thuyết minh chi tiết luật đầu tư (kèm theo bkhdt 1352 t-tr-bkhđt_10032014)

29
BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ ______________ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày tháng 3 năm 2014 BẢN THUYẾT MINH CHI TIẾT VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẦU TƯ SỬA ĐỔI Căn cứ Nghị quyết số 45/2013/QH13 ngày 18/6/2013 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 và Quyết định số 1441/QĐ-TTg ngày 16/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án luật năm 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức thực hiện dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) với những nội dung sau: I. BỐ CỤC CỦA DỰ THẢO LUẬT ĐẦU TƯ (SỬA ĐỔI) Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) bao gồm 9 Chương, 76 Điều: Chương I: Những quy định chung Chương II: Bảo đảm đầu tư Chương III: Quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư Chương IV: Hình thức đầu tư Chương V: Lĩnh vực, địa bàn đầu tư, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư Chương VI: Thủ tục đầu tư Chương VII: Hoạt động đầu tư ra nước ngoài Chương VIII: Quản lý nhà nước về đầu tư Chương IX: Điều khoản thi hành 1

Upload: han-nhung

Post on 08-Jun-2015

423 views

Category:

Documents


1 download

TRANSCRIPT

Page 1: Thuyết minh chi tiết luật đầu tư (kèm theo bkhdt 1352 t-tr-bkhđt_10032014)

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ______________

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAMĐộc lập - Tự do - Hạnh phúc

Hà Nội, ngày tháng 3 năm 2014

BẢN THUYẾT MINH CHI TIẾTVỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẦU TƯ SỬA ĐỔI

Căn cứ Nghị quyết số 45/2013/QH13 ngày 18/6/2013 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 và Quyết định số 1441/QĐ-TTg ngày 16/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án luật năm 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức thực hiện dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) với những nội dung sau:

I. BỐ CỤC CỦA DỰ THẢO LUẬT ĐẦU TƯ (SỬA ĐỔI)

Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) bao gồm 9 Chương, 76 Điều:

Chương I: Những quy định chung

Chương II: Bảo đảm đầu tư

Chương III: Quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư

Chương IV: Hình thức đầu tư

Chương V: Lĩnh vực, địa bàn đầu tư, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư

Chương VI: Thủ tục đầu tư

Chương VII: Hoạt động đầu tư ra nước ngoài

Chương VIII: Quản lý nhà nước về đầu tư

Chương IX: Điều khoản thi hành

II. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT

1. Chương I: Những quy định chung (gồm 5 Điều, từ Điều 1 đến Điều 5)

Chương này quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, nguyên tắc đầu tư, áp dụng pháp luật đầu tư, điều ước quốc tế, pháp luật nước ngoài và tập quán đầu tư quốc tế.

1.1. Phạm vi điều chỉnh (Điều 1)

1

Page 2: Thuyết minh chi tiết luật đầu tư (kèm theo bkhdt 1352 t-tr-bkhđt_10032014)

Dự thảo Luật này quy định về hoạt động đầu tư tại Việt Nam và đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài; quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư; chính sách, biện pháp khuyến khích và bảo đảm đầu tư; quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư.

1.2. Đối tượng áp dụng (Điều 2)

Dự thảo Luật kế thừa nội dung về đối tượng áp dụng của Luật Đầu tư hiện hành, theo đó, đối tượng áp dụng gồm: Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam và đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài và tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư.

1.3. Giải thích từ ngữ (Điều 3)

Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số khái niệm chưa được làm rõ theo quy định tại Luật Đầu tư hiện hành, cụ thể như sau:

- Khái niệm Nhà đầu tư nước ngoài (Khoản 3 Điều 3)

Khái niệm này chưa được quy định rõ trong Luật Đầu tư hiện hành nên đã gây nhiều lúng túng trong việc áp dụng điều kiện và thủ tục đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài/doanh nghiệp có vốn ĐTNN. Nếu theo khái niệm quy định tại Luật Đầu tư thì có thể hiểu, doanh nghiệp đã thành lập tại Việt Nam có 1% vốn của nhà đầu tư nước ngoài cũng bị coi là nhà đầu tư nước ngoài và phải tuân thủ điều kiện đầu tư nước ngoài. Hạn chế này là nguyên nhân phát sinh hầu hết vướng mắc trong việc áp dụng các quy định về điều kiện và thủ tục đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Để tạo cơ sở pháp lý áp dụng thống nhất quy định về vấn đề này, Dự thảo Luật quy định khái niệm nhà đầu tư nước ngoài căn cứ vào quốc tịch, nơi đăng ký thành lập của cá nhân, tổ chức nước ngoài cũng như tỷ lệ sở hữu, mức độ tham gia quản lý của tổ chức, cá nhân nước ngoài trong doanh nghiệp đã thành lập tại Việt Nam. Cụ thể, theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Dự thảo Luật, nhà đầu tư nước ngoài là nhà đầu tư thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Cá nhân nước ngoài;

b) Tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài;

c) Tổ chức thành lập và hoạt động tại Việt Nam có cá nhân, tổ chức quy định tại điểm a và b Khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên; công ty hợp danh có cá nhân nước ngoài làm thành viên.

d) Tổ chức thành lập và hoạt động tại Việt Nam có tổ chức, cá nhân quy định tại điểm a, b, và c Khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên.

- Khái niệm "dự án đầu tư mới" (Khoản 7 Điều 3)2

Page 3: Thuyết minh chi tiết luật đầu tư (kèm theo bkhdt 1352 t-tr-bkhđt_10032014)

Trên cơ sở luật hóa quy định tương ứng của Nghị định 108/2006/NĐ-CP, dự thảo Luật quy định dự án đầu tư mới là dự án thực hiện lần đầu hoặc dự án độc lập với dự án đang thực hiện;

- Khái niệm “dự án đầu tư mở rộng” (Khoản 8 Điều 3)

Dự thảo Luật quy định dự án đầu tư mở rộng là dự án đầu tư phát triển dự án đang thực hiện nhằm mở rộng quy mô, nâng cao công suất, năng lực kinh doanh, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường.

