bai lam cuoi ky 2

32
Mục lục : 1. Lời mở đầu 2. Đặc điểm chung của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương 3. Cục diện an ninh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong Chiến tranh lạnh 3.1. Mối quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô đóng một vai trò quan trọng trong cục diện an ninh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh 3.2. Hai miền Triều Tiên là nơi thể hiện rõ nhất sự đối đầu của Xô-Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương 3.3. Vấn đề Eo biển Đài Loan thể hiện sự mâu thuẫn của Trung Quốc và Mỹ 3.4. Vai trò của các nước vừa và nhỏ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trên phương diện an ninh trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh 4. Những thay đổi trong cục diện an ninh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc : 4.1. Toàn cảnh 4.2. Sau Chiến tranh lạnh, cục diện an ninh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã có những thay đổi sâu sắc. Nếu như trước đây hai cực Xô – Mỹ có ảnh hưởng quyết định đến tình hình an ninh của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương thì nay tam giác Mỹ - Trung - Nhật lại có những ảnh hưởng nhất định đến tình hình an ninh của khu vực này 4.3. Sau Chiến tranh Lạnh, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tuy ổn định hơn về mặt an ninh nhưng thật ra nền an ninh đó vẫn gặp phải nhiều thách thức 4.4. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng chia ra hai cực rõ ràng. Tình hình an ninh khu vực trong thời gian này do Mỹ và Liên Xô quyết định. Sau Chiến tranh Lạnh, các quốc gia độc lập hơn trong việc thực hiện các chính sách của mình nhưng nhìn chung vẫn thiếu một cơ chế an ninh thống nhất cho toàn khu vực 1

Upload: letrang165

Post on 02-Jul-2015

1.031 views

Category:

Documents


2 download

TRANSCRIPT

Page 1: bai lam cuoi ky 2

Mục lục :

1. Lời mở đầu

2. Đặc điểm chung của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương 

3. Cục diện an ninh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong Chiến tranh lạnh

3.1. Mối quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô đóng một vai trò quan trọng trong cục diện an ninh khu vực

Châu Á – Thái Bình Dương trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh 

3.2. Hai miền Triều Tiên là nơi thể hiện rõ nhất sự đối đầu của Xô-Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh

Lạnh tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương

3.3. Vấn đề Eo biển Đài Loan thể hiện sự mâu thuẫn của Trung Quốc và Mỹ

3.4. Vai trò của các nước vừa và nhỏ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trên phương diện an

ninh trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh

4. Những thay đổi trong cục diện an ninh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sau khi Chiến

tranh lạnh kết thúc :

4.1. Toàn cảnh

4.2. Sau Chiến tranh lạnh, cục diện an ninh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã có những thay

đổi sâu sắc. Nếu như trước đây hai cực Xô – Mỹ có ảnh hưởng quyết định đến tình hình an

ninh của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương thì nay tam giác Mỹ - Trung - Nhật lại có những

ảnh hưởng nhất định đến tình hình an ninh của khu vực này

4.3. Sau Chiến tranh Lạnh, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tuy ổn định hơn về mặt an ninh

nhưng thật ra nền an ninh đó vẫn gặp phải nhiều thách thức

4.4. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng chia ra hai cực

rõ ràng. Tình hình an ninh khu vực trong thời gian này do Mỹ và Liên Xô quyết định. Sau

Chiến tranh Lạnh, các quốc gia độc lập hơn trong việc thực hiện các chính sách của mình

nhưng nhìn chung vẫn thiếu một cơ chế an ninh thống nhất cho toàn khu vực

4.5. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, các vấn đề an ninh truyền thống là trọng tâm ở khu vực Châu

Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên kể từ sau chiến tranh lạnh, bên cạnh các mối đe dọa quân sự

truyền thống, những đe dọa đến từ lĩnh vực an ninh phi truyền thống có phần gia tăng

5. Dự đoán về cục diện an ninh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong tương lai

6. Tổng kết

1

Page 2: bai lam cuoi ky 2

1. Lời mở đầu

Khi trật tự thế giới hai cực được thiết lập từ Hội nghị Ianta sụp đổ thì cũng chính là lúc

lịch sử thế giới bước sang một trang mới. Chiến tranh Lạnh kết thúc, các quốc gia giờ đây

không còn bị chi phối bởi nhân tố ý thức hệ mà bắt đầu chuyển sang thời kỳ mới của sự

hợp tác và hội nhập. Hợp tác về mọi mặt: kinh tế, chính trị, an ninh, văn hóa trở thành xu

thế chung toàn cầu. Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng không nằm ngoài xu thế

