59], [65],

[108], [131].

1.4.3. Phương pháp mổ mũi kín

Năm 1898, Jacques Joseph, người Đức, đã thực hiện những ca phẫu

thuật thẩm mỹ mũi đầu tiên với những đường mổ bên trong và bên ngoài lỗ

mũi [26]. Đường rạch da theo phương pháp mổ mũi kín thường nằm ngay

trong nếp tiền đình hoặc vào sâu hơn khung sụn mũi từ một hoặc hai bên lỗ

mũi và không đi qua trụ mũi nhằm giảm sẹo sau phẫu thuật. Đường rạch da

này hạn chế tầm nhìn của PTV làm giảm độ chính xác khi thao tác trên khung

sụn mũi và ngày càng ít được sử dụng hơn [136].

1.4.4. Phương pháp mổ mũi mở

Page 42: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

29

Tạo hình nâng mũi đã có nhưng bước tiến quan trọng từ khi kỹ thuật

mổ mũi mở ra đời năm 1934, khi Rethi mô tả đường mổ xuyên qua trụ mũi

dùng để bóc tách riêng biệt chóp mũi mà thôi. Sau đó tác giả Sercer (1954) tại

Nam tư đã nối dài đường mổ này theo mép sụn cánh lớn sang hai bên. Năm

1970 Padovan đã báo cáo lại tại hội nghị phẫu thuật tạo hình tại New-york từ

đây kỷ nguyên mổ mũi mở trên thế giới bắt đầu. Tuy nhiên, sau đó không

được nhiều đồng nghiệp hưởng ứng trong thời gian dài. Đến khi Goodman

(1973); Anderson; Wright và nhiều tác giả khác nhận thấy ưu điểm của mổ

mở so với mổ kín thì xu hướng mổ mở càng ngày càng được sử dụng nhiều

hơn trên thế giới [135]. Năm 2001 Gassner H.G. chứng minh rằng việc mổ

mũi mở là phương tiện tốt để phục hồi cấu trúc nâng đỡ chóp mũi. Xét về

phương diện cấu trúc, sinh lí, khí động học, phương pháp mổ mũi mở với kỹ

thuật bóc tách phức tạp hơn, có sự gián đoạn trong hệ thống khung nâng đỡ

và vấn đề sẹo sau phẫu thuật biến kỹ thuật mổ mũi mở mang dáng dấp một

phẫu thuật tạo hình hơn là một phẫu thuật đơn thuần sửa chữa [44].

Trong những năm gần đây kỹ thuật mổ mũi mở đã thay thế dần kỹ

thuật mổ mũi kín [44]. Adamson P.A có báo cáo hơn 53% PTV đã có kinh

nghiệm trên 5 năm dùng phương pháp mổ mở thì các PTV này đều trả lời

rằng họ không có ý định thay đổi nó trong vòng 5 năm tới. Nhiều PTV cho

rằng phương pháp mổ mở thuận lợi hơn, thao tác chính xác hơn khi tạo hình

khung sụn mũi [129].

1.4.5. Phương pháp tạo hình nâng mũi sử dụng một loại vật liệu

Trước đây khi chưa có vật liệu nhân tạo, các PTV chủ yếu sử dụng một

loại mô tự thân như xương mào chậu, hoặc sụn sườn độn vào khoang dưới da,

nâng sống mũi và cho kết quả khá tốt [6]. Hạn chế của phương pháp này là

không tính đến cấu trúc nâng đỡ của mũi, ngoài ra sụn hay bị cong vênh lên

đến 26,1% [19]. Các nghiên cứu thực nghiệm diễn biến mô tự thân sau khi cấy

Page 43: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

30

ghép cũng cho thấy sự teo ngót là đáng kể [26]. Do vậy việc sử dụng thuần túy

một loại vật liệu bằng mô tự thân thường khó đạt kết quả về thẩm mỹ [88].

Từ năm 1964 nhiều tác giả chuyển sang dùng thuần túy silastic sau khi

Khoo B.C mô tả việc sử dụng silicone dẻo (silastic) trong nâng sống mũi [52].

Tác giả Juan P.S. còn dùng thêm khuôn đúc từ thạch cao lấy mẫu mảnh độn,

từ đó tạo dáng mảnh silicone tương tự nó trước khi phẫu thuật và cho kết quả

rất tốt [93]. Tuy nhiên theo Tham và cs. nhược điểm của silicone là dễ bị trồi

mảnh độn chiếm 7,5% chủ yếu vùng chóp mũi và thường có liên quan đến

mảnh độn lớn hình chữ L (gấp 4 lần nhiều hơn các hình dáng khác) [85].

Chính vì vậy việc sử dụng vật liệu s ilicone cho sống mũi và nhất là chóp mũi

cũng giảm đi tính hấp dẫn đáng kể.

1.4.6. Các phương pháp tạo hình nâng mũi phối hợp các loại vật liệu

Nhằm cải thiện kết quả phẫu thuật nâng sống mũi, nhiều tác giả trên thế

giới phối hợp sử dụng nhiều loại vật liệu khác nhau nhằm tận dụng các ưu

điểm và khắc phục nhược điểm của mỗi loại vật liệu [55], [65], [102].

1.4.6.1. Phương pháp phối hợp mô tự thân và vật liệu nhân tạo trơ

Năm 2002, Mc Curdy J.A. không hài lòng với kết quả nâng mũi bằng

mô tự thân của mình khi so sánh với kết quả của các đồng nghiệp Á châu sử

dụng vật liệu nhân tạo. Tác giả cho rằng khi nâng mũi cho người Á châu vẫn

nên phối hợp thêm vật liệu nhân tạo nhằm cải thiện kết quả về thẩm mỹ [88].

Xu hướng này ban đầu chỉ là kết hợp đơn giản giữa mô tự thân và chất

liệu trơ hiện dùng. Năm 2004 tại Mỹ Jeffery A. và cs. công bố kết quả phối

hợp chất liệu silicone cho sống mũi và sụn vành tai cho chóp mũi bằng

phương pháp mổ kín không mở rộng vách ngăn. Có 100 trường hợp nâng

sống mũi cho người châu Á được thực hiện theo phương pháp này với thời

gian theo dõi từ 2-5 năm, có 92% bệnh nhân hài lòng với kết quả cuối cùng,

Page 44: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

31

có 8% trường hợp phải mổ lại, đặc biệt là không có trường hợp nào bị trồi

mảnh độn silicone. Tác giả cho rằng phương pháp này an toàn khi nâng mũi

cho người Á Châu [57].

Trong những năm gần đây phương pháp mở rộng vách ngăn bằng mô

tự thân dần được phổ biến hơn [55], [59], [61] dẫn đến việc nhiều tác giả thay

đổi phương pháp từ nâng mũi đơn thuần chuyển sang nâng mũi cấu trúc kèm

mở rộng vách ngăn. Tác giả Jang Y.J. (2007) mô tả việc sử dụng phương

pháp mở rộng vách ngăn là vô cùng hiệu quả cho mũi người Á châu, giúp

cho việc kết hợp với các chất liệu khác như: Gore-tex, Silicone, sụn sườn

đồng loại, Alloderm, mỡ trung bì được thuận lợi và an toàn hơn [55]. Nổi bật

là Jung D.H. (2007) đã rất thành công khi sử dụng phương pháp này phối hợp

với Gore-tex hoặc Silicone cho lưng sống mũi [65].

Tại Hàn Quốc năm 2009 tác giả Jin H.R. phối hợp mô tự thân và

Gore-tex trên 853 trường hợp nâng sống mũi. Kết quả 2,1% bị nhiễm trùng

trên tổng 2,5% biến chứng phải mổ lại và cho rằng nên cẩn thận hơn khi sử

dụng Gore-tex [59]. Cho đến năm 2011 Eduardo C.Yap cùng cộng sự công bố

kết quả hồi cứu trên 1054 trường hợp nâng mũi cấu trúc kết hợp mô tự thân

và mảnh ghép e-PTFE tại Phillipine. Tác giả cho rằng ePTFE là chất liệu

ghép tốt cho lưng sống mũi phối hợp với mô tự thân ở chóp mũi, với tỷ lệ

biến chứng rất thấp cụ thể nhiễm trùng chỉ có 0,38% và cũng chỉ có 0,38%

bệnh nhân không hài lòng [131].

Trái với một vài nghiên cứu trước đó tác giả Winkler A.A. (2012)

nghiên cứu xác suất nhiễm trùng khi dùng mô tự thân phối hợp Gore-Tex

(e-PTFE) và Medpor (p-HDPE) trên 151 trường hợp, xác nhận rằng nguy cơ

nhiễm trùng rất cao khi dùng Medpor (19,2%) so với Gore-Tex (5,3%). Tác

Page 45: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

32

giả khuyến cáo hãy cẩn thận hơn khi dùng p-HDPE như chất liệu cấy ghép,

nhất là khi dựng tại trụ mũi và cho rằng biến chứng liên quan đến Gore-tex

dao động từ 2,28% đến 7% còn Medport là từ 3,7 đến 19,2% [130].

1.4.6.2. Phương pháp phối hợp mô tự thân với chất liệu nhân tạo tự tiêu

* Phối hợp vật liệu tại vùng sống mũi

Một số tác giả muốn giảm sự hiện diện của chất liệu nhân tạo vùng

sống mũi bằng cách sử dụng thêm chất liệu tự tiêu bọc ngoài sụn tự thân đã

được băm nhỏ hoặc nghiền nhuyễn. Năm 2000 Erol O.O. công bố kết quả

nghiên cứu sử dụng một lớp surgicel bọc sụn tự thân cắt nhỏ 0,5 đến 1,0 mm

để nâng sống mũi trên 2.365 bệnh nhân trong 10 năm cho kết quả rất tốt [79].

Nhằm hạn chế sự cong vênh của sụn tự thân nguyên khối bằng cách

băm nhỏ sụn, năm 2004 Rollin D.K. công bố kết quả so sánh 3 nhóm sử dụng

surgicel, cân thái dương sâu bọc sụn tự thân băm nhỏ và nhóm sụn không sử

dụng vỏ bọc. Kết quả cho thấy khi dùng surgicel bọc thì sụn bị tiêu ngót nhiều

nhất hơn cả nhóm không bọc gì cả, còn dùng cân thái dương sâu bọc sụn thì

bị tiêu ngót ít nhất. Các tác giả cho rằng sử dụng cân mạc bọc sụn băm nhỏ

cho kết quả là ổn định hơn cả [67], [109], [110].

Xu hướng sụn cắt nhỏ này sau đó được phối hợp thêm bằng keo sinh

học nhằm ổn định hình dáng của nó. Năm 2010 tác giả Seo J.O. dùng Octyl-

2-Cyanoacrylate Adhesive (Dermabond) thí nghiệm trên thỏ và sau đó trên 42

bệnh nhân. Tác giả kết luận rằng Dermabond an toàn khi kết hợp với sụn tự

thân cắt nhỏ trong tạo hình chóp mũi và cho kết quả rất khả quan trên người Á

châu. Sáu trong bảy thông số hình thái được nghiên cứu đã thay đổi có ý

nghĩa [113].

Page 46: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

33

Sau đó năm 2012 Shan R. B. dùng sụn cắt nhuyễn nhưng không dùng

cân cơ bọc quanh mà dùng chất liệu s inh học từ máu bệnh nhân để kết nối

những mảnh sụn nhỏ và cho kết quả rất tốt. Tác giả cho rằng sự tiêu hao của

sụn là không nhiều và không cần trừ hao lượng sụn tiêu đi gần 20% như nhiều

tác giả khác đã công bố [114]. Tác giả Tasman A.J (2013) cũng dùng keo sinh

học trộn lẫn với sụn cắt nhỏ không bọc cân mạc và kiểm tra bằng sóng siêu

âm cho thấy sụn cắt nhỏ thay đổi thể tích từ +8 đến -7% sau mổ theo dõi từ 3

đến 15 tháng [118].

Do vậy dù là sụn cắt nhuyễn hay nguyên khối thì vẫn cần kết hợp thêm

vật liệu nhân tạo nhằm cải thiện và giử ổn định kết quả thẩm mỹ khi tạo hình

vùng sống mũi.

* Phối hợp vật liệu tại vùng trụ mũi

Năm 2005 Boenish M. và Trenite N. giới thiệu phương pháp phối hợp

mô tự thân và chất liệu nhân tạo tự tiêu mới trong việc tạo hình trụ mũi là sử

dụng tấm PDS phối hợp với sụn tự thân nhằm hỗ trợ cấu trúc khung sụn mũi

trong quá trình định hình trụ mũi mới [24], [121].

Sau đó năm 2010 cũng hai tác giả này lại công bố hiệu quả của việc sử

dụng tấm PDS để nâng đỡ sụn vách ngăn trong tạo hình vách ngăn bên ngoài

(external septoplasty), đánh giá sự ổn định cơ học, mô tả kỹ thuật phẫu thuật

và kinh nghiệm lâm sàng trên 396 bệnh nhân từ năm 1996. Trong khoảng thời

gian theo dõi trung bình 12 tháng, làm thẳng được vách ngăn mũi được ghi

nhận trên gần 90% bệnh nhân [25].

Năm 2012 Rimmer J. cùng cộng sự mô tả các ứng dụng linh hoạt của các

tấm PDS (Polydioxanone) [107] và mới nhất là báo cáo thành công của Benjamin

Page 47: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

34

P.C. (2015) [20] trong việc chỉnh hình vách ngăn kèm gia cố trụ bằng PDS để

nâng mũi trên 50 bệnh nhân sau thời gian theo dõi hơn một năm.

Năm 2012, Kim J.G. và cs. đã ứng dụng thành công ER (Endotine

Ribbon), là vật liệu tổng hợp tự tiêu bao gồm hỗn hợp Polylactic acid (PLLA)

82% và Polyglycolic acid (PGA) 18%, trong phẫu thuật nâng mũi do chấn

thương như là vật liệu hổ trợ trong giai đoạn liền vết thương tương tự như

PDS [70].

Nhìn chung trên thế giới: Vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu quan

tâm là cải tiến phương pháp tạo hình mũi cấu trúc- mở rộng vách ngăn, gia cố

khung sụn cho đầu mũi nhằm giảm thiểu biến chứng, đồng thời cải thiện kết

quả thẩm mỹ. Vật liệu tự thân vẫn được cho là ưu tiên hàng đầu dùng để thay

thế phần cấu trúc mũi di động và tăng khả năng chịu lực cho khung sụn đầu

mũi [59], [74]. Vật liệu nhân tạo càng ngày càng được chấp thuận nhiều hơn

nhất là ở Châu Á để nâng cao phần mũi cố định [55]. Bên cạnh đó các tác giả

Châu Á hạn chế dần việc dùng thuần túy vật liệu nhân tạo như trước mà tăng

cường phối hợp thêm mô tự thân khi nâng sống mũi [59]. Các tác giả Châu

Âu đánh giá cao vai trò của vật liệu nhân tạo như mảnh độn làm đầy khi mô

tự thân không đạt yêu cầu [21].

Tại Việt Nam, trên thực tế dùng vật liệu nhân tạo như silicone thuần

túy để nâng sống mũi là khá phổ biến nhưng ít được tổng kết trong y văn. Gần

đây xu hướng phối hợp các chất liệu tạo hình cùng nhiều kỹ thuật tiên tiến

khác cũng được áp dụng nhưng chưa được ghi nhận trong y văn. Vào những

năm 90 của thế kỷ trước Nguyễn Huy Phan và Nguyễn Huy Thọ (1993)

nghiên cứu 300 trường hợp nâng sống mũi trong đó 279 trường hợp sử dụng

sụn sườn tự thân với kết quả tốt 88% [6]. Tác giả Trần Thị Bích Liên (2009)

Page 48: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

35

sử dụng sụn vách ngăn và sụn vành tai tạo hình 20 trường hợp nâng sống mũi

thứ kỳ với nhận xét 100% thấy an toàn lâu dài, 90% có dáng mũi tự nhiên.

Tác giả cho rằng sụn tự thân an toàn khi thay thế chất liệu nhân tạo trong

phẫu thuật sửa chữa mũi [5]. Gần đây chỉ có thêm một vài nghiên cứu mà chủ

yếu là bệnh lý khe hở môi vòm của Lê Đức Tuấn (2004) [11], điều trị mũi sau

chấn thương của Hoàng Bá Dũng (2006) [1], Bùi Duy Vũ (2011) [13]. Như

vậy việc phối hợp mô tự thân với vật liệu nhân tạo theo hướng gia cố cấu trúc

khung sụn đầu mũi trong tạo hình nâng mũi trên người Việt Nam thực tế cho

kết quả tới đâu hầu như chưa được đề cập đến. Đây cũng chính là lý do để

chúng tôi tiến hành thực hiện nghiên cứu này.

Page 49: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

36

Chương 2

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Trong nghiên cứu này chúng tôi chọn hai nhóm đối tượng bao gồm:

Nhóm A: đối tượng nghiên cứu hình thái tháp mũi.

Nhóm B: đối tượng nghiên cứu can thiệp lâm sàng.

2.1. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu hình thái

2.1.1. Đối tượng nghiên cứu hình thái

Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu hình thái tháp mũi trên người Việt

trưởng thành (nhóm A), được chọn theo các tiêu chuẩn sau:

Tiêu chuẩn lựa chọn:

- Là người Việt Nam, dân tộc kinh (căn cứ trên giấy chứng minh nhân

dân) tự nguyện tham gia nghiên cứu.

- Tuổi từ 18-40 từ các vùng miền khác nhau đến BV Đa khoa mắt Sài

Gòn, thân nhân bệnh nhân, nhân viên bệnh viện.

- Không có dị tật và tổn thương liên quan đến mũi, không bị phẫu thuật

ở vùng mũi xoang trước đó.

Tiêu chuẩn loại trừ:

- Có dị tật bẩm sinh hay mắc phải gây biến dạng vùng mũi mặt.

- Đối tượng đã phẫu thuật chỉnh sửa mũi.

- Độ tuổi quá trẻ < 18 tuổi và quá già > 40tuổi.

Page 50: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

37

Xác định cở mẫu:

Cở mẫu được xác định theo công thức:

2

2)2/1(

d

)p1(pZN

p: tỷ lệ của một đặc điểm hình thái mũi, giả định là 50%

d: sai số cho phép = 5%

α = 95%: khoảng tin cậy cho phép

Z1-α/2 = 1,96: giá trị Z tương ứng với khoảng tin cậy cho phép.

Cỡ mẫu được tính theo công thức trên là 384 đối tượng. Như vậy chúng

tôi chọn cỡ mẫu ngẫu nhiên cho nghiên cứu này gồm 400 người là đạt tiêu

chuẩn trên.

2.1.2. Phương pháp nghiên cứu hình thái

2.1.2.1. Nghiên cứu hình thái tháp mũi bằng phương pháp tiến cứu, mô tả cắt ngang

2.1.2.2. Lập hồ sơ nghiên cứu (phụ lục 1) bao gồm:

+ Thu thập các thông tin cá nhân:

- Họ và tên

- Tuổi

- Giới

- Nơi cư trú

- Dân tộc

+ Chụp ảnh trước khi nghiên cứu

Chụp hình đối tượng nghiên cứu theo 4 tư thế: mặt thẳng, mặt nghiêng

45 độ, mặt nghiêng 90 độ và mặt ngữa lên trên 90 độ.

Page 51: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

38

Hình 2.1. Bốn tư thế chụp hình mũi chuẩn

2.1.2.3. Phương tiện và dụng cụ nghiên cứu hình thái

Chúng tôi sử dụng các phương tiện sau đây để nghiên cứu:

- Thước kẹp Vernier caliper 200 x 0,02 mm sản xuất tại Shanghai,

Trung Quốc.

- Thước đo độ Protractor 180 x 0,1mm sản xuất tại Shanghai, Trung Quốc.

- Máy chụp ảnh Canon D60 sản xuất tại Nhật Bản kèm ống kính chuẩn

18-55mm.

Hình 2.2. Thước đo độ các góc mũi Hình 2.3. Thước kẹp Vernier caliper

Page 52: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

39

Hình 2.4. Máy chụp ảnh

Canon 60D

Hình 2.5. Ống kính máy ánh KTS

Canon 18-55mm

2.1.2.4. Cách thức đo đạc và ghi nhận số liệu

Chúng tôi tiến hành đo đạc theo các bước sau:

- Xác định các mốc đo tương tự theo Phan Ngọc Toàn (1999) [8]; Trần

Thị Anh Tú (2003) [9] và Kyle S.C. [76], đánh dấu bằng mực màu các mốc

giải phẫu trên tháp mũi khi đối tượng nằm trên bàn phẳng, đầu không lót gối.

Dùng viết lông dầu nhỏ chấm các điểm mốc trên mặt kích thước 1mm

nhằm tiến hành đo các thông số nhân trắc tháp mũi (hình 2.6).

Hình 2.6. Các điểm mốc đo đạc 7 thông số nhân trắc mũi

N

TP

SN

AL AC

Page 53: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

40

Xác định các mốc đo:

1. Điểm N: điểm nằm giữa và thấp nhất vùng gốc mũi.

2. Điểm SN: điểm thấp nhất nằm giữa trụ mũi và môi trên

3. Điểm TP: điểm nằm giữa và cao nhất vùng chóp mũi.

4. Điểm AL: điểm nằm trên cánh mũi cách xa trục giữa nhất.

5. Điểm AC: điểm rìa ngoài của chân cánh mũi.

Sau đó dùng các loại thuớc chuyên dụng thu thập 7 thông số cơ bản của

mũi. Thực hiện đo hai lần bởi những người đã được tập huấn trước, sau đó lấy

chỉ số trung bình của hai lần đo.

+ Chúng tôi xây dựng cách đo các thông số nhân trắc mũi:

- Cách đo chiều cao mũi theo Phan Ngọc Toàn (1999) [8], Kely S.C [76];

và các góc dựa trên nghiên cứu của Wang J.H.và cs (2009) [126]; Choi J.Y và cs.

(2014) [36].

- Cách đo chiều dài, chiều ngang mũi theo Phan Ngọc Toàn (1999) [8];

Trần Thị Anh Tú (2003) [9], Kely S.C [76].

Chúng tôi lựa chọn 7 thông số nhân trắc đặc trưng cho các số đo mũi

của người Việt trưởng thành bao gồm:

1. Chiều dài mũi từ gốc đến chóp (NTP)

2. Chiều dài mũi từ gốc đến trụ (NSN)

3. Chiều ngang cánh mũi (AL-AL)

4. Chiều ngang nền mũi (AC-AC)

5. Chiều cao chóp mũi (SN-TP)

6. Góc mũi trán (NFA)

7. Góc mũi môi (NLA)

Page 54: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

41

1. NTP: chiều dài mũi từ gốc đến chóp.

Hình 2.7. Cách đo chiều dài mũi từ gốc đến chóp

2. NSN: chiều dài mũi từ gốc đến trụ

Hình 2.8. Cách đo chiều dài mũi từ gốc đến trụ

N

TP

N SN

Page 55: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

42

3. AL-AL: chiều ngang cánh mũi

Hình 2.9. Cách đo chiều ngang cánh mũi

4. AC-AC: chiều ngang nền mũi

Hình 2.10. Cách đo chiều ngang nền mũi

AL AL

AC AC

SN

Page 56: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

43

5. SN-TP: chiều cao chóp mũi

Hình 2.11. Cách đo chiều cao chóp mũi SN-TP

6. NFA: góc mũi trán

Hình 2.12. Cách đo góc mũi trán

TP

SN

N FA

Page 57: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

44

7. NLA: góc mũi môi

Hình 2.13. Cách đo góc mũi môi

2.1.2.5. Phương pháp xác định các dạng tháp mũi khi nghiên cứu hình thái:

- Dựa trên tư thế ảnh nghiêng 90 độ chúng tôi xác định: 3 dạng sống

mũi cơ bản là mũi thẳng, mũi lõm, mũi gồ bằng cách so sánh sống mũi với

đoạn thẳng nối từ gốc mũi (N) đến chóp mũi (TP). Nếu sống mũi lõm xuống

dưới đường nối này ở điểm tiếp giáp xương và sụn là mũi lõm hoặc lồi lên

trên là mũi gồ, các trường hợp còn lại được tính là mũi thẳng.

Hình 2.14. Các dạng mũi (theo góc nhìn nghiêng 90 độ)

gồm thẳng, gồ, lõm, dạng trung gian, dạng khoằm và dạng hếch

N LA

Page 58: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

45

- Dựa theo góc mũi môi (NLA), chúng tôi xác định có 3 dạng mũi khác

bao gồm mũi hếch, mũi trung gian và mũi khoằm. Nếu góc mũi môi lớn hơn

110 độ, hay khi nhìn thẳng lỗ mũi hở hơn 50% thì được cho là mũi hếch. Còn

mũi khoằm khi góc mũi môi nhỏ hơn 80 độ. Các trường hợp còn lại được xem

là mũi có dạng trung gian.

- Dựa theo chỉ số mũi NI (nasal index) để phân loại độ rộng mũi. NI

được tính theo công thức: NI = AL-AL⁄ NSNx100; trong đó AL-AL là chiều

ngang cánh mũi còn NSN là chiều dài từ gốc mũi đến trụ mũi. Theo chỉ số

mũi NI (nasal index) có thể xác định thêm 3 dạng mũi nữa, bao gồm:

Mũi hẹp có chỉ số mũi giống như người Âu Mỹ (NI<70).

Mũi rộng (70 ≤ NI< 80).

Mũi rất rộng (80 ≤ NI)

Bằng phương pháp này chúng tôi đã xác định 9 dạng mũi cơ bản của

tháp mũi.

2.1.2.6. Kết quả nghiên cứu về hình thái

- Phân loại được những dạng mũi cơ bản và tỷ lệ phân bố trong cộng đồng

làm cơ sở lý luận, đánh giá, so sánh với kết quả nghiên cứu lâm sàng.

- Xác định được một số đặc điểm hình thái mũi qua các thông số nhân

trắc cơ bản như độ dài, độ cao, độ rộng và các góc mũi, nhằm đánh giá, so

sánh với kết quả khi nghiên cứu lâm sàng.

2.2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu lâm sàng

2.2.1. Đối tượng nghiên cứu lâm sàng nhóm B: bao gồm tất cả các bệnh

nhân có nhu cầu tạo hình nâng mũi, được chọn lựa theo các tiêu chuẩn sau:

Tiêu chuẩn chọn bệnh cho nhóm B

- Bệnh nhân trên 18 tuổi, có nhu cầu tạo hình nâng mũi lần đầu hoặc đã

phẫu thuật nâng sống mũi trước đó, nhưng chưa có thay đổi cấu trúc vách

ngăn do phẫu thuật thẩm mỹ hay bệnh lý.

Page 59: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

46

- Bệnh nhân có mũi hếch, ngắn (góc mũi môi NLA >110 độ).

- Bệnh nhân có nhu cầu thu nhỏ chóp mũi, thay đổi hình dáng lỗ mũi.

- Bệnh nhân có mỏng da đầu mũi hoặc biến dạng chóp mũi, trụ mũi.

- Bệnh nhân không có dị tật bẩm sinh, chấn thương gây biến dạng mũi-mặt.

Tiêu chuẩn loại trừ cho nhóm B:

Bệnh nhân được loại ra khỏi nghiên cứu khi:

- Bệnh nhân dưới 18 tuổi.

- Bệnh nhân đã được phẫu thuật ở vùng vách ngăn trước đó vì lý do

bệnh lý hay thẩm mỹ.

- Bệnh nhân cần phải lấy thêm sụn sườn trong quá trình phẫu thuật do

sụn vách ngăn và sụn vành tai không đạt yêu cầu.

- Bệnh nhân đang bị thủng da, trồi mảnh ghép mũi hoặc có dấu hiệu

nhiễm trùng, viêm tấy vùng mũi.

- Bệnh nhân đã tham gia nghiên cứu nhưng thay đổi ý kiến sau đó.

- Bệnh nhân có các chống chỉ định phẫu thuật (theo tiêu chuẩn ngoại

khoa chung).

- Bệnh nhân có những yêu cầu quá mức hoàn hảo hay có nghi ngờ mắc

bệnh tâm thần.

Xác định cỡ mẫu

Cỡ mẫu để ước lượng một chỉ số trung bình của tháp mũi được tính

theo công thứcdưới đây [12]:

2)ES(

Cn

- n: là cỡ mẫu

- C là hằng số hệ số tin cậy ở mức 95% là C=7,85 (theo bảng tính sẵn)

Page 60: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

47

- : Độ lệch chuẩn trung bình của kích thước trong nghiên cứu tương tự

trước đó là 2,1mm (Theo Trần Thị Anh Tú) [9].

- d: là độ chính xác mong muốn khoảng 1 mm.

- Từ đó hệ số ảnh hưởng ES= /d = 1/2.1= 0,476

Áp dụng công thức này ta có n= 7,85/ (0,476x 0,476) = 34,7

Như vậy cỡ mẫu cho nghiên cứu này trên 35 đối tượng là đủ.

(dựa trên nghiên cứu trước đó của Trần Thị AnhTú) [9].

Trên thực tế chúng tôi đã chọn ngẫu nhiên cỡ mẫu trên 85 bệnh nhân cho

nhóm B, thỏa mãn tiêu chuẩn chọn mẫu và không vi phạm tiêu chuẩn loại trừ.

2.2.2. Phương pháp nghiên cứu lâm sàng

Thực hiện theo phương pháp tiến cứu, can thiệp lâm sàng, theo dõi dọc,

không đối chứng.

2.2.3. Địa điểm và thời gian nghiên cứu

Khoa Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện đa khoa Mắt Sài Gòn.

Thời gian nghiên cứu từ tháng 10-2010 đến tháng 06-2014.

2.2.4. Qui trình nghiên cứu lâm sàng

2.2.4.1. Chuẩn bị bệnh nhân

+ Bệnh nhân được giải thích qui trình điều trị, các biến chứng, di chứng

có thể xảy ra và tự nguyện đồng ý phẫu thuật.

+ Bệnh nhân khám nghiệm lâm sàng và cận lâm sàng để được gây mê

phẫu thuật.

+ Chụp hình bệnh nhân trước mổ theo 4 tư thế chuẩn giống như khi

nghiên cứu hình thái (xem mục 2.1.2.2).

Page 61: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

48

+ Thực hiện đo đạc các thông số nhân trắc mũi trước phẫu thuật tương

tự như đã mô tả trong phần đo đạc khi nghiên cứu hình thái mũi bên trên (xem

mục 2.1.2.3).

+ Thu thập các thông số nhân trắc mũi và số liệu nghiên cứu của bệnh

nhân vào bệnh án nghiên cứu theo mẫu in sẵn (Phụ lục 2).

2.2.4.2. Vật liệu cấy ghép:

Trong nghiên cứu này chúng tôi sử dụng vật liệu cấy ghép tự thân là

sụn vành tai và sụn vách ngăn. Vật liệu tổng hợp nhân tạo được dùng là

Silicone và Endotine ribbon.

- Từ mô tự thân: Vật liệu ghép bằng sụn vách ngăn, sụn vành tai tự thân.

