vietinbank tai lieu_quan_tri_cong_ty_dai_chung_17_page

17
Quản trị công ty đại chúng Dương Thị Phượng Ban Giám sát-Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Nói đến quản trị công ty (corporate governance ), nhiều người nhầm lẫn sang khái niệm quản trị doanh nghiệp (business management ) hoặc quản trị tài chính công ty (corporate finance). Theo định nghĩa tại từ điển wikipedia thì quản trị công ty chính là một tập hợp các quy trình, thông lệ, chính sách, quy tắc và thể chế điều chỉnh cách thức điều hành, quản lý và kiểm soát một công ty. Theo thông lệ quốc tế, thuật ngữ “quản trị công ty” là một khái niệm gắn liền với công ty cổ phần. Không giống với các loại hình công ty khác, người chủ doanh nghiệp tại một công ty cổ phần chính là các cổ đông. Đối với một công ty cổ phần đại chúng, nghĩa là công ty cổ phần có số lượng cổ đông đáp ứng một tiêu chí nhất định theo luật pháp của mỗi nước (theo luật Việt nam một công ty cổ phần có mức vốn 10 tỷ đồng trở lên và có từ 100 cổ đông trở lên là công ty cổ phần đại chúng) thì vấn đề quản trị công ty lại càng trở nên quan trọng. Một công ty cổ phần đại chúng phải được vận hành sao cho chủ doanh nghiệp, tức là các cổ đông, đặc biệt là cổ đông nhỏ lẻ có thể quản lý và đánh giá được hiệu quả của doanh nghiệp trong việc sử dụng đồng vốn của họ. Khái niệm quản trị công ty ngày nay được mở rộng đối với các loại hình công ty khác, thậm chí còn được áp dụng trong chính sách công khi các cử tri (dân chúng) được coi là các cổ đông, Quốc hội (được dân bầu lên) chính là Hội đồng Quản trị và Chính phủ (được quốc hội lựa chọn) chính là Ban Giám đốc điều hành nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, trong phạm vi của chuyên đề này, quản trị công ty được mặc định là quản trị công ty cổ phần đại chúng (gọi tắt là công ty đại chúng). Những nguyên tắc và hoạt động quản trị công ty được thảo luận ở đây chỉ giới hạn trong phạm vi công ty cổ phần đại chúng. 1. Khái niệm quản trị công ty Nói một cách đơn giản, về bản chất quản trị công ty chính là “phương thức mà cổ đông sử dụng quyền và nghĩa vụ của mình để quản lý một cách hiệu quả nhất tình hình hoạt động và phân phối quyền lợi của một công ty cổ http://tailieuso.com/

Upload: hanh-ngoc

Post on 21-Dec-2014

47 views

Category:

Documents


0 download

DESCRIPTION

 

TRANSCRIPT

Page 1: Vietinbank tai lieu_quan_tri_cong_ty_dai_chung_17_page

Quản trị công ty đại chúng

Dương Thị Phượng

Ban Giám sát-Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Nói đến quản trị công ty (corporate governance), nhiều người nhầm lẫn sang khái niệm quản trị doanh nghiệp (business management) hoặc quản trị tài chính công ty (corporate finance).

Theo định nghĩa tại từ điển wikipedia thì quản trị công ty chính là một tập hợp các quy trình, thông lệ, chính sách, quy tắc và thể chế điều chỉnh cách thức điều hành, quản lý và kiểm soát một công ty. Theo thông lệ quốc tế, thuật ngữ “quản trị công ty” là một khái niệm gắn liền với công ty cổ phần. Không giống với các loại hình công ty khác, người chủ doanh nghiệp tại một công ty cổ phần chính là các cổ đông. Đối với một công ty cổ phần đại chúng, nghĩa là công ty cổ phần có số lượng cổ đông đáp ứng một tiêu chí nhất định theo luật pháp của mỗi nước (theo luật Việt nam một công ty cổ phần có mức vốn 10 tỷ đồng trở lên và có từ 100 cổ đông trở lên là công ty cổ phần đại chúng) thì vấn đề quản trị công ty lại càng trở nên quan trọng. Một công ty cổ phần đại chúng phải được vận hành sao cho chủ doanh nghiệp, tức là các cổ đông, đặc biệt là cổ đông nhỏ lẻ có thể quản lý và đánh giá được hiệu quả của doanh nghiệp trong việc sử dụng đồng vốn của họ. Khái niệm quản trị công ty ngày nay được mở rộng đối với các loại hình công ty khác, thậm chí còn được áp dụng trong chính sách công khi các cử tri (dân chúng) được coi là các cổ đông, Quốc hội (được dân bầu lên) chính là Hội đồng Quản trị và Chính phủ (được quốc hội lựa chọn) chính là Ban Giám đốc điều hành nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, trong phạm vi của chuyên đề này, quản trị công ty được mặc định là quản trị công ty cổ phần đại chúng (gọi tắt là công ty đại chúng). Những nguyên tắc và hoạt động quản trị công ty được thảo luận ở đây chỉ giới hạn trong phạm vi công ty cổ phần đại chúng.

1. Khái niệm quản trị công ty

Nói một cách đơn giản, về bản chất quản trị công ty chính là “phương thức mà cổ đông sử dụng quyền và nghĩa vụ của mình để quản lý một cách hiệu quả nhất tình hình hoạt động và phân phối quyền lợi của một công ty cổ

http://tailieuso.com/

Page 2: Vietinbank tai lieu_quan_tri_cong_ty_dai_chung_17_page

phần đại chúng”. Phương thức đó được thể hiện dưới dạng các quy trình, thông lệ, chính sách, quy tắc và thể chế chi phối cách thức điều hành, quản lý và kiểm soát một công ty.