đó. Sau Chiến tranh lạnh, khu vực này được xem như một khu vực phát triển năng động

nhất thế giới. Đây cũng là nơi tập trung nhiều nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc,

Nga và khối nước như ASEAN, do đó đây là khu vực đan xem lợi ích và chứa đựng

những mối quan hệ phức tạp giữa các nước lớn với nhau. Mặc dù Châu Á – Thái Bình

Dương luôn được xem là một khu vực có nền chính trị ổn định và một nền kinh tế đang

trên đà phát triển nhanh như vũ bão nhưng nơi đây cũng đang chứa đựng trong nó những

mâu thuẫn, căng thẳng mà nếu không được phải quyết khéo léo sẽ gây ra một sự bất ổn

lớn, đặc biệt là về khía cạnh an ninh không chỉ riêng ở khu vực Châu Á – Thái Bình

Dương mà còn trên toàn thế giới. Sau Chiến tranh lạnh, mọi nơi trên thế giới đều đã có sự

thay đổi không ít thì nhiều trên mọi phương diện, mục đích của bài tiểu luận này sẽ tập

trung phân tích những thay đổi, đặc biệt là về cục diện an ninh của khu vực Châu Á –

Thái Bình Dương sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc và từ đó đưa ra những dự đoán về sự

chuyển biến của cục diện an ninh này trong tương lai.

2. Đặc điểm chung của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương :

Khái niệm Châu Á – Thái Bình Dương đã xuất hiện từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai

nhưng phải đến cuối thập niên 1980, khi Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình

Dương (APEC) được hình thành thì nó mới được sử dụng rộng rãi. Đặc biệt là sau khi

Chiến tranh lạnh kết thúc, cụm từ Châu Á – Thái Bình Dương lại được nhắc đến nhiều

hơn cả trên trường quốc tế. Có hai cách định nghĩa về khu vực này, theo đó, định nghĩa

rộng cho rằng khu vực này gồm các quốc gia ven Thái Bình Dương là các quốc gia thuộc

Bắc Mỹ, Trung Mỹ, Nam Mỹ, Châu Đại Dương, Đông Nam Á, Đông Bắc Á và Nam Á ;

định nghĩa hẹp lại cho rằng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương gồm các quốc gia ở Bắc

Mỹ, Châu Đại Dương, Đông Nam Á và Đông Bắc Á.1 Bài tiểu luận này sẽ sử dụng khái

1 An ninh Châu Á – Thái Bình Dương – Th.S. Lê Hồng Hiệp

2

Page 3: bai lam cuoi ky 2

niệm Châu Á – Thái Bình Dương theo nghĩa hẹp, tức là sẽ tập trung chú ý đến các nước

là Hoa Kỳ (thuộc Bắc Mỹ), Úc (thuộc Châu Đại Dương), các nước thuộc Đông Nam Á và

Đông Bắc Á.

Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có lẽ là khu vực đa dạng nhất thế giới. Không

giống như phương Tây với những tòa nhà cổ kính và lối kiến trúc gần giống nhau, các

quốc gia ở Châu Á – Thái Bình Dương lại mỗi nước một vẻ đẹp, một nền văn hóa riêng,

một dân tộc riêng. Khu vực này có những quốc gia được coi là chiếc nôi văn minh từ lâu

đời như Trung Quốc, Ấn Độ và là nơi xuất hiện những tôn giáo lớn trên thế giới như Phật

Giáo, Nho Giáo, Hồi Giáo...). Các quốc gia ở Châu Á- Thái Bình Dương cũng không có

được sự giống nhau tương đối về trình độ kinh tế, chế độ chính trị như các nước châu Âu,

và có lẽ chính sự đa dạng về dân số, diện tích, chế độ chính trị, trình độ phát triển kinh tế

và tôn giáo đó đã làm cho khu vực này trở nên hoàn toàn khác biệt so với bất kỳ một nơi

nào khác trên thế giới. Đặc biệt hơn nữa, cả bốn nước lớn nhất thế giới là Mỹ, Nga,

Trung Quốc, Nhật Bản đều tập trung tại đây. Với những hành động, những lợi ích khác

nhau, các cường quốc này có mối quan hệ rất phức tạp và có ảnh hưởng đến tình hình

chính trị - an ninh của cả khu vực. Đặc biệt là bốn quốc gia này vẫn đang làm mọi cách

để củng cố sức mạnh nhằm tìm cho mình một chỗ đứng thích hợp nhất trong khu vực.