- Khái niệm điều kiện đầu tư (Khoản 12 Điều 3)

Nhằm làm rõ khái niệm, hình thức áp dụng, cơ quan ban hành các điều kiện đầu tư, Dự thảo Luật bổ sung khái niệm về “điều kiện đầu tư”, theo đó, điều kiện đầu tư là điều kiện nhà đầu tư phải đáp ứng để thực hiện hoạt động đầu tư theo các hình thức đầu tư quy định tại Luật này và được quy định trong Luật, Pháp lệnh, Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ dưới các hình thức: (i) điều kiện về lĩnh vực và phạm vi hoạt động đầu tư; (ii) điều kiện về hình thức đầu tư; (iii) điều lệ về vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án đầu tư; (iv) điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp hoặc đối tác Việt Nam tham gia dự án; (v) điều kiện về vốn pháp định.

- Khái niệm hình thức Hợp đồng đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (Hợp đồng PPP) (Khoản 14 Điều 3)

Dự thảo Luật thay thế khái niệm về các hình thức Hợp đồng BOT, Hợp đồng BTO, Hợp đồng BT bằng khái niệm chung nhất về Hợp đồng PPP. Theo đó, Hợp đồng PPP gồm các hình thức Hợp đồng nêu trên, Hợp đồng O&M và các hình thức hợp đồng nhượng quyền khác được ký kết giữa Cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư.

Ngoài ra, Luật đã chuẩn xác lại khái niệm đầu tư, dự án đầu tư, khái niệm khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, cụ thể như sau:

“Đầu tư” là việc nhà đầu tư bỏ vốn để tiến hành các hoạt động đầu tư theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan (Khoản 1 Điều 3)

“Dự án đầu tư” là tài liệu do nhà đầu tư lập nhằm đề xuất bỏ vốn trung và dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định, gồm các nội dung quy định tại Khoản 3 Điều 44 Luật này. (Khoản 6 Điều 3)

3

Page 4: Thuyết minh chi tiết luật đầu tư (kèm theo bkhdt 1352 t-tr-bkhđt_10032014)

“Khu công nghiệp” là khu chuyên sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, có ranh giới địa lý xác định. (Khoản 15 Điều 3)

“Khu chế xuất” là khu công nghiệp chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, thực hiện dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu. (Khoản 16 Điều 3)

“Khu kinh tế” là khu vực có ranh giới địa lý xác định gồm nhiều khu chức năng, được thành lập ở các vùng ven biển, biên giới đất liền và khu vực lân cận để thực hiện mục tiêu tổng hợp về thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh. (Khoản 17 Điều 3)

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cung bãi bỏ một số khái niệm không còn thích hợp, trùng lặp với quy định của luật khác hoặc không cần thiết để điều chỉnh một số nội dung của Luật (như khái niệm vốn nhà nước, chủ đầu tư, đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài...).

1.4. Nguyên tắc đầu tư (Điều 4)

Điều 4 dự thảo Luật hoàn thiện quy định này theo hướng tiếp tục khẳng định nguyên tắc nhà đầu tư được đầu tư trong tất cả các lĩnh vực và ngành, nghề mà pháp luật không cấm; được quyền tự chủ quyết định hoạt động đầu tư theo quy định của Luật này và pháp luật liên quan; nhà nước đối xử bình đẳng trước pháp luật đối với các nhà đầu tư phù hợp với pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; hoạt động đầu tư phải phù hợp quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm; quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch xây dựng; quy hoạch kết cấu hạ tầng - kỹ thuật; quy hoạch sử dụng khoáng sản và các nguồn tài nguyên khác.

1.5. Áp dụng pháp luật đầu tư, điều ước quốc tế, pháp luật nước ngoài và tập quán đầu tư quốc tế (Điều 5)

Để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về đầu tư, Điều 5 Dự thảo Luật đã xác định nguyên tắc áp dụng Luật Đầu tư và các luật liên quan theo hướng phân định rõ hoạt động đầu tư được điều chỉnh theo Luật này và hoạt động đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Cụ thể, Luật này điều chỉnh thống nhất các hoạt động đầu tư, trừ hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, dịch vụ về chứng khoán thực hiện theo quy định của pháp luật chứng khoán. Mặt khác, Luật cũng quy định rõ hoạt động đầu tư đặc thù được

4

Page 5: Thuyết minh chi tiết luật đầu tư (kèm theo bkhdt 1352 t-tr-bkhđt_10032014)

điều chỉnh theo quy định của các luật khác (gồm hoạt động đầu tư trong lĩnh vực ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm).

2. Chương II: Bảo đảm đầu tư (gồm 6 Điều, từ Điều 6 đến Điều 11)

Chương này gồm các nội dung: Bảo đảm về vốn và tài sản , Bảo đảm về đầu tư, Bảo đảm quyền chuyển vốn, tài sản của nhà đầu tư nước ngoài, Bảo lãnh chính phủ, Bảo đảm đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật, chính sách, Giải quyết tranh chấp giữa cơ quan nhà nước với nhà đầu tư nước ngoài

Những quy định về bảo đảm đầu tư theo Luật Đầu tư hiện hành được đánh giá về cơ bản là phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như các cam kết quốc tế về đầu tư của Việt Nam tại thời điểm ban hành Luật Đầu tư. Tuy nhiên, Luật chưa có quy định về nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (nguyên tắc đối xử tối huệ quốc). Nguyên tắc không hồi tố trong trường hợp thay đổi luật pháp, chính sách cũng chỉ áp dụng đối với các ưu đãi đầu tư, chưa thực hiện đối với các điều kiện về phạm vi hoạt động, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư theo cam kết của Việt Nam trong WTO.