Có rất nhiều định nghĩa về quản trị công ty được đưa ra. Tuy nhiên, tất cả đều chỉ là những cách diễn đạt khác nhau về cùng một bản chất của quản trị công ty như đã đề cập ở trên. Chuyên đề này đưa ra hai định nghĩa về quản trị công ty từ góc độ khu vực tư nhân và nhà nước để có một cái nhìn toàn diện từ cả hai phía công ty cổ phần đại chúng và các cơ quan quản lý nhà nước.

Định nghĩa 1:Từ góc độ công ty cổ phần, quản trị công ty là phương thức tối đa hoá mọi giá trị của công ty nhằm đáp ứng những nghĩa vụ pháp lý, trách nhiệm tài chính và trách nhiệm hợp đồng của công ty. Định nghĩa này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hội đồng quản trị trong việc cân đối được lợi ích của các cổ đông với những người có lợi ích liên quan khác đối với công ty như là các nhân viên, các khách hàng, người cung cấp, nhà đầu tư và cộng đồng nhằm đạt được những giá trị bền vững lâu dài của công ty.

Định nghĩa 2: Từ góc độ quản lý nhà nước, quản trị công ty là việc thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp và đảm bảo tính trách nhiệm trong việc thực thi các quyền của doanh nghiệp. Như vậy, vai trò các chính sách của nhà nước là tạo ra cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp và thực thi một kỷ luật nhằm giảm thiểu sự xung đột giữa lợi ích xã hội và lợi ích tư nhân, đồng thời bảo vệ được lợi ích của những người có quyền lợi liên quan với doanh nghiệp, đặc biệt là những cổ đông nhỏ lẻ.

Trong khuôn khổ quy định về quản trị công ty tại Việt Nam, Điều 2, Quy chế quản trị công ty niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 12/2007/QĐ-BTC ngày 13/3/2007 quy định “quản trị công ty là hệ thống các quy tắc để đảm bảo cho công ty được định hướng điều hành và được kiểm soát một cách có hiệu quả vì quyền lợi của cổ đông và những người liên quan đến công ty”. Cũng theo điều này, các nguyên tắc quản trị công ty bao gồm: (i) Đảm bảo một cơ cấu quản trị hiệu quả; (ii) Đảm bảo quyền lợi của cổ đông; (iii) Đối xử công bằng giữa các cổ đông; (iv) Đảm bảo vai trò của những người có quyền lợi liên quan đến công ty; (v) Minh bạch trong hoạt động của công ty; và (vi) Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát lãnh đạo và kiểm soát công ty có hiệu quả. Tuy nhiên, định nghĩa này về mặt thuật

http://tailieuso.com/

Page 3: Vietinbank tai lieu_quan_tri_cong_ty_dai_chung_17_page

ngữ chưa được rõ ràng chính xác và sẽ cần được sửa đổi trong tương lai gần để đảm bảo một khuôn khổ quy định về quản trị công ty hoàn chỉnh.

2. Những khái niệm thường được đề cập trong quản trị công ty:

Hội đồng Quản trị:

Quốc tế: Hội đồng Quản trị tại một công ty cổ phần đại chúng là một thể chế được Đại hội đồng cổ đông bầu hoặc chỉ định, bao gồm nhiều thành viên cùng thực hiện chức năng quản trị và giám sát các hoạt động của công ty. Các hoạt động của Hội đồng Quản trị được xác định bởi phạm vi quyền lực, trách nhiệm và nghĩa vụ quy định tại Điều lệ công ty. Điều lệ công ty quy định về số lượng thành viên Hội đồng Quản trị, cách thức lựa chọn thành viên Hội đồng Quản trị và phương thức hoạt động của Hội đồng Quản trị. Nhiệm vụ chủ yếu của Hội đồng Quản trị bao gồm:

- Thực hiện việc quản trị công ty thông qua việc xây dựng các chính sách và mục tiêu lớn trong hoạt động sản xuất kinh doanh;

- Lựa chọn, bổ nhiệm, hỗ trợ và giám sát hoạt động của Ban Giám đốc;

- Đảm bảo các nguồn lực tài chính phù hợp cho hoạt động của công ty;

- Thông qua ngân sách hoạt động hàng năm

Việt Nam: Theo Điều 108, Luật Doanh nghiệp 2005 của Việt Nam, Hội đồng quản trị được định nghĩa như sau:

Hội đồng Quản trị là cơ quan quản lý công ty, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty không thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông. Hội đồng quản trị có các quyền và nhiệm vụ sau đây:

- Quyết định chiến lược, kế hoạch phát triển trung hạn và kế hoạch kinh doanh hằng năm của công ty;

- Kiến nghị loại cổ phần và tổng số cổ phần được quyền chào bán của từng loại;

- Quyết định chào bán cổ phần mới trong phạm vi số cổ phần được quyền chào bán của từng loại; quyết định huy động thêm vốn theo hình thức khác;

http://tailieuso.com/

Page 4: Vietinbank tai lieu_quan_tri_cong_ty_dai_chung_17_page

- Quyết định giá chào bán cổ phần và trái phiếu của công ty;

- Quyết định mua lại cổ phần theo quy định tại khoản 1 Điều 91 của Luật này;

- Quyết định phương án đầu tư và dự án đầu tư trong thẩm quyền và giới hạn theo quy định của Luật này hoặc Điều lệ công ty;