Chính điều đó đã làm cho tình hình an ninh – chính trị của khu vực này trở nên phức tạp

và khó giải quyết. Ngoài ra, sự hiện diện của các quốc gia tầm trung như Úc và đặc biệt

là các nước ASEAN trong các vấn đề an ninh – chính trị của khu vực Châu Á – Thái

Bình Dương càng làm cho tình hình khu vực trở nên sôi động.

3. Cục diện an ninh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong Chiến tranh

lạnh

3.1. Mối quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô đóng một vai trò quan trọng trong cục diện an

ninh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh : 

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, hai chủ thể trọng yếu của quan hệ quốc tế lúc này là

Hoa Kỳ và Liên Xô từ hai nước đồng minh bỗng trở thành hai quốc gia đối đầu nhau

quyết liệt. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, thế giới được chia ra thành hai cực rõ ràng.

Nhân tố ý thức hệ là nhân tố quyết định chi phối các quốc gia. Các nước trên thế giới chia

thành 2 “phe” là “phe” Tư bản chủ nghĩa và “phe” Xã hội chủ nghĩa, đứng đầu mỗi “phe”

3

Page 4: bai lam cuoi ky 2

lần lượt là Mỹ và Liên Xô. Ở khu vực Châu Á – Tháí Bình Dương cũng chia ra 2 “phe” rõ

rệt : các nước thân với Liên Xô là Việt Nam, Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, ngược lại các

nước thân với Hoa Kỳ là Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Asean.

Châu Á – Thái Bình Dương tuy không phải là khu vực tranh chấp quyền lực chính của

Mỹ và Liên Xô nhưng hai cường quốc vẫn thể hiện một sự quan tâm đặc biệt tới khu vực

này, đặc biệt là vùng Đông Á với sự hiện diện của các quốc gia là Nhật Bản và hai miền

Triều Tiên. Mỹ và Liên Xô cạnh tranh nhau quyết liệt trong các vấn đề quốc tế nhưng

đúng như tên gọi của cuộc “Chiến tranh Lạnh” ,cả hai quốc gia đều tránh đụng độ trực

tiếp. Tuy nhiên, tại nhiều khu vực trên thế giới vẫn không vì thế mà thiếu đi các cuộc

xung đột vũ trang trong đó có phản ánh cuộc đối đầu Xô - Mỹ. Hai cường quốc mỗi nước

đi theo một con đường của mình nhưng có một điểm chung là cả hai đều hết sức phát

triển lực lượng quân sự nhằm “dằn mặt” đối thủ, điều đó dẫn đến một cuộc chạy đua vũ

trang lớn nhất trong lịch sử và cũng gây ra những bất ổn đối với tình hình an ninh quốc

tế. Tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng đã xuất hiện nhiều mâu thuẫn với bản

chất chính là sự đối đầu giữa hai phe Tư bản Chủ nghĩa và Xã hội Chủ nghĩa mà hậu quả

của nó vẫn còn âm ỉ tới ngày hôm nay đó là vấn đề giữa hai miền Triều Tiên và vấn đề eo

biển Đài Loan.

3.2.Hai miền Triều Tiên là nơi thể hiện rõ nhất sự đối đầu của Xô-Mỹ trong thời kỳ Chiến

tranh Lạnh tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Tập trung vào tình hình an ninh của Châu Á- Thái Bình Dương trong thời kỳ Chiến

tranh Lạnh, tôi nhận thấy rằng chính bán đảo Triều Tiên là nơi thể hiện rõ nhất sự căng

thẳng giữa hai cực Xô - Mỹ trong Chiến tranh Lạnh. Với những lợi ích khác nhau, Liên

Xô và Mỹ đều tìm cách làm cho bán đảo Triều Tiên đi theo chế độ của mình. Trong Thế

chiến hai, hai cường quốc này đã chia nhau giải quyết Triều Tiên và lấy vĩ tuyến 38 làm

ranh giới. Theo đó, Mỹ sẽ làm cho Nam Triều Tiên đi theo chế độ Tư bản chủ nghĩa,

ngược lại, Liên Xô sẽ làm cho Bắc Triều Tiên theo chế độ Xã hội Chủ nghĩa.