Theo đánh giá của các nhà đầu tư, môi trường pháp lý của Việt Nam còn tiềm ẩn rủi ro do việc thi hành pháp luật và điều ước quốc tế chưa thật sự nhất quán, còn tồn tại trên thực tế sự phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư và chưa có cơ chế minh bạch, chắc chắn cho việc thực hiện biện pháp bảo đảm đầu tư. Những bất cập nêu trên đã phần nào ảnh hưởng đến hiệu lực thi hành một số cam kết quốc tế về mở cửa thị trường và tự do hóa đầu tư, đồng thời hạn chế khả năng của cơ quan chính phủ trong việc quyết định hoặc đàm phán với nhà đầu tư các biện pháp bảo đảm đầu tư đối với một số dự án quan trọng. Trong Báo cáo xếp hạng môi trường kinh doanh, Ngân hàng thế giới vẫn coi cơ chế bảo vệ nhà đầu tư là một trong những vấn đề Việt Nam cần quan tâm cải thiện nhằm tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư an toàn, tin cậy và có sức hấp dẫn, cạnh tranh cao hơn so với các nước trong khu vực.

Với mục đích đó và để cập nhật cam kết quốc tế về bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã thỏa thuận trong thời gian qua, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau:

2.1. Bảo đảm về vốn và tài sản

Điều 6 dự thảo Luật bổ sung nguyên tắc không phân biệt đối xử đối với nhà đầu tư nước ngoài, theo đó, nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện thanh toán hoặc bồi thường tài sản quy định tại khoản 2 Điều 6 được thực hiện bằng đồng

5

Page 6: Thuyết minh chi tiết luật đầu tư (kèm theo bkhdt 1352 t-tr-bkhđt_10032014)

tiền tự do chuyển đổi và được quyền chuyển ra nước ngoài theo nguyên tắc không phân biệt đối xử.

2.2. Bảo đảm về đầu tư

Điều 7 dự thảo Luật khẳng định nguyên tắc chung: Nhà nước bảo đảm đối xử công bằng, thỏa đáng và không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài trong hoạt động đầu tư phù hợp với điều kiện và lộ trình quy định tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

2.3. Bảo đảm đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật, chính sách

Điều 10 dự thảo Luật bổ sung nội dung bảo đảm đầu tư trong trường hợp pháp luật, chính sách thay đổi làm ảnh hưởng bất lợi đến lợi ích của nhà đầu tư đã được quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo hướng nhà nước cam kết không chỉ bảo đảm tiếp tục duy trì ưu đãi đầu tư mà còn cho phép nhà đầu tư được tiếp tục áp dụng điều kiện đầu tư theo quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

3. Chương III: Quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư (gồm 7 Điều, từ Điều 12 đến Điều 18)

Chương này quy định về: Quyền tự chủ đầu tư, kinh doanh; Quyền tiếp cận, sử dụng nguồn lực đầu tư ; Quyền xuất khẩu, nhập khẩu, quảng cáo, tiếp thị, gia công và gia công lại liên quan đến hoạt động đầu tư; Quyền tiếp cận ngoại tệ; Quyền thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; Các quyền khác của nhà đầu tư; Nghĩa vụ và trách nhiệm của nhà đầu tư.

3.1. Về quyền của nhà đầu tư

Luật Đầu tư hiện hành quy định các dự án đầu tư được đảm bảo cân đối ngoại tệ, gồm: các dự án năng lượng, kết cấu hạ tầng giao thông và xử lý chất thải. Quá trình thực hiện Luật Đầu tư cho thấy, việc quy định cụ thể 03 loại dự án nêu trên không đảm bảo tính linh hoạt của các cơ quan quản lý trong việc xem xét, quyết định cân đối ngoại tệ đối với một số dự án đầu tư khác thật sự có nhu cầu khuyến khích đầu tư (như một số dự án PPP trong lĩnh vực xây dựng công trình kết cấu hạ tầng, dự án thuộc lĩnh vực xã hội hóa đầu tư hoặc cung cấp dịch vụ công…).

Do vậy, Điều 15 Dự thảo Luật đã sửa đổi quy định về quyền tiếp cận ngoại tệ của nhà đầu tư theo hướng giao Chính phủ quy định việc bảo đảm cân đối ngoại tệ đối với một số dự án xây dựng công trình kết cấu hạ tầng và các dự án quan trọng khác phù hợp với mục tiêu, tính chất dự án đầu tư và khả năng đáp ứng ngoại tệ trong từng thời kỳ.

6

Page 7: Thuyết minh chi tiết luật đầu tư (kèm theo bkhdt 1352 t-tr-bkhđt_10032014)

Ngoài ra, Dự thảo Luật đã cập nhật, bổ sung một số quy định về quyền tự chủ thực hiện hoạt động đầu tư và quyền tuyển dụng lao động của nhà đầu tư. Theo đó, Điều 12 về đã bổ sung nội dung “Đối với lĩnh vực đầu tư có điều kiện, nhà đầu tư phải thực hiện hoạt động đầu tư phù hợp với điều kiện đầu tư theo quy định của Luật này, pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”. Điều 13 đã sửa đổi, bổ sung nội dung “tuyển dụng và sử dụng lao động Việt Nam; tuyển dụng và sử dụng lao động nước ngoài làm công việc quản lý, lao động kỹ thuật và chuyên gia theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh”.