Hình 2.15. Sụn tự thân dùng để cấy ghép.

- Từ vật liệu tổng hợp nhân tạo trơ: mảnh độn Silicone màu nâu

nhạt; độ mềm là 20 (Hãng ALLIED của Hoa Kỳ) được chúng tôi đục lỗ

sẵn trước đó.

Page 62: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

49

Hình 2.16. Mảnh ghép từ silicone có đục lỗ.

Vật liệu nhân tạo tự tiêu Endotine Ribbon Hãng MICROAIR Hoa Kỳ

(Hình 2.17).

Hình 2.17. Nẹp tự tiêu endotine ribbon.

Chỉ tự tiêu PDS II (Polydioxanone) 4.0 và 5.0; Chromic 4.0

Chỉ không tiêu nylon 6.0 và Prolen 7.0

Merocell nhét trong mũi cầm máu và aquaplast nẹp bên ngoài tạo dáng

sau mổ.

2.2.4.3. Dụng cụ và phương tiện nghiên cứu lâm sàng:

- Bộ dụng cụ phẫu thuật mũi chuyên dụng gồm 28 dụng cụ.

Page 63: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

50

Hình 2.18. Bộ dụng cụ phẫu thuật nâng mũi 28 dụng cụ

- Máy cắt đốt điện cao tần

Hình 2.19. Máy cắt đốt điện cao tần

- Máy hút dịch

Hình 2.20. Máy hút dịch

Page 64: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

51

- Đèn đeo đầu ánh sáng lạnh hãng Heinz.

Hình 2.21. Đèn đeo đầu hãng Heinz.

2.2.4.3. Quy trình kỹ thuật

Chúng tôi sử dụng phương pháp mổ mũi mở, với kỹ thuật mở rộng

vách ngăn bằng sụn tự thân, sụn vành tai cho chóp mũi và phối hợp silicon

kèm đục lỗ sẳn cho lưng sống mũi

Vô cảm: Mê nội khí quản, hô hấp điều khiển

Các bước phẫu thuật:

Bước 1: Tê tại chổ tăng cường

Bước 2: Phẫu thuật lấy mảnh ghép từ sụn vành tai.

Bước 3: Mổ mở xuyên trụ mũi và bộc lộ khung xương-sụn mũi

Bước 4: Phẫu thuật lấy mảnh ghép từ sụn vách ngăn.

Bước 5: Tạo hình trụ mũi mới bằng kỹ thuật mở rộng vách ngăn

Bước 6: Tạo hình chóp mũi bằng sụn vành tai.

Bước 7: Tạo dáng sống mũi bằng mảnh độn silicone.

Bước 8: Khâu đóng da và niêm mạc mũi, đặt dẫn lưu và băng ép.

Bước 1: Tê tại chổ tăng cường, rạch da, bộc lộ khung sụn.

Sau khi bệnh nhân được gây mê nội khí quản chúng tôi tiến hành tiêm

thêm khoảng 10ml dung dịch thuốc tê 1% lidocaine và epinephrine

hydrochloride (1: 100 000) vào vành tai, tháp mũi, niêm mạc mũi nhằm giảm

chảy máu và bóc tách dễ dàng hơn.

Page 65: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

52

Bước 2: Phẫu thuật lấy mảnh ghép từ sụn vành tai.

+ Kỹ thuật lấy sụn vành tai: chúng tôi thực hiện tương tự tác giả Bruno

K.R [27].

Rạch da sau tai tương ứng với vùng hố thuyền dài gần 3cm bộc lộ sụn

vành tai từ phía sau ra trước. Bóc tách phía sau sụn vành tai cần để lại màng

sụn một bên nhằm bảo đảm độ vững chắc của mảnh ghép. Dùng dao mổ số 15

rạch dứt toàn bộ chiều dầy sụn tai (không được rạch đứt da phía trước vành

tai) trong giới hạn mảnh sụn định lấy. Sau đó dùng kéo tách ra phía trước và

trong mặt đối diện giải phóng da từ hai phía mảnh sụn. Dùng kéo cắt lấy

những mảnh sụn cần thiết, nhưng phải để lại khung sụn vành tai khoảng

1,5cm, nhằm đảm bảo vành tai tránh bị biến dạng thứ phát.

Hình 2.22. Lấy mảnh ghép từ sụn vành tai.

Nguồn: Bệnh nhân Nguyễn Thị T. 1986 mã số 60B. Số hồ sơ N10/0614.

- Cầm máu bằng đốt điện cao tần , khâu đóng 2 lớp, băng ép sau khi đã

đặt gối gạc độn từ hai phía trước và sau vành tai nhằm tránh tụ máu sau mổ,

và giữ hình dáng vành tai.

Những mảnh sụn đã lấy được bảo quản trong cốc inox nhỏ, có 10 ml

nước muối sinh lý kèm dung dịch kháng sinh Amikacin 500 mg vừa đủ để giữ

ẩm và phòng ngừa nhiễm trùng.

Page 66: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

53

Bước 3: Bộc lộ khung sụn và xương tháp mũi

Dùng đường mổ mũi mở dọc theo bờ ngoài sụn cánh lớn và xuyên trụ

mũi, hình chữ V ngược và nó được kết nối đến bờ ngoài sụn cánh mũi lớn.

Hình 2.23. Phương pháp mổ mũi mở

Nguồn: Rollin D.K. (2010), “Mastering Rhinoplasty”, [109]

Hình 2.24. Đường mổ mở xuyên trụ hình V đảo ngược.

Nguồn: Bệnh nhân Nguyễn Thị T. 1986 mã số 60B. Số hồ sơ N10/0614.

Khi đó, vạt trụ mũi được tạo ra dọc theo mặt phẳng nằm phía trên các

sụn cánh mũi. Dùng kéo bóc tách tạo khoang dưới màng sụn và màng xương,

bộc lộ gần như toàn bộ khung xương và sụn chóp mũi từ bên ngoài.

Cắt dứt dây chằng nhóm I và III tách rời sụn cánh mũi lớn và sụn vách ngăn.

Page 67: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

54

Hình 2.25. Bộc lộ khung sụn và vách ngăn mũi.

Nguồn: Bệnh nhân Nguyễn Thị T. 1986 mã số 60B. Số hồ sơ N10/0614.

Tiếp tục gây tê tại chỗ với dung dịch lidocaine 1% và epinephrine

hydrochloride (1:100.000) vào niêm mạc vách ngăn mũi để giảm chảy máu và

tiện bóc tách. Dùng dao số 15 rạch phần màng sụn vách ngăn kích thước

0,5cm, sau đó thực hiện bóc tách dễ dàng dưới màng sụn, để lộ toàn bộ khung

sụn và xương vách ngăn mũi.

Trong trường hợp tạo hình mũi thứ kỳ có thêm thì lấy bỏ chất liệu độn

sống mũi. Sau đó tách bao xơ, giải phóng mô sẹo (nếu cần thiết).

Bước 4: Phẫu thuật lấy mảnh ghép từ sụn vách ngăn

Chúng tôi thực hiện tương tự theo tác giả Bruno K.R [27] bao gồm:

Trước tiên xác định phần sụn vách ngăn phải để lại sau đó dùng dao số

15 rạch đứt sụn theo chữ L định sẳn. Dùng kéo gập góc hoặc kéo chuyên dụng

lấy đi một phần sụn vách ngăn, thường kèm một phần của mảnh đứng xương

sàng. Khi lấy sụn vách ngăn, cần phải bảo tồn phần bờ ngoài sụn còn lại

khoảng 1cm của vách ngăn để bảo đảm sự vững chắc cho trụ mũi (hình 2.26).

Nếu vách ngăn yếu và chân trụ mũi cong vênh chúng ta có thể cắt rời

chân trụ mũi, đem sụn vách ngăn ra ngoài nẹp thẳng sau đó đưa vào lại sẽ đỡ

cong vênh hơn.

Page 68: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

55

Hình 2.26. Mảnh ghép từ sụn vách ngăn.

Nguồn: Bệnh nhân Nguyễn Thị T. 1986 mã số 60B. Số hồ sơ N10/0614.

Bước 5: Tạo hình trụ mũi bằng phương pháp mở rộng vách ngăn:

Tùy theo nhu cầu là gia cố trụ mũi hay cần thiết xoay chóp mũi về phía

trước hay ra sau mà sử dụng mảnh sụn vách ngăn, và sụn vành tai theo 2

phương án sau:

Phương án 1: Dùng sụn vách ngăn thuần túy: Nếu mảnh sụn vách ngăn

đáp ứng đủ về kích thước và độ cứng thì chia mảnh ghép làm 2 mảnh và cố

định vào phần còn lại của sụn vách ngăn từ hai phía.

Hình 2.27. Phương án 1: Chỉ dùng sụn vách ngăn.

Nguồn: Bệnh nhân Nguyễn Thị T. 1986 mã số 60B. Số hồ sơ N10/0614.

Page 69: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

56

Phương án 2: Dùng sụn vách ngăn + sụn vành tai. Nếu sụn vách ngăn

không đủ rộng và cứng để ghép, thì chúng tôi bổ sung thêm sụn vành tai cho

phía đối diện nhằm bảo đảm đủ vật liệu và độ vững chắc cho trụ mũi mới.Để

liên kết các mảnh sụn này, chúng tôi sử dụng ER (endotine ribbon) làm nẹp

cố định và khâu 2 thanh nẹp endotine ribbon một theo chiều dọc, một theo

chiều ngang vào phần sụn vách ngăn còn lại tạo thành cấu trúc giống chữ T.

Sau đó đính các mảnh sụn ghép vào sụn vách ngăn còn lại, hoặc cấu trúc T đã

dựng như là giá đỡ cho những mảnh sụn nhỏ. Do vậy Endotine r ibbon tạo

khung cố định giúp các mảnh ghép dễ dàng kết nối với nhau từ hai phía với

mục đích mở rộng vách ngăn và gia cố trụ mũi mới.

Hình 2.28. Ghép endotine ribbon dọc theo sống mũi và đứng theo trụ mũi. Nguồn Bệnh nhân Nguyễn Thị T. 1986 mã số 60B. Số hồ sơ N10/0614.

Sau đó niêm mạc hai bên của vách ngăn được nâng lên đến vị trí bờ

trước vách ngăn đã được mở rộng và khâu cố định vào nó.

Vách ngăn mũi vẹo, ngắn trước nẹp Vách ngăn thẳng, nối dài sau nẹp

Hình 2.29. Nẹp sụn vách ngăn vào khung ER (endotine ribbon).

Nguồn: Bệnh nhân Nguyễn Thị T. 1986 mã số 60B. Số hồ sơ N10/0614.

Page 70: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

57

Hình 2.30. Phương án 2 dùng thêm sụn vành tai cho phía đối diện.

Nguồn: Bệnh nhân Nguyễn Thị T. 1986 mã số 60B. Số hồ sơ N10/0614.

Khi khâu, các mảnh ghép được điều chỉnh để có được chiều dài mũi tối

ưu, và độ nhô đầu mũi thích hợp. Nếu cần xoay chóp mũi thì bóc tách kéo dãn

niêm mạc giữa sụn mũi bên và sụn cánh mũi lớn, nhằm kéo sụn cánh mũi lớn

lên cao và xoay về phía dưới.

Hình 2.31. Tạo hình trụ mũi với mảnh ghép mở rộng vách ngăn (SEG).

Nguồn: Bệnh nhân Nguyễn Thị T. 1986 mã số 60B. Số hồ sơ N10/0614.

Trong thì phẫu thuật này,chúng tôi có thực hiện một số thủ thuật bổ

sung như đục xương chính mũi, đục bỏ, dũa phần gồ xương chính mũi theo

Gabra N. [42], cắt bớt phần trong của sụn cánh mũi lớn.

Page 71: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

58

Bước 6: Tạo hình chóp mũi bằng sụn vành tai

Những mảnh ghép đệm ở chóp mũi có hình dáng khác nhau từ sụn

vành tai được khâu thêm vào trụ mũi mới bằng PDS 5.0 từ 1 đến 3 lớp để tăng

độ nhô và chiều dài của chóp mũi bao gồm hai nhóm chính là mảnh ghép

chồng (Cap graft) - nhằm nâng cao và mảnh ghép hình khiên (Shield graft)

nhằm kéo dài chóp mũi.

Ngoài ra có thể ghép bổ sung thêm:

Mảnh ghép hình chêm (DG - derotation graft) từ sụn vành tai khâu đính

vào khung sụn, vùng nối giữa sụn cánh mũi lớn và sụn mũi bên. Mảnh ghép

hình chêm này giúp cố định, chống xoay ngược chóp mũi, làm cho van mũi

trong được rộng hơn giúp hạn chế tình trạng hẹp van mũi trong, gây khó thở

sau mổ [93]. Mảnh ghép hình chêm (DG) rất phù hợp khi mũi bị hếch, ngắn.

Mảnh ghép thanh chống trụ mũi ((StG) – sử dụng khi trụ mũi còn yếu.

Mảnh ghép rải (SpG) – nhằm bù thể tích cho cân đối

Mảnh ghép cánh mũi (AG) -khi sụn cánh mũi yếu, hoặc bù thể tích.

Các mảnh ghép này từ sụn tự thân, và được sử dụng trong thì này nhằm

hoàn tất việc gia cố và tạo hình chóp mũi một cách hoàn thiện nhất.

Hình 2.32. Tạo hình chóp mũi bằng sụn vành tai

Nguồn: Bệnh nhân Nguyễn Thị T. 1986 mã số 60B. Số hồ sơ N10/0614.

Page 72: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

59

Nếu da đầu mũi quá dày hoặc có mô xơ, cần tiến hành làm mỏng mô

dưới da đầu mũi. Sau khi đạt được độ nhô, độ dài của chóp mũi và hình dáng

lỗ mũi thích hợp chúng tôi mới tiến hành nâng sống mũi.

Bước 7: Nâng sống mũi bằng mảnh độn từ silicone kèm lỗ.

Chúng tôi sử dụng mảnh độn từ silicone hãng ALLIED (Hoa Kỳ) màu

nâu nhạt dạng khối, được đục lỗ sẵn với đường kính 2mm trước đó. Sau đó

mảnh độn silicone được hấp tiệt trùng sẵn sàng và chứa trong túi tiệt trùng.

Mảnh độn được cắt gọt theo hình dáng mũi phù hợp từng bệnh nhân. Trong

mổ thì luôn ngâm trong dung dịch sát khuẩn Betadine 10% trước khi đặt vào

khoang mũi, tạo dáng sống mũi.

Hình 2.33. Nâng lưng sống mũi bằng mảnh độn silicone.

Nguồn: Bệnh nhân Nguyễn Thị T. 1986 mã số 60B. Số hồ sơ N10/0614.

Sau khi kiểm tra độ nhô của đầu mũi và độ thẳng của sống mũi cho thật

phù hợp trước khi khâu vết mổ.

Bước 8: Khâu đóng da và niêm mạc mũi hai bên.

Đường rạch da được khâu lại bằng nylon 6.0; đặt mũi khâu chữ U ép

niêm mạc mũi hai bên bằng chỉ Chromic 4-0; nhét merocell hai bên trong mũi

và băng cố định bên ngoài bằng tấm Aquaplast được nắn theo hình dáng mũi

mới; đặt dẫn lưu áp lực âm ổ mổ bằng ống dẫn lưu chuyên dụng nối với bơm

tiêm 10cc và được duy trì trong 1 đến 3 ngày sau phẫu thuật.

Page 73: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

60

Khi da trụ mũi ngắn, chúng tôi nối dài đường mổ theo đường dọc hai

bên xuống dưới của trụ mũi. Đường mổ kéo dài này giúp chúng tôi tăng chiều

dài trụ mũi, giảm căng da trụ mũi khi khâu đóng vết mổ.

Hình 2.34. Đường rạch da kéo dài xuống trụ mũi.

Nguồn: Bệnh nhân Nguyễn Thị T. 1986 mã số 60B. Số hồ sơ N10/0614.

2.2.4.4. Điều trị hậu phẫu và xử lý biến chứng.

Bệnh nhân được dùng kháng sinh phổ rộng trong 7-10 ngày.

Chăm sóc, thay băng, rửa vết thương hằng ngày.

Ống dẫn lưu thường được rút bỏ từ 48-72h sau mổ.

Gạc băng ép vành tai có thể tháo bỏ sau 2-3 ngày.

Nẹp mũi cố định bên ngoài thường được tháo ra sau 3-5 ngày.

Chỉ khâu được cắt bỏ sau 7-10 ngày.

Trong thời gian hậu phẫu cần theo dõi các biến chứng có thể xảy ra bao

gồm: tình trạng phù nề, viêm nhiễm tại chỗ, hở vết thương, bung chỉ, chảy

máu, tụ máu được theo dõi sát và xử trí kịp thời.

Ngoài thay băng và chăm sóc tại chỗ khi viêm nhiễm, có thể khâu lại

vết hở khi bung chỉ. Cầm máu lại và lấy máu tụ nếu cần.

Page 74: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

61

2.2.5. Quy ước đánh giá kết quả phẫu thuật

Kết quả phẫu thuật được đánh giá theo thời gian: sớm (trong 1 tháng

sau mổ); gần (trong 1 đến 6 tháng đầu sau mổ) và xa (hơn 12 tháng sau mổ).

2.2.5.1. Đánh giá kết quả sớm: trong thời gian hậu phẫu một tháng bao gồm

cả vùng cho mảnh ghép - vành tai và vùng nhận ghép - trụ, chóp mũi.

Với 3 mức độ sau:

+ Tốt:

- Vết mổ khô.

- Mũi ít sưng nề, hình dạng khá cân đối, không dấu hiệu chảy máu, tụ

máu, nhiễm trùng, hoại tử, trồi mảnh ghép, hay khó thở.

+ Khá:

- Mũi sưng nề nhiều tại chỗ và cả xung quanh, có thể gây nghẹt mũi

nhẹ nhưng không dấu hiệu chảy máu, tụ máu lớn, nhiễm trùng, hoại tử, trồi

mảnh ghép.

+ Kém:

- Vết mổ có tình trạng nhiễm trùng, nề đỏ, có thể có dịch mủ hoặc có

một trong những biến chứng sau: chảy máu, tụ máu lớn, nhiễm trùng, hoại tử,

trồi mảnh ghép.

Riêng kết quả gần và xa được đánh giá theo thang điểm như sau:

Với 7 thông số nhân trắc được thu thập chúng tôi đánh giá được 3 mục

tiêu cơ bản trong phẫu thuật nâng mũi là nâng cao, kéo dài và thu hẹp kích

thước tháp mũi giai đoạn gần ( 1-6 tháng) và xa ( sau 12 tháng).

2.2.5.2. Đánh giá kết quả gần: trong 1 - 6 tháng đầu sau phẫu thuật

Chúng tôi tiến hành xây dựng thang điểm đánh giá kết quả tạo hình

nâng mũi dựa trên 3 tiêu chí sau:

- Sự cải thiện các thông số nhân trắc mũi (5 điểm)

- Sự bảo tồn chức năng mũi (5 điểm)

- Mức độ hài lòng của bệnh nhân (5 điểm)

Page 75: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

62

1. Sự cải thiện 7 thông số nhân trắc cơ bản (5 điểm).

Bảy thông số nhân trắc mũi bao gồm:

. Chiều dài mũi từ gốc đến chóp (N-TP)

. Chiều dài mũi từ gốc đến trụ (N-SN)

. Chiều ngang cánh mũi (AL-AL)

. Chiều ngang nền mũi (AC-AC)

. Chiều cao chóp mũi (SN-TP)

. Góc mũi trán (NFA)

. Góc mũi môi (NLA)

Kết quả được đánh giá như sau:

5 điểm - Cải thiện được 7/7 thông số nhân trắc.

4 điểm - Cải thiện được 6/7 thông số nhân trắc.

3 điểm - Cải thiện được 5/7 thông số nhân trắc.

2 điểm - Cải thiện được 4/7 thông số nhân trắc.

1 điểm - Cải thiện từ 0- 3/7 thông số nhân trắc.

2. Sự bảo tồn chức năng mũi (5 điểm).

5 điểm - Chức năng thở hoặc ngửi mùi tốt hơn.

4 điểm - Chức năng thở và ngửi mùi không khác.

3 điểm - Một trong hai chức năng thở hoặc ngửi mùi kém hơn một bên.

2 điểm - Cả hai chức năng thở và ngửi mùi kém hơn một bên.

1 điểm - Khó thở và không ngửi mùi được cả hai bên.

3. Sự hài lòng của người bệnh (5 điểm).

5 điểm - Rất hài lòng

4 điểm - Khá hài lòng

3 điểm - Hài lòng nhưng còn ít khuyết điểm

2 điểm - Không hài lòng

1 điểm - Rất không hài lòng.

Page 76: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

63

Sau đó theo tổng số điểm đạt được của 3 tiêu chí này phân loại thành 4

mức độ nhằm đánh giá chung kết quả của phẫu thuật.

Tiêu chí đánh giá chung gồm 4 mức:

- Kết quả TỐT: điểm trung bình từ 13 - 15 điểm.

- Kết quả KHÁ: điểm trung bình từ 10 - 12 điểm.

- Kết quả TRUNG BÌNH: điểm trung bình từ 6 - 9 điểm

- Kết quả KÉM: điểm trung bình từ 3 - 5 điểm.

2.2.5.3. Đánh giá kết quả xa: sau phẫu thuật 12 tháng

Đánh giá hoàn toàn tương tự thời điểm 6 tháng. Sau đó so sánh kết quả

đạt được với trước mổ và thời điểm trong 6 tháng đầu và sau 12 tháng.

2.3. Phương pháp xử lý số liệu

Các thông tin thu thập được mã hoá và xử lý trên phần mềm SPSS18.0.

Các biến liên tục được xử lý. Tính tỷ lệ phần trăm; chỉ số trung bình;

kiểm định sự khác biệt giữa hai giá trị. Sử dụng T-test độc lập và T-test bắt

cặp, phép kiểm chính xác Fischer so sánh giá trị trung bình của 2 nhóm. Sự

khác biệt có ý nghĩa thống kê với (p<0.05).

2.4. Đạo đức nghiên cứu

- Đề tài nghiên cứu được Hội đồng Khoa học Viện nghiên cứu lâm

sàng 108, Bệnh viện đa khoa Mắt Sài Gòn đồng ý cho thực hiện nghiên cứu.

- Những can thiệp này được thông báo, giải thích cho bệnh nhân và

đồng ý tự nguyện tham gia.

- Bệnh nhân có quyền từ chối tham gia nghiên cứu bất cứ lúc nào.

Những người không tham gia nghiên cứu không bị phân biệt đối xử trong

điều trị.

Bệnh nhân được theo dõi liên tục để phát hiện tai biến và biến chứng và

có phương pháp xử lý.

Page 77: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

64

Chương 3

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Sau khi nghiên cứu 485 đối tượng bao gồm: nhóm A- nghiên cứu hình

thái mũi (n=400) và nhóm B- can thiệp lâm sàng (n=85).

Chúng tôi tổng hợp kết quả nghiên cứu theo những bảng, biểu, sơ đồ

dưới đây:

3.1. Kết quả nghiên cứu hình thái nhóm A (n=400)

3.1.1. Tuổi

Bảng 3.1. Phân bố nhóm A theo lứa tuổi (n=400)

Nhóm tuổi 18-20 21-30 31-40 Tổng

Số lượng 39 251 110 400

Tỷ lệ (%) 9,75 62,75 27,5 100

9.75

62.75

27.50

0

10

20

30

40

50

60

70

18-20 tuổi 21-30 tuổi 31-40 tuổi

Biểu đồ 3.1. Phân bố nhóm A theo lứa tuổi.

Tỷ lệ (%)

Page 78: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

65

Nhận xét:

- Tuổi trung bình của nhóm nghiên cứu là 27,06 ± 5,67 tuổi.

- Lứa tuổi từ 21 đến 30 là đối tượng tham gia nhiều nhất

3.1.2. Giới

Bảng 3.2. Phân bố theo giới nhóm nam (A1) và nhóm nữ (A2)

Giới Số BN Tỷ lệ (%)

Nam

Nữ

45

355

11,25

88,75

Tổng 400 100

11.25%

88.75%

Nam

Nữ

Biểu đồ 3.2. Phân bố theo giới

Nhận xét: Giới nữ nhóm A2 chiếm đa số trong nghiên cứu 88,75%

nhóm nam A1 chiếm 11,25%; và tỷ lệ nữ/nam là 7,89/1.

Page 79: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

66

3.1.3. Các thông số nhân trắc mũi nhóm A

Bảng 3.3. Các thông số nhân trắc mũi nhóm A (n=400)

Thông số Nam A1 (n=45) Nữ A2 (n=355) Giá trị

p TB SD TB SD

Chiều dài mũi NTP (mm) 39,83 3,25 39,33 3,27 0,332

Chiều dài mũi NSN (mm) 45,46 3,66 44,28 3,27 0,025

Chiều ngang cánh mũi

AL-AL (mm) 40,41 2,73 36,27 3,76 <0,001

Chiều ngang nền mũi

AC-AC (mm) 40,94 3,00 38,05 2,73 <0,001

Chiều cao chóp mũi SN-TP (mm)

23,68 3,31 20,55 2,81 <0,001

Góc mũi trán NFA (độ) 136,58 8,20 138,82 6,35 0,032

Góc mũi môi NLA (độ) 99,51 6,64 99,96 8,08 0,719

TB: Trung bình SD: Độ lệch chuẩn

Phép kiểm t Student (phép kiểm t test độc lập)

Nhận xét:

Trên nữ giới giá trị: NTP=39,33 ±3,27mm; NSN=44,28 ±3,27mm;

AL-AL=36,27 ±3,76mm; AC-AC= 38,05 ±2,73mm; SN-TP= 20,55±2,81mm;

NFA= 138,82±6,35 độ; và NLA= 99,96 ±8,08 độ.

- Trên nam giới giá trị: NTP=39,83±3,25mm; NSN=45,46 ±3,66mm;

AL-AL= 40,41±2,73mm; AC-AC= 40,94±3,00mm; SN-TP= 23,68 ±3,31mm;

NFA= 136,58±8,20 độ; và NLA= 99,51±6,64 độ.

- Có 5 thông số nhân trắc mũi khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa nhóm

nam và nhóm nữ. Các thông số này cho thấy mũi của nam giới dài hơn

(NSN với p=0,025), chóp mũi cao hơn (SN-TP với p<0,001) và rộng hơn

(AL-AL và AC-AC cùng với p<0,001) của nữ giới.

Page 80: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

67

3.1.4. Phân bố các dạng mũi nhóm A theo giới tính.

Bảng 3.4. Phân bố các dạng mũi theo giới tính (n=400)

Các dạng mũi Nam

(n=45)

Nữ

(n=355)

Tổng cộng

n=400 (%) p

Thẳng 20 (44,4) 165 (46,5) 185 (46,25)

<0,001 Lõm 11 (24,4) 188 (53,0) 199 (49,75)

Gồ 14 (31,1) 2 (0,6) 16 (4,0)

Tổng 45(100%) 355(100%) 400(100%)

Hếch 3 (6,7) 70 (19,7) 73 (18,25)

0,002 Trung gian 38 (84,4) 279 (78,6) 317 (79,25)

Khoằm 4 (8,9) 6 (1,7) 10 (2,5)

Tổng 45(100%) 355(100%) 400(100%)

Hẹp 5 (11,1) 48 (13,5) 53 (13,25)

0,329 Rộng 6 (13,3) 77 (21,7) 83 (20,75)

Rất rộng 34 (75,6) 230 (64,8) 264 (66,0)

Tổng 45(100%) 355(100%) 400(100%)

Phép kiểm Chi bình phương (χ2)

Page 81: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

68

Nhận xét:

Theo đường N-TP có 3 dạng mũi cơ bản là mũi thẳng, mũi lõm, mũi gồ

được xác định với tỷ lệ tương ứng trên nữ giới là 46,5%; 53,0%; và 0,6% và

trên nam giới là 44,4%; 24,4%; 31,1%.

Theo góc mũi môi NLA có 3 dạng mũi hếch, dạng trung gian và dạng

khoằm với tỷ lệ tương ứng trên nữ giới là 19,7%; 78,6%; 1,7%, và trên nam

giới là 6,7%; 84,4% và 8,9%.

Theo chỉ số mũi NI (nasal index) có 3 dạng mũi hẹp, mũi rộng và mũi

rất rộng với tỷ lệ tương ứng trên nữ giới là 13,5%; 21,7%; 64,8% và trên nam

giới là 11,1%; 13,3% và 75,6%.

Ngoài ra:

- Tỷ lệ mũi gồ của nam 31,1% cao hơn của nữ là 0,6%, (p<0,001).

- Tỷ lệ mũi khoằm của nam 8,9% cao hơn của nữ là 1,7%, (p=0,002).

- Tỷ lệ mũi lõm của nữ 53% cao hơn của nam 24,4% với p<0,001.

- Tỷ lệ mũi hếch của nữ 19,7% cao hơn của nam 6,7% với p=0,002

- Tỷ lệ các dạng mũi theo chiều rộng giữa nam với nữ là tương đương

nhau (p=0,329).

Page 82: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

69

3.2. Kết quả nghiên cứu nhóm lâm sàng B (n=85)

3.2.1. Tuổi

Bảng 3.5. Phân bố nhóm B theo lứa tuổi (n=85)

Nhóm tuổi < 20 20-29 30-39 ≥ 40 Tổng

Số lượng 9 32 31 13 85

Tỷ lệ (%) 10,6 37,6 36,5 15,3 100

10.6

37.636.5

15.3

0

5

10

15

20

25

30

35

40

< 20 tuổi 20-29 tuổi 30-39 tuổi ≥ 40 tuổi

Biểu đồ 3.3. Phân bố nhóm B theo lứa tuổi

Nhận xét:

- Lứa tuổi trung bình: 31,28 ± 9,82 tuổi.

- Bệnh nhân có nhu cầu nâng mũi chủ yếu trên 20 và dưới 40 tuổi.

Tỷ lệ (% )

Page 83: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

70

3.2.2. Kết quả theo giới

Trong nghiên cứu này 100% bệnh nhân phẫu thuật là nữ giới.

3.2.3. Đặc điểm lâm sàng nhóm B

Trong nhóm phẫu thuật B này có hai phân nhóm tương ứng là nhóm

bệnh nhân có nhu cầu phẫu thuật lần đầu B1 (n= 42) và nhóm chỉnh sửa thứ

kỳ B2 (n=43).

Nhóm B1 phẫu thuật nâng mũi lần đầu 42 ca tương đương với 49%.

Nhóm B2 phẫu thuật chỉnh sửa thứ kỳ 43 ca tương đương với 51%.