Chúng ta có thể thấy rõ ràng mục đích của Mỹ là không muốn hai miền Triều Tiên

thống nhất vì khi đó bên cạnh hai cường quốc Xã hội chủ nghĩa là Liên Xô và Trung

Quốc vốn đang làm Mỹ phải “đau đầu” sẽ xuất hiện thêm một quốc gia Xã hội Chủ nghĩa

nữa là Triều Tiên. Đó chắc chắn là điều mà Mỹ không hề mong muốn. Về phần Liên Xô,

4

Page 5: bai lam cuoi ky 2

nếu Triều Tiên được thống nhất thì phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô cũng sẽ được mở

rộng, có nghĩa là chế độ Xã hội Chủ nghĩa cũng sẽ được mở rộng trên thế giới. Chính sự

mâu thuẫn về lợi ích này của hai siêu cường càng làm cho hai miền Triều Tiên «  cách

xa » nhau hơn và cho đến ngày hôm nay, hai miền trên bán đảo Triều Tiên vẫn chưa tìm

được tiếng nói chung và chính điều này cũng gây bất ổn cho tình hình an ninh của khu

vực.

3.3. Vấn đề Eo biển Đài Loan thể hiện sự mâu thuẫn của Trung Quốc và Mỹ

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, trong cục diện hai mặt trận phương Đông và phương

Tây đối chọi nhau, Mỹ đã ủng hộ chính quyền Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch

mở rộng cuộc nội chiến ở Trung Quốc để tiêu diệt Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Tuy

nhiên, Quốc dân Đảng đã thất bại và chạy về Đài Loan. Tháng 10/1949, nước Cộng Hòa

nhân dân Trung Hoa ra đời. Bên cạnh Liên Xô, ở Châu Á – Thái Bình Dương lại xuất

hiện một quốc gia theo chế độ Xã hội Chủ nghĩa, đây chính là điều Mỹ không hề mong

muốn. Trong Chiến tranh lạnh, ngoài việc đối phó với đối thủ “nặng ký” nhất là Liên Xô,

Mỹ cũng phải để mắt đến một quốc gia khác đó là Trung Quốc. Với diện tích rộng lớn và

nguồn tài nguyên phong phú, nếu Trung Quốc mạnh lên có thể lại là một đối thủ “nặng

ký” khác của Mỹ. Do đó, trong thời gian này Mỹ đã khống chế Trung Quốc bằng cách

ủng hộ lực lượng của Quốc dân Đảng ở Đài Loan. Thậm chí, Mỹ còn đặt eo biển Đài

Loan dưới sự bảo hộ mình và chính điều này đã gây ra căng thẳng giữa Trung Quốc và

Mỹ vì Trung Quốc luôn cho rằng hành động của Mỹ là can thiệp trực tiếp vào công việc

nội bộ của nước mình. Vấn đề Đài Loan cho đến thời điểm hiện nay vẫn là một mâu

thuẫn lớn giữa Mỹ và Trung Quốc. Đây được coi là di sản của Chiến tranh lạnh và vẫn

còn khả năng đe dọa đến nền hòa bình, ổn định của Châu Á – Thái Bình Dương.

3.4. Vai trò của các nước vừa và nhỏ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trên

phương diện an ninh trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, vai trò của các nước vừa và nhỏ bị hạn chế bởi sức

ảnh hưởng của hai cường quốc Hoa Kỳ và Liên Xô. Chính trật tự hai cực và vai trò của

Xô - Mỹ đã kiềm chế các nước vừa và nhỏ như Úc, Canada và các nước trong Asean,

không để các nước này có cơ hội thể hiện vai trò của mình trong nền chính trị thế giới nói

chung và với các vấn đề an ninh của khu vực nói riêng. Lý do bởi vì hầu hết các nước

5

Page 6: bai lam cuoi ky 2

vừa và nhỏ đều bị lôi kéo vào vào cuộc ganh đua khốc liệt giữa hai siêu cường Xô - Mỹ,

các nước buộc phải vào phe Tư bản chủ nghĩa hoặc phe Xã hội chủ nghĩa. Hơn nữa, các

nước vừa và nhỏ có khuynh hướng dựa vào các nước lớn để bào đảm an ninh cho mình

và chính điều đó đã tạo nên một sự phụ thuộc đáng kể của các nước nhỏ vào các cường

quốc, đặc biệt là Mỹ và Liên Xô. Với sức mạnh của mình, hai cường quốc này đã chi

phối gần như toàn bộ chính sách đối ngoại và đối nội của các quốc gia vừa và nhỏ ở khu

vực Châu Á – Thái Bình Dương. Do đó, có thể không sai khi nói rằng các nước như Úc,