3.2. Về nghĩa vụ và trách nhiệm của nhà đầu tư

Điều 18 Dự thảo Luật đã tách riêng quy định về nghĩa vụ và trách nhiệm của nhà đầu tư. Việc sửa đổi, bổ sung đã quy định rõ trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc: Chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ dự án đầu tư và tính hợp pháp của các văn bản trong hồ sơ dự án đầu tư; Cung cấp các văn bản, tài liệu, thông tin liên quan đến nội dung kiểm tra, thanh tra và giám sát hoạt động đầu tư cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

4. Chương IV: Hình thức đầu tư (gồm 3 Điều, từ Điều 19 đến Điều 21)Chương này quy định 04 hình thức đầu tư gồm: đầu tư thành lập tổ chức

kinh tế, đầu tư theo hợp đồng, góp vốn, mua lại phần vốn góp, cổ phần và sáp nhập, mua lại doanh nghiệp. Theo đó,dự thảo Luật đã hoàn thiện một số nội dung sau:

4.1. Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế

Điều 19 Dự thảo Luật Sửa đổi quy định về hình thức đầu tư để đảm bảo quyền của nhà đầu tư (bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài) trong việc thực hiện hoạt động đầu tư để thành lập tổ chức kinh tế phù hợp với tất cả hình thức doanh nghiệp đã được quy định tại Luật Doanh nghiệp (trừ hình thức doanh nghiệp tư nhân không áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài), Luật Hợp tác xã và pháp luật liên quan..

4.2. Đầu tư theo hợp đồng:

Điều 20 Dự thảo Luật bổ sung quy định về đầu tư theo hình thức Hợp đồng PPP phù hợp với chủ trương thu hút các nguồn vốn đầu tư tư nhân để phát triển các công trình kết cấu hạ tầng hoặc cung cấp dịch vụ công. Theo đó, nhà đầu tư ký kết Hợp đồng PPP với Cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp, mở rộng, quản lý và vận hành công trình kết cấu hạ tầng hoặc cung cấp dịch vụ công. Chính phủ quy định lĩnh vực đầu tư, loại hợp đồng,

7

Page 8: Thuyết minh chi tiết luật đầu tư (kèm theo bkhdt 1352 t-tr-bkhđt_10032014)

điều kiện, trình tự, thủ tục và phương thức thực hiện dự án đầu tư; quyền và nghĩa vụ của các bên thực hiện dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.

4.3. Góp vốn, mua lại phần vốn góp, cổ phần và sáp nhập, mua lại

Điều 21 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần theo hướng khẳng định quyền của nhà đầu tư trong việc góp vốn, mua lại phần vốn góp, mua cổ phần và sáp nhập, mua lại doanh nghiệp trên cơ sở đáp ứng các điều kiện, thủ tục được quy định cụ thể tại Luật này (gồm những quy định đặc thù áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài).

5. Chương V: Lĩnh vực, địa bàn đầu tư và ưu đãi, hỗ trợ đầu tư (gồm 19 Điều, từ Điều 22 đến Điều 40):

5.1. Mục 1 quy định về lĩnh vực, địa bàn đầu tư

Mục này quy định cụ thể về lĩnh vực khuyến khích đầu tư, lĩnh vực đầu tư có điều kiện, lĩnh vực cấm đầu tư và địa bàn khuyến khích đầu tư.

5.1.1. Về lĩnh vực, địa bàn khuyến khích đầu tư

Điều 22 Dự thảo Luật đã sửa đổi các quy định liên quan đến lĩnh vực ưu đãi đầu tư theo hướng tiếp tục mở rộng, khuyến khích đầu tư đối với các lĩnh vực sau: (i) sản xuất sản phẩm công nghệ cao; (ii) sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới, năng lượng sạch; (iii) thu gom, tái chế hoặc tái sử dụng chất thải, khí thải; (iv) sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trọng điểm, sản phẩm cơ khí trọng điểm; (v) nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thuỷ sản; làm muối; sản xuất giống nhân tạo, giống cây trồng và giống vật nuôi mới. (vi) Xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng; các dự án quan trọng, có quy mô lớn theo quy định của Chính phủ. (vii) Giáo dục, đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao.

Điều 23 của Dự thảo Luật tiếp tục quy định địa bàn ưu đãi đầu tư được quy định bao gồm địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Khu công nghiệp (trừ khu công nghiệp ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi), khu kinh tế, khu công nghệ cao theo quy định tại Luật Công nghệ cao.

5.1.2. Về lĩnh vực đầu tư có điều kiện, cấm đầu tư

Điều 24 dự thảo Luật tiếp tục quy định danh mục cụ thể các lĩnh vực đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài bao gồm: a) Lĩnh vực ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; b) Lĩnh vực tài chính, ngân hàng; c) Văn hóa, thông tin, báo chí, xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm;

8

Page 9: Thuyết minh chi tiết luật đầu tư (kèm theo bkhdt 1352 t-tr-bkhđt_10032014)

d) Dịch vụ giải trí; đ) Khảo sát, tìm kiếm, thăm dò, khai thác tài nguyên thiên nhiên; e) Y tế, giáo dục; g) Các lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Điều này đã bổ sung quy định mới yêu cầu Bộ, ngành công bố công khai các điều kiện đầu tư đối với từng lĩnh vực phù hợp với pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Các lĩnh vực cấm đầu tư quy định tại Điều 25 dự thảo Luật bao gồm: Các dự án gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia và lợi ích công cộng; Các dự án gây phương hại đến di tích lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam; Các dự án gây tổn hại đến sức khỏe nhân dân, làm hủy hoại tài nguyên, phá hủy môi trường; Các dự án xử lý phế thải độc hại đưa từ bên ngoài vào Việt Nam; sản xuất các loại hóa chất độc hại hoặc sử dụng tác nhân độc hại bị cấm theo điều ước quốc tế.

5.2. Mục 2 quy định về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư

Điều 27 dự thảo Luật quy định nguyên tắc nhà đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư khi có dự án đầu tư thuộc lĩnh vực và địa bàn ưu đãi đầu tư; ưu đãi này được áp dụng cho cả dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng.