Các dạng mũi trước mổ trong nhóm B

Bảng 3.6. Các dạng mũi trước mổ trong nhóm B (n=85)

Các dạng mũi Số ca (Tỷ lệ %)

(n=85)

Theo độ nhô từ góc nhìn

nghiêng 90 độ

Thẳng 65(76,5)

Lõm 12(14,1)

Gồ 8(9,4)

Tổng 85(100)

Theo góc mũi môi NLA

Hếch (>1100) 13 (15,3)

Trung gian 72 (84,7)

Khoằm (<800) 0 (0%)

Tổng 85(100)

Theo chỉ số mũi NI

(Nasal Index)

Hẹp (<70) 4 (4,7)

Rộng 12 (14,1)

Rất rộng (≥80) 69 (81,2)

Tổng 85(100)

Page 84: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

71

Nhận xét: các dạng mũi trước mổ nhóm B

- Dạng mũi rất rộng chiếm đa số 81,2%.

- Mũi dạng thẳng chiếm 76,5%, kế đến là 15,3% mũi dạng hếch.

- Mũi dạng lõm chiếm 14,1% và dạng gồ chiếm 9,4%.

3.2.4. Khảo sát phẫu thuật

Chúng tôi thực hiện tất cả phẫu thuật theo quy trình 8 bước như mô tả

trong phần phương pháp 2.2.4.

3.2.4.1. Phẫu thuật bổ sung

Chúng tôi có bổ sung thêm một số phẫu thuật nhằm chỉnh sửa và cải

thiện khung sụn-xương và chân cánh mũi.

Bảng 3.7. Phẫu thuật bổ sung (n=85)

Các loại phẫu thuật bổ sung Tỷ lệ sử dụng Có (n, %)

Cắt cánh mũi ngoài 8,2% 7/85

Đục xương chính mũi 9,4% 8/85

Cắt bớt sụn cánh mũi lớn 10,5% 9/85

Cắt bớt mô đầu mũi 23,5% 20 /85

Mài dũa xương gồ 11,7% 10 /85

Khâu ép sụn bằng chỉ 98,8% 84/85

Nhận xét: Khâu ép sụn bằng chỉ tự tiêu là kỹ thuật được bổ sung chiếm

98,8% các ca phẫu thuật. Tiếp đến cắt bớt mô đầu mũi chiếm 23,5%. Mài dũa

xương gồ thực hiện 11,7%. Cắt một phần sụn cánh mũi lớn chiếm 10,5%. Đục

thu hẹp xương chính mũi chiếm 9,4%. Cắt cánh mũi ngoài chiếm 8,2% khi có

chỉ định và bệnh nhân có yêu cầu.

Page 85: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

72

3.2.4.2. Vật liệu được phối hợp để tạo hình nâng mũi

Bảng 3.8.Vật liệu được phối hợp để tạo hình nâng mũi (n=85)

Vật liệu Có sử dụng

n (%)

Sụn vách ngăn 85 (100)

Sụn vành tai 85 (100)

Nẹp Endotine ribbon 67 (78,8)

Silicone 85 (100)

100 100

78.8

100

0

20

40

60

80

100

120

Sụn vách ngăn Sụn vành tai Nẹp Endotine ribbon Silicone

Biểu đồ 3.4. Vật liệu được phối hợp để tạo hình nâng mũi

Nhận xét:

- Sụn vách ngăn, sụn vành tai được sử dụng trong tất cả các trường hợp.

- Nẹp endotine ribbon trong 78,8% trường hợp có kèm sụn vành tai khi

tạo hình trụ mũi.

- Silicone là vật liệu tổng hợp được dùng cho 2/3 trên lưng sống mũi

trong 100% các trường hợp.

Tỷ lệ (% )

Page 86: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

73

3.2.4.3. Phân bố vật liệu tạo hình mũi theo vị trí nhận ghép

Bảng 3.9. Phân bố vật liệu theo vị trí nhận ghép (n = 85)

Nơi nhận ghép Sụn vách ngăn đơn

thuần

Sụn vành tai đơn thuần

Sụn vách ngặn kèm sụn vành

tai và ER

Silicone có đục

lỗ Tổng

Ghép ở trụ mũi 18

(21,2%)

0

(0%)

67

(78,8%)

0

(0%)

85

100%

Ghép ở chóp mũi 0

(0%)

85

(100%)

0

(0%)

0

(0%)

85

100%

Ghép ở 2/3 trên sống mũi

0

(0%)

0

(0%)

0

(0%)

85 (100%)

85

100%

Nhận xét:

- Trụ mũi sử dụng bằng sụn vách ngăn đợn thuần chỉ 21,2% trường

hợp. Còn 78,8% phải phối hợp thêm sụn vành tai và endotine ribbon.

- Chóp mũi sử dụng 100% sụn vành tai.

- 2/3 trên sống mũi 100% sử dụng mảnh silicon có đục lỗ.

3.2.4.4. Mảnh ghép từ sụn tự thân bổ sung cho các vị trí khác của mũi.

Bảng 3.10. Tỷ lệ mảnh ghép bổ sung cho các vị trí khác của mũi (n = 85)

Mảnh ghép từ sụn tự thân bổ sung Có sử dụng trên

85 ca (%)

Mảnh ghép thanh chống trụ mũi (StG)

(khi trụ mũi còn yếu) 4 (4,7)

Mảnh ghép chêm (DG)

(khi mũi ngắn, chống xoay ngược) 50 (58,8)

Mảnh ghép rải (SpG)

( bù thể tích cho cân đối) 8 (9,4)

Mảnh ghép cánh mũi (AG)

(khi sụn cánh mũi yếu, hoặc bù thể tích) 3 (3,5)

Tổng số mảnh ghép bổ sung 65 (76,4)

Nhận xét: Có 65 mảnh ghép bổ sung trong 85 ca phẫu thuật:

- Mảnh ghép thanh chống trụ mũi được sử dụng trong 4,7%

Page 87: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

74

- Mảnh ghép chêm sử dụng trong 58,8% trường hợp.

- Mảnh ghép rải cần thiết trong 9,4%.

- Mảnh ghép cánh mũi là 4,6%.

3.2.4.5. Biến chứng thời điểm trong 1 tháng đầu sau mổ

Bảng 3.11. Biến chứng thời điểm trong 1 tháng đầu sau mổ (n=85)

Biến chứng Có

n (%)

Chảy máu mũi 1 (1,2)

Tụ máu 0 (0)

Nhiễm trùng 1 (1,2)

Rách niêm mạc 2 (2,4)

Hoại tử niêm mạc 1 (1,2)

Liền vết thương kỳ hai 2 (2,4)

Nghẹt mũi 5 (5,9)

Nhận xét:

- Có 5 trường hợp còn nghẹt mũi trong một tháng đầu theo dõi.

- Có 2 trường hợp liền vết thương kỳ hai.

- Có 2 trường hợp rách niêm mạc lại sau khi rút merocell (do niêm mạc

bị rách trong lúc lấy sụn vách ngăn trước đó).

- Có một trường hợp chảy máu nhiều sau khi rút miếng merocell ngày

đầu tiên sau mổ.

- Một trường hợp nhiễm trùng mũi hậu phẫu 15 ngày.

- Không có trường hợp tụ máu mũi sau mổ nào cần phải xử lý.

Page 88: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

75

3.2.4.6. So sánh tần suất biến chứng giữa nhóm B1 và B2

So sánh biến chứng giữa 2 nhóm B1 (n = 42) và B2 (n = 43):

Bảng 3.12. So sánh biến chứng giữa 2 nhóm B1 và B2

Kết quả điều trị Nhóm B1

(n=42)

Nhóm B2

(n=43)

Giá trị

p*

Chảy máu mũi 0 1 (2,3) 0,319

Tụ máu 0 0 -

Nhiễm trùng 1 (2,4) 0 0,209

Rách niêm mạc 1 (2,4) 1 (2,3) 0,987

Hoại tử niêm mạc 1 (2,4) 0 0,209

Liền vết thương kỳ hai 2 (4,8) 0 0,148

Nghẹt mũi 4 (9,5) 1 (2,3) 0,158

(*): Phép kiểm chính xác Fischer”s

Nhận xét:

- Không có sự khác biệt có ý nghĩa (p<0,05) khi so sánh theo từng biến

chứng giữa hai nhóm mổ lần đầu B1 và nhóm chỉnh sừa lại B2.

Page 89: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

76

3.2.4.7. Tỷ lệ phẫu thuật chỉnh sửa lại

Tỷ lệ phẫu thuật chỉnh sửa lại tại các thời điểm:

Bảng 3.13. Tỷ lệ phẫu thuật chỉnh sửa lại (n=75)

Chỉnh sửa lại

Thời điểm

sớm n=85

Thời điểm

gần n=75

Thời điểm xa

n=71

Cả nghiên cứu

N=85

Số BN phẫu

thuật lại (Tỷ

lệ (%)

Số BN phẫu

thuật lại (Tỷ

lệ (%)

Số BN phẫu

thuật lại (Tỷ

lệ (%)

Tổng Số BN

phẫu thuật lại

(Tỷ lệ (%)

Có chỉnh sửa 1 (1,2%) 5 (6,6 %) 0 (0%) 6 (7,0%)

Không 84 (98,8%) 70 (93,4 %) 71(100%) 79 (93%)

Tổng 85(100%) 75(100%) 71(100%) 85(100%)

Nhận xét:

- Có 1 ca chỉnh sửa lại trong 1 tháng đầu do nhiễm trùng chiếm 1,2%.

- Có 5 ca hậu phẫu cần chỉnh sửa lại trong sáu tháng đầu chiếm 6,6%

(5/75 ca), bao gồm 2 chỉnh lệch sống mũi và 2 thêm sụn đầu mũi cho cao hơn,

1 ca khó thở do lệch vách ngăn.

- Chưa có trường hợp chỉnh sửa lại ở thời điểm sau 12 tháng.

Page 90: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

77

3.2.5. Kết quả phẫu thuật nhóm lâm sàng B

3.2.5.1. Kết quả sớm trong 1 tháng đầu sau mổ (n=85)

Bảng 3.14. Kết quả sớm (n=85)

Kết quả sớm Số ca Tỷ lệ (%)

Tốt 73 85,9

Khá 5 5,9

Kém 7 8,2

85.9%

5.9%8.2%

Tốt

Khá

Kém

Biểu đồ 3.5. Đánh giá chung kết quả điều trị sớm.

Đánh giá chung kết quả điều trị sớm:

- Loại tốt đạt 85,9% (73/85 ca)

- Loại khá đạt 5,9% (5/85 ca)

- Loại kém 8,2% (7/85 ca).

Page 91: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

78

3.2.5.2. Kết quả gần nhóm B (sau mổ 1-6 tháng)

Trong thời gian từ 1- 6 tháng đầu chúng tôi theo dõi được 75/85 bệnh

nhân, có 10 bệnh nhân còn lại không theo dõi tiếp được.

Bảng 3.15. Đánh giá kết quả gần (sau mổ 1 - 6 tháng) (n=75)

Kết quả 5 điểm 4 điểm 3 điểm 2 điểm 1 điểm

Cải thiện 7 thông số

nhân trắc.

52

(69,3%)

17

(22,7%)

4

(5,3%)

2

(2,7%)

0

(0%)

Chức năng thở và

ngửi mùi

0

(0%)

70

(93,3%)

4

(5,3%)

1

(1,4%)

0

(0%)

Mức độ hài lòng 42

(56%)

31

(41,3%)

2

(2,7%)

0

(0%)

0

(0%)

Kết quả chung

theo thang điểm

59

(78,3%)

15

(20,0%)

1

(1,7%)

0

(0%)

Nhận xét:

- Kết quả trong 6 tháng đầu: đa số bệnh nhân (93,3%) bảo tồn được

chức năng mũi. Có 1 bệnh nhân bị khó thở một bên cần phẫu thuật lại, có 4

bệnh nhân khác có giảm chức năng thở nhẹ và không cần phẫu thuật lại.

- Trong 6 tháng đầu đa số bệnh nhân cải thiện về thẩm mỹ ở mức độ

Tốt 69,3%; Khá là 22,7%; Trung bình là 5,3% và 2,7% là cải thiện kém.

- Trong 6 tháng đầu mức độ rất hài lòng là 56% và khá hài lòng là 41,3%

chỉ có 2 bệnh nhân không hài lòng chiếm 2,7% theo thang điểm Likert.

Đánh giá chung kết quả gần theo thang điểm:

Tốt: 78,3%%; Khá: 20% và Trung bình: 1,7%.

Page 92: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

79

Bảng 3.16. Sự thay đổi tỷ lệ các dạng mũi trước và sau mổ 1-6 tháng

Các dạng mũi Trước mổ

(n=85) (%)

1-6 tháng sau mổ

(n=75) (%)

Theo đường

N-TP nhìn nghiêng

90 độ

Thẳng 65 (76,5) 73 (97,3)

Lõm 12 (14,1) 1 (1,3)

Gồ 8 (9,4) 1 (1,3)

Tổng 85(100) 75(100)

Theo góc mũi môi

NLA

Hếch (>1100) 13 (15,3) 1 (1,3)

Dạng trung gian 72 (84,7) 74 (98,7)

Khoằm (<800) 0 (0) 0 (0)

Tổng 85(100) 75(100)

Theo chỉ số mũi NI

(Nasal Index)

Hẹp (<70) 4 (4,7) 14 (18,7)

Rộng 12 (14,1) 29 (38,7)

Rất rộng (≥80) 69 (81,2) 32 (42,7)

Tổng 85(100) 75(100)

Nhận xét:

Trước mổ có 15,3% mũi dạng hếch và sau mổ 1-6 tháng chỉ còn một

trường hợp bị hếch.

- 98,7% các ca có dạng đầu mũi trở về dạng trung gian sau mổ 1 - 6 tháng

- Dạng mũi rất rộng giảm từ 81,2% trước mổ còn lại 42,7% sau mổ 1 - 6 tháng.

Page 93: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

80

3.2.5.3. Đánh giá kết quả xa (sau mổ trên 12 tháng) nhóm B (n=71).

Sau 12 tháng chúng tôi theo dõi được 71 ca, do đó kết quả chung được

đánh giá trên 71 ca này.

Bảng 3.17. Đánh giá kết quả điều trị sau mổ trên 12 tháng (n=71)

Kết quả 5 điểm 4.điểm 3 điểm 2 điểm 1điểm

Cải thiện 7 thông số

nhân trắc.

41

(57,7%)

22

(31%)

6

(8,5%)

2

(2,8%)

0

(0%)

Chức năng thở và

ngửi mùi

0 67

(94,3%)

4

(6,7%)

0

(0%)

0

(0%)

Mức độ hài lòng

40

(56,3%)

31

(43,7%)

0

(0%)

0

(0%)

0

(0%)

Kết quả chung theo

thang điểm

53

(74,6%)

17

(23,9%)

1

(1,4%)

0

(0%)

Nhận xét:

- Sau mổ trên 12 tháng có 94,3% bệnh nhân với chức năng mũi được

bảo tồn. Có 4 trường hợp chiếm 6,7% còn cảm thấy thở không tốt hơn nhưng

không cần phẫu thuật lại.

Sau khi thực hiện các trường hợp phẫu thuật chỉnh sửa lại tỷ lệ cải thiện

về thẩm mỹ Tốt đạt - 57,7%, Khá đạt- 31%, Trung bình 8,5% và Kém là 2,8%.

- Sau trên 12 tháng theo dõi và thực hiện phẫu thuật chỉnh sửa lại thì

mức độ hài lòng đạt 56,3% và khá hài lòng là 43,7%.

Đánh giá kết quả chung sau 12 tháng, theo thang điểm:

Tốt: 74,6%; Khá: 23,9%; Trung bình: 1,4%.

Page 94: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

81

Bảng 3.18. Sự thay đổi tỷ lệ các dạng mũi sau mổ trên 12 tháng

Các dạng mũi Trước mổ

(n=85) (%)

Sau mổ trên

12 tháng

(n=71) (%)

Theo đường

N-TP nhìn

nghiêng 90 độ

Thẳng 65 (76,5) 69 (97,2)

Lõm 12 (14,1) 1 (1,4)

Gồ 8 (9,4) 1 (1,4)

Tổng 85(100) 71(100)

Theo góc mũi

môi NLA

Hếch (>1100) 13 (15,3) 0 (0)

Dạng trung gian 72 (84,7) 71 (100)

Khoằm (<800) 0 (0) 0 (0)

Tổng 85(100) 71(100)

Theo chỉ số mũi

NI (Nasal Index)

Hẹp (<70) 4 (4,7) 7 (9,9)

Rộng 12 (14,1) 27 (38,0)

Rất rộng (≥80) 69 (81,2) 37 (52,1)

Tổng 85(100) 71(100)

Nhận xét:

- Sau mổ trên 12 tháng mũi thẳng tăng đến 97,2% còn mũi lõm và mũi

gồ giảm mạnh xuống chỉ còn 1,4% mỗi loại.

- Trước mổ có 15,3% mũi dạng hếch và sau mổ 12 tháng không còn

trường hợp nào bị hếch.

- 100% các ca có dạng đầu mũi trở về dạng trung gian sau một năm

phẫu thuật.

- Dạng mũi rất rộng giảm từ 81,2% trước mổ và sau mổ 12 tháng còn

lại 52,1%.

Page 95: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

82

3.2.5.4. Đánh giá sự cải thiện 7 thông số mũi sau mổ trên 12 tháng.

Chúng tôi có 71 trường hợp theo dõi được hơn một năm trên tổng 85

bệnh nhân. Do vậy chúng tôi đánh giá và so sánh kết quả 7 thông số mũi trên

71 bệnh nhân.

Bảng 3.19. Cải thiện các thông số nhân trắc nhóm B sau mổ trên 12 tháng

(n=71)

Nhóm

Thông số

Trước mổ

(n=71) (1)

Sau mổ trên

12 tháng

(n=71) (3) Giá trị

TB SD TB SD

Chiều dài mũi từ gốc đến

chóp NTP (mm) 37,97 4,31 40,32 3,84 p1-3<0,001

Chiều dài mũi từ gốc đến

trụ NSN (mm) 41,93 4,46 44,39 4,21 p1-3< 0,001

Chiều ngang cánh mũi

AL-AL (mm) 37,55 2,63 35,44 2,44 p1-3< 0,001

Chiều ngang nền mũi

AC-AC (mm) 37,74 3,63 36,19 3,19 p1-3< 0,001

Chiều cao chóp mũi

SN-TP (mm) 22,03 3,24 25,09 2,70 p1-3< 0,001

Góc mũi trán NFA (độ) 141,84 6,39 146,32 5,69 p1-3< 0,001

Góc mũi môi (độ) 103,42 6,80 99,62 3,23 p1-3< 0,001

Nhận xét:

Tất cả 7 thông số mũi sau mổ trên 12 tháng đều được cải thiện theo

hướng tháp mũi cao hơn, dài hơn và thu hẹp hơn có ý nghĩa thống kê.

Page 96: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

83

3.2.5.5. Số lượng các thông số được cải thiện sau mổ (n=71)

Bảng 3.20. Số lượng các thông số mũi được cải thiện sau mổ nhóm B

(n=71)

Số lượng thông số

được cải thiện sau mổ Số BN Tỷ lệ (%)

4/7 2 2,8

5/7 6 8,5

6/7 22 31,0

7/7 41 57,7

Tổng 71 100

Nhận xét: Cải thiện được hoàn toàn 7/7 thông số chiếm đa số 57,7%;

cải thiện 6/7 thông số có 31%; kế đến 5/7 thông số chiếm 8,5% và mức cải

thiện tối thiểu là 4/7 thông số chỉ có 2,8%.

Page 97: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

84

3.2.5.6. So sánh kết quả trước và sau mổ nhóm B1 (n=35) với nhóm hình

thái A2 (n=355)

Bảng 3.21. So sánh kết quả trước và sau mổ nhóm B1 (n=35) với nhóm hình thái A2 (n=355)

Thông số

Nhóm phẫu thuật lần đầu B1

(n=35)

Nhóm hình thái nữ A2

(n=355) (4)

Giá trị p1-4

p3-4

TB SD p3-4 SD

Chiều dài mũi từ gốc đến chóp NTP

(mm)

Trước điều trị (1) 37,97 4,64 39,33 3,27

0,025

Sau 1 năm (3) 40,52 4,32 0,047

T test bắt cặp p1-3< 0,001

Chiều dài mũi từ gốc đến trụ

NSN (mm)

Trước điều trị (1) 41,91 4,86 44,28 3,27

<0,001

Sau 1 năm (3) 44,71 4,30 0,471

T test bắt cặp p1-3< 0,001

Chiều ngang cánh mũi

AL-AL (mm)

Trước điều trị (1) 38,25 2,43 36,27 3,76

0,003

Sau 1 năm (3) 35,91 2,21 0,573

T test bắt cặp p1-3< 0,001

Chiều ngang nền mũi

AC-AC (mm)

n (35-6)=29

Trước điều trị (1) 36,97 3,95 38,05 3,23

0,134

Sau 1 năm (3) 35,37 3,14 <0,001

T test bắt cặp p1-3< 0,001

Chiều cao chóp mũi

SN-TP (mm)

Trước điều trị (1) 20,61 3,28 20,55 2,81

0,898

Sau 1 năm (3) 24,46 2,54 <0,001

T test bắt cặp p1-3< 0,001

Góc mũi trán NFA (độ)

Trước điều trị (1) 139,06 5,25 138,82 6,35

0,838

Sau 1 năm (3) 145,34 4,05 <0,001

T test bắt cặp p1-3< 0,001

Góc mũi môi (độ)

Trước điều trị (1) 103,54 6,63 99,96 8,08

0,012

Sau 1 năm (3) 96,77 3,15 0,021

T test bắt cặp p1-3< 0,001

TB: Trung bình SD: Độ lệch chuẩn Phép kiểm t Student (phép kiểm t test độc lập)

Page 98: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

85

Nhận xét: Trong nhóm B1 7 thông số nhân trắc điều thay đổi sau mổ có ý

nghĩa thống kê theo hướng nâng cao, kéo dài và thu hẹp tháp mũi lại.

So với nhóm hình thái A2:

Trước mổ nhóm B1 có tháp mũi ngắn hơn (NTP ,NSN và NLA), rộng

hơn (AL-AL và AC-AC) và chiều cao là tương đương (NFA và SN-TP) với

nhóm A2.

Sau mổ: nhóm B1 có tháp mũi dài hơn (NTP, NLA), cao hơn (NFA,

SN-TP) và thu hẹp hơn (AC-AC, AL-AL).

So sánh kết quả các thông số mũi trước và sau mổ nhóm B1 (n=35)

với nhóm A2 (n=355)

- Thông số chiều dài mũi đến chóp (NTP)

Biểu đồ 3.6. So sánh NTP trước và sau mổ nhóm B1 với nhóm A2

Nhận xét: chiều dài mũi đến chóp NTP nhóm B1 trước mổ là 37,97mm ngắn hơn

của nhóm hình thái A2 là 39,33mm (p1-4=0.025), và sau mổ 12 tháng đạt 40,52

mm, là dài hơn trung bình của nhóm hình thái A2 là 39,33mm (p3-4 = 0,047).

Page 99: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

86

- Thông số chiều dài mũi đến trụ NSN

Biểu đồ 3.7. So sánh NSN trước và sau mổ nhóm B1 với nhóm A2

Nhận xét: Chiều dài mũi đến trụ NSN nhóm B1 trước mổ là 41,91 mm ngắn

hơn của nhóm hình thái A2 là 44,28mm (p1-4<0,001), và sau mổ trên 12 tháng

được kéo dài đến 44,71mm, đạt tương đương với nhóm hình thái A2 là

44,28mm (p3-4 = 0,471).

Page 100: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

87

- Thông số AL-AL

Biểu đồ 3.8. So sánh AL-AL trước và sau mổ nhóm B1 với nhóm A2

Nhận xét: Chiều ngang cánh mũi AL-AL nhóm B1 trước mổ là 38,25mm

rộng hơn của nhóm hình thái A2 là 36,27mm (p1-4=0,003) và được thu hẹp sau

mổ 12 tháng còn 35,91mm, tương đương trung bình của nhóm hình thái A2 là

36,27 mm (p3-4 = 0,573).

- Thông số AC-AC {đã loại trừ 6 ca kèm cắt cánh mũi (n= 35-6=29)}

Biểu đồ 3.9. So sánh AC-AC trước và sau mổ nhóm B1 với nhóm A2

Nhận xét: Chiều ngang nền mũi AC-AC ở nhóm B1 trước mổ là 36,97 mm

và được thu hẹp lại sau mổ 12 tháng còn 35,37mm không kèm phẫu thuật cắt

cánh mũi là nhỏ hơn trung bình của nhóm hình thái A2 là 38,05mm

(p3-4< 0,001).

Page 101: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

88

- Thông số chiều cao chóp mũi - SN-TP

20.61

25.56 24.46

0

5

10

15

20

25

30

35

40

Trước điều trị 6 tháng 12 tháng

B-TP Nhóm hình thái

Biểu đồ 3.10. So sánh SN-TP trước và sau mổ nhóm B1 với nhóm A2

Nhận xét: Chiều cao chóp mũi SN-TP nhóm B1 trước mổ là 20,61mm tương

đương với 20,55mm của nhóm hình thái A2 (p1-4=0,898) và sau mổ 12 tháng

tăng lên 24,46mm (p1-3< 0,001) là cao hơn so với trung bình của nhóm hình

thái là 20.55mm (p<0,001).

SN-TP

Page 102: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

89

- Thông số góc mũi trán NFA

Biểu đồ 3.11. So sánh NFA trước và sau mổ nhóm B1 với nhóm A2.

Nhận xét: Góc mũi trán NFA của nhóm B1 trước mổ là 139,06 độ tương

đương nhóm hình thái A2 là 138,57 độ (p1-4=0,838), và sau mổ 12 tháng tăng

lên145,34 độ, lớn hơn trung bình của nhóm A2 là 138,57 độ (p3-4<0,001).

Page 103: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

90

- Thông số góc mũi môi NLA

Biểu đồ 3.12. So sánh NLA trước và sau mổ nhóm B1 với nhóm A2

Nhận xét: Góc mũi môi NLA nhóm B1 trước mổ là 103,54 độ lớn hơn 99,96

độ của nhóm hình thái A2 (p1-4 = 0,012), và sau mổ 12 tháng giảm xuống

96,77 độ, là nhỏ hơn trung bình của nhóm A2 là 99,96 độ (p3-4 = 0,021).

Page 104: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

91

3.2.5.7. So sánh kết quả trước và sau mổ nhóm B2 (n=36) với nhóm hình

thái A2 (n=355)

Bảng 3.22. So sánh kết quả trước và sau mổ nhóm B2 (n=36)

với nhóm hình thái A2 (n=355)

Nhóm

Thông số

Nhóm B2

(n=36)

Nhóm A2 (4)

(n=355)

Giá trị

p1-4

TB SD TB SD p3-4

Chiều dài mũi từ gốc đến

chópNTP (mm)

Trước điều trị (1) 37,98 4,02 39,33 3,27

0,022

Sau 1 năm (3) 40,13 3,38 0,156

T test bắt cặp p1-3< 0,001

Chiều dài mũi từ gốc đến trụ NSN (mm)

Trước điều trị (1) 41,95 4,11 44,28 3,27

<0,001

Sau 1 năm (3) 44,08 3,17 0,727

T test bắt cặp p1-3< 0,001

Chiều ngang cánh mũi

AL-AL (mm)

Trước điều trị (1) 36,88 2,67 36,27 3,76

0,342

Sau 1 năm (3) 34,98 2,59 0,046

T test bắt cặp p1-3< 0,001

Chiều ngang nền mũi AC-AC

(mm)

Trước điều trị (1) 38,20 2,91 38,05 3,23

0,751

Sau 1 năm (3) 36,50 2,71 0,001

T test bắt cặp p1-3< 0,001

Chiều cao chóp mũi SN-TP

(mm)

Trước điều trị (1) 23,11 2,57 20,55 2,81

<0,001

Sau 1 năm (3) 25,69 2,75 <0,001

T test bắt cặp p1-3< 0,001

Góc mũi trán NFA (độ)

Trước điều trị (1) 144,56 6,28 138,82

6,35 <0,001

Sau 1 năm (3) 147,28 6,86 <0,001

T test bắt cặp p1-3 = 0,018

Góc mũi môi (độ)

Trước điều trị (1) 103,31 7,06 99,96 8,08

0,017

Sau 1 năm (3) 96,47 3,34 0,011

T test bắt cặp p1-3< 0,001

Page 105: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

92

Nhận xét:

Kết quả đo các thông số mũi sau mổ của nhóm B2 cho thấy 7 thông số

nhân trắc đều được cải thiện có ý nghĩa thống kê.

So sánh nhóm B2 với nhóm A2:

Trước mổ: tháp mũi nhóm B2 trung bình ngắn hơn (NSN, NTP,NLA);

nhưng chiều ngang mũi là tương đương nhóm A2 (AL-AL, AC-AC); chiều

cao mũi nhóm B2 cao hơn nhóm A2 (SN-TP, NFA).

Sau mổ: Tháp mũi nhóm B2 dài hơn nhưng chỉ đạt tương đương nhóm

A2 (NTP, NSN); góc NLA là nhỏ hơn nhóm A2. Chiều ngang mũi được thu

hẹp nhỏ hơn (AL-AL, AC-AC); mũi cao hơn (SN-TP, NFA) so với trung bình

của nhóm A2.

So sánh các thông số mũi trước và sau mổ nhóm B1 (n=35) với nhóm

hình thái A2 (n=355)

- Thông số chiều dài mũi đến chóp NTP

Biểu đồ 3.13. So sánh NTP trước và sau mổ nhóm B2 với nhóm A2

Page 106: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

93

Nhận xét: chiều dài mũi NTP của nhóm B2 trước mổ là 37,98mm ngắn hơn

so với trung bình của nhóm hình thái A2 là 39,33mm (p1-4 = 0,022), và sau

mổ 12 tháng đạt 41,13 mm, là dài tương đương với nhóm hình thái A2

(p3-4 = 0,156).

- Thông số chiều dài mũi đến trụ NSN

Biểu đồ 3.14. So sánh NSN trước và sau mổ nhóm B2 với nhóm A2

Nhận xét: chiều dài mũi đến trụ NSN của nhóm B2 trước mổ là 41,95mm

ngắn hơn trung bình của nhóm hình thái A2 là 44,28mm (p1-4< 0,001), nhưng

sau mổ 12 tháng đạt 44,08 mm dài tương đương với nhóm hình thái A2 là

44,28mm (p3-4 = 0,727).

Page 107: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

94

- Thông số AL-AL

Biểu đồ 3.15. So sánh AL-AL trước và sau mổ nhóm B2 với nhóm A2

Nhận xét: chiều ngang cánh mũi AL-AL nhóm B2 trước mổ là 36,88mm

tương đương 36,27mm của nhóm hình thái A2 (p1-4 = 0,342) và sau mổ 12

tháng được thu hẹp lại 34,98mm nhỏ hơn của nhóm hình thái A2 là 36,27mm

(p3-4 = 0,046).