- Quyết định giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và công nghệ; thông qua hợp đồng mua, bán, vay, cho vay và hợp đồng khác có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty;

- Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý quan trọng khác do Điều lệ công ty quy định; quyết định mức lương và lợi ích khác của những người quản lý đó; cử người đại diện theo uỷ quyền thực hiện quyền sở hữu cổ phần hoặc phần vốn góp ở công ty khác, quyết định mức thù lao và lợi ích khác của những người đó;

- Giám sát, chỉ đạo Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác trong điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty;

- Quyết định cơ cấu tổ chức, quy chế quản lý nội bộ công ty, quyết định thành lập công ty con, lập chi nhánh, văn phòng đại diện và việc góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp khác;

- Duyệt chương trình, nội dung tài liệu phục vụ họp Đại hội đồng cổ đông, triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông hoặc lấy ý kiến để Đại hội đồng cổ đông thông qua quyết định;

- Trình báo cáo quyết toán tài chính hằng năm lên Đại hội đồng cổ đông;

- Kiến nghị mức cổ tức được trả; quyết định thời hạn và thủ tục trả cổ tức hoặc xử lý lỗ phát sinh trong quá trình kinh doanh;

- Kiến nghị việc tổ chức lại, giải thể hoặc yêu cầu phá sản công ty;

- Các quyền và nhiệm vụ khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty.

Với những quy định này, Luật Doanh nghiệp 2005 đã đưa ra một khái niệm tương đối đầy đủ và gẫn gũi với thông lệ quốc tế về Hội đồng Quản trị và

http://tailieuso.com/

Page 5: Vietinbank tai lieu_quan_tri_cong_ty_dai_chung_17_page

các quyền cũng như nghĩa vụ của Hội đồng Quản trị. Như vậy, thông lệ quốc tế và Việt Nam cho thấy sự thống nhất về khái niệm Hội đồng Quản trị và thành viên những chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Quản trị trong một công ty cổ phần.

Ban Kiểm soát

Quốc tế

Khái niệm “supervisory board” (tạm dịch là Ban Kiểm soát) tồn tại trong hệ thống Hội đồng quản trị hai cấp (two-tier Board of Directors) tại các nước châu Âu như Úc, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Pháp, Na Uy, Thụy sỹ. Trong khi Hội đồng quản trị một cấp (“one-tier Board of Directors) tại Mỹ và một số nước khác bao gồm cả thành viên điều hành (executive director) lẫn thành viên không điều hành (non-executive director”), Hội đồng quản trị hai cấp được chia làm hai nhóm thành viên thực hiện các chức năng riêng biệt. Cấp thứ nhất là Ban Kiểm soát bao gồm toàn thành viên HĐQT không điều hành hoặc thành viên HĐQT độc lập, thực hiện chức năng giám sát, kiểm soát và đưa ra những ý kiến mang tính chiến lược. Cấp thứ hai bao gồm những thành viên HĐQT điều hành, đại diện cho các cổ đông thực thi các quyết định mang tính chiến lược của công ty. Như vậy, về mặt bản chất, Ban kiểm soát chính là một bộ phận của Hội đồng quản trị và là cấp giám sát cao nhất trong công ty.

Việt Nam Mặc dù các quy định tại pháp luật Việt Nam có xu hướng nhìn nhận Ban Kiểm soát như là một bộ phận ngoài HĐQT, các chức năng, nhiệm vụ của Ban Kiểm soát được quy định tương tự như là “supervisory board” trong mô hình HĐQT hai cấp tại các nước châu Âu vừa đề cập ở trên. Luật Doanh nghiệp 2005 của Việt Nam quy định: công ty cổ phần có trên mười một cổ đông là cá nhân hoặc có cổ đông là tổ chức sở hữu trên 50% tổng số cổ phần của công ty phải có Ban kiểm soát (Điều 97) và Ban kiểm soát thực hiện giám sát Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc trong việc quản lý và điều hành công ty; chịu trách nhiệm trước Đại hội đồng cổ đông trong thực hiện các nhiệm vụ được giao (Điều 123). Ngoài ra, Ban kiểm soát còn thực hiện các trách nhiệm: - Kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp, tính trung thực và mức độ cẩn trọng

trong quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh, trong tổ chức công tác kế toán, thống kê và lập báo cáo tài chính;

http://tailieuso.com/

Page 6: Vietinbank tai lieu_quan_tri_cong_ty_dai_chung_17_page

- Thẩm định báo cáo tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính hằng năm và sáu tháng của công ty, báo cáo đánh giá công tác quản lý của Hội đồng quản trị;

- Trình báo cáo thẩm định báo cáo tài chính, báo cáo tình hình kinh doanh hằng năm của công ty và báo cáo đánh giá công tác quản lý của Hội đồng quản trị lên Đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp thường niên;

- Xem xét sổ kế toán và các tài liệu khác của công ty, các công việc quản lý, khi cần thiết hoặc theo yêu cầu của cổ đông;

- Ban kiểm soát thực hiện việc kiểm tra theo yêu cầu của cổ đông; - Kiến nghị Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông các biện pháp

sửa đổi, bổ sung, cải tiến cơ cấu tổ chức quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của công ty;

- Khi phát hiện có thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc vi phạm nghĩa vụ của người quản lý công ty quy định tại Điều 119 của Luật này thì phải thông báo ngay bằng văn bản với Hội đồng quản trị, yêu cầu người có hành vi vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm và có giải pháp khắc phục hậu quả.