Canada và các nước trong Asean không hề có vai trò quan trọng nào trong chính khu vực

của mình trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Một lý do quan trọng nữa giải thích cho việc các nước tầm trung không có vai trò quan

trọng ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong Chiến tranh Lạnh đó là vì hai cường

quốc là Mỹ và Liên Xô sở hữu vũ khí hạt nhân. Các nước vừa và nhỏ không sở hữu vũ

khí hạt nhân nên luôn lo sợ về một cuộc chiến tranh hạt nhân và nguy cơ về sự hủy diệt

của vũ khí hạt nhân. Chính vì vậy mà các nước này phải phụ thuộc vào hai cường quốc là

Mỹ và Liên Xô để có thể đảm bảo được sự an toàn của quốc gia mình.

4. Những thay đổi trong cục diện an ninh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sau

khi Chiến tranh lạnh kết thúc :

4.1. Toàn cảnh

Hai năm sau ngày Bức tường Berlin sụp đổ (11/1989), Liên bang Xô Viết cũng \sụp đổ

theo (12/1991). Trật tự hai cực Ianta do Mỹ và Liên Xô đứng đầu đã không còn và Mỹ

đương nhiên trở thành siêu cường duy nhất trên thế giới. Lịch sử quan hệ quốc tế sang

một trang mới, các nước trên thế giới bắt đầu chung sống hòa bình và hợp tác. Cũng nằm

trong xu thế đó, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng đã chuyển mình, không khí

căng thẳng, nặng nề giữa các nước được thay thế bởi một bầu không khí hòa bình hơn,

các quốc gia ra sức phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh của chính quốc gia mình. Thật

sự thì sau Chiến tranh lạnh, mối quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái

Bình Dương càng trở nên phức tạp hơn. Nếu như trong Chiến tranh lạnh, như đã trình bày

ở phần trên, chỉ có hai cường quốc là Mỹ và Liên Xô có vai trò đáng kể trong khu vực

Châu Á – Thái Bình Dương thì nay lại xuất hiện thêm nhiều cường quốc khác là Nhật,

Nga, đặc biệt là sự nổi lên mạnh mẽ của Trung Quốc cũng đã ảnh hưởng đến vấn đề an

6

Page 7: bai lam cuoi ky 2

ninh của khu vực. Lợi ích đan xen, quan hệ chồng chéo giữa các nước đã làm cho Châu Á

– Thái Bình Dương trở thành một khu vực sôi động nhất thế giới, song nhìn chung sau

Chiến tranh lạnh, khu vực này đã và đang phát triển trong môi trường hòa bình, thân

thiện, tình hình an ninh của khu vực tương đối ổn định.

4.2. Sau Chiến tranh lạnh, cục diện an ninh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã có

những thay đổi sâu sắc. Nếu như trước đây hai cực Xô – Mỹ có ảnh hưởng quyết định

đến tình hình an ninh của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương thì nay tam giác

Mỹ - Trung - Nhật lại có những ảnh hưởng nhất định đến tình hình an ninh của khu vực

này :

Khi Liên Xô sụp đổ, Mỹ đương nhiên trở thành một siêu cường duy nhất trên thế giới

nói chung và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói riêng. Mỹ đã có những hành động

và thái độ nhằm thể hiện vị trí siêu cường của mình trên khắp thế giới. Mỹ lợi dụng cơ

hội hiếm có này để xây dựng một “ thế giới đơn cực” do Mỹ lãnh đạo. Để thực hiện mục

tiêu trên, Mỹ thậm chí bất chấp Liên Hợp Quốc, bất chấp luật pháp quốc tế và sự phản

đối của cộng đồng quốc tế để phát động cuộc chiến tranh, đe dọa đến hoà bình, anh ninh

trong khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, vì bài tiểu luận này chỉ tập trung vào khu vực Châu

Á – Thái Bình Dương nên tôi cũng chỉ phân tích những hành động, thái độ của Mỹ ở

riêng trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Chắc hẳn sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ coi như đã loại bỏ được “con kỳ đà cản mũi” ngăn

cản mình làm bá chủ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong suốt bốn thập kỷ qua.