Page 108: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

95

- Thông số AC-AC

Biểu đồ 3.16. So sánh NTP trước và sau mổ nhóm B2 với nhóm A2

Nhận xét: AC-AC: chiều ngang nền mũi AC-AC nhóm B2 trước mổ là

38,20mm tương đương với 38,05mm của nhóm hình thái A2 (p1-4 = 0,751),

nhưng sau mổ 12 tháng được thu hẹp còn 36,5mm, là nhỏ hơn của nhóm hình

thái A2 là 38,05mm (p3-4 = 0,001).

- Thông số SN-TP

Biểu đồ 3.17. So sánh SN-TP trước và sau mổ nhóm B2 với nhóm A2

SN-TP

Page 109: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

96

Nhận xét: chiều cao chóp mũi SN-TP nhóm B2 trước mổ là 23,41mm đã cao

hơn của nhóm hỉnh thái A2 là 20,55mm (p1-4<0,001) và sau mổ 12 tháng đạt

25,69mm, là cao hơn nữa so với nhóm hình thái A2 là 20.55mm (p3-4<0,001).

- Thông số góc mũi trán NFA

Biểu đồ 3.18. So sánh NFA trước và sau mổ nhóm B2 với nhóm A2

Nhận xét: góc mũi trán NFA nhóm B2 trước mổ là 144,56 độ lớn hơn trung

bình của nhóm hình thái A2 là 138,82 độ (p1-4<0,001) và sau mổ 12 tháng đạt

147,28 độ, là lớn hơn so với nhóm hình thái A2 là 138,82 độ (p3-4<0,001).

Page 110: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

97

- Thông số góc mũi môi NLA

Biểu đồ 3.19. So sánh NLA trước và sau mổ nhóm B2 với nhóm A2

Nhận xét: góc mũi môi NLA nhóm B2 trước mổ là 103,31 độ lớn hơn 99,96

độ của nhóm hình thái A2 (p1-4 = 0,017), và sau mổ 12 tháng đạt 96,47 độ, là

nhỏ hơn 99,96 độ của nhóm hình thái A2 (p3-4 = 0,011).

Page 111: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

98

Chương 4

BÀN LUẬN

Dựa theo kết quả nghiên cứu 485 đối tượng bao gồm: nhóm A- nghiên

cứu hình thái mũi (n=400) và nhóm B- can thiệp lâm sàng (n=85), chúng tôi

xin bàn luận về một số vấn đề sau:

4.1. Bàn luận về kết quả nghiên cứu hình thái tháp mũi nhóm A (n=400).

4.1.1. Bàn luận về đối tượng

Chúng tôi nghiên cứu một số đặc điểm hình thái mũi của người

trưởng thành qua phương pháp đo trực tiếp trên 400 đối tượng ngẫu nhiên

từ 18 đến 40 tuổi nhằm loại trừ những thay đổi do tuổi tác khác. Chúng tôi

chọn ngẫu nhiên các đối tượng đến khám bệnh mắt, thân nhân của bệnh

nhân và nhân viên của bệnh viện không phân biệt vùng miền hay địa

phương từ đâu họ đến. Vì bệnh nhân đến khám mắt chủ yếu là dân địa

phương nên có thể nói đối tượng nghiên cứu chủ yếu là người Việt ở miền

Nam Việt Nam. Nhóm đối tượng này có độ tuổi được phân bố đa dạng hơn

so với nghiên cứu của Trần Thị Anh Tú [9], Phan Ngọc Toàn [8] khi đối

tượng chỉ là thuần tuý s inh viên trong các trường đại học.

Ngược lại giới tính nữ chiếm đa số 88,5% là ưu điểm khi chúng tôi

dùng số liệu thu thập được so sánh với nhóm lâm sàng bao gồm 100% là nữ.

Số liệu đo đạc của chúng tôi trên số lượng 355 nữ là lớn hơn so với nghiên

cứu của Trần Thị Anh Tú là 243 nữ [9] và Phan Ngọc Toàn là 215 nữ [8]. Do

vậy cho đến nay trong y văn nghiên cứu hình thái của chúng tôi có số lượng

nữ giới chiếm cao nhất.

Page 112: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

99

4.1.2. Bàn luận về khác biệt giới

Trong nghiên cứu này, có 5 thông số nhân trắc mũi của nam giới khác

biệt với nữ giới có ý nghĩa thống kê. Các thông số NTP, NSN, AC-AC, AL-

AL, NFA cho thấy trung bình mũi nam giới dài hơn, rộng hơn và cao hơn

trung bình mũi nữ giới. Chúng tôi còn ghi nhận sự khác biệt có ý nghĩa thống

kê về tỷ lệ mũi gồ của nam 31,1% cao hơn so với của nữ là 0,6%, tỷ lệ mũi

khoằm của nam 8,9% cao hơn của nữ là 1,7%. Ngược lại tỷ lệ mũi lõm của nữ

53% cao hơn của nam 24,4%, và tỷ lệ mũi hếch của nữ 19,7% cao hơn của

nam 6,7%. Điều tương tự này cũng được ghi nhận ở các tác giả trong nước

Trần Thị Anh Tú; Phan Ngọc Toàn; Trần Thiết Sơn và nước ngoài Wang H.J.

[8], [9], [126].

4.1.3. Bàn luận về các dạng mũi

Trước đây, tác giả Trần Thị Anh Tú phân loại 6 dạng mũi chính là lõm,

gãy, thẳng, gồ, hếch và khoằm. Cách phân loại này chưa tính đến chiều rộng

mũi và bỏ sót dạng mũi có dạng trung gian giữa mũi hếch và mũi khoằm.

Nhằm bổ sung thêm các dạng mũi bỏ sót và ứng dụng trong lâm sàng chúng

tôi phân loại thành 9 dạng mũi theo 3 tiêu chí: độ nhô mũi (đường nối từ điểm

N- đến điểm TP), góc mũi môi (NLA) và chỉ số mũi (NI).

Theo độ nhô trên đường nối từ điểm N- đến điểm TP (mặt nghiêng 90

độ): phân loại thành 3 dạng mũi cơ bản là mũi thẳng, mũi lõm, mũi gồ với tỷ

lệ tương ứng xác định được là 46,25%; 49,75%; và 4%.

Theo góc mũi môi (NLA): có 3 dạng mũi hếch, mũi dạng trung gian và

mũi khoằm với tỷ lệ tương ứng là 18,25%,79,25% và 2,5%. Phân loại này đã

được chấp thuận và sử dụng khá phổ biến hiện nay [9], [126].

Theo chỉ số mũi NI:Chỉ số này là tỷ lệ giữa chiều rộng mũi AL-AL chia

cho chiều dài mũi từ gốc đến trụ NSN (NI = AL-AL/NSN). Riêng trong nước

Page 113: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

100

ta chưa có báo cáo phân loại các dạng mũi theo cách này. Nhằm đáp ứng nhu

cầu đánh giá sau phẫu thuật khi cần lượng hóa chiều ngang cánh mũi chúng

tôi đề xuất phân loại như sau:

Dựa theo nghiên cứu chỉ số mũi (NI) của tác giả Leong S.C [81] trên

nhiều chủng tộc cho thấy trung bình người Việt có chỉ số mũi từ 86-90, thuộc

dạng rộng và rất rộng. Chỉ số này càng thấp thì mũi càng hẹp và đặc trưng cho

mũi người da trắng Âu Mỹ và chỉ số này lớn dần khi đo sang người da vàng Á

châu và lớn nhất ở người da đen Phi Châu.

Hình 4.1. Phân bố địa lý theo chỉ số mũi (NI) trên thế giới.

“Nguồn: Leong S.C. (2009), Clin.Otolaryngol” [81]

Nguyên tắc này được các nhà hình thái học trên thế giới dùng để phân

biệt hình dạng tháp mũi theo chủng tộc. Mũi hẹp có chỉ số mũi nhỏ hơn 70 là

Page 114: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

101

đặc trưng cho mũi người da trắng. Mũi rộng trung bình có chỉ số mũi từ 70

đến 80 là đặc trưng cho người da vàng phía bắc Trung Quốc, Hàn Quốc. Mũi

rất rộng khi có chỉ số mũi lớn hơn 80 là đặc trưng cho người da vàng vùng

Đông Nam Á và người da đen Châu Phi. Do vậy chúng tôi phân loại chiều

rộng mũi trong nghiên cứu cũng dựa theo nguyên tắc này. Nếu chỉ số mũi NI

nhỏ hơn 70 là mũi hẹp, từ 70 đến dưới 80 là mũi rộng và từ 80 trở lên là mũi

rất rộng.

Khi chúng tôi dùng chỉ số mũi NI (NI = AL-AL/NSN) để phân loại

chiều ngang mũi thành 3 dạng mũi hẹp, mũi rộng và mũi rất rộng thì kết quả

trong nghiên cứu này là mũi hẹp chiếm 13,25%, mũi rộng chiếm 20,75% và

mũi rất rộng chiếm đa số 66%.

Chúng tôi nhận thấy rằng tại Việt nam chưa có phân loại mũi nào theo

chiều rộng trong khi đó PTV thường phải thu hẹp cánh mũi nên đề nghị phân

loại thêm những dạng mũi này.

Như thế theo ba tiêu chí trên chúng tôi phân loại thành 9 dạng mũi cơ

bản để làm cơ sở lý luận, so sánh với kết quả nghiên cứu lâm sàng, mặc dù

còn có nhiều dạng trung gian hay phối hợp khác mà chúng tôi chưa ghi nhận

qua công trình này. Nhìn chung, phân loại thành 9 dạng mũi cơ bản theo 3

thông số này là tương đối đơn giản và bổ sung thêm được những dạng trung

gian khác so với cách phân loại thành 6 dạng mũi trong nghiên cứu của tác

giả Trần Thị Anh Tú [9] hoặc chỉ có 4 dạng như tác giả Phan Ngọc Toàn [8].

Trong 6 dạng mũi của tác giả Trần Thị Anh Tú có dạng mũi gãy, thực

chất là đó là mũi lõm hơn 5mm. Chúng tôi cho rằng dưới góc độ phẫu thuật

thì mũi lõm và mũi gãy có thể nhập chung vào một nhóm là mũi lõm.

Page 115: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

102

Bảng 4.1. So sánh tỷ lệ các dạng mũi.

Tỷ lệ dạng mũi

theo các tác giả

Chúng tôi,

n=400

(Nam 45

Nữ 355)

Trần Thị Anh Tú,

n=400

(Nam 157

Nữ 243)

Chúng tôi

Nữ

(n=355)

Trần Thị Anh Tú

Nữ

(n=243)

Mũi lỏm +

mũi gãy

49,75% 39,25 + 2 =

41,25%

53% 48,1+2=50,1%

p 0,016 0,508

Mũi thẳng 46,25% 53,5% 46,5% 46,1%

p 0,041 0,925

Mũi gồ 4% 5,25% 2% 3,7%

p 0,399 0,197

Mũi hếch 18,25% 17% 19,7% 17,7%

p 0,643 0,535

Mũi khoằm 2,5% 1,5% 1,7% 0,4%

p 0,312 0,153

Theo bảng trên không có sự khác biệt về tỷ lệ các dạng mũi của chúng

tôi so với của Trần Thị Anh Tú. trên nữ giới (p> 0,05). Tỷ lệ mũi lõm và mũi

thẳng có sự khác biệt khi so sánh chung cả hai giới (p<0,05). Điều này lý giải

do trong nghiên cứu của chúng tôi có tỷ lệ nữ nhiều hơn nam so với nghiên

cứu của Trần Thị Anh Tú nên kết quả này cũng là phù hợp [9].

Page 116: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

103

Các tác giả Trần Thị Anh Tú [9], Phan Ngọc Toàn [8], Wang [126]

trong nghiên cứu của mình đều có nhận định chung rằng tỷ lệ mũi gồ và mũi

khoằm của nam cao hơn của nữ, ngược lại tỷ lệ mũi hếch và lõm của nữ cao

hơn nam có ý nghĩa thống kê. Trong nghiên cứu này của chúng tôi cũng có

kết quả tương tự. Đặc biệt là tỷ lệ mũi lõm của nữ 53% cao hơn của nam

24,4% (p<0,001), và tỷ lệ mũi hếch của nữ 19,7% cao hơn của nam 6,7%

(p=0,002). Do vậy theo cách phân loại của chúng tôi về cơ bản cho kết quả

hoàn toàn tương tự các tác giả trước đó chỉ bổ sung những dạng còn bỏ sót mà

thôi. Mặc dù khi phân loại thành 9 dạng mũi cơ bản cũng chưa thể hiện hết sự

đa dạng trên thực tế mà phẫu thuật viên phải đối mặt nhưng nó là cơ sở lý

luận khi chỉ định, so sánh và đánh giá sự thay đổi hình dạng tháp mũi khi có

can thiệp lâm sàng.

4.1.4. Bàn luận về các thông số hình thái mũi

Các tác giả Kyle S.C. [76], Leong S.C. [81], Choi J.Y [37], Crumley

R.L. [39], Gode Seran [46], Wang J.H. [126], Trần Thị Anh Tú [9], Hoàng

Tử Hùng [3] và Phan Ngọc Toàn [8], khi nghiên cứu hình thái thì thường

chọn các điểm mốc đo đạc là tương tự nhau.Tùy vào mục đích nghiên cứu và

cách đo mà các tác giả lựa chọn thông số nào là phù hợp nhất.

Với mục đích ứng dụng trong lâm sàng bằng cách đo trực tiếp khi nâng

mũi chúng tôi chọn 7 thông số mũi dựa theo những nghiên cứu hình thái trước

đó. Chúng tôi xác định các điểm mốc theo Kyle S.C. [76] và cách đo chiều

rộng 2 thông số (AL-AL và AC-AC), cách đo chiều dài 2 thông số (NTP,

NSN) tương tự Trần Thị Anh Tú [9], và Phan Ngọc Toàn [8], đo các góc

NLA và NFA tương tự như cách đo của Choi J.Y. [37], còn và chiều cao 2

thông số (SN-TP, NFA) về bản chất thì hoàn toàn tương tự Wang J.H. [126].

Page 117: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

104

Chúng tôi cho rằng 7 thông số hình thái mũi này là khá đầy đủ và thích

hợp cho phép bàn luận, đánh giá và so sánh trên quả lâm sàng ở nhóm B.

Bảng 4.2. So sánh các thông số nhân trắc mũi với các tác giả khác

Biến số Tác giả Phương pháp Trung bình (mm)

Chiều dài mũi

NSN

Chúng tôi Đo trực tiếp 44,41 ±3,33

Trần Thị Anh Tú Đo trên ảnh kỹ thuật số 48 ±3,9

Trần Thiết Sơn Đo trực tiếp 44,1±2,5

Chiều dài mũi

NTP

Chúng tôi Đo trực tiếp 39,38 ±3,27

Trần Thị Anh Tú Đo trên ảnh kỹ thuật số 39±1,2

Phan Ngọc Toàn Đo trực tiếp 39,8±2,9

Chiều ngang

mũi AL-AL

Chúng tôi Đo trực tiếp 38,37±2,9

Trần Thị Anh Tú Đo trên ảnh kỹ thuật số 40±3,0

Phan Ngọc Toàn Đo trực tiếp 38,2±2,9

Chiều cao

chóp mũi. SN-

TP

Chúng tôi Đo trực tiếp 20,9 ±3,03

Trần Thị Anh Tú Đo trên ảnh kỹ thuật số 23±2,6

E.Matory Đo trên ảnh kỹ thuật số 31

Nhìn chung không có sự khác biệt lớn giữa các tác giả khác trong nước

khi đo trực tiếp hoặc đo trên ảnh kỹ thuật số. Cụ thể nếu so sánh NSN của

chúng tôi là 44,41mm và tác giả Trần Thiết Sơn là 44,1mm. Còn NTP của

Page 118: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

105

chúng tôi 39,38 mm tương tự với 39,8mm của Phan Ngọc Toàn khi đo trực

tiếp và 39 mm của Trần Thị Anh Tú đo qua ảnh kỹ thuật số.

Khi so sánh chiều cao chóp mũi SN-TP của chúng tôi là 20,9mm

thấp hơn tác giả E.Matory tương ứng là 31mm. Đây cũng là sự khác biệt

nhận thấy rỏ ràng nhất giữa mũi người châu Á so với người châu Âu, châu

Mỹ da trắng [9].

Tóm lại qua nghiên cứu hình thái chúng tôi xác định được 9 dạng mũi

cơ bản bao gồm thẳng, lõm, gồ, hếch, trung gian, khoằm, hẹp, rộng và rất

rộng giúp phẫu thuật viên định tính khi cần chỉ định phẫu thuật.

Chúng tôi cũng lượng hoá được 7 thông số nhân trắc tháp mũi giới nữ

bao gồm NSN, NTP, Al-AL, AC-AC, SN-TP, NFA, NLA giúp phẫu thuật

viên định lượng khi cần đánh giá kết quả hậu phẫu và so sánh với các thông

số nhân trắc mũi trung bình của người Việt trưởng thành. Số liệu này không

khác biệt nhiều so với những nghiên cứu trước đó nhưng chúng tôi có bổ sung

thêm các dạng mũi và các thông số nhân trắc chủ yếu phục vụ cho nghiên cứu

lâm sàng tiếp theo.

4.2. Bàn luận về kết quả nghiên cứu lâm sàng của nhóm B (n=85)

Theo kết quả nghiên cứu trên 85 ca can thiệp lâm sàng chúng tôi xin

bàn luận về những vấn đề sau:

4.2.1. Bàn luận về tuổi

Lứa tuổi trung bình trong nghiên cứu của chúng tôi là 31,28 tuổi. Đối

tượng có nhu cầu nâng mũi chủ yếu từ 20 đến 40 tuổi. Đây cũng là lứa tuổi

mà chúng tôi nghiên cứu hình thái nhóm A (từ 18-40 tuổi). Việc này giúp

chúng tôi có những kết quả lâm sàng so sánh phù hợp nhất với nghiên cứu

hình thái. Lứa tuổi chiếm đa số trong các nghiên cứu của Park C.H. trung bình

là 36 tuổi [94] và của Park J. H. là 30,6 tuổi [96].

Page 119: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

106

4.2.2. Bàn luận về phương pháp nâng sống mũi

Phương pháp nâng mũi đơn thuần bằng mô tự thân đã được sử dụng từ

xa xưa, nhưng từ năm 1964 nhiều tác giả chuyển sang dùng thuần tuý vật liệu

nhân tạo silicone. Tuy nhiên khi PTV chỉ dùng thuần tuý silicone để nâng mũi

mà không tính đến cấu trúc nâng đỡ khung sụn mũi thì xác suất trồi mảnh

silicone dạng chữ L chủ yếu ở vùng đầu mũi và nguy cơ không đạt yêu cầu về

thẩm mỹ là rất cao [85].

Năm 1997 Byrd H.S. được xem là người đầu tiên mô tả phương pháp

mở rộng vách ngăn (SEG: Septal Extens ion Graft), một loại hình kỹ thuật

mới, dùng sụn vách ngăn gia cố khung sụn nâng đỡ đầu mũi khi phẫu thuật

nâng mũi cho người da trắng [29], [30]. Tuy nhiên sau đó các tác giả châu Á

đã gặp nhiều khó khăn khi sử dụng phương pháp này do sụn vách ngăn của

người Châu Á thường mỏng và yếu [22], [50], [55], [58], [131]. Từ đó đã

có nhiều nghiên cứu cải tiến phương pháp mở rộng vách ngăn của Byrd

H.S. [72]. Cũng trên quan điểm này chúng tôi vừa có cải tiến về phương

pháp và cả về vật liệu khi tạo hình nâng mũi. Chúng tôi phát tr iển kỹ thuật

mở rộng vách ngăn của Byrd H.S. [29], [30] từ ghép một bên thuần túy

bằng sụn vách ngăn sang ghép từ hai bên có kèm thêm sụn vành tai.

Chúng tôi cho rằng các mảnh ghép từ hai bên giúp cho trụ mũi vững chắc

và cân đối hơn trên người Á châu. Việc tạo hình lại hệ thống khung nâng đỡ

gần như được thống nhất tiến hành bằng phương pháp khâu và ghép thêm mô

tự thân-hay còn gọi là nâng mũi cấu trúc [44], [72]. Phương pháp nâng mũi

cấu trúc có thể hiểu là phẫu thuật nâng mũi kèm tái cấu trúc khung sụn của

tháp mũi bằng các mảnh ghép từ mô tự thân. Do đó nhất thiết phải thay đổi

chất liệu từ tổng hợp nhân tạo sang sử dụng thuần túy mô tự thân hoặc phối

hợp cả hai nhóm vật liệu này.

Page 120: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

107

Bằng các mảnh ghép từ sụn tự thân-chúng tôi gia cố phần trụ mũi như

nền móng vững chắc cho việc nâng cao chóp mũi sau này hiệu quả và an toàn

hơn. Sau khi dựng trụ mũi và khâu sụn cánh mũi vào trụ mũi mới chúng tôi đã

nâng cao được phần nào chóp mũi và thay đổi được hình dáng lỗ mũi cũng

như thu hẹp chiều ngang cánh mũi. Đây là ưu điểm của phương pháp này, mà

theo phương pháp mổ kín trước đây là không thể. Nhiều tác giả không ghi

nhận điều này và chủ yếu chỉ đánh giá sự thay đổi chiều cao và chiều dài khi

nâng mũi mà không chú ý đến thu hẹp chiều ngang mũi [36], [50], [55]. Jin

H.R. (2011), cho rằng phương pháp mở rộng vách ngăn là hướng nghiên cứu

chiếm ưu thế gần đây ở Châu Á [59]. Còn Jang Y.J cho rằng phương pháp mở

rộng vách ngăn là vô cùng hiệu quả với mũi người Châu Á [56]. Như vậy

phương pháp nghiên cứu của chúng tôi hiện nay là phù hợp với xu hướng

chung này. Từ đây chúng tôi muốn nhấn mạnh vai trò quan trọng của trụ mũi,

khi cần nâng mũi cho người châu Á.

4.2.3. Bàn luận về chỉ định của phương pháp

Cũng như bất cứ phẫu thuật thẩm mỹ nào khác, chỉ định phẫu thuật tạo

hình mũi cũng chỉ là tương đối. Trong nghiên cứu này chúng tôi chỉ bàn luận

đến chỉ định khi bệnh nhân có nhu cầu nâng mũi mà thôi. Mặc dù còn nhiều

quan điểm khác biệt nhưng nhìn chung các tác giả đều đồng thuận là có một

vài thông số mũi chuẩn, được nhiều người ưa thích, cụ thể theo Jang Y.J góc

NLA là 97,3 ± 8,6 độ và góc mũi trán NFA khoảng 137,5 ± 6,9 độ. Đây là

những mốc cơ bản để PTV định hình tháp mũi mới, từ đó mới có những so

sánh và chỉ định phẫu thuật phù hợp.

Tuy vậy các tác giả Jung D.H. (2004) [65], Tasman A.J. (2007) [117],

Eduardo Yap (2011) [131], Huang J. Liu Y. (2012) [50], Jang Y.J (2014) [55],

Jinde Lin (2013) [61], Park J.H. (2013) [96], Ponsky D.C (2010) [104],

Ming L.J. (2015) [90] đã chỉ định phương pháp nâng mũi cấu trúc không

những ở bệnh nhân có mũi hếch bẩm sinh, mà còn chỉ định trong trường hợp

Page 121: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

108

mũi bị co rút ngắn thứ phát. Nguyên nhân chính là khi nâng mũi cấu trúc, mới

có thể xoay chuyển sụn cánh mũi lớn một bên hoặc cả hai bên về phía trước

và kéo dài chóp mũi. Năm 2012, trong nghiên cứu của mình, tác giả Rohrich

R.J. đã chỉ định phương pháp nâng mũi cấu trúc cho 34% trường hợp mũi

thấp, 26% biến dạng chóp mũi, 22% do cả hai lý do trên, 12% khi có giảm độ

nhô chóp mũi sau mổ và mũi hếch là 6% [108]. Tác giả Jin H.R. thì có chỉ

định rộng hơn phương pháp này với những chẩn đoán sau: mũi lệch, mũi còn

thấp, mũi hếch, mũi gồ, mũi lõm [59], còn Kim J.S. thì chỉ định khi cần chỉnh

sửa chóp mũi và trụ mũi [71]. Các tác giả Jung D.H. [65], Park C.H. [94],

Jang Y.J. [55] cũng đã chỉ định phương pháp mở rộng vách ngăn trong hầu

hết các phẫu thuật nâng mũi thứ kỳ của mình. Như vậy, trong y văn chỉ định

cho phương pháp này là rất đa dạng.

Qua thực tế lâm sàng nâng mũi cho 85 bệnh nhân, chúng tôi cho rằng

phương pháp nâng mũi cấu trúc - phối hợp mô tự thân và vật liệu nhân tạo có chỉ

định đối với bệnh nhân có nhu cầu nâng mũi lần đầu và sửa chửa cho những

trường hợp đã nâng mũi nhưng có kết quả không mong muốn bao gồm:

- Bệnh nhân có mũi hếch (góc mũi môi NLA >110 độ).

- Bệnh nhân có nhu cầu thu nhỏ chóp mũi, thu hẹp hình dáng lỗ mũi.

- Bệnh nhân có biến dạng chóp mũi, hoặc trụ mũi.

Đa số bệnh nhân nhóm B2 trong nghiên cứu này đã phẫu thuật nâng

mũi nhưng chưa hài lòng vì còn ngắn, thấp, lệch sống mũi nhân tạo hoặc có

biến dạng chóp mũi, trụ mũi. Việc tiếp tục thực hiện phẫu thuật theo phương

pháp cũ là rất khó khăn và hầu như không thể vì da chóp mũi đã mỏng, trong

khi mũi vẫn còn ngắn, hếch hoặc có sẹo co rút. Chúng tôi đã chỉ định phương

pháp mở rộng vách ngăn cho các trường hợp này. Chúng tôi nhận thấy khi có

biến dạng chóp mũi, trụ mũi đây là phương pháp rất hiệu quả. Từ đó có thể

ứng dụng phương pháp này khi có biến dạng chóp mũi, trụ mũi do di chứng

khe hở môi vòm bẩm sinh, do chấn thương...

Page 122: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

109

Trong những trường hợp cánh mũi, lỗ mũi rộng, hoặc đầu mũi to thì

chỉ với phương pháp này chúng ta mới có thể thay đổi hình dạng lỗ mũi và

thu hẹp phần nào chiều ngang cánh mũi, lỗ mũi mà không phải tạo thêm sẹo ở

ngoài. Riêng chỉ định nâng mũi cấu trúc cho bệnh nhân có nhu cầu thay đổi

hình dáng lỗ mũi là do chúng tôi đề xuất. Chỉ định này làm bệnh nhân rất hài

lòng vì mũi người Việt chúng ta thường thuộc dạng rộng và rất rộng. Các tác

giả nước ngoài hầu như không báo cáo về chỉ định này khi nâng mũi, có thể

vì cánh mũi, lỗ mũi của họ không rộng như chúng ta. Các chỉ định khác của

chúng tôi cho phương pháp này là tương tự và hoàn toàn phù hợp với các tác

giả khác trên thế giới.

4.2.4. Bàn luận về chọn lựa vật liệu ghép

Chúng tôi chọn mô tự thân phối hợp với vật liệu nhân tạo vì giả định

rằng sẽ tận dụng được ưu điểm của mỗi loại chất liệu và chấp nhận những yếu

điểm còn tồn tại. Chúng tôi sử dụng sụn tự thân ở các cấu trúc di dộng, chịu

lực ở trụ và chóp mũi, và mảnh silicone kèm đục nhiều lỗ ở phần cố định trên

sống mũi. Tùy vị trí ghép mà chúng tôi sử dụng loại vật liệu phù hợp, dựa trên

các nghiên cứu cơ bản về diễn biến mảnh ghép của nhiều tác giả trên thế giới

trong những năm gần đây. Cụ thể là:

Chọn sụn tự thân hoặc sụn tự thân kèm ER tự tiêu ghép vùng trụ mũi

Tác giả Jang Y.J. (2014) [55], Jin H.R (2009) [59], Jinde Lin (2013)

[61], xem sụn vách ngăn là vật liệu rất phù hợp để mở rộng vách ngăn vì cùng

một phẫu trường. Xu hướng sử dụng này cũng được nhiều tác giả khác quan

tâm nghiên cứu [5], [131], [65].

Chúng tôi chỉ dùng sụn vách ngăn và sụn tai khi tạo hình trụ mũi mới

trong nghiên cứu này, mặc dù chúng tôi hiểu rằng sụn sườn sẽ là mảnh ghép

cấu trúc vững chắc hơn tuy nhiên do số liệu chưa đầy đủ nên không đưa vào

nghiên cứu. Chúng tôi thường xuyên phải dùng thêm sụn vành tai kèm sụn

vách ngăn trong 78,8% trường hợp. Việc này chứng tỏ rằng sụn vách ngăn

Page 123: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

110

đơn thuần của người Việt không đáp ứng đầy đủ cho kỹ thuật này. Do vậy

chúng tôi cho rằng việc sử dụng phối hợp sụn vách ngăn, sụn vành tai và ER

là hiệu quả và giúp giảm xác suất phải dùng sụn sườn trong nghiên cứu này.

Đây là ưu điểm được bệnh nhân đồng thuận và đánh giá cao vì tâm lý sợ đau

và có thêm sẹo vùng ngực khi lấy sụn sườn là khó chấp nhận hơn. Các tác giả

châu Á Yap. C [131]; Yean L.C. [132]; Jeong J.J [58]; Jinde L. [61], Yang

Y.J. [55] cũng dùng thêm sụn vành tai trong khi sụn vách ngăn không đạt yêu

cầu tương tự như chúng tôi, tuy nhiên họ không dùng kèm thêm vật liệu tự

tiêu ER. Việc chúng tôi dùng thêm ER (endotine ribbon) là ý tưởng mới cho

nghiên cứu tại châu Á. Nghiên cứu này tương tự khi các tác giả châu Âu dùng

mảnh PDS trong nghiên cứu của Benjamin P. (2015) [20], Boenisch M (2010)

[25], James S.E (2008) [53]. Do vậy việc dùng sụn vách ngăn, hay sụn vách

ngăn kèm sụn vành tai có ER của chúng tôi là kết hợp xu hướng nghiên cứu

của Châu Á lẫn châu Âu.

Mặc dù vậy chúng tôi vẫn cho rằng trong một số trường hợp khi sụn

vách ngăn không đạt yêu cầu thì cũng có thể dùng thêm sụn sườn gia cố và

mở rộng vách ngăn và trụ mũi tương tự quan điểm của Jung D.H. [65], hay

Toriumi D.M. [122].