Điều lệ mẫu dành cho công ty niêm yết quy định:

• Công ty phải có Ban kiểm soát và Ban kiểm soát sẽ có quyền hạn và trách nhiệm theo quy định tại Điều 123 của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ này, chủ yếu là những quyền hạn và trách nhiệm sau đây:

• Đề xuất lựa chọn công ty kiểm toán độc lập, mức phí kiểm toán và mọi vấn đề liên quan đến sự rút lui hay bãi nhiệm của công ty kiểm toán độc lập;

• Thảo luận với kiểm toán viên độc lập về tính chất và phạm vi kiểm toán trước khi bắt đầu việc kiểm toán;

• Xin ý kiến tư vấn chuyên nghiệp độc lập hoặc tư vấn về pháp lý và đảm bảo sự tham gia của những chuyên gia bên ngoài công ty với kinh nghiệm trình độ chuyên môn phù hợp vào công việc của công ty nếu thấy cần thiết;

• Kiểm tra các báo cáo tài chính hàng năm, sáu tháng và hàng quý trước khi đệ trình Hội đồng quản trị;

• Thảo luận về những vấn đề khó khăn và tồn tại phát hiện từ các kết quả kiểm toán giữa kỳ hoặc cuối kỳ cũng như mọi vấn đề mà kiểm toán viên độc lập muốn bàn bạc;

http://tailieuso.com/

Page 7: Vietinbank tai lieu_quan_tri_cong_ty_dai_chung_17_page

• Xem xét thư quản lý của kiểm toán viên độc lập và ý kiến phản hồi của ban quản lý công ty;

• Xem xét báo cáo của công ty về các hệ thống kiểm soát nội bộ trước khi Hội đồng quản trị chấp thuận; và

• Xem xét những kết quả điều tra nội bộ và ý kiến phản hồi của ban quản lý.

Mặc dù vai trò của Ban Kiểm soát tại các công ty cổ phần ở Việt Nam được quy định giống như vai trò của “Supervisory Board” trong khuôn khổ quy định về quản trị công ty tại các nước khác, trong thực tế cần chú trọng vai trò giám sát cao nhất của bộ phận này để tránh tình trạng coi Ban Kiểm soát như là một bộ phận “giúp việc” cho HĐQT.

Ban Giám đốc:

Quốc tế:

Thông lệ quốc tế thường nhấn mạnh vai trò của Tổng Giám đốc Điều hành (CEO- Chief Executive Officer) hơn là vai trò của Ban giám đốc như tại Việt Nam. CEO là một trong những người điều hành cao nhất, chịu trách nhiệm về quản lý toàn bộ hoạt động của công ty và báo cáo lên Hội đồng quản trị. Tại hầu hết các nước Âu, Mỹ, Ban Giám đốc (chịu trách nhiệm điều hành công ty hàng ngày) được tách biệt với Hội đồng Quản trị (do cổ đông bầu ra chịu trách nhiệm kiểm soát hoạt động của công ty và giám sát việc điều hành của Ban Giám đốc. Trong cơ cấu này, CEO là người đứng đầu Ban Giám đốc và Chủ tịch Hội đồng Quản trị là người đứng đầu Hội đồng Quản trị. Nguyên tắc về quản trị công ty yêu cầu CEO và Chủ tịch Hội đồng Quản trị không bao giờ được phép là một người. Sự phân định này đảm bảo sự tách biệt trong vai trò “quản lý” của Ban Giám đốc và vai trò “quản trị” của Hội đồng Quản trị, đặt ra ranh giới về thẩm quyền và nhằm mục đích tránh những xung đột lợi ích hoặc sự tập trung quá nhiều quyền lực vào tay một người, dẫn đến những rủi ro đạo đức có thể làm tổn hại lợi ích của cổ đông, đặc biệt là cổ đông nhỏ.

CEO và những viên chức cao cấp khác trong Ban Giám đốc công ty thường là người được Hội đồng Quản trị thuê về điều hành công ty với mức thù lao xứng đáng nhưng không nhất thiết là người sở hữu cổ phần của công ty.

Việt nam

http://tailieuso.com/

Page 8: Vietinbank tai lieu_quan_tri_cong_ty_dai_chung_17_page

Khoản 2, Điều 116 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định: “Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty; chịu sự giám sát của Hội đồng quản trị và chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao”

Luật này cũng quy định Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty có thể do Hội đồng Quản trị thuê hoặc bổ nhiệm một người trong số họ với nhiệm kỳ không quá năm năm và có thể được bổ nhiệm lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Theo Điều 57 của Luật này, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là cá nhân sở hữu ít nhất 10% vốn điều lệ của công ty và phải đáp những tiêu chuẩn, điều kiện khác quy định tại Điều lệ công ty và các quy định về tránh xung đột lợi trong Khoản 2 Điều 57. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có các quyền và nhiệm vụ:

- Quyết định các vấn đề liên quan đến công việc kinh doanh hằng ngày của công ty mà không cần phải có quyết định của Hội đồng quản trị;

- Tổ chức thực hiện các quyết định của Hội đồng quản trị;

- Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty;

- Kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức, quy chế quản lý nội bộ công ty;

- Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh quản lý trong công ty, trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị;

- Quyết định lương và phụ cấp (nếu có) đối với người lao động trong công ty kể cả người quản lý thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc;

- Tuyển dụng lao động;

- Kiến nghị phương án trả cổ tức hoặc xử lý lỗ trong kinh doanh;

- Các quyền và nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật, Điều lệ công ty và quyết định của Hội đồng quản trị.