Mỹ chắc hẳn rằng từ nay khu vực này sẽ hình thành trật tự một cực duy nhất, đó chính là

Mỹ. Tuy nhiên, “chướng ngại vật” này vừa được loại bỏ thì “chướng ngại vật” khác lại

xuất hiện, con đường để Mỹ trở thành bá chủ khu vực, nói gì các quốc gia khác cũng phải

nghe theo dường như vẫn còn khó khăn và gian nan lắm. Các quốc gia như Nhật Bản,

Hàn Quốc, Úc và các quốc gia trong Asean không muốn trở nên quá lệ thuộc vào Mỹ cả

về chính sách đối nội lẫn chính sách đối ngoại. Họ bắt đầu muốn có những đường lối

riêng của chính mình. Nga tuy đã phần nào suy yếu sau Chiến tranh lạnh nhưng không vì

thế mà để mất đi vai trò của mình ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Đặc biệt, sự nổi

lên như vũ bão của Trung Quốc về mọi mặt là điều làm Mỹ phải dè chừng. Do đó, sau

chiến tranh lạnh, chính nhờ cục diện chính trị đa cực, các nước lớn kiềm chế lẫn nhau mà

7

Page 8: bai lam cuoi ky 2

tình hình an ninh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trở nên ổn định. Tuy nhiên, cục

diện an ninh của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sau Chiến tranh lạnh lại có sự thay

đổi nhiều so với thời kỳ trước đó. Nền an ninh ở đây là một nền an ninh không chắc chắn

vì khi lợi ích của các nước đã khác nhau, chắc chắn sẽ dẫn đến những mâu thuẫn và có

thể gây ra xung đột.

Sau Chiến tranh lạnh, ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có sự nổi lên của hai

cường quốc là Trung Quốc và Nhật Bản. Cùng với siêu cường Mỹ, bộ ba quốc gia này đã

tạo nên một tam giác Mỹ - Trung - Nhật ảnh hưởng đến nhiều mặt của khu vực Châu Á –

Thái Bình Dương. Cục diện an ninh của khu vực bị chi phối bởi tam giác Mỹ - Trung -

Nhật này. Nhận định về tam giác này, đã có ý kiến cho rằng chỉ khi nào thực lực của Mỹ,

Nhật Bản, Trung Quốc đạt được sự cân bằng ổn định, các bên hợp tác cao độ với nhau để

đối phó với khủng hoảng của khu vực thì khu vực này mới có thể thực hiện được hòa

bình và phồn vinh.2.

Xét về cạnh đầu tiên của tam giác là cạnh Mỹ - Nhật. Đây có thể coi là cạnh chắc chắn

nhất của tam giác Mỹ - Xô - Trung. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỷ và Nhật đã có

mối quan hệ rất chặt chẽ, thậm chí đã thành lập liên minh. Trong Chiến tranh Lạnh, Nhật

đã dựa vào chiếc ô hạt nhân của Mỹ để có thể bảo đảm an ninh cho quốc gia. Ngày nay,

dù Nhật Bản có phát triển vượt bậc về khoa học, công nghệ đến thế nào thì Nhật vẫn bị lệ

thuộc vào Mỹ về mặt an ninh, điều đó có nghĩa là trong các chính sách của mình, Nhật

vẫn phải tính toán đến thái độ của Mỹ. Nguợc lại, Mỹ cũng có lợi trong quan hệ liên

minh này. Sự liên minh với Nhật đã “ hợp pháp hoá” sự có mặt của Mỹ tại Châu Á – Thái

Bình Dương. Từ đó, Mỹ có thể tham gia vào công việc nội bộ trong khu vực. Cũng chính

nhờ sự có mặt của Liên minh này mà tình hình an ninh của khu vực được ổn định, các

nước đều không muốn có hành động gì làm mất lòng liên minh Mỹ - Nhật. Tuy nhiên,

những buổi tập trận của Liên minh Mỹ - Nhật trên vùng biển của Châu Á – Thái Bình

Dương cũng đã gây ra những bất đồng trong quan hệ với Trung Quốc và làm tình hình an

ninh khu vực trở nên bất ổn. Tóm lại là liên minh Mỹ - Nhật vừa có tác động tích cực và

tiêu cực đến tình hình an ninh của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Cạnh thứ hai của tam giác là quan hệ Mỹ - Trung. Đây là mối quan hệ phức tạp và cũng