Các Điều từ 28 đến Điều 31 dự thảo Luật quy định về các loại ưu đãi đầu tư được áp dụng bao gồm: Ưu đãi về thuế, Ưu đãi về tín dụng, Ưu đãi về sử dụng đất, Ưu đãi đối với nhà đầu tư đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế. Ưu đãi đối với doanh nghiệp công nghệ cao. Các mức ưu đãi cụ thể được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Dự thảo Luật cũng quy định về thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư và nguyên tắc mở rộng ưu đãi đầu tư (Điều 33, 34).

5.3. Mục 3 quy định về hỗ trợ đầu tư

Dự thảo Luật tiếp tục quy định các hình thức hỗ trợ đầu tư đã được quy định trong Luật hiện hành bao gồm: Hỗ trợ chuyển giao công nghệ (Điều 35), hỗ trợ đào tạo (Điều 36), hỗ trợ và khuyến khích phát triển dịch vụ đầu tư (Điều 37), Hỗ trợ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế (Điều 38);

Bên cạnh đó Dự thảo Luật đã bổ sung một số chính sách hỗ trợ phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế như sau:

- Quy định rõ các điều kiện, tiêu chí hỗ trợ một phần vốn ngân sách và nguồn vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào KCN, KCX, KKT tại một số địa phương

9

Page 10: Thuyết minh chi tiết luật đầu tư (kèm theo bkhdt 1352 t-tr-bkhđt_10032014)

có địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn hoặc địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Theo đó, Điều 38 dự thảo Luật quy định:

+ Nhà nước hỗ trợ một phần vốn đầu tư phát triển từ ngân sách và dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào khu công nghiệp, khu chế xuất ở một số địa phương có địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn hoặc địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ.

+ Nhà nước dành nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách và tín dụng ưu đãi để hỗ trợ đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu kinh tế và áp dụng một số phương thức huy động vốn để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng khu kinh tế.

- Quy định cụ thể cơ chế hỗ trợ phát triển nhà ở và công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động trong KCN, KCX, KKT. Theo đó, Điều 39 dự thảo Luật quy định:

+ Các địa phương có khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế trong quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phải xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở và công trình dịch vụ và tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.

+ Đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất gặp khó khăn trong bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở cho người lao động, cơ quan có thẩm quyền quyết định việc dành một phần diện tích đất trong khu công nghiệp, khu chế xuất để phát triển nhà ở và công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động.

6. Chương VI: Thủ tục đầu tư (gồm 22 Điều, từ Điều 41 đến Điều 62)

6.1. Mục 1 về thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư

Luật Đầu tư hiện hành chưa xác định rõ quy trình cũng như nội dung cụ thể của việc thực hiện dự án đầu tư từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư đến giai đoạn thực hiện đầu tư và chấm dứt dự án đầu tư. Mặt khác, các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng cũng chưa được quy định thống nhất, đồng bộ giữa các luật nên đã dẫn đến sự chồng chéo về mục tiêu, nội dung quản lý, cơ quan thẩm định, phê duyệt, đồng thời không có sự kế thừa, công nhận kết quả của nhau. Cơ chế “một cửa” đang thực hiện ở một số địa phương mới chỉ thiết lập được quy trình một đầu mối trong tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính, nhưng trên thực tế, nhà đầu tư vẫn phải nộp hồ sơ cho nhiều cơ quan chuyên môn khác nhau của UBND cấp tỉnh để được giải quyết lần lượt thủ tục

10

Page 11: Thuyết minh chi tiết luật đầu tư (kèm theo bkhdt 1352 t-tr-bkhđt_10032014)

hành chính theo quy định các luật khác nhau. Kết quả rà soát thủ tục hành chính cho thấy, nhà đầu tư phải thực hiện trung bình 18 thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng, môi trường để triển khai dự án đầu tư. Cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng là chuỗi thủ tục tồn tại nhiều khó khăn nhất cho doanh nghiệp và là một trong những “nút thắt” phải tháo gỡ nhằm tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Trên tinh thần đó, Dự thảo Luật đã sửa đổi căn bản quy định về thủ tục thực hiện dự án đầu tư như sau:

6.1.1. Về chuẩn bị dự án đầu tư

- Điều 41 dự thảo Luật xác định rõ các yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện trong quá trình chuẩn bị đầu tư và trách nhiệm của cơ quan quản lý ở địa phương trong việc cung cấp thông tin về quy hoạch đất đai, xây dựng và các quy hoạch liên quan đến hoạt động đầu tư, làm cơ sở để nhà đầu tư chuẩn bị dự án đầu tư và thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, cụ thể như sau:

+ Nhà đầu tư quyết định dự án đầu tư theo nguyên tắc quy định tại Điều 4 Luật này và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho hoạt động đầu tư.

+ Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm công bố công khai quy hoạch quy định tại Khoản 3 Điều 4 Luật này và các điều kiện đầu tư làm cơ sở để nhà đầu tư chuẩn bị dự án đầu tư.

+ Đối với dự án đầu tư chưa có trong quy hoạch quy định tại Khoản 3 Điều 4 Luật này, cơ quan nhà nước quản lý đầu tư có trách nhiệm làm đầu mối phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để trả lời cho nhà đầu tư trong thời hạn ba mươi ngày kể từ ngày nhà đầu tư có yêu cầu.

6.1.2. Về cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Điều 42 dự thảo Luật đã quy định việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thay thế Giấy chứng nhận đầu tư, nhằm phản ánh mục đích, bản chất của loại giấy này là ghi nhận việc nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án đầu tư, không phải là nhà nước xác nhận việc nhà đầu tư đã thực hiện dự án. Theo đó, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư quy định những nội dung sau: nhà đầu tư thực hiện dự án, địa điểm đầu tư, mục tiêu, quy mô, vốn đầu tư, tiến độ đầu tư, thời hạn đầu tư, ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư và những nội dung khác liên quan đến việc thực hiện dự án đầu tư.