Chọn sụn vành tai- ghép vùng chóp mũi:

Chúng tôi sử dụng sụn vành tai trong 100% trường hợp khi tạo hình

chóp mũi. Việc lấy sụn vành tai được bệnh nhân dễ chấp thuận hơn. Chúng

tôi cho rằng mảnh ghép từ sụn vành tai chắc chắn hơn khi còn màng sụn và có

hình dáng cong tự nhiên rất thích hợp khi tạo hình chóp mũi. Kết quả trong

nhóm chỉnh sửa thứ kỳ B2 cho thấy chúng tôi còn nâng cao và kéo dài hơn

được chóp mũi trong hầu hết trường hợp đã có sẳn mảnh ghép silicone mà

đầu mũi vẫn còn bị ngắn, mỏng da, bóng đỏ. Chóp mũi vẫn được kéo dài và

nâng cao hơn bằng sụn vành tai và hiện tượng mỏng da, bóng đỏ ngày càng

giảm dần với thời gian. Điều này không thể thực hiện được nếu sử dụng tiếp

tục vật liệu nhân tạo nâng mũi như trước đó. Chúng tôi nhận thấy da ở đầu

Page 124: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

111

mũi được cải thiện dần do đã được nuôi dưỡng qua thẩm thấu từ lớp sụn tự

thân phía dưới (Hình 4.8). Đây là ưu điểm không thể phủ nhận của sụn tự thân

và là lựa chọn khả thi khi cần tái tạo da vùng chóp mũi.

Các tác giả châu Á Yap.C [131]; Yean L.C. [132]; Jeong J.Y [58];

Jinde L. [61] và Yang Y.J [55] trong nghiên cứu của mình đều đồng thuận là

sụn vành tai là vật liệu rất phù hợp khi tạo hình chóp mũi tương tự hướng

nghiên cứu của chúng tôi.

Hình 4.2. (1). Trước mổ mũi còn hếch, bóng đỏ, mỏng đe dọa thủng.

(2). Sau mổ 18 tháng đầu mũi dài, hết đỏ.

(BN Trương Thị Thu N. mã số 45B).

Page 125: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

112

- Chọn silicone, tự thiết kế nhiều lỗ sẵn làm mảnh độn vùng sống mũi:

Silicone đã được kiểm nghiệm trên thực tế lâm sàng từ những năm

1964 [97], với tính tương hợp sinh học cao, tạo dáng thẳng, ổn định khối

lượng với thời gian so với khi dùng sụn sườn ở 2/3 trên sống mũi [98]. Theo

Berghaus A. (2006) cho rằng biến chứng liên quan khi sử dụng silicone không

nhiều hơn so với sử dụng mô tự thân thuần tuý, nhưng kết quả về thẩm mỹ thì

được cải thiện hơn nhiều [21].

Chúng tôi chỉ sử dụng loại silicone hình chữ I, độ mềm 20, màu nâu

nhạt (sản xuất tại hãng ALLIED của Hoa Kỳ) cho sống mũi, được đục sẵn

nhiều lỗ đường kính > 2mm trên mảnh độn. Mô liên kết sẽ thâm nhập xuyên

qua các lỗ này giúp cố định mảnh ghép tốt hơn. Mảnh silicone ổn định về

khối lượng, thẳng và tạo dáng mũi tốt hơn, đồng thời khắc phục được yếu

điểm cong vênh, biến dạng, co ngót của mô tự thân khi đặt vào 2/3 trên sống

mũi. Ngoài ra mảnh silicone có màu nâu nhạt giúp nó không lộ so với loại

trong suốt trước đây, khi có ánh sáng chiếu vào da vùng tháp mũi. Chúng tôi

cho rằng silicone với khối lượng không hạn chế và hình dáng ổn định, giúp

cải thiện yếu tố thẩm mỹ tốt hơn so với khi dùng mô tự thân hoặc Gore-Tex.

Các lỗ do chúng tôi thiết kế giúp cố định mảnh ghép và trong suốt thời gian

theo dõi chúng tôi không ghi nhận trường hợp nào bị trồi mảnh ghép. Các tác

giả Jeong J.Y (2014) [58], Huang J.L. (2012) [50], Jinde L. (2013) [61] đã và

đang sử dụng silicone tạo hình 2/3 trên sống mũi còn chóp mũi sử dụng sụn tự

thân tương tự như chúng tôi. Riêng Juan P.S. (2007) mô tả kỹ thuật lấy mẫu

mảnh ghép bằng thạch cao trước mổ sau đó tạo dáng mảnh độn bằng silicon

tương tự mẫu thạch cao cho bệnh nhân. Tác giả cho rằng mảnh độn từ silicone

với cách làm này cho kết quả rất tốt về thẩm mỹ [62]. Tuy nhiên khác với

chúng tôi các tác giả trên thường dùng silicone màu trắng đục, không có lỗ và

Page 126: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

113

không báo cáo độ mềm. Đây là điểm khác biệt cơ bản khi dùng silicone của

nghiên cứu này so với nhiều tác giả khác và chưa được báo cáo.

Bảng 4.3. So sánh cách phối hợp vật liệu trong tạo hình nâng mũi.

Nghiên cứu

của Vật liệu ghép, nẹp trụ mũi

Vật liệu ghép

cho chóp mũi

Vật liệu độn

cho sống mũi

Chúng tôi

Sụn vách ngăn + sụn tai

Ghép hai bên(có hoặc không

kèm ER và StG)

Sụn vành tai Silicone có

nhiều lỗ

Huang

Jinlong

Sụn vách ngăn + sụn tai

Ghép hai bên

Sụn vành tai Silicone hoặc

Gore-Tex

Yap.C

Eduardo.

Sụn vách ngăn.

Ghép một bên

Sụn vành tai Gore-tex

Yean Lu

Chang

Sụn vách ngăn

Ghép một bên

Sụn vành tai Gore-tex

Jeong Jai

Yong

Sụn vách ngăn + sụn tai

Ghéphai bên + StG

Sụn vành tai Silicone

Jinde Lin Sụn vách ngăn

Ghép hai bên.

Sụn vành tai Silicone

Gore-tex

Theo bảng so sánh trên, việc chúng tôi phối hợp vật liệu là tương tự các

tác giả châu Á khác. Các tác giả này cũng đồng thuận là sụn vành tai là mảnh

ghép lý tưởng cho chóp mũi [50], [131], [132]. Khác biệt đặc trưng nhất là

Page 127: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

114

chúng tôi cải tiến ghép từ hai bên, có sử dụng endotine ribbon cho trụ mũi và

mảnh độn silicone có lỗ cho sống mũi.

4.2.5. Bàn luận về qui trình kỹ thuật

Chúng tôi tiến hành 8 bước phẫu thuật tương tự qui trình mổ mũi mở

của hai tác giả Tebbetts J. B. [120], và Jang Y.J. [55]. Tuy nhiên chúng tôi có

cải tiến một số kỹ thuật trong qui trình này bao gồm:

4.2.5.1. Chúng tôi chọn cách mổ mở và cải tiến nối dài đường rạch da (nếu cần).

Theo nghiên cứu của Adamson P.A. [15] đa số các PTV điều chọn

đường mổ mũi mở khi nâng mũi cấu trúc, vì thao tác sẽ chính xác và thuận

tiện hơn. Chúng tôi cũng mổ mũi mở nhưng nhận thấy trong rất nhiều trường

hợp khi da trụ mũi ngắn, nên nối dài đường mổ xuống hai bên dưới tiểu trụ

giúp giảm độ căng da và dễ dàng hơn khi khâu đóng vết mổ. Hầu hết những

trường hợp mũi hếch, thấp hoặc mũi bị co rút, tiểu trụ ngắn, chúng tôi đều

dùng đường mổ mở nối dài này và nhận thấy rằng đây là kỹ thuật vô cùng

hữu ích.

4.2.5.2. Cải tiến qui trình gia cố trụ mũi- ghép từ hai bên có thêm sụn vành

tai và ER, thay cho ghép một bên chỉ từ sụn vách ngăn.

Ban đầu các tác giả ở Châu Á sử dụng phương pháp mở rộng vách ngăn

(SEG) của Byrd H.S thì gặp nhiều khó khăn thậm chí thất bại vì sụn vách

ngăn thường không đạt yêu cầu [9], [48], [68].Trong nhiều nghiên cứu tạo

hình nâng mũi tiếp theo đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gia cố thêm

cho trụ mũi vững chắc hơn chủ yếu bằng mô tự thân [131], [58]. Cụ thể

Tebbetts J.B, Dr Kim, Dr Kang cải tiến dùng sụn vách ngăn cắt nhỏ hơn và

nẹp thêm ở các vị trí khác nhau khi dựng trụ mũi. Các mảnh ghép tận-bên

hoặc các mảnh ghép tận-tận theo mô tả của Byrd H.S và cs. là những mảnh

Page 128: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

115

ghép sụn của người da trắng Âu-Mỹ, nên không thể đáp ứng và ổn định lâu

dài khi sử dụng cho mũi của người Châu Á [72].

Đồng quan điểm với Huang J.L. [50], Jinde Lin [61] chúng tôi cho rằng

kỹ thuật ghép mở rộng một bên từ sụn vách ngăn thường không đủ chắc và

cân đối khi nâng mũi cho người Á châu. Loại mảnh ghép này thường được đặt

một bên của phần sụn vách ngăn còn lại. Đối với các bệnh nhân có sụn vách

ngăn dày và khỏe, thủ thuật này có khuynh hướng làm cho đầu mũi lệch về

bên đặt mảnh ghép. Ngược lại, đối với bệnh nhân có sụn vách ngăn mỏng và

yếu thì mảnh ghép và sụn vách ngăn sẽ bị lệch về bên đối diện của mảnh ghép

này. Do đó, trong kỹ thuật mở rộng vách ngăn một bên thì đầu mũi dễ bị lệch

khi thêm vào vật cấy, kỹ thuật này đôi khi dẫn đến lệch mô cấy. Kỹ thuật

ghép từ hai bên bằng sụn vách ngăn là ổn định nhất, nhưng nó cần nhiều sụn

hơn và chỉ được dùng ở một vài bệnh nhân có sụn vách ngăn lớn, đủ dày và

rộng. Để giải quyết những vấn đề này trong tạo hình trụ mũi chúng tôi đã phát

triển kỹ thuật mở rộng vách ngăn từ một bên sang hai bên với sụn vành tai.

.

Hình 4.3. SEG-cải tiến khi ghép thêm sụn vành tai bên đối diện.

Nguồn: Bệnh nhân Nguyễn Thị T. 1986 mã số 60B. Số hồ sơ N10/0614.

Page 129: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

116

Tuy nhiên khi cần ghép từ hai bên thì các mảnh sụn nhỏ khó liên kết lại

với nhau. Trong khi đó nhiều nghiên cứu mới ở châu Âu rất thành công khi

dùng PDS để gia cố và tái tạo trụ mũi cũng như vách ngăn [20], [25]. Các tác

giả Benjamin P. (2015) [20], Boenisch M (2010) [25], James S.E (2008) [53],

cho rằng việc dùng thêm chất liệu tự tiêu là rất hữu ích và an toàn khi ghép

các mảnh sụn lại với nhau. Tác giả Rimmer J. (2012) đã chỉ ra rằng tấm PDS

có lỗ kích thích sự tăng sinh sụn chứ không làm mất đi [107]. Còn Kim J.G.

(2007) đã thành công khi dùng ER tạo hình mũi gãy do chấn thương [70]. Từ

đó chúng tôi phát hiện ra việc dùng thêm chất liệu tự tiêu endotine ribbon

(ER) như là giá đỡ cho các mảnh sụn khi cần ghép từ hai bên. Trong nghiên

cứu này chúng tôi sử dụng ER trong 78,8% trường hợp. Việc mở rộng vách

ngăn có sử dụng thêm Endotine Ribbon kèm sụn vành tai bổ sung cho trụ

mũi là cải tiến về kỹ thuật của chúng tôi và chưa được báo cáo trước đó.

Chúng tôi cho rằng endotine r ibbon tương tự như PDS khi bị hấp thu sau 6

tháng giúp tạo mô xơ thay thế và kết nối các mảnh ghép bằng sụn lại với

nhau dễ dàng hơn [20], [25].

Hình 4.4A: PDS có lỗ

“Nguồn: Benjamin P. C. (2015), Arch Facial Plast Surg” [20]

Page 130: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

117

Hình 4.4B: Endotine ribbon (nguồn: tác giả)

Chúng tôi chọn Endotine r ibbon (ER) vì có cấu trúc cứng hơn PDS và

có nhiều lỗ đục sẵn lớn hơn so với lỗ màng PDS, do vậy mảnh sụn ghép được

thẩm thấu và nuôi dưỡng dễ dàng hơn. Chúng tôi cải tiến kỹ thuật ghép vật

liệu tự tiêu ER so với các tác giả trước đó:

+ Tác giả Boenisch M. [25] thì lấy sụn vách ngăn ra khỏi mũi và ghép

cùng các mảnh sụn khác vào tấm PDS từ bên ngoài cơ thể sau đó đưa trở lại

vào khoang vách ngăn mũi trên người châu Âu (Hình 4.6). Trên người châu Á

sẽ ít khi có đủ sụn để thực hiện theo tác giả này, và mảnh PDS lớn có nguy cơ

trồi với thời gian từ bên không có sụn che phũ. Chúng tôi chọn ghép ngay bên

trong hố mổ nhằm giữ cấu trúc chữ L còn lại của sụn vách ngăn và ER được

che phủ hoàn toàn bởi sụn tự thân từ hai phía. Kỹ thuật cải tiến này của chúng

tôi nhằm tránh nguy cơ trồi ER và cải thiện trao đổi chất nuôi dưỡng cho

mảnh sụn ghép [80].

Hình 4.5. Mảnh ghép lớn của Boenisch M

Page 131: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

118

Nguồn: Boenisch M., Trenite N.J (2010) [25]

+ Tác giả khác Benjamin P.C. [20] thì dùng hai miếng PDS song

song nhỏ hơn, ghép đối diện nhau từ hai bên và nẹp các mảnh sụn vào

giữa (Hình 4.7A, B).

Hình 4.6A. Vật liệu thanh ER.

“Nguồn: Nguyễn Thị T.1986 mã số

60B. Số hồ sơ N10/0614.

Hình 4.6B. Vật liệu tấm PDS

“Nguồn: Benjamin P.C” [20]

Cách ghép tận-tận như vậy trên người châu Á là không đủ chắc và làm

hạn chế sự trao đổi chất nuôi dưỡng đến mảnh sụn tự thân bên trong. Chúng

tôi cải tiến dùng hai mảnh ER không đối xứng và bắt chéo nhau thành chữ T.

Hình 4.7. Trong mổ: Ghép endotine ribbon cho trụ mũi.

Nguồn: Bệnh nhân Nguyễn Thị T. 1986 mã số 60B. Số hồ sơ N10/0614.

Page 132: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

119

Sau đó dùng các mảnh sụn ghép từ phía ngoài che kín mảnh ER phía

trong, điều này làm cho diện tích tiếp xúc của mảnh sụn với màng sụn là tối

đa. Cách ghép ER này có lợi thế hơn về khả năng trao đổi chất nuôi dưỡng

cho các mảnh sụn ghép và giảm nguy cơ trồi ER trong quá trình liền vết

thương. Kết quả nghiên cứu cho thấy không có trường hợp trồi mảnh ER

trong suốt quá trình theo dõi hơn 12 tháng. Điều này ủng hộ giả thiết của

chúng tôi là ER là phương tiện cố định trong giúp quá trình liền vết thương

của các mảnh sụn ghép dễ dàng hơn.

4.2.6. Bàn luận về kết quả thu hẹp chiều ngang cánh mũi và sự thay đổi

hình dáng lỗ mũi.

Trước đây, nếu cánh mũi rộng thì PTV cắt bớt chân cánh mũi hai bên

thường gây thêm sẹo và không thu hẹp được lỗ mũi phía trên gần chóp mũi.

Với phương pháp này khi nâng cao trụ mũi, chúng tôi đã thu hẹp phần

nào chiều ngang cánh mũi và thay đổi hình dáng lỗ mũi sang hình bầu dục

trong cùng một phẫu thuật mà không có sẹo ở chân cánh mũi ( Hình 4.8.).

Hình 4.8. Sơ đồ thay đổi hình dáng lỗ mũi trước và sau mổ.

Chiều ngang cánh mũi AL-AL nhóm B1 trước mổ là 38,25mm rộng

hơn của nhóm hình thái A2 là 36,27mm (p1-4=0,003) và được thu hẹp sau mổ

12 tháng còn 35,91mm, tương đương trung bình của nhóm hình thái A2 là

36,27 mm (p3-4 = 0,573).

Page 133: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

120

Chiều ngang nền mũi AC-AC ở nhóm B1 trước mổ là 36,97 mm và được

thu hẹp lại sau mổ 12 tháng còn 35,37mm là nhỏ hơn trung bình của nhóm

hình thái A2 là 38,05mm (p3-4< 0,001), (đã loại trừ 6 ca có kèm cắt cánh mũi).

Từ đó lỗ mũi cũng thu hẹp theo và tạo dáng lỗ mũi từ hình tròn thành

hình bầu dục, kín hơn. Kết quả này chỉ đạt được khi chúng tôi mổ mũi mở

giải phóng nhóm dây chằng I và III, dựng trụ mũi cao lên sau đó khâu ép sụn

cánh mũi lớn vào trụ mũi mới nhằm thu hẹp 2 lỗ mũi. Điều này không thể

thực hiện được với phương pháp mổ kín đơn thuần như trước (Hình 4.10).

Hình 4.9. Hình dạng lỗ mũi BN N.T.D.T mã số 33A trước và sau mổ.

Cụ thể trong nhóm lâm sàng tỷ lệ mũi rất rộng giảm từ 81,2% trước mổ

còn 52,1% sau mổ 12 tháng chứng tỏ hiệu quả thu hẹp cánh mũi của phẫu

thuật này. Tỷ lệ 52,1% này còn thấp hơn so vớí nhóm hình thái là 66%.

Chúng tôi phát hiện ra rằng phương pháp này vừa nâng cao được tháp mũi

đồng thời thu hẹp được chiều ngang cánh mũi và lỗ mũi, mà không có thêm

sẹo ở bên ngoài (Hình 4.10). Đó cũng là nguyên nhân mà chúng tôi và bệnh

nhân lựa chọn phương pháp mổ cấu trúc này khi cần thu hẹp lỗ mũi rộng.

Trong y văn điều này chưa được ghi nhận ở các tác giả nước ngoài nhưng tại

Việt Nam chúng tôi cho rằng đây là điểm son của phương pháp vì tỷ lệ lỗ mũi

rộng của chúng ta là rất cao.

Page 134: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

121

4.2.7. Bàn luận về biến chứng và xác suất mổ lại

Trong một nghiên cứu có hệ thống trên 20 bài báo của nhiều tác giả

khác nhau từ 1996 đến 2005, Peled và cs (2008) đã ghi nhận tỷ lệ đào thải

mảnh ghép cao nhất là ở silicone với 6,5%. Mảnh ghép từ polytef (Gore-tex)

và polythylene mật độ cao (Medpor) có tỷ lệ đào thải tương tự nhau là 3,1%

[102]. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi với tỷ lệ đào thải là 1.5% thấp hơn

nhiều so với mức trung bình 6,5% của silicone và thấp hơn 3,1% khi sử dụng

Gore–tex và Medport trong những nghiên cứu tương tự [102]. Chúng tôi

không gặp trường hợp nào bị trồi mảnh ghép silicone và ER gây nhiễm trùng

muộn trong suốt thời gian theo dõi.

Chúng tôi cho rằng ngoài điều kiện vô trùng nghiêm ngặt trong mổ,

luôn đặt dẩn lưu và sử dụng sụn tự thân ghép ở chóp mũi làm giảm xác suất

nhiễm trùng. Kết quả khả quan này còn có mối liên hệ với việc mô xơ thâm

nhập được vào những lỗ có sẵn trên thanh silicone, giúp cố định mảnh ghép,

làm giảm nguy cơ trồi thủng gây nhiễm trùng thứ phát. Qua những trường

hợp mổ lại chúng tôi nhận thấy luôn có mô liên kết thâm nhập qua những lỗ

đục sẵn, và bám rất chắc vào mô chung quanh cố định mảnh ghép.

Hình 4.10. Mô xơ phát triển xuyên qua lỗ trên mảnh silicone.

Page 135: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

122

Do vậy những lỗ trên mảnh silicone có liên quan đến việc khắc phục

yếu điểm trồi của nó nhưng chúng tôi chưa tìm thấy báo cáo nào liên quan

đến việc đục lỗ như chúng tôi đã thiết kế. Kết quả này ủng hộ giả thiết của

chúng tôi trong việc thiết kế mảnh silicone có lỗ, vì nó sẽ ổn định hơn trong

khoang mũi nhờ mô liên kết luồn vào.

- Rách niêm mạc một bên: chúng tôi có 2 trường hợp trong quá trình

lấy sụn vách ngăn bị rách đã được khâu lại trong mổ, nhưng vì niêm mạc mũi

mỏng khi rút merocell nhét mũi gây rách lại. Việc bị rách một bên với kích

thước nhỏ (dưới 0,5x 0,5cm) nên chỉ cần điều tr ị nội khoa là đủ. Biến chứng

này thường do vách ngăn vẹo hoặc có gai trước đó dễ gây thủng niêm mạc khi

bóc tách.

- Một trường hợp chảy máu từ niêm mạc vách ngăn sau khi rút

merocell và được nhét lại cầm máu ngay. Sau đó 1 ngày lấy bỏ đi an toàn.

- Một trường hợp có thiếu máu nuôi vách ngăn mũi gây hoại tử niêm

mạc một bên kích thước 3x3mm. Đây là trường hợp mũi ngắn và thấp nhiều

do đó chúng tôi ghép khá nhiều sụn hai bên cho trụ mũi được dài hơn. Việc

này liên quan đến việc khâu xuyên niêm mạc quá chặt với nhiều lớp sụn

ghép dày bên trong. Chúng tôi chăm sóc nội khoa thành công cho trường

hợp này. Nhưng đây cũng là biến chứng khi chúng ta ghép quá nhiều sụn

hoặc khâu ép quá chặt. Tác giả Jung D.H (2007) cũng đã có báo cáo hoại tử

niêm mạc mũi khi ghép nẹp song phương bằng sụn sườn [66] tương tự cách

ghép của chúng tôi.

- Chúng tôi ghi nhận 4 trường hợp hậu phẫu có than phiền chức năng

thở tệ hơn ở một bên mũi, nhưng chấp nhận được không muốn mổ lại. Đa số

những trường hợp này do vách ngăn chưa hoàn toàn thẳng và khi khâu ép gây

hẹp nhẹ van mũi trong một hoặc hai bên. Điều này cũng có thể do ban đầu

chúng tôi chưa có kinh nghiệm khi khâu ép sụn hoặc do trụ mũi chưa đủ chắc

Page 136: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

123

chắn trong quá trình liền vết thương và nghiêng về phía nào đó gây hẹp van

mũi trong mặc dù lỗ mũi vẫn thông thoáng. Đây cũng là yếu điểm mà ngay

sau đó chúng tôi khắc phục bằng cách dùng thêm mảnh ghép chêm, giúp hạn

chế hẹp van mũi trong, với kết quả cải thiện rõ rệt sau đó, và đây cũng là cách

mà chúng tôi khắc phục những trường hợp hẹp van mũi sau này.

Chúng tôi có so sánh tần suất biến chứng giữa hai nhóm B1 và B2 khi

giả định rằng xác suất biến chứng trên nhóm B2 có thể nhiều hơn.Bằng phép

kiểm chính xác Fischer”s chúng tôi không tìm thấy sự khác biệt có ý nghĩa về

tần suất biến chứng sớm giữa hai nhóm B1 và B2 (p>0,05). Điều này cho thấy

phương pháp này có thể áp dụng được cho cả hai nhóm B1và B2 với xác suất

theo từng biến chứng là như nhau (Phần kết quả bảng 3.32).

Tác giả Choi J.Y. (2013) báo cáo kết quả nâng mũi với phương pháp

mở rộng vách ngăn tương tự như của chúng tôi với tỷ lệ nhiễm trùng là 4,5%

và xác suất chỉnh sửa lại là 9% [36].

Bảng 4.4. So sánh biến chứng với Choi J.Y.

Thông số Chúng tôi n=71

(sau 1 năm SEG cải tiến)

Choi J.Y. n= 44

(sau 1 năm với SEG)

Nhiễm trùng 1 (1,5%) 2 (4,5%)

Chỉnh sửa lại 5 (7%) 4 (9%)

Mức độ nhiễm trùng của chúng tôi là 1,5% và xác suất chỉnh sửa lại là

7% thấp hơn của Choi J.Y tương ứng là 4,5% và 9%.. Do vậy biến chứng và

xác suất mổ lại của chúng tôi là thấp hơn so với các tác giả khác trong những

nghiên cứu tương tự và thấp hơn so với nhiều tác giả khác khi họ sử dụng

silicone, gore-tex hay medport [102].

Page 137: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

124

4.2.8. Bàn luận về kết quả cải thiện 7 thông số mũi trước và sau mổ nhóm B

Bằng cách so sánh các thông số nhân trắc mũi các tác giả giả Koen I.

(2006) [73], Dobratz J.E (2010) [41], Jin H.R. (2009) [59], đã chứng minh trụ

mũi khi được gia cố bằng mảnh ghép mở rộng vách ngăn hoặc mảnh ghép

thanh chống trụ mũi thì vững chắc hơn và giúp nâng chóp mũi được cao hơn

so với khi không sử dụng nó.

Do vậy các thông số nhân trắc mũi được xem là nhân tố quan trọng

trong việc đánh giá hiệu quả nâng mũi của nhóm B trước và sau mổ. Nhìn

chung kết quả đo 7 thông số mũi nhóm B cho thấy có sự gia tăng thành công

chiều cao chóp mũi, gốc mũi, chiều dài mũi, còn chiều ngang cánh mũi và nền

mũi cũng được thu hẹp (p< 0,05) và được duy trì sau hơn 1 năm theo dõi.

Bảng 4.5. So sánh kết quả cải thiện các thông số mũi với các tác giả khác

Biến số Tác giả Trước mổ Khác biệt Sau mổ

Chiều dài

mũi NSN

Chúng tôi 41,93 ± 4,46mm +2,46mm 44,39 ±3,61

(p<0,001)

Huang J.L. 48,2± 0,35 mm + 2,8 mm 51 ±0,38

(p<0,05)

Góc mũi

môi NLA

Chúng tôi 103,42 ± 6,80 độ -6,8 độ 96,62 ± 3,23 độ

Huang J.L. 96,7 ± 1,69 -1,1 độ 95,6 ± 1,90

Choi J.Y. 91,42 ± 8,20 - 3,43 độ 87,99 ± 7,03

Chiều cao

chóp mũi

SN-TP

Chúng tôi 22,03 ±3,24 mm +3,06mm 25,09±2,70mm

Huang J.L. 22,6 ±0,24 mm + 1,9mm 24,5 ±0,23 mm

Chiều dài mũi NSN của chúng tôi cải thiện +2,46mm tương đương với

tác giả Huang J.L. [50] là +2,8mm. Góc mũi môi NLA của chúng tôi cải thiện

Page 138: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

125

-6,8 độ nhiều hơn so với -1,1 độ của tác giả này, điều này lý giải vì góc mũi

môi trước mổ của người Trung Quốc nhỏ hơn của người Việt chúng ta.

Tương tự góc mũi môi NLA của Choi J.Y. (Hàn Quốc) sau mổ giảm -3,43 độ

cũng ít hơn chúng tôi là -6,8 độ [36]. Kết quả này cho thấy chúng tôi thay đổi

được góc mũi môi (NLA) nhiều hơn so với cả hai tác giả trên và gần đạt

chuẩn 97,3 độ, được nhiều người yêu thích của Jang Y.J Hàn Quốc (2014)

[55]. Chiều cao mũi SN-TP của chúng tôi cải thiện sau mổ là +3,06mm nhiều

hơn +1,9mm của Huang J.L.[50]. Có nghĩa là chúng tôi có thể nâng cao chóp

mũi với biên độ rộng hơn mặc dù trước mổ chiều cao chóp mũi trong nghiên

cứu này là thấp hơn. Chúng tôi đồng quan điểm với các tác giả trên là phương

pháp mở rộng vách ngăn rất hiệu quả cho người Châu Á khi cần nâng cao và

kéo dài mũi [50], [52], [36], [61], [96]. Các thông số của chúng tôi được cải

thiện trong biên độ rộng hơn so với hai tác giả trên, điều này cho thấy hiệu

quả của phương pháp này.

4.2.8.1. So sánh kết quả các thông số mũi của nhóm B1(n=35) với nhóm

hình thái A2(n=355).

Nhằm khách quan hơn và định vị được mức cải thiện các thông số mũi,

chúng tôi tiến hành so sánh giữa nhóm B1 trước và sau mổ với nhóm A2-

xem như là nhóm chuẩn của cộng đồng.

Trước mổ: kết quả đo đạc trước mổ của nhóm B1 cho thấy trung bình các

thông số mũi còn thấp, ngắn và rộng hơn so với nhóm hình thái (A2) có ý nghĩa

thống kê. Điều này cho thấy chỉ định trước mổ của chúng tôi là những trường

hợp mũi thấp, ngắn và rộng hơn so với trung bình của cộng đồng là hoàn toàn

phù hợp.

Sau mổ: chúng tôi đã nâng cao, kéo dài và thu hẹp được mũi

(p<0,05). Hai thông số thấp hơn trung bình đạt được mức trung bình của

Page 139: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

126

nhóm hình thái là NSN và AL-AL. Năm thông số còn lại (NTP, SN-TP,

AC-AC, NFA, NLA) có chiều hướng thay đổi khác biệt hơn mức trung

bình so với nhóm hình thái A2 (p<0,05). Như vậy, thông qua kết quả so

sánh này chúng tôi đã có chỉ định mổ phù hợp; nâng cao, thu hẹp và kéo

dài thành công tháp mũi trong nhóm B1.

Trong nhiều nghiên cứu tương tự của Zhou J. [134]; Yean L.C. [132];

Yap E.[ 131] các tác giả chỉ so sánh các thông số trước và sau mổ chung cho

nhóm mổ lần đầu và nhóm mổ thứ kỳ, không có nhóm hình thái để so sánh

tương tự trong nghiên cứu của chúng tôi. Chỉ có Jang D.W. là có số liệu nhóm

hình thái dùng để so sánh các thông số nhân trắc nhóm lâm sàng. Tuy nhiên

tác giả so sánh nhóm lâm sàng (n=36) bao gồm 13 nam và 23 nữ so với nhóm

hình thái (n=100), bao gồm 50 nam và 50 nữ [54]. Do vậy số liệu này là chưa

đồng nhất vì các thông số mũi của nam và nữ là hoàn toàn khác biệt chưa tính

đến số lượng nam và nữ chênh lệch khá nhiều. Trong nghiên cứu này cách so

sánh của chúng tôi là riêng biệt cho nhóm nữ mổ lần đầu B1 (n=35) với

nhóm nữ hình thái A2 (n=355), do vậy kết quả sẽ hợp lý hơn. Đây là phương

pháp giúp chúng tôi đánh giá chỉ định trước mổ và so sánh kết quả sau mổ

được hoàn thiện hơn.

4.2.8.2. So sánh kết quả cải thiện các thông số mũi nhóm B2 (n=36) với

nhóm hình thái A2 (n=355).