Mặc dù có sự thống nhất tương đối trong khái niệm về Giám đốc/Tổng Giám đốc tại Việt Nam và khái niệm CEO của cộng đồng kinh doanh quốc tế. Các vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Giám đốc/Tổng Giám đốc theo Luật Doanh nghiệp 2005 của Việt nam cũng giống như của vị trí CEO. Tuy nhiên, điểm

http://tailieuso.com/

Page 9: Vietinbank tai lieu_quan_tri_cong_ty_dai_chung_17_page

khác biệt quan trọng nhất là Luật doanh nghiệp quy định Giám đốc/Tổng Giám đốc phải sở hữu ít nhất 10% cổ phiếu của doanh nghiệp trong khi thông lệ quốc tế không yêu cầu điều này. Vị trí CEO là một vị trí quản lý tương đối mang tính kỹ thuật và chuyên môn, thường được Hội đồng Quản trị thuê về để điều hành công ty theo hợp đồng. Bên cạnh đó, điểm cốt yếu nhất là theo thông lệ quốc tế, thành viên Hội đồng quản trị không được phép đồng thời giữ vị trí CEO để tránh xung đột lợi ích thì Luật Doanh nghiệp 2005 của Việt Nam lại cho phép điều này.

Cổ đông:

Quốc tế: theo thông lệ quốc tế, một cổ đông có thể là tổ chức hay cá nhân sở hữu hợp pháp từ ít nhất 1 cổ phần trở lên tại một công ty cổ phần. Các cổ đông của một công ty sẽ cùng nhau sở hữu công ty đó và mục tiêu của công ty phải là làm tăng giá trị phần sở hữu của cổ đông. Cổ đông có các quyền đối với công ty tùy theo loại cổ phiếu mà cổ đông sở hữu. Những quyền này có thể bao gồm:

• Quyền biểu quyết về những vấn đề lớn của công ty tại Đại hội đồng cổ đông, trong đó có quyền bầu thành viên Hội đồng Quản trị. Thông thường mỗi cổ phần phổ thông tương đương một phiếu bầu;

• Quyền được đề xuất nội dung nghị quyết của cổ đông

• Quyền được chia phần thu nhập của công ty

• Quyền được mua cổ phần mới do công ty phát hành

• Quyền hưởng lợi đối với tài sản của công ty khi thanh lý công ty.

Việt Nam: Theo Luật Doanh nghiệp 2005, cổ đông là người sở hữu ít nhất một cổ phần đã phát hành của công ty cổ phần. Cổ đông sáng lập là cổ đông tham gia xây dựng, thông qua và ký tên vào bản Điều lệ đầu tiên của công ty cổ phần. Cổ đông có các quyền:

- Tham dự và phát biểu trong các Đại hội cổ đông và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được uỷ quyền; mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết;

- Được nhận cổ tức với mức theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông;

- Được ưu tiên mua cổ phần mới chào bán tương ứng với tỷ lệ cổ phần phổ thông của từng cổ đông trong công ty;

http://tailieuso.com/

Page 10: Vietinbank tai lieu_quan_tri_cong_ty_dai_chung_17_page

- Được tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông khác và cho người không phải là cổ đông, trừ trường hợp bị pháp luật cấm;

- Xem xét, tra cứu và trích lục các thông tin trong Danh sách cổ đông có quyền biểu quyết và yêu cầu sửa đổi các thông tin không chính xác;

- Xem xét, tra cứu, trích lục hoặc sao chụp Điều lệ công ty, sổ biên bản họp Đại hội đồng cổ đông và các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông;

- Khi công ty giải thể hoặc phá sản, được nhận một phần tài sản còn lại tương ứng với số cổ phần góp vốn vào công ty;

- Các quyền khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty.

Có thể thấy rằng khái niệm về cổ đông của một công ty cổ phần tương đối thống nhất và gần như không có điểm khác biệt nào giữa thông lệ quốc tế và Việt nam.

Những người có quyền lợi liên quan và xã hội

Quốc tế:

Thông lệ quốc tế thừa nhận khái niệm “stakeholders” (Nghĩa đen: những người dự phần, tạm dịch là những người có quyền lợi liên quan của công ty). Khái niệm “stakeholders” này bao gồm tất cả những người có quyền lợi liên quan đến công ty và cộng đồng, xã hội mà công ty đang hoạt động trong đó. Theo thông lệ quốc tế về quản trị công ty, một người có quyền lợi liên quan là một bên mà có thể gây ảnh hưởng hoặc bị ảnh hưởng từ các hoạt động của công ty. Khái niệm này lần đầu tiên được Stanford Research Institute đưa ra vào năm 1963 và sau đó được R. Edward Freeman phát triển thêm vào những năm 1980 trong lý thuyết về quản lý chiến lược và đặc biệt là quản trị công ty. Cổ đông được coi là người có quyền lợi liên quan đầu tiên và quan trọng nhất đối với công ty cổ phần. Tuy nhiên, trong quản trị công ty, bao giờ người ta cũng tách riêng hai nhóm cổ đông và nhóm những người có quyền lợi liên quan khác do tầm quan trọng cũng như các quyền và lợi ích của hai nhóm người này khác biệt với nhau. Trong một công ty cổ phần đại chúng, những người có quyền lợi liên quan:

Người có quyền lợi liên quan

Quyền, lợi ích liên quan và các mối quan tâm đối với công ty

Các nhân viên của Việc làm, lương thưởng, cơ hội phát triển, mục tiêu nghề nghiệp

http://tailieuso.com/

Page 11: Vietinbank tai lieu_quan_tri_cong_ty_dai_chung_17_page

công ty Công đoàn Điều kiện làm việc, mức lương tối thiểu, các quy định pháp lý Chủ nợ Các hợp đồng tín dụng, khả năng thanh toán của công ty Các nhà đầu tư (không phải là cổ đông)

Lợi nhuận đầu tư, khả năng sinh lời của công ty

Khách hàng Giá trị, chất lượng sản phẩm, chăm sóc khách hàng, đạo đức nghề nghiệp

Nhà cung cấp Các hợp đồng, khả năng thanh toán Cơ quan quản lý Sự tuân thủ quy định, hoạt động của công ty Ngành mà công ty hoạt động

Hoạt động, đóng góp của công ty vào hoạt động và phát triển của ngành

Chính phủ Thuế, tuân thủ quy định, công ăn việc làm Cộng đồng địa phương

Tạo công ăn việc làm, tham gia vào sự thinh vượng, phát triển bền vững của cộng đồng, bảo vệ môi trường

Cộng đồng trong nước và quốc tế

Tham gia vào sự thịnh vượng và phát triển bền vững của cộng đồng

Việt Nam:

Tại Việt nam, chưa có văn bản pháp quy nào đưa ra một định nghĩa cụ thể về “người có quyền lợi liên quan” hay quy định chi tiết “người có quyền lợi liên quan” đến công ty bao gồm những đối tượng nào. Tuy nhiên, Điều 25, Quyết định số 12/2007/QĐ-BTC ngày 13/3/2007 về việc ban hành Quy chế quản trị công ty áp dụng cho các công ty niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán/ Trung tâm Giao dịch Chứng khoán quy định công ty niêm yết phải đảm bảo quyền hợp pháp của những người có quyền lợi liên quan đến công ty như sau:

“Công ty niêm yết phải tôn trọng quyền lợi hợp pháp của những người có quyền lợi liên quan đến công ty bao gồm ngân hàng, chủ nợ, người lao động, người tiêu dùng, nhà cung cấp, cộng đồng và những người khác có quyền lợi liên quan đến công ty”

Như vậy, khung luật pháp về quản trị công ty của Việt nam đã đưa ra một khái niệm cô đọng, đơn giản và bao quát về người có quyền lợi liên quan đối với một công ty đại chúng niêm yết.

http://tailieuso.com/

Page 12: Vietinbank tai lieu_quan_tri_cong_ty_dai_chung_17_page

Về cơ bản, khung pháp lý về quản trị công ty tại Việt nam đã tiếp cận với thông lệ quốc tế. Điều quan trọng nhất là quy định này đã thừa nhận trách nhiệm của công ty đối với cộng đồng và rộng hơn là xã hội như là một bên có quyền lợi liên quan đến hoạt động của công ty đại chúng.

Người liên quan

Về mặt thuật ngữ tiếng Việt, đôi khi người ta rất dễ nhầm lẫn giữa người có quyền lợi liên quan (stakeholders) và người liên quan (related parties). Trong quản trị công ty việc phân biệt rõ ràng hai khái niệm này là yếu tố cơ bản để thực hiện những quy định về tránh xung đột lợi ích. Trong điều lệ công ty, cần định nghĩa rõ hai khái niệm này chứ không chỉ đưa ra khái niệm người liên quan như hiện nay (Điều lệ mẫu dành cho công ty niêm yết).

Quốc tế

Hầu hết khung luật pháp ở các nước đều có định nghĩa chính thức về khái niệm “related parties” (tạm dịch là “người liên quan”) khi quy định về tránh xung đột lợi ích.

Dù mức độ chi tiết trong quy định tại luật pháp từng nước có khác nhau, khái niệm “Người liên quan” trong khuôn khổ quy định về quản trị công ty thường là người có quan hệ gia đình, vợ chồng, họ hàng trực hệ; người đồng thời là thành viên hội đồng quản trị hoặc viên chức điều hành cấp cao tại một công ty khác; người sở hữu, kiểm soát hoặc nắm giữ một tỷ lệ sở hữu cổ phần có quyền biểu quyết nhất định (thường là 5% trở lên), người có mối quan hệ sở hữu hoặc kiểm soát chéo đối với một công ty khác. Khái niệm người liên quan không chỉ hạn chế ở cá nhân mà bao hàm cả tổ chức như trong mối quan hệ công ty mẹ- công ty con hoặc công ty trong cùng tập đoàn.

Việt Nam

Khoản 17, Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định: Người có liên quan là tổ chức, cá nhân có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với doanh nghiệp trong các trường hợp sau đây: a) Công ty mẹ, người quản lý công ty mẹ và người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý đó đối với công ty con; b) Công ty con đối với công ty mẹ;