6.1.3. Về cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

11

Page 12: Thuyết minh chi tiết luật đầu tư (kèm theo bkhdt 1352 t-tr-bkhđt_10032014)

Điều 43 dự thảo Luật tiếp tục duy trì chế độ phân cấp cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo hướng phân công UBND và Ban Quản lý KCN, KCX, KCNC thực hiện thủ tục này; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối một số dự án PPP theo phân cấp của Chính phủ.

6.1.4. Về thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư:

Điều 44 dự thảo Luật đã thu hẹp đáng kể diện các dự án phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, theo đó, Nhà đầu tư thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án sau: (i) Dự án đề nghị nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất; (ii) Dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện theo quy định tại Điều 24 Luật này; (iii) Dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về môi trường; (iv) Dự án thuộc diện hưởng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư;

Điều 44 nêu trên cũng bổ sung quy định về nội dung của dự án đầu tư, theo đó, các nội dung bao gồm: nhà đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, hình thức đầu tư, vốn đầu tư, địa điểm, thời hạn, tiến độ đầu tư, công nghệ sử dụng trong dự án, tiêu chuẩn của hàng hóa, dịch vụ cung cấp, phương án thực hiện và hiệu quả kinh tế, xã hội của dự án.

6.1.5. Về hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư:

Điều 45 dự thảo Luật đã thiết lập cơ chế một cửa tiếp nhận hồ sơ và giải quyết tập trung các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng thông qua Cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Theo cơ chế này, hồ sơ đề nghị cấp GCNĐKĐT gồm: (i) Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; (ii) Văn bản về tư cách pháp lý của nhà đầu tư; (iii) Dự án đầu tư; (iv) Báo cáo giải trình năng lực tài chính của nhà đầu tư; (iv) Hợp đồng (đối với trường hợp đầu tư theo hợp đồng); (vi) Văn bản, tài liệu về quyền sử dụng địa điểm của nhà đầu tư. Trường hợp dự án đề nghị nhà nước giao đất, cho thuê đất, nhà đầu tư nộp hồ sơ đề nghị giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai. (vi) Hồ sơ theo quy định của pháp luật về xây dựng đối với dự án có xây dựng công trình; (viii) Hồ sơ, tài liệu khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành trong trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định

6.1.6. Về nội dung, quy trình thẩm tra dự án đầu tư

Điều 46 dự thảo Luật quy định về nội dung, quy trình thẩm tra dự án đầu tư, theo đó sửa đổi, bổ sung nội dung thẩm tra dự án đầu tư nhằm đảm bảo thực hiện dự án phù hợp với quy hoạch, đồng thời nâng cao trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc triển khai dự án theo đúng tiến độ, nội dung đã cam kết. Những

12

Page 13: Thuyết minh chi tiết luật đầu tư (kèm theo bkhdt 1352 t-tr-bkhđt_10032014)

vấn đề quan trọng được bổ sung trong nội dung thẩm tra gồm: sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm; quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng đất; tiến độ thực hiện dự án (gồm tiến độ thực hiện vốn đầu tư, tiến độ xây dựng và đưa công trình chính vào hoạt động, nếu có); tiến độ thực hiện các mục tiêu hoạt động của dự án…

6.1.7. Về lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án có nhiều nhà đầu tư quan tâm:

Dự thảo Luật quy định Dự án đầu tư được nhà nước giao đất, cho thuê đất mà có từ hai nhà đầu tư trở lên quan tâm thì phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư và quy định thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đơn giản trong trường hợp này (Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền không thẩm tra, xem xét lại những nội dung đã được thẩm tra, xem xét trong quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư) (Điều 48)

6.1.8. Về thời hạn hoạt động của dự án đầu tư:

Điều 47 dự thảo đã quy định Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư không quá 70 năm đối với dự án trong khu kinh tế, không quá năm mươi năm đối với dự án bên ngoài khu kinh tế; trường hợp cần thiết, Chính phủ quyết định thời hạn dài hơn nhưng không quá bảy mươi năm. Đối với dự án đầu tư được nhà nước giao đất, cho thuê đất, thời hạn hoạt động của dự án đầu tư được tính từ thời điểm nhà nước bàn giao đất cho nhà đầu tư.

6.2. Mục 2. Thủ tục triển khai dự án đầu tư:

Dự thảo Luật hoàn thiện một số quy định nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện dự án đầu tư, đồng thời đề cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý hoạt động của dự án đầu tư; cụ thể là:

- Điều 52 dự thảo Luật quy định về giám định lại chất lượng và giá trị máy móc, thiết bị nhập khẩu của dự án đầu tư trong trường hợp cần thiết để đảm bảo thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị hoặc xác định căn cứ tính thuế nhằm góp phần hạn chế tình trạng chuyển giá của một số doanh nghiệp. Cũng với mục đích đó, nhà đầu tư phải đăng ký hợp đồng quản lý tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Dự thảo Luật bổ sung quy định về điều chỉnh dự án đầu tư, điều kiện tạm ngừng, giãn tiến độ đầu tư; tạm ngừng, đình chỉ hoạt động của dự án đầu tư; thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư... theo hướng xác định cụ thể điều kiện thực hiện đối với từng trường hợp nêu

13

Page 14: Thuyết minh chi tiết luật đầu tư (kèm theo bkhdt 1352 t-tr-bkhđt_10032014)

trên, trách nhiệm của nhà đầu tư và thẩm quyền giải quyết của cơ quan quản lý ở địa phương. Những quy định này tạo điều kiện để cơ quan quản lý thực hiện công tác kiểm tra, giám sát có hiệu quả tình hình hoạt động của dự án đầu tư, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để áp dụng các biện pháp xử lý trong trường hợp nhà đầu tư có hành vi vi phạm hoặc bảo đảm giải quyết quyền lợi của người lao động, các chủ nợ, thanh lý tài sản của doanh nghiệp có chủ đầu tư bỏ trốn. Quy định cụ thể như sau:

+ Điều 55 dự thảo Luật về điều chỉnh dự án đầu tư đã bổ sung trường phải thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư khi có sự thay đổi về nhà đầu tư thực hiện dự án. Điều này cũng quy định cụ thể hơn thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện điều chỉnh dự án đầu tư.