Chúng tôi tiến hành so sánh kết quả các thông số mũi nhóm B2 trước

và sau mổ với nhóm hình thái A2- nhằm định vị kết quả sau mổ so với mức

trung bình của cộng đồng, và sự phù hợp khi chỉ định mổ lại.

Trước mổ: Chiều dài mũi (NSN; NTP) nhóm B2 trước mổ ngắn hơn,

nhưng chiều cao SN-TP cao hơn trung bình của nhóm hình thái A2. Điều này

Page 140: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

127

cho thấy chỉ định phẫu thuật của chúng tôi là phù hợp vì sau mổ mũi chỉ được

nâng cao nhưng vẫn còn ngắn hơn trung bình của cộng đồng. Chiều ngang

(AC-AC và AL-AL) nhóm B2 trước mổ là tương đương với nhóm A2.

Sau mổ: Hai thông số NSN; NTP từ ngắn hơn, quay trở về mức trung

bình của nhóm hình thái A2. Năm thông số còn lại NFA; NLA; SN-TP; AC-

AC và AL-AL được cải thiện vượt trên mức trung bình của nhóm hình thái

A2. Chiều cao mũi vùng chóp SN-TP và góc mũi trán NFA vẫn được tăng cao

hơn trước mổ và cao hơn trung bình của nhóm hình thái A2. Như vậy chúng

tôi đã nâng cao, thu hẹp và quan trọng hơn là kéo dài được hơn nữa kích

thước tháp mũi trong nhóm B2 này (p< 0,05). Chiều cao chóp mũi và gốc mũi

đã được nâng cao bằng silicone trước đó vẫn được nâng cao hơn. Điều này

chứng tỏ theo cách mổ đã thực hiện trước đây, kích thước mũi chưa đạt

mong muốn của bệnh nhân. Ngoài ra chúng tôi rất tâm đắc với việc kéo

dài được đầu mũi đã phẫu thuật mà còn ngắn, da mỏng hoặc có sẹo co rút

sau mổ. Chúng tôi cho rằng trong những trường hợp này thì phương pháp

mở rộng vách ngăn là vô cùng hiệu quả.

Tóm lại trong nhóm phẫu thuật chỉnh sửa lại B2, chúng tôi đã có chỉ

định phù hợp và kết quả là các thông số nhân trắc thay đổi theo xu hướng tháp

mũi vẫn được tiếp tục nâng cao (SN-TP, NFA); kéo dài (NTP, NSN, NLA) và

thu hẹp lại (AL-AL, AC-AC) hơn nữa so với trước mổ có ý nghĩa thống kê.

Trong nghiên cứu tương tự Jang D.W. dùng các thông số nhân trắc

nhóm lâm sàng (n=36) (trong đó có 24 ca mổ lần đầu lẫn với 12 ca mổ thứ

kỳ) so sánh với nhóm hình thái bao gồm 50 nam và 50 nữ (n=100) [54].

chúng tôi cho rằng số liệu này là không đồng nhất vì các thông số mũi thứ kỳ

đã bị thay đổi và thông số mũi giữa nam và nữ khác biệt có ý nghĩa thống kê.

Page 141: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

128

Trong nghiên cứu này chúng tôi so sánh các thông số nhân trắc nhóm mổ thứ

kỳ B2 (n=36 nữ) một cách riêng biệt với giá trị trung bình của nhóm hình thái

nữ A2 thì số liệu sẽ đồng nhất hơn.

Do vậy chúng tôi đề xuất so sánh các thông số nhân trắc riêng biệt

theo giới tính và theo nhóm mổ lần đầu hay thứ kỳ thì kết quả sẽ tin cậy

và hợp lý hơn. Chúng tôi cho rằng việc so sánh này là cần thiết và giúp

xác định mức độ phù hợp của chỉ định và định vị được kết quả phẫu thuật

so với mức trung bình của cộng đồng.

Qua phần bàn luận trên chúng tôi đánh giá chung phương

pháp nâng mũi cấu trúc-phối hợp sụn tự thân với vật liệu nhân tạo

này như sau:

Ưu điểm phương pháp phối hợp mô tự thân với vật liệu nhân tạo:

- Kỹ thuật mổ mở, kèm mở rộng vách ngăn bằng sụn tự thân giúp gia

cố trụ mũi một cách chính xác, vững chắc và cân đối trước khi nâng cao

sống mũi. Vai trò trụ mũi mới quyết định hình dáng mũi và lỗ mũi.

- Phương pháp phối hợp mô tự thân với vật liệu nhân tạo vừa nâng cao,

đồng thời vừa có thể dịch chuyển chóp mũi về phía trước, xuống dưới hay ra

sau, vừa thu hẹp được cánh mũi và lỗ mũi mà kỹ thuật mổ kín trước đây

không thể thực hiện được.

- Endotine Ribbon (ER) hoàn toàn có khả năng làm giá đỡ cho việc kết

nối các mảnh sụn dễ dàng, và là phương tiện cố định trong, giúp định hình

trong quá trình liền mảnh ghép.

- Vật liệu nhân tạo tổng hợp s ilicone tạo dáng sống mũi ổn định với

thời gian. Khác biệt vượt trội so với mảnh độn silicone trước đó là có thêm

Page 142: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

129

các lỗ nhỏ cho phép mô liên kết phát triển xuyên qua, cố định mảnh độn,

nhằm giảm thiểu nguy cơ trồi mảnh ghép về lâu dài.

Nhược điểm phương pháp phối hợp mô tự thân với vật liệu nhân tạo:

- Cần nhiều thời gian hơn, kỹ năng và kinh nghiệm để thực hiện hoàn

chỉnh phẫu thuật; giảm thiểu biến chứng liên quan đến chức năng mũi.

- Trong một số trường hợp vẫn phải dùng thêm sụn sườn để ghép cấu

trúc khi sụn vách ngăn và sụn vành tai không đạt yêu cầu về số lượng hoặc

chất lượng.

Page 143: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

130

KẾT LUẬN

Qua nghiên cứu 400 trường hợp nhóm hình thái và 85 trường hợp lâm

sàng - nâng mũi bằng môi tự thân phối hợp với vật liệu nhân tạo tại Khoa Tạo

hình thẩm mỹ Bệnh viện Đa khoa Mắt Sài Gòn trong thời gian từ tháng

10/2010 đến tháng 6/2014 chúng tôi rút ra kết luận sau:

1. Đặc điểm hình thái tháp mũi người Việt trưởng thành:

+ Phân loại được 9 dạng mũi cơ bản bao gồm:

Theo đường N-TP có 3 dạng mũi cơ bản là mũi thẳng, mũi lõm, mũi gồ

được xác định với tỷ lệ tương ứng trên nữ giới là 46,5%; 53,0%; và 0,6% và

trên nam giới là 44,4%; 24,4%; 31,1%.

Theo góc mũi môi NLA có 3 dạng mũi hếch, dạng trung gian và dạng

khoằm với tỷ lệ tương ứng trên nữ giới là 19,7%; 78,6%; 1,7%, và trên nam

giới là 6,7%; 84,4% và 8,9%.

Theo chỉ số mũi NI (nasal index) có 3 dạng mũi hẹp, mũi rộng và mũi

rất rộng với tỳ lệ tương ứng trên nữ giới là 13,5%; 21,7%; 64,8% và trên nam

giới là 11,1%; 13,3% và 75,6%.

+ Xác định được 7 thông số mũi cơ bản dùng để định lượng và tính

toán các tỷ lệ khi cần so sánh trong lâm sàng bao gồm: NTP; NSN; AL-AL;

AC-AC; SN-TP; NFA và NLA.

- Trên nữ giới giá trị: NTP=39,33 ±3,27mm; NSN=44,28 ±3,27mm;

AL-AL=36,27 ±3,76mm; AC-AC= 38,05 ±2,73mm; SN-TP= 20,55±2,81mm;

NFA= 138,82±6,35 độ; và NLA= 99,96 ±8,08 độ.

- Trên nam giới giá trị: NTP=39,83±3,25mm; NSN=45,46 ±3,66mm;

AL-AL= 40,41±2,73mm; AC-AC= 40,94±3,00mm; BTP= 23,68 ±3,31mm;

NFA= 136,58±8,20 độ; và NLA= 99,51±6,64 độ.

Page 144: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

131

2. Đánh giá kết quả tạo hình nâng mũi phối hợp mô tự thân với vật liệu

nhân tạo nhóm B.

Kết quả trước và sau mổ 1 năm cho thấy 7 thông số nhân trắc thay đồi

có ý nghĩa thống kê: NTP (39,97 40,32mm); NSN (41,9344,39mm):

AL-AL (37,5535,44mm); AC-AC (37,7436,19mm); SN-TP

(22,0325,09mm); NFA (141,84146,32 độ) và NLA (103,4296,62 độ)

theo hướng tháp mũi được nâng cao, kéo dài và thu hẹp lại.

Tỷ lệ cải thiện được hoàn toàn 7/7 thông số chiếm đa số 57,7%; tiếp

đến 6/7 thông số chiếm 31%: 5/7 thông số chiếm 8,5% và cải thiện tối thiểu

là 4/7 thông số chỉ 2,8%.

Đánh giá chung kết quả sớm: Loại tốt đạt 85,9% (73/85 ca). Loại khá

đạt 5,8% (5/85 ca). Loại kém 8,2% (7/85 ca).

Đánh giá chung kết quả gần: Loại tốt đạt 78,3% (59/75 ca). Loại khá

đạt 20% (15/75 ca). Loại trung bình 1,7% (1/75 ca), không có loại kém.

Đánh giá chung kết quả xa: Loại tốt đạt 74,6% (53/71 ca). Loại khá

đạt 23,9% (17/71 ca). Loại trung bình 1,4% (1/71 ca), không có loại kém.

Biến chứng, di chứng và tần suất mổ lại: Trong nghiên cứu này xác

suất biến chứng sớm bao gồm: nhiễm trùng 1,5%; chảy máu 1,5%; thiểu

dưỡng niêm mạc gây hoại tử 1,5%; giảm chức năng thở 5,9%. Xác suất mổ lại

là 7% sau một năm theo dõi.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, phương pháp nâng mũi cấu trúc-phối hợp

mô tự thân với vật liệu nhân tạo cho kết quả khá tốt về thẩm mỹ và chức

năng, giúp cải thiện được cùng một lúc 7 thông số về chiều cao, đặt biệt là

chiều dài, chiều ngang và hình dáng lỗ mũi, với tỷ lệ tối thiểu các biến chứng.

Phương pháp này là lựa chọn mới hiệu quả, khả thi và tương đối an toàn trong

tạo hình nâng sống mũi.

Page 145: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

132

KIẾN NGHỊ

- Cần nghiên cứu thêm các thông số nhân trắc mũi với số liệu lớn hơn

đại diện cho giới Nam và Nữ riêng biệt, nhằm tạo cơ sở lý luận, so sánh

và đánh giá trong thực tiễn lâm sàng.

- Cần tiếp tục nghiên cứu thêm vai trò của trụ mũi mới và các kỹ thuật phối

hợp vật liệu trong phương pháp tạo hình mũi cấu trúc, với số liệu lớn hơn

và thời gian theo dõi lâu dài hơn nhằm hoàn thiện quy trình tránh tai biến,

giảm biến chứng và nâng cao hơn nữa tỷ lệ thành công.

Page 146: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU

1. Nguyễn Thành Nhân, Nguyễn Tài Sơn, Nguyễn Huy Thọ (2014),

“Nâng mũi cấu trúc-dùng mô tự thân kết hợp chất liệu nhân tạo trong

chỉnh hình mũi ngắn”, Tạp chí Y học thực hành, số 7 (925), tr. 21-24.

2. Nguyễn Thành Nhân, Nguyễn Tài Sơn, Nguyễn Huy Thọ (2014),

“Hình thái tháp mũi người Việt Nam trưởng thành ứng dụng trong phẫu

thuật tạo hình nâng mũi”, Tạp chí Y học thực hành, số 11 (941), tr. 65-69.

3. Nguyễn Thành Nhân, Nguyễn Tài Sơn (2015), “Nâng mũi cấu trúc-

dùng mô tự thân phối hợp chất liệu nhân tạo trong tạo hình mũi thấp bẩm

sinh”, Tạp chí Y Dược lâm sàng 108, Tập 10, số 1/2015, tr. 101-108.

Page 147: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

TÀI LIỆU THAM KHẢO

TÀI LIỆU TIẾNG VIỆT

1. Hoàng Bá Dũng (2006), Sử dụng vạt da trán tái tạo vùng tháp mũi bị

tổn thương mất chất, Luận văn chuyên khoa cấp II, Đại học Y Dược TP.

Hồ Chí Minh.

2. Frank H. Netter, Nguyễn Quang Quyền dịch (2012), Atlas Giải Phẫu

Người, Nhà xuất bản Y học TP. Hồ Chí Minh. tr. 35-40.

3. Hoàng Tử Hùng, Nguyễn Thị Mỹ Lệ (2000), “Phân tích sự cân đối của

nét nhìn nghiêng mô mềm trên người trưởng thành có khớp cắn bình

thường”, Y học TP. Hồ Chí Minh, 4(1), tr. 52-58.

4. Nguyễn Hữu Khôi, Châu Chiêu Hòa (2005), “Khảo sát cấu trúc giải

phẫu khung sụn tháp mũi trong đường mổ thẩm mỹ mũi ngoài”, Y học

TP. Hồ Chí Minh, 9(1), tr. 125-127.

5. Trần Thị Bích Liên (2009), “Chỉnh hình mũi bằng sụn tự thân”, Y học

TP. Hồ Chí Minh, 13(1), tr. 165-167.

6. Nguyễn Huy Thọ, Nguyễn Huy Phan (1993), “Một số kinh nghiệm về

phẫu thuật nâng sống mũi qua 300 trường hợp tại Viện Quân Y 108 và

bệnh viện Hai Bà Trưng Hà Nội”, Phẫu thuật tạo hình, II (1). tr.22-25.

7. Nguyễn Huy Thọ (1995), Kỹ thuật tạo hình mi và cùng đồ trong điều trị

di chứng vết thương ổ mắt, Luận án Phó tiến sĩ khoa học Y dược, Học

viện Quân Y, tr. 68-70.

8. Phan Ngọc Toàn (1999), Góp phần nghiên cứu đặc điểm hình thái thẩm

mỹ khuôn mặt người Việt Nam trưởng thành, Luận văn Thạc sĩ Y học,

Trường Đại học Y Dược Tp Hồ Chí Minh.

Page 148: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

9. Trần Thị Anh Tú (2003), Hình thái, cấu trúc tháp mũi người trưởng

thành, Luận án tiến sĩ Y học, Trường ĐHYD TP. Hồ Chí Minh.

10. Vũ Công Trực, Francios Disant (2007), “Chỉnh hình biến dạng hình

thể ngoài tháp mũi kết hợp chỉnh hình vách ngăn nhân 40 trường hợp

được phẫu thuật tại khoa Tai mũi họng Bệnh viện EDOUARD

HERIOT, Trung tâm viện trường Lyon Pháp”, Y học TP. Hồ Chí

Minh, 11(1), tr. 67-70.

11. Lê Đức Tuấn (2004), Nghiên cứu sửa chữa những biến dạng môi-mũi

sau phẫu thuật khe hở môi một bên bẩm sinh, Luận án tiến s ĩ Y học,

Viện Nghiên cứu khoa học Y Dược Lâm Sàng 108.

12. Nguyễn Văn Tuấn (2011), “Phương pháp ước tính cỡ mẫu cho một

nghiên cứu y học”, Bài giảng cho học viên sau đại học, tr. 1-29.

13. Bùi Duy Vũ (2011), Nghiên cứu đặc điểm hình thái lâm sàng của dị

hình tháp mũi mắc phải và biện pháp can thiệp, Luận văn thạc sĩ Y học,

Trường Đại học Y Hà Nội.

TÀI LIỆU TIẾNG ANH

14. Abdelkader M., Leong S., et al. (2005), “Aesthetic proportions of the

nasal aperture in 3 different racial groups of men”, Arch Facial Plast

Surg., 7, pp.111-113.

15. Adamson P. A., Suzane K.G. (2005), “Rhinoplasty approaches-curent

state of the art”, Arch. Facial Plast. Surg., 7, pp. 32-37.

16. Ahmed O., Dhinsa A., et al.. (2014), “Population-based assessment of

currently proposed ideals of nasal tip projection and rotation in young

women”, JAMA Facial Plast Surg., pp. E 1-9.

17. Angelos P.C., Toriumi D.M. (2012), “Contemporary review of

rhinoplasty”,Arch Facial Plast Surg., 14(4), pp.238-247.

Page 149: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

18. Ansari K., Asaria J., et al. (2008), “Grafts an implants in rhinoplasty –

Techniques and long-term results”, Operative Techniques in

Otolaryngology, 19, pp. 42-58.

19. Balaji S.M. (2013), “Costal cartilage nasal augmentation rhinoplasty:

Study on warping”, Ann Maxillofac Surg., 3(1), pp. 20-24.

20. Benjamin P. C., Been M.J., et al (2015), “The effect of polydioxanone

absorbable plates in septorhinoplasty for stabilizingcaudal septal

extension grafts”, Arch Facial Plast Surg, pp. E 1-6.

21. Berghaus A., Stelter K. (2006), “Alloplastic materials in rhinoplasty”,

Curr Opin Otolaryngol Head Neck Surg, 14(4), pp. 270-7.

22. Bergeron L. (2009), “Asian Rhinoplasty Tecnique”, Seminars in Plastic

Surgery, 23(1), pp. 16-21.

23. Berkowitz L.R., Apfelberg D.B. (2005), “MidfaceLift Technique with

use of a Biodegradable Device for Tissue Elevation and f ixation”,

Aesthetic Surgery Journal,25, pp. 376-382.

24. Boenisch M., Mink A. (2000), “Clinical and histological results of

septoplasty with a resorbable implant”, Arch Otolaryngol Head Neck

Surg, 126, pp. 1373-1377.

25. Boenisch M., Trenite N.J. (2010), “Reconstruction of the nasal septum

using polydioxanone plate”, Arch Facial Plast Surg, 12(1), pp. 4-10.

26. Burget G.C. (2006), “Aesthetic reconstruction of the nose”, In: Plastic

surgery, Mathes, 2, pp. 573-648.

27. Bruno K.R., Toriumi D.M. (2011), “Bone and cartilage harvesting

techniques in rhinoplasty”, Operative technique in Otolaryngology,

22(4), pp. 308-315.

28. Bussi M, Palonta F. (2013), “Grafting in revision rhinoplasty”, Acta

Otorhinolaryngol Ital., 33(3), pp. 183–189.

Page 150: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

29. Byrd H.S., Andochick S., et al. (1997), “Septal extension grafts: a

method of controlling tip projection shape”, Plast. Reconstr. Surg.,

100(4), pp. 999-1010.

30. Byrd H.S., Ha R.Y. (2003), “Septal extension grafts revisited: 6-year

experience in controlling nasal tip projection and shape”, Plastic and

Reconstructive Surgery, 112, pp. 1929-35.

31. Cakmak O., Ergin T. (2002), “The versatile autogenous costal cartilage

graft in septorhinoplasty”, Arch Facial Plast Surg, 4, pp. 172-176.

32. Cakmak O., Buyuklu F. et al. (2005), “Viability of cultured human

nasal septumchondrocytes after crushing”, Arch Facial Plast Surg.,7,

pp.406-409.

33. Cakmak O. Bircan S. et al. (2005) “Viability of crused and diced

cartilage grafts. A study in rabbit”, Arch Facial Plast Surg.,7, pp. 21-26.

34. Carron M.A., Zoumalan R.A., et al. (2013), “Measured gain in

projection with the extended columellar strut-tip graft in endonasal

rhinoplasty”,JAMA Facial Plast. Surg.,15(3), pp.187-191.

35. Charles C.D, Byrne P.J. (2006), “Initial management of total nasal

septectomy defects using resorbable plating”, Arch Facial Plast Surg, 8,

pp. 128-138.

36. Choi J.Y., Kang I.L. et al. (2013),“Complications of septal extension

grafts in asian patients”, JAMA Facial Plast Surg, pp. E 1-7.

37. Choi J. Y., Park J.H. et.al. (2013), “Effect of various facial angles and

measurements on the ideal position of the nasal tip in the Asian patient

population”, JAMA Facial Plast Surg, pp. E 1-5.

38. Christophel J.J., Hilger P.A. (2011), “Osseocartilaginous rib graft

rhinoplasty - A stable, predictable technique for major dorsal

reconstruction”, Arch Plast Surg, 13(2), pp. 78-83.

Page 151: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

39. Crumley R.L., Lancer M. (1988), “Quantitative analys is of nasal tip

projection”, Laryngoscope, 98, pp. 202-208.

40. Cody A.K., Friedman O. (2011), “Modified back-to-back autogenous

conchal cartilage graft for caudal septal reconstruction-the medial crural

extension graft”, Arch Facial Plast Surg, 13(1), pp. 20-25.

41. Dobratz E.J., Tran V. (2010), “Comparison of technique used to

support the nasal tip and their long term effects on tip position”, Arch

Facial Plast Surg, 12(3), pp. 172-179.

42. Gabra N.; Akram R., et al. (2014), “Nasal osteotomies- A cadaveric study

of fracture lines”, JAMA, Facial Plast Surg., pp. E1-4

43. Gassner H.G., Remington W.J. et al. (2001), “Quantitative study of

nasal tip support and the effect of recontructive rhinoplasty”, Arch

Facial Plast Surg, 3, pp. 178-184.

44. Gassner H.G. (2010), “Structural grafts and suture techniques in

functional and aesthetic rhinoplasty”, GMS Current Topics in

Otorhinolaryngology - Head and Neck Surgery, 9, pp.1-19.

45. Gendeh B.S. (2008), “Graft Selection in Rhinoplasty: Indications and

Limitations”, Med.J Malaysia, 63(1), pp. 35-38.

46. Gode S., Tiris F.S. et al. (2011), "Photogrammetric Analys is of soft

tissue facial profile in Turkish Rhinoplasty population”, Aesth. Plast.

Surg. E 1-5, Published online 13 April 2011.

47. Goldwyn R.M., Cohen M.N. (2001), The unfavorable result in Plastic

surgery-Avoidance and treatment, Lippincott Williams and Wilkins3th

edition, pp. 951-981.

48. Han S.K. (2006), Asian Rhinoplasty, Koonja Publishing Inc, pp. 3-160.

Page 152: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

49. Hondaro C.P., Pearlman S.J. (2003), "Surgical treatment of the

nasolabial angle in balanced rhinoplasty",Arch Facial Plast Surg, 5,

pp.338-344.

50. Huang J.L., Liu Y.F. (2012), “A modif ied technique of septal extension

using a septal cartilage graft for short-nose rhinoplasty in Asians”,

Aesthetic Plast Surg, 36(5), pp. 1028-1038.

51. Hyun S.M., Jang Y.J. (2013), “Treatment outcome of saddle nose

correction”, JAMA Facial Plast Surg, 15(4), pp.280-286.

52. Ishii Clyde H. (2014), “Current Update in As ian Rhinoplasty”,Plast

Reconst. Surg. Glob. Open, 2(4), pp. e133.

53. James S.E., Kelly M.H. (2008), "Cartilage recycling in rhinoplasty:

polydioxanone foil as an absorbable biomechanical scaffold", Plast

Reconstr Surg, 122(1), pp. 254-260.

54. Jang D.W., Li Y. et al. (2012), "Nasal Measurements in Asians and

High-Density Poruos Polyethylene Implant in Rhinoplasty", Arch Facial

Plast. Surg, 14(3), pp.181-187.

55. Jang Y.J., Park C.H. (2007), Practical Septorhinoplasty An Asian

Perspective, Koonja Publishing Inc, pp. 140-187.

56. Jang Y.J., Yu M.S. (2014), Rhinoplasty and Septoplasty, Koonja

PublishingInc, pp. 157-314.

57. Jeffery A., Carlo H., et al. (2004), “Combined silicone and cartilage

implants”, Arch Facial Plast. Surg, 6, pp.120-123.

58. Jeong J.Y. (2014), “Obtaining Maximal Stability with a Septal

Extension Technique in East Asian Rhinoplasty”, Arch Facial Plas.t

Surg., 41, pp.19-28.

Page 153: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

59. Jin H.R., Won T.B. (2009), “Nasal tip augmentation in Asians using

autogenous cartilage”, Otolaryngol Head Neck Surg, 140(4), pp. 526-30.

60. Jin H.R., Won T.B. (2011), “Recent advances in Asian rhinoplasty”,

Auris Nasus Larynx, 38, pp. 157-164.

61. Jinde L., Xiaoping C. et al. (2013), “A modif ied septal extension graft

for the asian nasal tip”, JAMA Facial Plast Surg, 15(5), pp. 362-8.

62. Juan P.S. (2007), Asian rhinoplasty-A guide for aesthetic surgeons,

Quezone City MPC Inc, pp.69-85.

63. Jung D.H., Lin R.Y. (2009), “Correction of pollybeak and dimpling

deformities of the nasal tip in the contracted, short nose by the use of a

supratip transposition flap”, Arch Facial Plast Surg, 11(5), pp. 311-319.

64. Jung D.H., Moon H.J., et al. (2004), “Secondary rhinoplasty of the

Asian nose: correction of the contracted nose”, Aesthetic Plast Surg,

28(1), pp. 1-7.

65. Jung D.H. (2007), Augmentation rhinoplasty with autograft/ alloplasty

combination, In: Asian facial cosmetic surgery. Saunders Elsevier Inc,

pp. 201-211.

66. Jung D.H., Chang G.U. (2010), “Pressure necrosis of septal cartilage

associated with bilateral extended spreader grafts in rhinoplasty”, Arch

Facial Plast. Surg., 12 (4), pp. 257-262.

67. Kelly M.H., Bulstrode N.W., et al. (2007), "Versatility of diced

cartilage-fascia grafts in dorsal nasal augmentation", Journal Plastic and

Reconstructive Surgery, 120(6), pp. 1654-1660.

68. Kim C.H., Jung D.H., et al. (2010), "Surgical anatomy of cartilaginous

structures of the Asian nose: clinical implications in rhinoplasty",

Laryngoscope, 120(5), pp. 914-9.

69. Kim D.W., Shah A.R., et al. (2006), “Concentric and eccentric carved

Page 154: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

costal cartilage – A comparison of warping”, Arch Facial Plast Surg, 8,

pp.42-46.

70. Kim J.G., Rhee S.C. et al (2012),“Absorbable plate as a perpendicular

strut for acute saddle nose deformities”, Arch Plast Surg, 39(2), pp. 113-

117.

71. Kim J.S., Ki H.H. (2007), “Correction of nasal tip and columella in

Koreans by a complete septal extension graft using an extensive

harvesting technique”, Journal of Plastic-Reconstructive and Aesthetic

Surgery, 60, pp.163-170.

72. Kim M.H., Choi J.H. et al. (2014), "An introduction to the septal

extension graft", Arch plast Surg, 41, pp.29-34.

73. Koen I. (2006), “Measurement of preoperative and postoperative nasal

tip projection and rotation”, Arch Facial Plast Surg, 8, pp. 411-415.

74. Kofi D.O. Boahene K.D., et al. (2009), "Alar rim grafting in

rhinoplasty: indications, technique, and outcomes", Arch Facial Plast

Surg, 11(5), pp. 285-289.

75. Kridel R.W., Ashoori F., et al. (2009), "Long-term use and follow-up

of irradiated homologous costal cartilage grafts in the nose", Arch Facial

Plast Surg, 11(6), pp. 378-394.

76. Kyle S.C. , Sclafani A.P., et al. (2004), ‘The Korean American

Woman’s Face : Anthropometric measurement and quantitative analys is

of facial Aesthetics’ Arch Facial Plast Surg, 6(4), pp. 244-252.

77. Lattyak B.V., Mass C.S., et al. (2003), “Dorsal onlay cartilage

autografts. Comparing resorption in a rabbit model”, Arch Facial Plast

Surg, 5, pp. 240-243.

Page 155: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

78. Lee J.W., Baker S.R. (2013), "Correction of caudal septal deviation and

deformity using nasal septal bone grafts", JAMA Facial Plast Surg,

15(2), pp. 96-100.

79. Lee M.R., Unger J.G., et al. (2011), "Management of the nasal dorsum

in rhinoplasty: a systematic review of the literature regarding technique,

outcomes, and complications", Plast Reconst. Surg, 128(5), pp. 538e-

550e.

80. Lee S.B., Jang Y.J. (2014), "Treatment outcome of extracoporeal

septoplasty compared with in situ septal correction in rhinoplasty", Arch

Facial Plast Surg, pp. 3-87.

81. Leong S.C., Eccles R. (2009), “A systematic review of the nasal index

and the signif icanceof the shape and size of the nose in rhinology”, Clin.

Otolaryngol, 34, pp. 191-198.

82. Li D., Xue H., Zeng G. (2010), "Augmentation rhinoplasty with Gore

Tex and prevention of complications", Arch Facial Plast Surg, 23(4),

pp. 246-251.

83. Li S.H., Hong Q.L., et al (2014), "Combined alloplastic implant and

autologous dermis graft for nasal augmentation rhinoplasty in As ian",

Aesth Plastic Surgery, Publis on line.

84. Lieger O., Schaller B., (2010), "Repair of orbital f loor fractures using

bioresorbable poly-L/DL-Lactide plates", Arch Facial Plast Surg, 12(6),

pp. 399-404.

85. Lin G., Lawson W. (2007), “Complications using grafts and implants in

rhinoplasty”, Operative Techniques in Otolaryngology, 18, pp. 315-323.

86. Loyo M., Ishii E.L. (2013), “Safety of alloplastic materials in

rhinoplasty”, Facial Plast Surg, 7 doi: 10.1001/jamafacial, 2013.787.

Page 156: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

87. Marcia M.A., Luiz C.G. et al. (2008), “Study of Rabbit Septal

Cartilage Grafts Plac ed on the Nasal Dorsum”, Arch Facial Plast.

Surg, 10(4),pp. 250-254.

88. Mc Curdy J.A. (2002), Facial plastic and reconstuctive surgery,

Thieme Medical Publishers Inc, pp. 366-370.

89. Menger D.J., Trenite J.N. (2010), "Irradiated homologous rib grafts in

nasal reconstruction", Arch Facial Plast Surg, 12(2), pp. 114-118.

90. Ming Y.L., Jang Y.J. (2015) “Revision rhinoplasty for short noses in

the asian population”, Arch. Facial Plast. Surg., Pub.online 25-6-2015.

pp, E1-8.

91. Moon B.J., Ho J.L, et al. (2012), “Outcomes following rhinoplasty

using autologous costal cartilage”, Arch Facial Plast. Surg,14(3),

pp. 175-180.

92. Neumann A, Kevin K. (2009), “Biomaterials for craniofacial

reconstruction”, GMS Curr. Top Otorhinolaryngol Head Neck Surg, 8,

pp. Doc 08.