http://tailieuso.com/

Page 13: Vietinbank tai lieu_quan_tri_cong_ty_dai_chung_17_page

c) Người hoặc nhóm người có khả năng chi phối việc ra quyết định, hoạt động của doanh nghiệp đó thông qua các cơ quan quản lý doanh nghiệp; d) Người quản lý doanh nghiệp; đ) Vợ, chồng, cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, con, con nuôi, anh, chị, em ruột của người quản lý doanh nghiệp hoặc của thành viên, cổ đông sở hữu phần vốn góp hay cổ phần chi phối; e) Cá nhân được uỷ quyền đại diện cho những người quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này; g) Doanh nghiệp trong đó những người quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và h khoản này có sở hữu đến mức chi phối việc ra quyết định của các cơ quan quản lý ở doanh nghiệp đó; h) Nhóm người thoả thuận cùng phối hợp để thâu tóm phần vốn góp, cổ phần hoặc lợi ích ở công ty hoặc để chi phối việc ra quyết định của công ty. Tại quy chế về quản trị công ty niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 12/2007/QĐ-BTC ngày 13/3/2007 quy định “Người có liên quan” là cá nhân hoặc tổ chức được quy định trong Khoản 34 Điều 6 của Luật Chứng khoán, nghĩa là những người sau đây: a) Cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, vợ, chồng, con, con nuôi, anh, chị em ruột của cá nhân; b) Tổ chức mà trong đó có cá nhân là nhân viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, chủ sở hữu trên mười phần trăm số cổ phiếu lưu hành có quyền biểu quyết; c) Thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó Giám đốc hoặc Phó Tổng giám đốc và các chức danh quản lý khác của tổ chức đó; d) Người mà trong mối quan hệ với người khác trực tiếp, gián tiếp kiểm soát hoặc bị kiểm soát bởi người đó hoặc cùng với người đó chịu chung một sự kiểm soát; đ) Công ty mẹ, công ty con; e) Quan hệ hợp đồng trong đó một người là đại diện cho người kia.

Như vậy, khuôn khổ pháp lý về doanh nghiệp và quản trị công ty tại Việt Nam đã đưa ra những quy định khá thống nhất với quốc tế về “người liên quan”. Đây là nền tảng để quy định và thực thi các quy định về tránh xung đột lợi ích, một trong những biện pháp nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của

http://tailieuso.com/

Page 14: Vietinbank tai lieu_quan_tri_cong_ty_dai_chung_17_page

quản trị công ty là bảo vệ quyền lợi của cổ đông trong khi vẫn duy trì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp bằng cách tôn trọng lợi ích của những người có quyền lợi liên quan khác (stakeholders) (không phải là người liên quan –related parties).

Xung đột lợi ích

Quốc tế:

Khái niệm “conflict of interests” (xung đột lợi ích) được định nghĩa trong các từ điển và được quy định chi tiết trong khuôn khổ pháp lý của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Xung đột lợi ích được coi là xảy ra khi một cá nhân hay tổ chức (như là luật sư, người giám định tổn thất trong bảo hiểm, chính trị gia, kỹ sư, viên chức điều hành công ty, thành viên HĐQT, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, hoặc bất kỳ tổ chức, cá nhân nào) có một lợi ích mà có khả năng làm giảm đi độ tin cậy trong nhiệm vụ hoặc trách nhiệm mà tổ chức/cá nhân đó đang thực hiện. Xung đột lợi ích được coi là tồn tại ngay cả khi tổ chức/cá nhân đó không hề thực hiện một hành đông sai trái nào nhưng bản thân mối quan hệ đó lại tạo ra khả năng làm tổn hại mức độ tin cậy của tổ chức/cá nhân đó trong thực thi các cam kết hoặc trách nhiệm đối với một tổ chức/cá nhân khác.

Ví dụ, một giám đốc kinh doanh sẽ có trách nhiệm trung thành với công ty của mình trong việc lựa chọn nhà cung cấp nào đưa ra mặt hàng tốt nhất và mức giá hợp lý nhất. Tuy nhiên, xung đột lợi ích được coi là tồn tại nếu nhà cung cấp được lựa chọn là anh, chị em hay họ hàng của người giám đốc đó. Mối quan hệ họ hàng khiến này khiến mức độ tin cậy trong hành động của giám đốc này giảm sút vì rất có thể mặt hàng mà anh ta nhập vào cho công ty không phải là mặt hàng tốt nhất và rẻ nhất có thể

Tùy thuộc khuôn khổ pháp lý của từng nước hay quy định của từng tổ chức mà sự hiện diện của xung đột lợi ích có được coi là bằng chứng của một hành vi không đúng đắn hay không. Trên thực tế, đôi khi rất khó tránh được sự hiện diện của xung đột về lợi ích do sự tồn tại của các mối quan hệ với “người liên quan” như đã đề cập ở trên. Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia, xung đột lợi ích trở thành một vấn đề pháp lý nếu một cá nhân hay tổ chức đã cố tình tác động đên việc ra quyết định của một cá nhân hay tổ chức khác vì những lợi ích cá nhân của mình. Đặc biệt, trong quản trị công ty, thành vien HĐQT và người điều hành công ty phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu người này vì xung đột lợi ích mà vi phạm trách nhiệm cẩn trọng và trung thành với công ty của mình.

http://tailieuso.com/

Page 15: Vietinbank tai lieu_quan_tri_cong_ty_dai_chung_17_page

Việt Nam:

Khuôn khổ luật pháp về doanh nghiệp và quản trị công ty tại Việt Nam không đưa ra khái niệm cụ thể về xung đột lợi ích. Tuy nhiên, “xung đột lợi ích” được mặc nhiên thừa nhận là một yếu tố cần phải loại bỏ hoặc né tránh nhằm đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động công ty cũng như trách nhiệm trung thành với cổ đông của HĐQT và Ban giám đốc công ty trong các quy định về quản trị công ty tại Việt Nam hiện nay. Tại Chương V, Quyết định số 12/2007/QĐ-BTC ngày 13/3/2007 về việc ban hành Quy chế quản trị công ty áp dụng cho các công ty niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán/ Trung tâm Giao dịch Chứng khoán, ngoài Điều 23 quy định cụ thể về trách nhiệm tránh xung đột lợi ích của thành viên HĐQT và Ban Giám đốc thông qua việc công bố thông tin, hạn chế đối với việc ra quyết định và biểu quyết trong trường hợp có mối quan hệ với “người liên quan” dẫn đến xung đột lợi ích với công ty, Điều 24 còn quy định rõ các biện pháp ngăn chặn xung đột lợi ích của công ty niêm yết như sau:

- Khi tiến hành giao dịch với những người có liên quan, công ty niêm yết phải ký kết hợp đồng bằng văn bản theo nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện. Nội dung hợp đồng phải rõ ràng, cụ thể. Các điều khoản ký kết, bổ sung sửa đổi, thời hạn hiệu lực, giá cả cũng như căn cứ xác định giá cả của hợp đồng phải được công bố thông tin theo các quy định của pháp luật;

- Công ty niêm yết áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa những người có liên quan can thiệp vào hoạt động của công ty và gây tổn hại cho lợi ích của công ty thông qua việc độc quyền các kênh mua và bán, lũng đoạn giá cả;

- Công ty niêm yết áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa cổ đông và những người có liên quan tiến hành các giao dịch làm thất thoát vốn, tài sản hoặc các nguồn lực khác của công ty. Công ty niêm yết không được cung cấp những đảm bảo về tài chính cho các cổ đông và những người có liên quan.

3. Nội dung của quản trị công ty đại chúng

Để các cổ đông có thể đảm bảo sự vận hành hiệu quả và phân chia lợi nhuận công bằng trong một công ty cổ phần đại chúng, có 4 nhóm nguyên tắc sau đây cần được thực hiện:

http://tailieuso.com/

Page 16: Vietinbank tai lieu_quan_tri_cong_ty_dai_chung_17_page

(i) Các nguyên tắc về cơ cấu, tổ chức của công ty đại chúng, bao gồm các nguyên tắc về cơ cấu Hội đồng Quản trị, Ban Giám đốc, Ban Kiểm soát, cơ chế hoạt động, phối hợp và chế độ thù lao của các bộ máy này.

Đây là nhóm nguyên tắc nhằm đảm bảo rằng công ty cổ phần có những bộ máy cần thiết để các cổ đông có thể vận hành và quản lý công ty một cách hiệu quả và sinh lời.

(ii) Các nguyên tắc về nghĩa vụ và trách nhiệm của thành viên Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc trước cổ đông, những người có liên quan và xã hội

Hội đồng quản trị chính là cơ quan điều hành đại diện cho các cổ đông trong khi Ban giám đốc là những người làm công, được Hội đồng Quản trị thay mặt cho các cổ đông thuê thực hiện nhiệm vụ vận hành hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty hàng ngày. Đây là nhóm nguyên tắc nhằm đảm bảo rằng thành viên của hai bộ máy vận hành công ty thực hiện đầy đủ các trách nhiệm và nghĩa vụ vì lợi ích tối cao của cổ đông, những người có liên quan đến công ty (stakeholders), bao gồm nhân viên, những người làm công cho công ty, nhà cung cấp, chủ nợ, người tiêu dùng, cơ quan quản lý và cộng đồng (xã hội) như đã đề cập ở trên.

(iii) Các nguyên tắc về thực hiện quyền của cổ đông và Đại hội đồng cổ đông

Đây là nhóm các nguyên tắc về quyền của cổ đông và việc thực hiện các quyền của cổ đông thông qua cơ quan quyền lực tối cao là Đại hội Đồng cổ đông, phương thức triệu tập, tổ chức và biểu quyết tại Đại Hội đồng cổ đông để thông qua những vấn đề về điều hành và quản lý công ty. Đại hội cổ đông chính là phương tiện để cổ đông thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình trong công ty cổ phần.

(iv) Các nguyên tắc về minh bạch và công bố thông tin

Đây là nhóm các nguyên tắc nhằm đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động của công ty cổ phần thông qua việc thực hiện công bố thông tin, lập báo cáo tài chính và kiểm toán các báo cáo tài chính. Do đặc thù của công ty, người chủ sở hữu công ty là các cổ đông không trực tiếp ra quyết định sản suất kinh doanh hàng ngày, họ cũng không trực tiếp kiểm soát hoạt động của công ty bởi việc này đã được ủy nhiệm cho ban đại diện của các cổ đông là

http://tailieuso.com/

Page 17: Vietinbank tai lieu_quan_tri_cong_ty_dai_chung_17_page

Hội đồng Quản trị. Chính vì thế, báo cáo tài chính được lập một cách trung thực, được kiểm toán và việc công bố thông tin đầy đủ là những phương tiện để cổ đông có thể nắm bắt thông tin một cách kịp thời và chính xác về tình hình hoạt động kinh doanh và tài chính của công ty, biết được những đồng vốn đầu tư của mình đang được sử dụng và sinh lời ra sao, lợi nhuận đầu tư có được quản lý và phân bổ một cách công bằng, hợp lý hay không. Bên cạnh đó, báo cáo tài chính và thông tin được công bố cũng là nguồn thông tin quan trọng để các chủ nợ, đối tác, nhà cung cấp, cơ quan quản lý, những người hưởng lợi khác từ hoạt động của công ty, cộng đồng và xã hội có thể đánh giá chính xác hoạt động của công ty, nhằm đưa ra những quyết định phù hợp trong mối quan hệ của những chủ thể này với công ty cổ phần đại chúng.

http://tailieuso.com/