+ Điều 56 dự thảo Luật bổ sung quy định nhà đầu tư phải thông báo cho cơ quan nhà nước quản lý đầu tư khi tạm ngừng, giãn tiến độ thực hiện vốn đầu tư, tiến độ xây dựng và đưa công trình chính vào hoạt động (nếu có); tiến độ thực hiện các mục tiêu hoạt động của dự án đầu tư theo quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Thời gian tạm ngừng, giãn tiến độ quy định tại Khoản 1 Điều này không quá 12 tháng cho mỗi lần tạm ngừng, giãn tiến độ và không quá 24 tháng cho tổng thời gian tạm ngừng, giãn tiến độ đầu tư.

+ Điều 58 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các trường hợp nhà đầu tư bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, bao gồm: Dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sau mười hai tháng mà nhà đầu tư không triển khai hoặc không có khả năng thực hiện theo tiến độ quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và không thuộc trường hợp được tạm ngừng, giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Điều 57 Luật này. b) Dự án đầu tư đã ngừng hoạt động và trong vòng 12 tháng kể từ ngày ngừng hoạt động, cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư không liên lạc được với nhà đầu tư hoặc đại diện có thẩm quyền của nhà đầu tư. c) Bị nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư hoặc nhà đầu tư bị mất quyền sử dụng địa điểm đầu tư theo bản án, quyết định của tòa án, trọng tài hoặc theo hợp đồng và nhà đầu tư không thực hiện thủ tục điều chỉnh địa điểm thực hiện dự án đầu tư trong thời hạn 6 tháng. d) Bị yêu cầu thu hồi Giấy chứng

+ Điều 59 dự thảo Luật quy định bổ sung trường hợp dự án bị chấm dứt đầu tư để phù hợp với sửa đổi tại Điều 58, theo đó, dự án chấm dứt khi nhà đầu tư bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Khoản 3 Điều 58 Luật này. Điều này cũng quy định nhà đầu tư tự thanh lý dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về thanh lý tài sản khi chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư. Trừ trường hợp được gia hạn, dự án đầu tư bị nhà nước thu hồi đất và nhà đầu tư

14

Page 15: Thuyết minh chi tiết luật đầu tư (kèm theo bkhdt 1352 t-tr-bkhđt_10032014)

không tự thanh lý tài sản gắn liền với đất trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày bị thu hồi đất, cơ quan ra quyết định thu hồi đất tổ chức thanh lý tài sản gắn liền với đất.

6.3. Mục 3: Thủ tục đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài:

Theo Luật Đầu tư hiện hành, nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam phải có dự án đầu tư gắn với thành lập tổ chức kinh tế; Giấy chứng nhận đầu tư cấp cho nhà đầu tư nước ngoài đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Trong thời gian qua, việc thực hiện quy định nêu trên gặp nhiều vướng mắc mà trước hết là vướng mắc trong cách hiểu thế nào là “lần đầu đầu tư vào Việt Nam”. Quy định về Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhằm mục tiêu đơn giản hóa thủ tục cho nhà đầu tư nước ngoài, nhưng lại dẫn đến rất nhiều khó khăn cho nhà đầu tư bởi đây là hai loại giấy tờ khác nhau về bản chất pháp lý. Thủ tục góp vốn, mua cổ phẩn của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam cũng không được thực hiện thống nhất giữa các địa phương, còn tồn tại quan điểm khác nhau về sự cần thiết phải cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với trường hợp này cũng như điều kiện, thủ tục xem xét điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam.

Để khắc phục những bất cập nêu trên và tạo mặt bằng pháp lý thống nhất về thủ tục đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước, Dự thảo Luật đã sửa đổi căn bản quy định về thủ tục đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài như sau:

- Điều 60 dự thảo Luật cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu vốn điều lệ với mức không hạn chế trong doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam, trừ các trường hợp sau đây: (i) Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty niêm yết thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán; (ii) Tỷ lệ sở hữu, điều kiện hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài trong các trường hợp đặc thù được quy định trong pháp luật chuyên ngành thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành; (iii) Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu theo hình thức khác thực hiện theo pháp luật về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; (iv) Tỷ lệ sở hữu, điều kiện hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ áp dụng theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

- Về việc thành lập doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài, khi có nhu cầu thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài đăng ký kinh

15

Page 16: Thuyết minh chi tiết luật đầu tư (kèm theo bkhdt 1352 t-tr-bkhđt_10032014)

doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp để thành lập doanh nghiệp. Cơ quan đăng ký kinh doanh kiểm tra điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế. au khi thành lập doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu của Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp do nhà đầu tư nước ngoài thành lập sẽ thực hiện dự án đầu tư theo thủ tục về cơ bản thống nhất áp dụng đối với nhà đầu tư trong nước (Điều 61)

- Về thủ tục góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam, Điều 62 dự thảo Luật quy định: Cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ kiểm tra điều kiện đầu tư áp dụng đối với thành lập doanh nghiệp và doanh nghiệp nhận vốn góp, bàn cổ phần cho nhà đầu tư nước thực hiện thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh (thay đổi cổ đông, thành viên) theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Theo quy định này, trừ yêu cầu về thẩm tra điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với pháp luật điều ước quốc tế, nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài đã được đối xử bình đẳng về quyền gia nhập thị trường và thực hiện dự án đầu tư.