93. Paik M.H., Chu L.S. (2013), "Correction of short nose deformity using

a septal extension graft combined with a derotation graft", Archives of

Plastic Surgery APS, 41, pp.12-18.

94. Park C.H. (2009), “Revis ion Rhinoplasty of As ian noses”,Arch.

Otolaryngol. Head Neck Surg., 135(2), pp. 146-155.

95. Park J.H., Jin H.R. (2012), “Use of autologous costal cartilage in As ian

rhinoplasty”, Plast Reconstr. Surg, 130(6), pp.1338-48.

96. Park J.H., Hong R.J. (2013), “Lengthening the short nose in Asians

key maneuvers and surgical results”, JAMA Facial Plast Surg, 15(6), pp.

439-447.

Page 157: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

97. Park J.I. (2007), Introdution to augmentation rhinoplasty, In: Asian

facial cosmetic surgery. Saunders Elsevier Inc, pp.137-143.

98. Park J.I., Jung D.H. (2007), Complications of implant augmentation

rhinoplasty and crytical analysis, In: Asian facial cosmetic surgery”.

Saunders Elsevier Inc, pp. 193-200.

99. Park S.S. (2011), "Fundamental principles in aestheticrhinoplasty",

Clinical and Experimental Otorhinolaryngology, 4(2), pp.55-66.

100. Pastorek N.J., Bustillo A., et al. (2005), "The extended columellar

strut-tip graft", Arch Facial Plast Surg, 7, pp.76-84.

101. Pearson D.C. (2004), “The ideal nasal profile. Rhinoplasty patients vs

the General Public”,Arch Facial Plast. Surg., 6, pp. 257-262.

102. Peled Z.M., Warren A.G., et al. (2008), “The use of alloplastic

materials in rhinoplasty surgery: a meta-analysis", Plast Reconstr. Surg,

121(3), pp. 85-92.

103. Planas J. (2011), “The use of integraTM in rhinoplasty”, Aesth Plast

Surg, 35, pp. 5-12.

104. Ponsky D.C. Harvey D.J., et al. (2010), "Nose Elongation: A review

and description of the septal extension tongue-and-groove technique”,

Aesthetic Surgery Journal, 30(3), pp. 335-346.

105. Porter J.P. (2000), “Graft in rhinoplasty-alloplastic vs autogenuos”,

Arch. otolaryngol. Head Neck Surg, 126, pp. 558-562.

106. Rettinger G. (2007), “Risks and complications in rhinoplasty”, GMS

Current Topics in Otorhinolaryngology - Head and Neck Surgery, 6.

107. Rimmer J., Ferguson L.M., et al. (2012), “Versatile applications of the

polydioxanone plate in rhinoplasty and septal surgery”, Arch Facial

Plast Surg, 14(5), pp.323-330.

Page 158: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

108. Rohrich R.J., Hoxworth R.E., et al. (2012), "The role of the columellar

strut in rhinoplasty: indications and rationale", Plast Reconstr Surg,

129(1), pp. 118e-125e.

109. Rollin D.K., Calvert J.W. (2004), "Diced cartilage grafts in

rhinoplasty surgery”, Journal Plastic and Reconstructive Surgery,

113(7), pp. 2156-2171.

110. Rollin D.K. (2007), “Versatility of diced cartilage-fascia grafts in dorsal

nasal augmentation”, Journal Plastic and Reconstructive Surgery,

120(6), pp.1660-1661.

111. Rollin D.K. (2010), Mastering Rhinoplasty, 2nd

edition.Pub. Springer,

pp. 329- 431.

112. Saban Y., Amodeo C.A., et al. (2012) “Nasal arterial vasculature-

medical and surgical applications”, Arch Facial Plast Surg, 14(6),

pp.429-436.

113. Seo J.O., Jang W. (2010), “A new nose tipdefining technique for Asians

using autologous cartilage prefabricated with octyl-2-cyanoacrylate

adhesive”, Arch Facial Plast Surg, 12(4), pp. 252-256.

114. Shan R.B. (2012), “Diced cartilage augmentation”, Arch Facial Plast

Surg, 14(6), pp. 451-455. Published online.

115. Siemionow M.Z, Klein E.M. (2010), Plastic and Reconstructive

Surgery, 313 Springer Specialist Surgery Series”, Springer-Verlag

London Limited. pp. 313-324.

116. Tarhan E, Cakmak O., et al. (2008), "Comparison of alloderm, fat,

fascia, cartilage, and dermal grafts in rabbits", Arch Facial Plast Surg,

10(3), pp. 187-193.

Page 159: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

117. Tasman A.J. (2007), “Rhinoplasty - indications and techniques”, GMS

Current Topics in Otorhinolaryngology - Head and neck Surgery, 6,

ISSN 1865-1011.

118. Tasman A.J., Diener P.A. (2013), “The diced cartilage glue graft for

nasal augmentation – morphometric evidence of longevity”, JAMA

Facial Plast Surg, 15(2), pp. 86-94.

119. Tastan E. (2013), “The oblique split method. A novel technique for

carving costal cartilage grafts”, Arch Facial Plast Surg, 15(3),

pp.198-203.

120. Tebbetts J.B. (2008), Primary rhinoplasty: redefining the logic and

techniques, Mosby Elsevier Inc, pp.7-34.

121. Trenite-Nolst N.T. (2005), Rhinoplasty, Kugler Publications, 3th

Edition, pp.285-295.

122. Toriumi D.M. (2006), "New concepts in nasal tip contouring", Arch

Facial Plast Surg, 8(3), pp. 156-185.

123. Toriumi D.M. (2007), "Augmentation rhinoplasty with autologous

cartilage grafting", In:Asian facial cosmetic surgery, Saunders Elsevier

Inc. pp. 229-252.

124. Tweedie D.J., Lo S., et al. (2010), “Reconstruction of the nasal septum

using perforated and unperforated polydioxanone foil”, Arch facial

plastic surgery, 12(2), pp. 106-113.

125. Ullas R. (2004), “Immediate autogenous cartilage graft in rhinoplasty

after alloplastic implant rejection”, Arch. facial plastic surgery, 6,

pp.192-196.

126. Wang J.H., Jang Y.J., et al. (2009), "Measurement of aesthetic

proportions in the profile view of Koreans", Ann Plast Surg, 62(2), pp.

109-13.

Page 160: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

127. Wang D.T. (2011), "Gore-tex nasal augmentation-A 26-year

persperspetive”, Arch. facial plastic surgery, 13(2), pp.129-130.

128. Wee J.H., Park M.H., et al. (2014), "Complications associated with

autologous rib cartilage use in rhinoplasty-A Meta Analys is". JAMA.

Facial plastic surgery, pp. 9-14.

129. Whitaker E.G., Johnson C.M. (2003), “The evolution of openstructure

rhinoplasty”, Arch Facial Plast Surg, 5, pp. 291-300.

130. Winkler A.A., Soler Z.M., et al. (2012), "Complications associated

with alloplastic implants in rhinoplasty", Arch Facial Plast.Surg, 14(6),

pp. 437-441.

131. Yap E. (2011), “Expanded polytetrafluoroethylene as dorsal

augmentation material in rhinoplasty on Southeast Asian noses”, Arch

Facial Plast Surg, 13(4), pp. 234-238.

132. Yean L.C. (2010), "Correction of difficult short nose by modified caudal

septal advancement in Asian patients", Aesthetic Surgery Journal, 30(2),

pp. 166-175.

133. Yu K., Kim A. (2010), "Functional and aesthetic concerns of patients

seeking revision rhinoplasty", Arch Facial Plast.Surg, 12(5), pp. 291-297.

134. Zhou J., Huang X. (2014), "Orietal nose elongation using an L shaped

polyethylene sheet implant for combined septal spreading and

extension", Aesth. Plast. Surg, 38, pp. 295-302.

TÀI LIỆU TIẾNG NGA

135. ÏÅÉÏËÀ À.Ä.(2007) "Ïëàñòè÷åñêàÿ è Ðåêîñòðóêòèâíàÿ

Õèðóðãèÿ Ëèöà » Ïîä ðåäàêöèåé À.Ä. ÏÅÉÏËÀ. ÁÈÍÎÌ

Ëàáîðàòîðèÿ çíàíèé., ñòð. 392-516.

Page 161: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

136. ÁÅËÎÓÑΠÀ.Å. (1998) "Ïëàñòè÷åñêàÿ Ðåêîñòðóêòèâíàÿ è

Ýñòåòè÷åñêàÿ Õèðóðãèÿ » Èçäàòåëüñòâî “ Ãèïïîêðàò”., ñòð.

614-659.

Page 162: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

PHỤ LỤC

Phụ lục 1: MẪU THU THẬP SỐ LIỆU NGHIÊN CỨU

HÌNH THÁI MŨI NHÓM A

Họ và tên:................................................ Năm sinh:............... Dân tộc:......................

Giới tính:Nam Nữ Địa chỉ thường trú:...............................................

STT Biến số Kết quả

1 Chiều dài mũi từ gốc đến chóp NTP (1)

2 Chiều dài mũi từ gốc đến trụ NSN (2)

3 Chiều ngang cánh mũi AL-A L (3)

4 Chiều ngang nền mũi AC-AC (4)

5 Chiều cao chóp mũi SN-TP (6)

6 Góc mũi trán NFA (8)

7 Góc mũi môi NLA (9)

8

Hình dạng mũi ở tư thế:

Mũi thẳng

Nghiêng 900 phải

Ngữa lên

Dạng mũi:

9

Thẳng

Lõm

Gồ

Hếch

Trung gian

Khoằm

Hẹp

Rộng

Rất rộng

Ghi chú:

Page 163: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

Phụ lục 2: MẪU BỆNH ÁN NGHIÊN CỨU TẠO HÌNH

NÂNG MŨI NHÓM B

Họ và tên:................................................ Năm sinh:.............. Dân tộc:......................

Giới tính: Nam Nữ Địa chỉ:......................................................

Ngày vào viện:.................................. Số hồ sơ lưu trữ:........................................

Ngày ra viện:..................................... Số ngày nằm viện:.....................................

Chẩnđoán:.................................................................................................................

Phương pháp điều trị:

1. Tiền sử:

- Gia đình:.........................................................................................................

- Bản thân:........................................................................................................

2. Toàn thân:

Tổng trạng:

Bệnh lý mãn tính mắc phải:

Đã điều trị ngoại khoa:

Đã phẫu thuật mũi trước đó:

3. Tham vấn

3.1. Bệnh nhân có nhu cầu nâng mũi: Lần đầu Sửa lại

3.2.Chụp hình: Đo đạc 7 thông số mũi trước và sau mổ

Biến số Trước mổ Sau mổ trong 6 tháng đầu Sau mổ 12 tháng

NTP

NSN

AL-AL

AC-AC

SN-TP

NFA

NLA

Page 164: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

4. Điều trị: phẫu thuật nâng mũi cấu trúc- phối hợp mô tự thân với vật liệu nhân tạo.

4.1.Vật liệu được phối hợp để tạo hình nâng mũi.

1. Sụn vách ngăn 2. Sụn vành tai

3. Sụn sườn 4. Cân cơ thái dương sâu

5. Nẹp Endotine ribbon 6. Silicone

4.2. Các mảnh ghép bổ sung từ mô tự thân cho các vị trí khác của tháp mũi:

1. Mảnh ghép thanh chống trụ mũi (StG-Strut graft)

2. Mảnh ghép chêm (DG-Derotation graft)

3. Mảnh ghép rải (SpG-Spreader Graft)

4. Mảnh ghép cánh mũi (AG -Alar graft)

4.3. Phẫu thuật bổ sung:

1. Cắt cánh mũi 2. Đục xương chính mũi

3. Cắt bớt sụn cánh mũi 4. Cắt bớt mô đầu mũi

5. Mài gồ xương mũi 6. Khâu ép sụn bằng chỉ

4.4. Đánh giá kết quả sớm (thời điểm trong 1 tháng đầu sau mổ)

1. Liền vết thương kỳ đầu Có Không

2. Chảy máumũi Có Không

3. Tụ máu Có Không

4. Nh iễm trùng Có Không

5. Rách niêm mạc Có Không

6. Hoại tử niêm mạc Có Không

7.Liền vết thương kỳ hai Có Không

8.Nghẹt mũi Có Không

Cần chỉnh sửa lại: Có Không

Lý do chỉnh sửa lại:

Page 165: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

4.5. Đánh giá kết quả gần (từ 1 - 6 tháng đầu) sau mổ:

Thu thập 9 thông số định lượng và định tính tháp mũi sau mổ từ 1-6 tháng đầu.

Biến số

Sự hài lòng của

bệnh nhân

5 điểm

4 điểm

3 điểm

2 điểm

1 điểm

Sự cải thiện các

thông số mũi

5 điểm

4 điểm

3 điểm

2 điểm

1 điểm

Sự bảo tồn chức

năng mũi.

5 điểm

4 điểm

3 điểm

2 điểm

1 điểm

Biến chứng hoặc di chứng nếu có:

1.Lệch sống mũi 2. Lệch chóp mũi

3.Lệch vách ngăn 4. Giảm độ nhô đầu mũi

5. Đầu mũi bị cứng 6. Lộ sụn, mỏng da

7. Nh iễm trùng muộn

Di chứng khác:

Cần chỉnh sửa lại: Có Không

Lý do chỉnh sửa lại:

Page 166: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

4.6. Đánh giá kết quả thời điểm xa (sau mổ từ 12 tháng trở lên).

Thu thập 9 thông số định lượng và định tính tháp mũi sau mổ 12 tháng trở lên.

Biến số

Sự hài lòng của

bệnh nhân

5 điểm

4 điểm

3 điểm

2 điểm

1 điểm

Sự cải thiện các

thông số mũi

5 điểm

4 điểm

3 điểm

2 điểm

1 điểm

Sự bảo tồn chức

năng mũi

5 điểm

4 điểm

3 điểm

2 điểm

1 điểm

Biến chứng hoặc di chứng nếu có:

1. Lệch sống mũi 2. Lệch chóp mũi

3. Lệch vách ngăn 4. Giảm độ nhô đầu mũi

5. Đầu mũi bị cứng 6. Lộ sụn, mỏng da

7. Nh iễm trùng muộn

Di chứng khác:

Cần chỉnh sửa lại: Có Không

Lý do chỉnh sửa lại:

Page 167: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

Phụ lục 3:

CÁC BỆNH ÁN MINH HỌA

1. Bệnh án điển hình N1(nhóm B2 -mũi còn thấp, hếch sau khi nâng mũi)

Bệnh nhân: Nguyễn Thị T. Năm sinh 1986 mã số 60B. Số hồ sơ

N10/0614. Số vào viện 280.

Bệnh nhân 60B đến tư vấn trong tình trạng da chóp mũi căng bóng, mũi

còn thấp, ngắn, hếch sau khi nâng mũi và mong muốn được cao hơn và yêu

cầu chính là mũi dài hơn và lỗ mũi kín lại. Bệnh nhân được nhập viện và điều

trị bằng phương pháp nâng mũi cấu trúc- phối hợp mô tự thân (sụn vách ngăn

và sụn vành tai kèm ER) và vật liệu nhân tạo silicone đục lỗ. Hình ảnh hậu

phẫu sau 1 năm cho thấy hiện tượng mỏng da giảm rõ rệt, trong khi tháp mũi

vẫn được nâng cao (SN-TP từ 21,8 lên 22,8mm), kéo dài (NTP từ 34,3mm lên

đến 41,6mm), thu hẹp AC-AC từ 36,4 xuống 35,4mm, góc mũi môi NLA từ

112 độ xuống 102 độ không còn hếch nữa. Bệnh nhân rất hài lòng với kết quả

xa sau một năm.

Hình ảnh BN N1 trước và sau mổ 12 tháng theo các tư thế chuẩn.

Page 168: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu
Page 169: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

2. Bệnh án điển hình N2 (nhóm B2 chỉnh sửa di chứng mỏng da, bóng, đỏ)

BN mã số 45B Trương Thị Thu N. Bệnh án N04/11/12. Số vào viện 440.

- Bệnh nhân nữ T. đến với chúng tôi trong tình trạng mũi còn hếch, da

đầu mũi căng bóng, đỏ sau phẫu thuật nâng mũi bằng silicon thuần túy nhiều

lần. Bệnh nhân mong muốn mũi dài hơn và bớt hiện tượng mỏng da, đỏ. Bệnh

nhân được nhập viện phẫu thuật 06/11/2012.

- Sử dụng phương pháp nâng mũi cấu trúc- phối hợp mô tự thân (sụn

vách ngăn và sụn vành tai kèm ER) và vật liệu nhân tạo silicone đục lỗ.

- Tạo hình đầu mũi bằng sụn vành tai.

- Mảnh ghép bằng silicone đục lỗ sẳn cho lưng sống mũi.

- Kết quả chiều dài NTP từ 40,8 đến 41,5mm; chiều cao SN-TP tăng từ

28,6 lên 29,3mm, chiều ngang AL-AL giảm từ 39,6 còn 36,4mm, NLA từ 108

độ xuống còn 98 độ sau một năm cho thấy mũi được dài hơn, cao hơn, thu

hẹp hơn chiều ngang mũi và NLA đạt 98 độ gần mức lý tưởng 97,3 độ theo

Jang Y.J.[56].

Hình ảnh hậu phẫu cho thấy hiện tượng đỏ và mỏng da giảm rõ rệt sau 1

năm, trong khi tháp mũi vẫn được nâng cao, thu hẹp và kéo dài thành công.

Hình BN N2 mã số N.45B.; tương ứng trước và sau mổ18 tháng ở những

tư thế chuẩn.

Page 170: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu
Page 171: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

3. Bệnh án điển hình N3 (nhóm B1- mũi thấp, hếch bẩm sinh)

BN Trần Thị Ngọc N. Năm sinh 1988. Mã số 14A. Bệnh án số

N14/0413. Số nhập viện 150.

Bệnh nhân nữ 14A có mũi thấp, hếch bẩm sinh với mong muốn mũi

được cao, dài và cắt cánh mũi nếu cần cho lỗ mũi nhỏ hơn.

Bệnh nhân nhập viện phẫu thuật ngày 09/04-2013.

Phương pháp nâng mũi cấu trúc-phối hợp mô tự thân với chất liệu nhân

tạo được thực hiện với sụn vách ngăn, sụn vành tai, endotine ribbon và

silicone.Trụ mũi có dùng ER kèm với sụn vách ngăn và sụn vành tai từ 2 bên.

Kết quả xa: mũi dài hơn (NTP từ 35,6 lên đến 36mm), cao hơn (SN-TP từ

16,2mm lên 23mm); thu hẹp hơn (AL-AL từ 39,8 còn 36,7mm), lỗ mũi kín hơn.

Bệnh nhân rất hài lòng vì kết quả đạt như mong muốn, nhất là lỗ mũi

kín hơn, nhưng không có thêm sẹo do cắt cánh mũi từ bên ngoài.

Hình BN.14A. tương ứng trước và sau mổ 12 tháng ở các tư thế chuẩn.

Page 172: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu
Page 173: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

4. Bệnh án điển hình N4 (nhóm B1- mũi thấp bẩm sinh)

BN Nguyễn Thị Thanh H. 1994.Mã số 16A. Số hồ sơ N12/0913. Số vào

viện 407. Chẩn đoán: Mũi thấp bẩm sinh.

BN nhập viện với mong muốn mũi được dài ra và cao hơn.

BN được phẫu thuật bằng phương pháp nâng mũi cấu trúc –phối hợp mô

tự thân với vật liệu nhân tạo bao gồm: sụn vách ngăn và sụn vành tai, kèm ER

cho trụ mũi. Sụn vành tai cho chóp mũi. Mảnh silicone nhiều lỗ cho lưng

sống mũi.

Kết quả: chiều dài mũi đến chóp NTP tăng từ 37,5mm lên 40mm; chiều

cao chóp mũi SN-TP tăng từ 21 lên 25,3mm; chiều ngang mũi giảm từ 36

xuống còn 34,6mm. Như vậy mũi được nâng cao, kéo dài và thu hẹp lại.

Bệnh nhân rất hài lòng với hình dáng mũi mới, không có biến chứng nào

sau thời gian theo dõi hơn 1 năm.

Hình BN N.4 tương ứng trước và sau mổ 12 tháng ở các tư thế chuẩn:

Page 174: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu
Page 175: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

Bệnh án điển hình N5 (mũi lệch, hậu phẫu cần chỉnh sửa lại)

BN (mã số 15A) Nguyễn Thuý K. (1983) số hồ sơ N14/0114.

Chẩn đoán: Mũi thấp bẩm sinh.

Bệnh nhân nhập viện ngày 11.01.2014 và được phẫu thuật bằng phương

pháp nâng mũi cấu trúc phối hợp mô tự thân với chất liệu nhân tạo.Trụ mũi ghép

một bên bằng sụn vách ngăn, một bên bằng sụn vành tai có kèm ER. Tạo hình

chóp mũi bằng sụn vành tai. Lưng sống mũi bằng silicone có nhiều lỗ.

Hậu phẫu ổn, nhưng sau 2 tháng BN thấy sống mũi lệch nhẹ qua phải và

sau 3 tháng BN được phẫu thuật chỉnh lại phần sống mũi bị lệch. Bệnh nhân

hài lòng với kết quả đạt được sau phẫu thuật chỉnh sửa lại.

Page 176: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

Hình trước và sau mổ BN MS.15A, sau đó bị lệch mảnh ghép. Khi tái khám và chỉnh lại và sau 12 tháng.

Page 177: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

Phụ lục 4:

DANH SÁCH NHỮNG NGƯỜI THAM GIA NGHIÊN CỨU

1. DANH SÁCH 400 ĐỐI TƯỢNG THAM GIA NGHIÊN CỨU HÌNH

THÁI NHÓM A.

2. DANH SÁCH 85 BỆNH NHÂN THAM GIA NGHIÊN CỨU LÂM

SÀNG NHÓM B.