8. Chương VII: Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (4 Điều, từ Điều 63 đến Điều 66)

Để thật sự tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài trên cơ sở kết hợp hài hòa mục tiêu quản lý của nhà nước, Dự thảo Luật đã sửa đổi căn bản nội dung này như sau:

- Điều 63 dự thảo Luật khẳng định nguyên tắc nhà đầu tư được đầu tư ra nước ngoài theo quy định của Luật này, pháp luật có liên quan, pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tự chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động đầu tư. Căn cứ định hướng phát triển kinh tế, xã hội và chính sách quản lý ngoại hối trong từng thời kỳ, Chính phủ ban hành Danh mục lĩnh vực cấm đầu tư và đầu tư ra nước ngoài có điều kiện.

- Về quyền của doanh nghiệp thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài, điều 64 dự thảo Luật quy định doanh nghiệp thực hiện hoạt động ra nước ngoài có quyền: (i) được chuyển vốn đầu tư bằng tiền và các tài sản hợp pháp khác ra nước ngoài để thực hiện đầu tư; (ii) được bảo hộ hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; (iii) tuyển dụng lao động Việt Nam để thực hiện hoạt động đầu tư ở nước ngoài; (iv) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

- Về nghĩa vụ của doanh nghiệp, Điều 65 dự thảo Luật quy định doanh nghiệp có nghĩa vụ: (i) tuân thủ nguyên tắc nêu trên; (ii) thực hiện chế độ báo cáo về hoạt động đầu tư ở nước ngoài (iii) thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với

16

Page 17: Thuyết minh chi tiết luật đầu tư (kèm theo bkhdt 1352 t-tr-bkhđt_10032014)

Nhà nước Việt Nam; (iv) tuân thủ quy định về tuyển, sử dụng lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài; (v) chuyển lợi nhuận và các khoản thu nhập từ hoạt động đầu tư trực tiếp ở nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật.

- Về thủ tục đầu tư ra nước ngoài, Điều 66 dự thảo Luật quy định nội dung sau:

+ Đối với dự án đầu tư ra nước ngoài sử dụng vốn nhà nước, đại diện chủ sở hữu nhà nước quyết định hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.Việc quyết định đầu tư ra nước ngoài sử dụng nguồn vốn khác thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật liên quan.

+ Căn cứ quyết định đầu tư ra nước ngoài theo quy định nêu trên, nhà đầu tư đăng ký vốn đầu tư ra nước ngoài tại Cơ quan nhà nước quản lý ngoại hối (nếu chuyển vốn bằng tiền ra nước ngoài). Việc chuyển ra nước ngoài máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa và các tài sản hợp pháp khác để thực hiện hoạt động đầu tư ở nước ngoài phải phù hợp với mục tiêu hoạt động đầu tư ra nước ngoài và tuân thủ quy định của pháp luật về xuất, nhập khẩu.

+Hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân hàng, chứng khoán và các quy định của pháp luật khác có liên quan. Chính phủ quy định chi tiết lĩnh vực, điều kiện, hồ sơ, thủ tục và quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

9. Chương VIII: Quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư (8 Điều, từ Điều 67 đến Điều 74):

Chương này quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư. Ngoài các nội dung kế thừa tại Luật Đầu tư 2005, dự thảo Luật bổ sung một số nội dung sau:

- Nhằm tạo cơ sở pháp lý và nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, Điều 67 bổ sung quy định: “Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về đầu tư đối với các dự án đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế”; Điều 67 Dự thảo Luật bổ sung một số nội dung quản lý, gồm: cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tổng hợp, báo cáo hoạt động đầu tư, quản lý nhà nước về khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, tổ chức quản lý hoạt động xúc tiến đầu tư.

- Điều 69 dự thảo Luật là nội dung mới quy định về Quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế, theo đó

17

Page 18: Thuyết minh chi tiết luật đầu tư (kèm theo bkhdt 1352 t-tr-bkhđt_10032014)

xác định nội dung quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và trách nhiệm quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.

- Điều 70 dự thảo Luật quy định nội dung quản lý nhà nước về xúc tiến đầu tư, theo đó, nội dung này bao gồm: Xây dựng và tổ chức thực hiện định hướng xúc tiến đầu tư trong từng thời kỳ và hàng năm; Hướng dẫn việc xây dựng và thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư; Theo dõi, tổng hợp đánh giá tình hình và hiệu quả của hoạt động xúc tiến đầu tư; Phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động xúc tiến đầu tư; Xây dựng, quản lý và sử dụng kinh phí xúc tiến đầu tư, quỹ xúc tiến đầu tư. Kinh phí cho hoạt động xúc tiến đầu tư của các cơ quan nhà nước được cấp từ ngân sách nhà nước.

10. Chương IX: Điều khoản thi hành (2 Điều: Điều 75 và Điều 76):

Chương này quy định về điều khoản chuyển tiếp và hiệu lực thi hành của dự thảo Luật, theo đó:

10.1. Về điều khoản chuyển tiếp (Điều 75):

Để duy trì ổn định hoạt động của dự án đầu tư/doanh nghiệp đã hoạt động trước thời điểm Luật này có hiệu lực, Dự thảo Luật quy định: dự án đầu tư, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động theo Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành tiếp tục hoạt động theo Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã được cấp. Trường hợp doanh nghiệp, nhà đầu tư có yêu cầu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đổi Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định tại Luật này cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đang hoạt động theo Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

10.2. Về điều khoản thi hành

Điều 76 dự thảo Luật quy định: Luật này có liệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2015. Luật này thay thế Luật đầu tư năm 2005. Bãi bỏ các nội dung quy định về điều kiện doanh nghiệp công nghệ cao tại Khoản 1, 2 Điều 18 Luật công nghệ cao.

Trên đây là những nội dung chủ yếu của Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi./.

18