Page 178: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

SỞ Y TẾ TP HCM

BỆNH VIỆN ĐA KHOA MẮT SÀI GÒN

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc

TP. HồChí Minh, ngày 18 tháng 06 năm 2015

DANH SÁCH ĐỐI TƯỢNG KHẢO SÁT ĐO MŨI

TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA MẮT SÀI GÒN

Người yêu cầu xác nhận: BS. Nguyễn Thành Nhân - Học viên NCS 2010

STT Họ và tên Giới tính Năm sinh Địa chỉ

1 Nguyễn Thị Bích N. Nữ 1991 Q. Phú Nhuận TP.HCM

2 Trần Hoàng L. Nam 1990 Vũng Tàu

3 Nguyễn Thị Phương L. Nữ 1977 Q.11 TP.HCM

4 Phan Thị H. Nữ 1990 Q.10 TP.HCM

5 Nguyễn Thị Thu N. Nữ 1993 Q.6 TP.HCM

6 Trương Thị Trà M. Nữ 1990 Q.10 TP.HCM

7 Trần Thị L. Nữ 1993 Q. Tân Bình TP.HCM

8 Lê Thị Thúy H. Nữ 1984 Gia Lai

9 Tống Thị T. Nữ 1992 Ninh Bình

10 Lê Trần Kiều T. Nữ 1992 Cần Giờ

11 Trương Thị T. Nữ 1988 Bình Thuận

12 Nguyễn Thị Lan H. Nữ 1991 Q. Thủ Đức TP.HCM

13 Lê Ý N. Nữ 1992 TP.HCM

14 Đoàn Kim H. Nữ 1986 Q.10 TP.HCM

15 Đinh Thị Anh T. Nữ 1980 Q.1 TP.HCM

16 Phan Lê Bích P. Nữ 1983 TP.HCM

17 Trần Quang V. Nam 1989 Q.2 TP.HCM

18 Trương Minh P. Nam 1991 Q. Thủ Đức TP.HCM

19 Lê Thị Bích H. Nữ 1987 Q. 10 TP.HCM

20 Đàm Hà Nguyệt Á. Nữ 1990 Tân Bình TP.HCM

21 Nguyễn Thị H. Nữ 1992 Thanh Hóa

22 Trần Thị Thu L. Nữ 1989 Gò Vấp TP.HCM

23 Đỗ Thị Mỹ Đ. Nữ 1987 Khánh Hòa

24 Vũ Thị Kim T. Nữ 1989 Tân Bình TP.HCM

25 Trần Thị T. Nữ 1988 Bình Tân TP.HCM

26 Đinh Thị Mai T. Nữ 1990 Tân Bình TP.HCM

27 Đào Thị N. Nữ 1976 Q. 12 TP.HCM

Page 179: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

STT Họ và tên Giới tính Năm sinh Địa chỉ

28 Trần Minh Ngọc L. Nữ 1992 Bình Thạnh TP.HCM

29 Lê Thùy A. Nữ 1990 Tân Bình TP.HCM

30 Võ Thị Ngọc B. Nữ 1983 Q.3 TP.HCM

31 Lê Thị T. Nữ 1989 Q.2 TP.HCM

32 Trần Nguyễn Thanh C. Nữ 1984 Q.3 TP.HCM

33 Phạm Hoàng B. Nữ 1995 Tây Ninh

34 Lê Thị T. Nữ 1987 Thanh Hóa

35 Nguyễn Thị Thúy H. Nữ 1992 Củ Chi TP.HCM

36 Nguyễn Thị N. Nữ 1981 Đắc Lắc

37 Trương Thị Kim N. Nữ 1982 Bình Thạnh TP.HCM

38 Nguyễn Thị Mỹ P. Nữ 1989 Tiền Giang

39 Hà Xuân Đ. Nữ 1975 Đồng Nai

40 Chế Thanh P. Nam 1975 Q. Bình Thạnh TP.HCM

41 Đặng Thị Thanh T. Nữ 1993 Gò Vấp TP.HCM

42 Ngô Thị Thùy C. Nữ 1994 Tân Bình TP.HCM

43 Phan Thanh T. Nữ 1990 Q.8 TP.HCM

44 Trần Thị Ú. Nữ 1976 Q.3 TP.HCM

45 Hà Thị Như T. Nữ 1991 Tân Bình TP.HCM

46 Nguyễn Thị Mỹ D. Nữ 1991 Đồng Nai

47 Đăng Thị Ánh N. Nữ 1990 Q.7 TP.HCM

48 Dương Thị Xuân M. Nữ 1991 Vĩnh Long

49 Huỳnh Kim Y. Nữ 1988 Đồng Nai

50 Nguyễn Thị Quế L. Nữ 1989 Đăk Lăk

51 Nguyễn Thị Hồng N. Nữ 1993 Q. 12 TP.HCM

52 Nguyễn Thị L. Nữ 1989 Phú Yên

53 Đinh Quốc K. Nam 1987 Biên Hòa Đồng Nai

54 Nguyễn Minh T. Nữ 1991 Bình Tân TP.HCM

55 Trương Nguyễn Uyên T. Nữ 1991 Q.3 TP.HCM

56 Hân Thị Ngọc Y. Nữ 1994 Tân Phú TP.HCM

57 Võ Thanh Q. Nữ 1994 Q.3 TP.HCM

58 Nguyễn Thị Minh T. Nữ 1991 Q.9 TP.HCM

59 Phạm Thị Kim H. Nữ 1984 Q.3 TP.HCM

60 Nguyễn Ngọc Thanh T. Nữ 1994 Q.3 TP.HCM

61 Lê Thị H. Nữ 1985 Gò Vấp TP.HCM

62 Bùi Thị B. Nữ 1984 Tân Phú TP.HCM

Page 180: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

STT Họ và tên Giới tính Năm sinh Địa chỉ

63 Hà Thị Thanh T. Nữ 1994 Bình Thạnh TP.HCM

64 Thái Thị H. Nữ 1988 Gò Vấp TP.HCM

65 Nguyễn Bình P. Nam 1989 Q. Gò Vấp TP.HCM

66 Lê Tấn H. Nam 1984 Q. 10 TP.HCM

67 Doãn Thị Phương Đ. Nữ 1983 Bình Tân TP.HCM

68 Ngô Nguyễn Thùy T. Nữ 1991 Gò Vấp TP.HCM

69 Lê Ngọc T. Nữ 1993 Q. 10 TP.HCM

70 Lê Bích T. Nữ 1994 Tiền Giang

71 Nguyễn Thị Trúc L. Nữ 1993 Q.9 TP.HCM

72 Phạm Thị T. Nữ 1994 Thái Bình

73 Nguyễn Thị T. Nữ 1983 Q.5 TP.HCM

74 Hồ Thị Kim L. Nữ 1992 Q.3 TP.HCM

75 Phùng Kim T. Nữ 1981 Bình Thạnh TP.HCM

76 Nguyễn Thị Tuyết N. Nữ 1993 Quảng Ngãi

77 Hoàng Quỳnh P. Nữ 1990 Tân Bình TP.HCM

78 Nguyễn Thị M. Nữ 1986 Bến Tre

79 Châu Thị Bích D. Nữ 1992 Q.3 TP.HCM

80 Vũ Thu H. Nữ 1986 Thủ Đức TP.HCM

81 Bùi Thị Kim N. Nữ 1995 Đồng Tháp

82 Nguyễn Ngọc Thu H. Nữ 1988 Bình Dương

83 Nguyễn Thị H. Nữ 1977 Mỹ Tho

84 Bửu Thị Kiều M. Nữ 1984 Q.1 TP.HCM

85 Võ Thị Hồng T. Nữ 1989 Q.7 TP.HCM

86 Vũ Phương L. Nữ 1996 Thủ Đức TP.HCM

87 Khưu Mai V. Nữ 1980 Q. 11 TP.HCM

88 Trần Nguyễn Kim T. Nam 1991 Q. Bình Tân TP.HCM

89 Trà Thị Thùy V. Nữ 1979 Thủ Đức TP.HCM

90 Nguyễn Ngọc Thùy A. Nữ 1991 Bình Tân TP.HCM

91 Hồ Thu T. Nữ 1975 TP.HCM

92 Nguyễn Thị Bích T. Nữ 1993 Cần Thơ

93 Nguyễn Thị H. Nữ 1981 Đà Nẵng

94 Phan Thùy L. Nữ 1991 An Giang

95 Hồ Thị Cẩm L. Nữ 1987 Cần Thơ

96 Trần Thị Trung T. Nữ 1982 Q.8 TP.HCM

97 Trương Thị Ngọc H. Nữ 1976 Thủ Đức TP.HCM

Page 181: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

STT Họ và tên Giới tính Năm sinh Địa chỉ

98 Nguyễn Trần Anh T. Nữ 1992 Q. 10 TP.HCM

99 Huỳnh Thanh H. Nữ 1986 Q. 11 TP.HCM

100 Nguyễn Thị Ngọc H. Nữ 1980 Hà Nội

101 Nguyễn Ngọc D. Nữ 1985 Q. 10 TP.HCM

102 Nguyễn Lê Khánh M. Nữ 1978 Q. 11 TP.HCM

103 Lê Thị Tuyết V. Nữ 1976 Củ Chi TP.HCM

104 Nguyễn Thái Vĩnh K. Nữ 1996 Phú Nhuận TP.HCM

105 Trần Thi Thanh M. Nữ 1992 Q.8 TP.HCM

106 Nguyễn Hoàng N. Nữ 1986 Đồng Nai

107 Phạm Thị Nhất V. Nữ 1995 Tân Bình TP.HCM

108 Nguyễn Thị A. Nữ 1988 Thủ Đức TP.HCM

109 Đoàn Trọng Q. Nam 1985 Quảng Bình

110 Nguyễn Thị Kim A. Nữ 1991 Q.6 TP.HCM

111 Vũ Văn K. Nam 1984 Nam Đinh

112 Nguyễn Thị Thanh V. Nữ 1989 Bình Thạnh TP.HCM

113 Võ Thị Diên H. Nữ 1981 Nha Trang

114 Đỗ Thị Mộng T. Nữ 1975 Tân Phú TP.HCM

115 Nguyễn Đặng Mai T. Nữ 1984 Phú Nhuận TP.HCM

116 Huỳnh Thị Ngọc B. Nữ 1995 Kiên Giang

117 Võ Đăng Thảo N. Nữ 1992 Q.5 TP.HCM

118 Trần Văn T. Nam 1993 Quãng Nam

119 Đào Huyền T. Nữ 1987 Quảng Ninh

120 Nguyễn Thị Kim T. Nữ 1981 An Giang

121 Nguyễn Thị Đ. Nữ 1983 Bình Tân TP.HCM

122 Trần Thị Thu H. Nữ 1978 Q.1 TP.HCM

123 Võ Thị Kiều T. Nữ 1978 Nha Trang

124 Nguyễn Thị Huỳnh M. Nữ 1988 Bình Thạnh TP.HCM

125 Trần Thị Thúy N. Nữ 1985 Bình Dương

126 Huỳnh Linh Đ. Nữ 1993 Q.3 TP.HCM

127 Trần Thi Thục Đ. Nữ 1996 Hóc Môn

128 Trương Minh T. Nữ 1989 Q.7 TP.HCM

129 Lê Thị M. Nữ 1975 Hà Nội

130 Đàm Thái Hoài A. Nữ 1986 Q.7 TP.HCM

131 Hồ Thị Yến N. Nữ 1986 Q.7 TP.HCM

132 Bùi Thị Hồng S. Nữ 1981 Bình Dương

Page 182: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

STT Họ và tên Giới tính Năm sinh Địa chỉ

133 Huỳnh Thị Mỹ H. Nữ 1983 Tây Ninh

134 Tôn Nữ Bảo A. Nữ 1990 Tân Phú TP.HCM

135 Hồ Kim K. Nữ 1980 Cần Thơ

136 Trần Thị Bảo L. Nữ 1975 Hóc Môn

137 Huỳnh Thị Kim H. Nữ 1980 Đồng Tháp

138 Đinh Thị Tú C. Nữ 1978 Gò Vấp TP.HCM

139 Trương Thị Mỹ D. Nữ 1990 Nha Trang

140 Nguyễn D. Nữ 1992 Đồng Nai

141 Nguyễn Thị Mỹ T. Nữ 1991 Bình Dương

142 Nguyễn Tú V. Nữ 1982 Q.1 TP.HCM

143 Nguyễn Thụy Đoan T. Nữ 1995 Tân Phú TP.HCM

144 Lê Bảo Hoàng Q. Nữ 1994 Bình Thạnh TP.HCM

145 Trần Công K. Nam 1980 Q. Tân Bình TP.HCM

146 Tạ Phương Như Q. Nữ 1995 Tây Ninh

147 Trương Thị Thanh T. Nữ 1979 Phú Yên

148 Nguyễn Văn T. Nam 1992 Q. Nhà Bè TP.HCM

149 Lương Phối N. Nữ 1990 Q.5 TP.HCM

150 Cao Thị Mỹ H. Nữ 1984 TP.HCM

151 Trần Thị Diễm T. Nữ 1983 Q.1 TP.HCM

152 Từ Ngọc T. Nữ 1976 Q.6 TP.HCM

153 Trần T. Nữ 1978 Bình Thạnh TP.HCM

154 Vũ Thị Nhuệ Q. Nữ 1983 Q.7 TP.HCM

155 Mai Thùy H. Nữ 1981 Q.1 TP.HCM

156 Trần Ái P. Nữ 1996 Tiền Giang

157 Lê Thị Ngư U. Nữ 1987 Quảng Ngãi

158 Trương Thị Thiên N. Nữ 1976 Q.3 TP.HCM

159 Vũ Hoàng T. Nữ 1983 Bình Thạnh TP.HCM

160 Huỳnh Thị Bích N. Nữ 1979 Bạc Liêu

161 Trương Thị Tuyết V. Nữ 1992 Q.3 TP.HCM

162 Lê K. Nữ 1989 Tiền Giang

163 Trần Kim D. Nữ 1988 Kiên Giang

164 Nguyễn Thị T. Nữ 1993 Vĩnh Long

165 Phạm Thủy H. Nữ 1984 Phú Nhuận TP.HCM

166 Trần Thị H. Nữ 1984 Q.7 TP.HCM

167 Huỳnh Thoại G. Nữ 1996 Bến Tre

Page 183: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

STT Họ và tên Giới tính Năm sinh Địa chỉ

168 Lâm Xuân Đ. Nữ 1990 Q. 10 TP.HCM

169 Hoàng Thị Thu N. Nữ 1988 Đồng Nai

170 Phùng Thị Vân A. Nữ 1984 Q.7 TP.HCM

171 Nguyễn Lý Phương D. Nữ 1991 Q. 10 TP.HCM

172 Nguyễn Thị Cẩm B. Nữ 1987 Q.1 TP.HCM

173 Trần Kim T. Nữ 1989 Bình Thạnh TP.HCM

174 Huỳnh Thị Kim H. Nữ 1988 Bình Tân TP.HCM

175 Trần Văn T. Nam 1990 Khánh Hòa

176 Trần Thị Ngọc N. Nữ 1988 Q.6 TP.HCM

177 Nguyễn Thị Hoàng L. Nữ 1989 Q.8 TP.HCM

178 Lê Thị Nhựt T. Nữ 1984 Q. 11 TP.HCM

179 Vũ Thị H. Nữ 1982 Tân Bình TP.HCM

180 Nguyễn Thụy Bảo T. Nữ 1987 Bình Chánh TP.HCM

181 Nguyễn Thị Ánh N. Nữ 1988 Bình Thạnh TP.HCM

182 Trương Bằng Đ. Nữ 1982 Cần Thơ

183 Trần Phương L. Nữ 1985 An Giang

184 Trương Bích C. Nữ 1984 Q1 Tphcm

185 Thái Xuân S. Nam 1986 Quãng Ngãi

186 Lê Văn S. Nam 1986 Q.6 TP.HCM

187 Nguyễn Thị Thanh H. Nữ 1994 Q. 10 TP.HCM

188 Trần Kiều A. Nữ 1995 Q.7 TP.HCM

189 Phan Thị Kim N. Nữ 1981 Q. 10 TP.HCM

190 Trần Thị T. Nữ 1974 Q. 10 TP.HCM

191 Nguyễn Thị N. Nữ 1976 Quy Nhơn

192 Vũ Đỗ Phương U. Nữ 1993 Tân Bình

193 Tạ Gia M. Nữ 1993 Cà Mau

194 Hồ Thị Thanh T. Nữ 1986 Q.3 TP.HCM

195 Trần Trúc A. Nữ 1993 Q.5 TP.HCM

196 Thân Ngọc L. Nữ 1989 Đồng Nai

197 Lê Thị Diễm H. Nữ 1976 Đồng Tháp

198 Nguyễn Văn S. Nam 1993 An Giang

199 Nguyễn Văn H. Nam 1982 Q. Bình Tân TP.HCM

200 Trương Hoàng Trúc L. Nữ 1992 Q. 10 TP.HCM

201 Trần Khánh H. Nữ 1995 Bình Thạnh TP.HCM

202 Nguyễn Thị Tố L. Nữ 1992 Đồng Nai

Page 184: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

STT Họ và tên Giới tính Năm sinh Địa chỉ

203 Nguyễn Thị Yến N. Nữ 1995 Đồng Nai

204 Bùi Thị Kim C. Nữ 1993 An Giang

205 Trịnh Thị Thùy T. Nữ 1985 Đà Nẵng

206 Huỳnh Diệp Như N. Nữ 1993 Q.6 TP.HCM

207 Lê Thị Thanh P. Nữ 1988 Q.3 TP.HCM

208 Nguyễn Ngọc Kim U. Nữ 1989 Q.3 TP.HCM

209 Nguyễn Mỹ V. Nữ 1988 Q.3 TP.HCM

210 Lê Thị Thu H. Nữ 1989 Q.3 TP.HCM

211 Mai Thị Ngọc T. Nữ 1988 Thủ Đức TP.HCM

212 Trần Thu T. Nữ 1992 Hải Phòng

213 Nguyễn Thị Hoàng T. Nữ 1979 Vũng Tàu

214 Trần Thanh T. Nam 1976 Hcm

215 Nguyễn Thị Thúy S. Nữ 1995 Tây Ninh

216 Lê Kim Y. Nữ 1991 Bình Thạnh

217 Trịnh Tú Q. Nữ 1995 Hải Phòng

218 Lê Thị Hồng V. Nữ 1985 Q.3 TP.HCM

219 Nguyễn Đức L. Nam 1982 Q. Gò Vấp TP.HCM

220 Đổ Thị Thư P. Nữ 1980 Q.1 TP.HCM

221 Huỳnh Thị Ánh T. Nữ 1978 Tân Bình TP.HCM

222 Phạm Thị Kim T. Nữ 1992 Đồng Nai

223 Nguyễn Thị Thảo N. Nữ 1983 Bình Phước

224 Vũ Thị P. Nữ 1992 Hà Nội

225 Lưu Trần Tố Q. Nữ 1992 Gò Vấp TP.HCM

226 Võ Hồng Thanh G. Nữ 1993 Gò Vấp TP.HCM

227 Nguyễn Thị Bích H. Nữ 1982 Q. 12 TP.HCM

228 Phan Hồng N. Nữ 1995 Q. 10 TP.HCM

229 Dương Nguyễn Lam T. Nữ 1991 Tiền Giang

230 Dương Nguyễn Anh T. Nữ 1989 Tiền Giang

231 Nguyễn Thị Diễm H. Nữ 1994 Q.1 TP.HCM

232 Nguyễn Thị Thanh T. Nữ 1985 Q.8 TP.HCM

233 Nguyễn Lê N. Nữ 1974 Bạc Liêu

234 Trương Thị Thu T. Nữ 1985 Đak Lăk

235 Nguyễn Thị H. Nữ 1982 Thủ Đức TP.HCM

236 Nguyễn Thị Ngọc P. Nữ 1991 Gò Vấp TP.HCM

237 Nguyễn Thị Thanh X. Nữ 1987 Gò Vấp TP.HCM

Page 185: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

STT Họ và tên Giới tính Năm sinh Địa chỉ

238 Trương Hồ Phương N. Nữ 1987 Q.2 TP.HCM

239 Huỳnh Thị Diễm K. Nữ 1994 Q.1 TP.HCM

240 Trần Thu T. Nữ 1987 An Giang

241 Nguyễn Hồng Á. Nữ 1986 Tiền Giang

242 Lương Gia L. Nữ 1992 Q.6 TP.HCM

243 Nguyễn Thị Phương T. Nữ 1978 Bình Chánh TP.HCM

244 Nguyễn Ngọc D. Nữ 1985 Q. 10 TP.HCM

245 Lê Vân H. Nữ 1979 Hải Dương

246 Đào Lưu X. Nữ 1977 Hà Nội

247 Trần Ngọc H. Nữ 1992 Bình Thạnh TP.HCM

248 Lã Hoàng G. Nữ 1990 Quảng Ninh

249 Ngô Tấn P. Nam 1991 Q. Tân Phú TP.HCM

250 Nam N. Nữ 1982 Q. 10 TP.HCM

251 Ngô Mỹ N. Nữ 1976 Q. 10 TP.HCM

252 Huỳnh Thị Bích T. Nữ 1991 Q.8 TP.HCM

253 Huỳnh Thị Kim X. Nữ 1990 Khánh Hòa

254 Nguyễn Thị Kiều T. Nữ 1986 Phú Nhuận TP.HCM

255 Trần Thị Mỹ D. Nữ 1976 Q.3 TP.HCM

256 Bùi Tuyết T. Nữ 1991 Q.8 TP.HCM

257 Võ Thị M. Nữ 1974 Trà Vinh

258 Nguyễn Thu T. Nữ 1989 Hà Nội

259 Huỳnh Ngọc Thanh T. Nữ 1993 Bình Thạnh

260 Nguyễn Thị T. Nữ 1974 Bình Chánh TP.HCM

261 Trần Thị Thanh T. Nữ 1984 Phú Yên

262 Bùi Thị Đ. Nữ 1993 Kiên Giang

263 Hàn Huỳnh A. Nữ 1990 Q. 10 TP.HCM

264 Huỳnh Thị Mỹ H. Nữ 1986 Khánh Hòa

265 Nguyễn Thị Kim C. Nữ 1981 Tân Phú TP.HCM

266 Nguyễn Quỳnh N. Nữ 1980 Q.3 TP.HCM

267 Lê Thị Thùy A. Nữ 1986 Kiên Giang

268 Lê Thị N. Nữ 1980 Bình Tân TP.HCM

269 Trần Thảo N. Nữ 1991 Q.1 TP.HCM

270 Trần Thiệu D. Nam 1990 Macao

271 Nguyễn Thị Thu H. Nữ 1982 Q.7 TP.HCM

272 Vũ Thị Hiền D. Nữ 1993 Bình Thạnh

Page 186: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

STT Họ và tên Giới tính Năm sinh Địa chỉ

273 Lê Thị Thanh H. Nữ 1983 Đồng Nai

274 Trần Thị Thảo P. Nữ 1995 Bình Thạnh TP.HCM

275 Mai Thị Kiều L. Nữ 1996 Hậu Giang

276 Trịnh Thị T. Nữ 1988 Q.1 TP.HCM

277 Nguyễn Thị Phương L. Nữ 1991 Tân Phú TP.HCM

278 Hoàng Ngọc Thanh H. Nữ 1987 Q.8 TP.HCM

279 Trần Thị Thu H. Nữ 1981 Khánh Hòa

280 Đinh Lệ D. Nữ 1990 Q.3 TP.HCM

281 Phan Thi Xuân H. Nữ 1982 Q.8 TP.HCM

282 Nguyễn Thị Mộng T. Nữ 1987 Tân Bình TP.HCM

283 Vũ Thị Ngọc L. Nữ 1977 Tân Bình TP.HCM

284 Trần Thị Kim C. Nữ 1991 Hậu Giang

285 Trần Thị N. Nữ 1994 Trà Vinh

286 Nguyễn Thị Diễm K. Nữ 1993 Bạc Liêu

287 Nguyễn Thị Kim T. Nữ 1990 Q.1 TP.HCM

288 Nguyễn Tuyết L. Nữ 1978 Q.7 TP.HCM

289 Mạch Quốc K. Nam 1989 Q. 10 TP.HCM

290 Dương Thu H. Nữ 1993 Q. 10 TP.HCM

291 Hoàng Mỹ D. Nữ 1979 Thủ Đức TP.HCM

292 Phạm Thị Tố N. Nữ 1986 Q.7 TP.HCM

293 Lê Nguyễn Diễm H. Nữ 1992 Q.6 TP.HCM

294 Nguyễn Thị Bích T. Nữ 1988 Phú Nhuận TP.HCM

295 Trịnh Thị Chánh T. Nữ 1990 Gò Vấp TP.HCM

296 Lê Thanh M. Nữ 1983 Tiền Giang

297 Thái Thị Thu T. Nữ 1982 Tiền Giang

298 Phạm Thị Cẩm T. Nữ 1989 Phú Quốc

299 Huỳnh Kim Y. Nữ 1986 Q.6 TP.HCM

300 Trương Ty Q. Nữ 1990 Phú Yến

301 Nguyễn Thanh P. Nữ 1983 Bình Thạnh TP.HCM

302 Nguyễn Thị Thủy T. Nữ 1986 Q.3 TP.HCM

303 Hồng Thị M. Nữ 1992 Tân Bình TP.HCM

304 Nguyễn Thanh T. Nữ 1993 Bình Phước

305 Nguyễn Thị Kim H. Nữ 1983 Q.9 TP.HCM

306 Trần Phạm Hoàng L. Nữ 1994 Bình Tân TP.HCM

307 Trần Thanh T. Nữ 1989 Q.5 TP.HCM

Page 187: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

STT Họ và tên Giới tính Năm sinh Địa chỉ

308 Lê Thị Bích T. Nữ 1987 Q.8 TP.HCM

309 Phạm Thị Thu D. Nữ 1988 Bình Thạnh TP.HCM

310 Trần Thị Anh T. Nữ 1985 Tân Bình TP.HCM

311 Nguyễn Thị Phương T. Nữ 1985 Bình Dương

312 Phạm Thị Thanh H. Nữ 1986 Bình Tân TP.HCM

313 Lý Mỹ H. Nữ 1992 Q. 11 TP.HCM

314 Trần Lê Hoa Thủy T. Nữ 1993 Bình Tân TP.HCM

315 Hồ Thị Anh T. Nữ 1992 Q.5 TP.HCM

316 Nguyễn Ngọc Đoan H. Nữ 1983 Gò Vấp TP.HCM

317 Nguyễn Thị Hải Y. Nữ 1989 Tân Bình TP.HCM

318 Trần Đỗ Thiên T. Nữ 1980 Bình Thạnh TP.HCM

319 Võ Thị Hồng D. Nữ 1993 Phú Nhuận TP.HCM

320 Đỗ Thị Diễm H. Nữ 1990 Q.3 TP.HCM

321 Phạm Thị Tuyết M. Nữ 1991 Q.8 TP.HCM

322 Đinh Thị Bích T. Nữ 1982 Bình Thạnh TP.HCM

323 Phạm Kim L. Nữ 1976 Q. 10 TP.HCM

324 Đỗ Thị Cẩm L. Nữ 1987 Hóc Môn TP.HCM

325 Lê Thị Trúc G. Nữ 1986 Tân Bình TP.HCM

326 Nguyễn Trần Hà G. Nữ 1993 Kiên Giang

327 Phùng Thị N. Nữ 1989 Q. 10 TP.HCM

328 Lương Thị Hồng V. Nữ 1987 Q.5 TP.HCM

329 Phan Thiị Như N. Nữ 1981 Q. 10 TP.HCM

330 Nguyễn Quỳnh H. Nữ 1989 Thủ Đức TP.HCM

331 Nguyễn Thị Ngọc H. Nữ 1991 Phú Yên

332 Nguyễn Thị Thúy L. Nữ 1994 Củ Chi TP.HCM

333 Trương Thị V. Nữ 1980 Q. 12 TP.HCM

334 Đỗ Thị T. Nữ 1991 Hải Phòng

335 Lê Thị T. Nữ 1987 Bình Phước

336 Lê Quang M. Nam 1989 Q.7 TP.HCM

337 Phạm Thị L. Nữ 1990 Q. 10 TP.HCM

338 Phạm Hoàng Y. Nữ 1992 Bình Thạnh TP.HCM

339 Nguyễn Thị Thanh H. Nữ 1983 Tân Bình TP.HCM

340 Trần Thị Tố U. Nữ 1986 Gò Vấp TP.HCM

341 Trần Thị Quỳnh N. Nữ 1989 Q.3 TP.HCM

342 Trương Thị H. Nữ 1989 Q. 10 TP.HCM

Page 188: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

STT Họ và tên Giới tính Năm sinh Địa chỉ

343 Nguyễn Thị Mỹ L. Nữ 1987 Bình Chánh TP.HCM

344 Nguyễn Lệ T. Nữ 1986 Thủ Đức TP.HCM

345 Nguyễn Thị Hồng N. Nữ 1992 Kon Tum

346 Lê Mộng T. Nữ 1996 Đồng Nai

347 Mai Thị C. Nữ 1996 Q.3 TP.HCM

348 Trần Thị Thanh T. Nữ 1993 Q.6 TP.HCM

349 Võ Thị Mỹ T. Nữ 1990 Q.7 TP.HCM

350 Đoàn Thị Hồng Á. Nữ 1991 Bình Tân TP.HCM

351 Lương Đình Vy V. Nữ 1977 Q.2 TP.HCM

352 Phan Thị G. Nữ 1995 Q. 10 TP.HCM

353 Hà Minh T. Nam 1987 Daknong

354 Nguyễn Thị H. Nữ 1988 Hà Nội

355 Nguyễn Nhật M. Nữ 1986 Tân Bình TP.HCM

356 Lê Trung H. Nam 1974 Q.7 TP.HCM

357 Trần Hoàng V. Nam 1978 Q. 10 TP.HCM

358 Trần Thanh P. Nam 1990 Cần Thơ

359 Lê Anh Đ. Nam 1976 Hà Nội

360 Đỗ Văn M. Nam 1981 Q. 10 TP.HCM

361 Võ Thành N. Nam 1976 Cần Thơ

362 Trần Nhựt L. Nam 1989 Phú Nhuận TP.HCM

363 Lê Thu H. Nữ 1974 Bình Chánh TP.HCM

364 Phạm Quốc B. Nam 1988 Q. Bình Thạnh TP.HCM

365 Lợi Trí M. Nam 1993 Q.2 TP.HCM

366 Phạm Hữu T. Nam 1984 Hà Tĩnh

367 Tạ Thu T. Nữ 1990 Hà Nội

368 Nguyễn Thị Cẩm T. Nữ 1983 Đồng Nai

369 Đinh Thị Cẩm T. Nữ 1991 Tân Bình TP.HCM

370 Lý Tuyết T. Nữ 1980 Q. 12 TP.HCM

371 Nguyễn Trà L. Nữ 1988 Q.3 TP.HCM

372 Nguyễn Bảo Huyền T. Nữ 1985 Q. 10 TP.HCM

373 Lưu Yến C. Nữ 1985 Q.1 TP.HCM

374 Nguyễn Thanh Thùy T. Nữ 1992 Long An

375 Khaiden Đ. Nam 1980 Hcm

376 Nguyễn Tuấn Đ. Nam 1993 Hà Nội

377 Thái Mẫn T. Nữ 1988 Q.5 TP.HCM

Page 189: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

STT Họ và tên Giới tính Năm sinh Địa chỉ

378 Hồ Thị Thanh S. Nữ 1995 Q. 10 TP.HCM

379 Trần Hoàng Nhất N. Nam 1990 Q.2 TP.HCM

380 Nguyễn Việt C. Nam 1980 Q.1 TP.HCM

381 Nguyễn Thùy T. Nữ 1991 Q.5 TP.HCM

382 Phan Thị Thanh T. Nữ 1988 Đồng Nai

383 Bằng Thị Thu C. Nữ 1990 Sóc Trăng

384 Nguyễn Thị T. Nữ 1991 Cà Mau

385 Nguyễn Việt T. Nam 1976 Q. 10 TP.HCM

386 Chung Nhật D. Nam 1991 Trà Vinh

387 Lương Thế V. Nam 1979 Hà Nội

388 Nguyễn Thị Tuyết M. Nữ 1985 Bình Chánh TP.HCM

389 Trần Thị Thúy H. Nữ 1995 Hậu Giang

390 Nguyễn Thu T. Nữ 1977 Tân Bình TP.HCM

391 Lưu Trí N. Nam 1985 Bến Tre

392 Phạm Thị Hoàng N. Nữ 1994 Đồng Nai

393 Nguyễn Thị N. Nữ 1975 Thủ Đức TP.HCM

394 Lê Quang D. Nam 1985 Q. Tân Phú TP.HCM

395 Lê Minh N. Nam 1986 Vĩnh Long

396 Nguyễn Thanh H. Nữ 1983 Hà Nội

397 Nguyễn Ngọc Q. Nữ 1986 Tiền Giang

398 Phan Thanh L. Nữ 1988 Vĩnh Long

399 Huỳnh Thị Trà M. Nữ 1978 Vũng Tàu

400 Lê Thị Hồng H. Nữ 1982 Tân Bình

GIÁM ĐỐC BỆNH VIỆN

Page 190: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu
Page 191: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

SỞ Y TẾ TP HCM

BỆNH VIỆN ĐA KHOA MẮT SÀI GÒN

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc

TP. HồChí Minh, ngày 18 tháng 06 năm 2015

DANH SÁCH BỆNH NHÂN NGHIÊN CỨU

TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA MẮT SÀI GÒN

Người yêu cầu xác nhận: Bs. Nguyễn Thành Nhân - Học viên NCS 2010

Danh sách bệnh nhân đủ tiêu chuẩn nghiên cứu:

STT Số nhập viện Họ và tên Giới tính Năm sinh

1 N21/1012/411 Suy Srey P. Nữ 1972

2 N27/0913/421 Nguyễn Thị N. Nữ 1976

3 N01/0113/01 Nguyễn Thụy Bảo T. Nữ 1987

4 N17/0113/17 Lê Thị Nhật T. Nữ 1994

5 N14/0113/14 Nguyễn Thị Thu N. Nữ 1971

6 N46/0413/184 Phan Thị Kim N. Nữ 1981

7 N11/0713/305 Vũ Thị Kim L. Nữ 1975

8 N08/0513/196 Trần Kim T. Nữ 1988

9 N61/0414/204 Lê Thủy T. Nữ 1990

10 N24/0113/24 Trương Bích C. Nữ 1984

11 N29/0113/29 Phạm Lê Ngọc T. Nữ 1988

12 N41/0713/335 Đỗ Vũ Yến N. Nữ 1995

13 N52/0913/446 Trần Thị T. Nữ 1974

14 N14/0413/150 Trần Thị Ngọc N. Nữ 1988

15 N14/0114/14 Nguyễn Thuý K. Nữ 1983

16 N12/0913/407 Nguyễn Thị Thanh H. Nữ 1994

17 N11/1013/461 Nguyễn Thị Hoàng L. Nữ 1989

18 N51/0713/345 Trần Kiều A. Nữ 1995

19 N13/1113/511 Mai Thúy H. Nữ 1984

20 N10/0613/240 Trương Thi Minh K. Nữ 1977

21 N10/0812/322 Trần Phương L. Nữ 1985

22 N16/0213/69 Vũ Thị H. Nữ 1982

23 N45/1013/495 Hồ Thị Thanh T. Nữ 1986

24 N15/0713/309 Tạ Gia M. Nữ 1993

25 N34/0713/328 Huỳnh Thị Kim H. Nữ 1988

26 N07/0812/319 Trần Thanh N. Nữ 1985

Page 192: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

STT Số nhập viện Họ và tên Giới tính Năm sinh

27 N21/0314/96 Trần Thị H. Nữ 1984

28 N22/0413/160 Lương Phối N. Nữ 1990

29 N79/1213/577 Nguyễn Tú V. Nữ 1982

30 N34/0114/34 Trần Dạ Q. Nữ 1980

31 N32/0513/221 Vũ Đỗ Phương U. Nữ 1993

32 N47/0414/190 Trần Thị Huyền T. Nữ 1969

33 N44/0713/338 Nguyễn Thụy Đoan T. Nữ 1995

34 N16/1112/452 Vũ Thị Nhuệ Q. Nữ 1983

35 N08/1112/444 Trần T.. Nữ 1978

36 N16/0813/364 Lê Thị H. Nữ 1980

37 N06/1013/456 Lê Hà M. Nữ 1984

38 N39/1113/537 Nguyễn Cẩm T. Nữ 1992

39 N39/1013/489 Ngô Kim T. Nữ 1973

40 N30/0114/30 Lâm Thị N. Nữ 1968

41 N08/0613/238 Nguyễn Thị Ngọc T. Nữ 1980

42 N18/0613/251 Ngô Thanh T. Nữ 1974

43 N08/0713/302 Trần Phương M. Nữ 1979

44 N72/1213/370 Nguyễn Thị Bích A. Nữ 1986

45 N04/1112/440 Trương Thị Thu N. Nữ 1988

46 N07/1212/467 Nguyễn Thị H. Nữ 1976

47 430/1212/490 Võ Kim C. Nữ 1967

48 N22/0713/316 Nguyễn Thị H. Nữ 1962

49 N46/1013/497 Huỳnh Huỳnh M. Nữ 1985

50 N26/0213/79 Nguyễn Mỹ K. Nữ 1983

51 N43/0913/437 Trịnh Thị H. Nữ 1974

52 N20/1212/480 Lê Nguyễn Chiêu N. Nữ 1979

53 N41/1113/539 Thái Thị Cẩm C. Nữ 1987

54 N25/1013/475 Phạm Thu A. Nữ 1956

55 N36/0214/74 Mai T.. Nữ 1957

56 N17/1113/515 Nguyễn Thị Ngọc T. Nữ 1985

57 N11/1113/509 Trần Tú H. Nữ 1981

58 N49/0414/192 Nguyễn Yến L. Nữ 1986

59 N21/0913/415 Phạm Thị Mộng T. Nữ 1989

60 N10/0614/280 Nguyễn Thị T. Nữ 1986

61 N09/0713/303 Nguyễn Ngọc Đình X. Nữ 1991

Page 193: nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu

STT Số nhập viện Họ và tên Giới tính Năm sinh

62 N07/0413/143 Đinh Thị Cẩm L. Nữ 1978

63 N01/0913/395 Nguyễn Bảo V. Nữ 1988

64 N35/1013/485 Trần Thị Tường V. Nữ 1988

65 N38/0613/272 Nguyễn Kim H. Nữ 1975

66 N09/1013/459 Nguyễn Tú O. Nữ 1954

67 N23/1113/521 Lê Thị Hồng H. Nữ 1976

68 N23/1012/413 Nguyễn Phan Mỹ N. Nữ 1981

69 N50/0314/125 Nguyễn Thị Tuyết V. Nữ 1982

70 N68/1213/566 Phạm Phan Hoàng V. Nữ 1981

71 N91/1213/589 Nguyễn Lê Mỹ L. Nữ 1988

72 N12/0513/200 Nguyễn Thị Thanh D. Nữ 1983

73 N33/0613/267 Lê Thị Quỳnh N. Nữ 1981

74 N53/0913/450 Ngô Thúy H. Nữ 1968

75 N52/0713/346 Nguyễn Quỳnh M. Nữ 1978

76 N27/1113/525 Vũ Thị T. Nữ 1970

77 N28/1212/488 Từ Ngọc T. Nữ 1976

78 N29/0114/29 Trần Ái P. Nữ 1996

79 N16/1012/406 Phan Thị Thu H. Nữ 1958

80 N44/1113/542 Tạ Phương Như Q. Nữ 1995

81 N40/0713/334 Lê Bảo Hoàng Q. Nữ 1994

82 N11/1112/447 Trương Bằng Đ. Nữ 1982

83 N20/0812/332 Nguyễn Tú V. Nữ 1995

84 N40/0813/388 Nguyễn Mộng Tô C. Nữ 1983

85 N21/0812/333 Nguyễn Triệu V. Nữ 1992

GIÁM ĐỐC BỆNH VIỆN