2 Cục diện Châu Á – Thái Bình Dương. GS.TS Dương Phú Hiệp – PGS.TS.Vũ Văn Hà – Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – tr.122

8

Page 9: bai lam cuoi ky 2

không ít mâu thuẫn. Sau Chiến tranh lạnh, gạt đi những khác biệt về chế độ chính trị của

mỗi nước, Mỹ và Trung Quốc bắt tay hợp tác với nhau. Tuy nhiên, sự cần thiết lẫn nhau

trong phương diện kinh tế không thể đảm bảo cho phương diện an ninh của hai nước luôn

hòa bình và yên ổn. Cụ thể là Mỹ và Trung Quốc vẫn có những mâu thuẫn, xích mích lớn

với nhau mà những mâu thuẫn này đã gây bất ổn cho khu vực. Điển hình là việc tranh

giành khu vực ảnh hưởng ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Mỹ và Trung Quốc đều

muốn làm bá chủ khu vực sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Với lợi thế “sân nhà” và

dân số 1,4 tỉ người, Trung Quốc có đủ sức và lực để có thể hy vọng đến một vị trí “bá chủ

khu vực”. Về phía Mỹ, để hạn chế Trung Quốc, Mỹ tạo ra 3 vòng cung khép kín Trung

Quốc : 1. Đông Bắc Á – Đông Nam Á – Thái Bình Dương ;2. Ngoài khơi – đảo Guam ;

3. Hawaii.3, không để cho Trung Quốc có cơ hội vươn tầm ảnh hưởng của mình ra bên

ngoài. Một “con bài đổi chác” với Trung Quốc mà Mỹ đang nắm giữ trong tay đó là Đài

Loan. Đây cũng chính là vấn đề gây mâu thuẫn lớn nhất trong quan hệ Mỹ - Trung và gây

mất ổn định tình hình an ninh khu vực. Đơn cử như một việc tưởng chừng như bình

thường nhưng hóa ra lại là nguyên nhân gây ra bao căng thẳng trong khu vực Châu Á –

Thái Bình Dương, đó là trường hợp năm 1995 khi Tổng thống Lý Đăng Huy của Đài

Loan đến thăm trường Đại học mà ông đã từng theo học trước đây bên Mỹ. Có lẽ mọi

việc sẽ vẫn diễn ra rất bình thường nếu như tại chính trường Đại học của mình, Tổng

thống Lý Đăng Huy không có bài phát biểu mang tính chính trị cao và ảnh hưởng đến

Trung Quốc. Để phản đối hành động này, Trung Quốc đã có “ những cuộc diễn tập quân

sự đối diện với Đài Loan trong tư thế sẵn sàng xâm lược, và cho bắn khoảng 6 tên lửa

vào vùng biển cách Đài Loan khoảng chừng 85 dặm về phía Bắc” 4. Hành động này của

Trung Quốc vào lúc đó đã gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh của Châu Á – Thái

Bình Dương.

Cạnh cuối cùng trong tam giác là cạnh Trung Quốc và Nhật Bản. Quan hệ của hai

cường quốc này cũng không được “mặn mà ” như quan hệ giữa Mỹ và Nhật. Nếu chỉ phân

tích riêng về phương diện an ninh thì rõ ràng là Trung Quốc và Nhật Bản hiện vẫn có

nhiều mâu thuẫn. Mâu thuẫn lớn nhất hiện nay đó là việc tranh chấp quần đảo Senkaku

(Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư). Tuy sự tranh chấp lãnh thổ này chưa được gọi là

3 Cục diện Châu Á – Thái Bình Dương. GS.TS Dương Phú Hiệp – PGS.TS.Vũ Văn Hà – Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – tr.1244 Tập bài đọc An ninh Châu Á – Thái Bình Dương – Th.S. Lê Hồng Hiệp – tr. 175

9

Page 10: bai lam cuoi ky 2

“điểm nóng” như vấn đề tranh chấp Biển Đông và cũng chưa có dấu hiệu dẫn đến một

cuộc xung đột quân sự nhưng rõ ràng là nó cũng ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của

hai nước. Một nguyên nhân khác dẫn đến sự căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản đó

chính là sự có mặt của bên thứ ba là Mỹ. Mỹ nhận thấy Trung Quốc rất có khả năng phát

triển và thách thức vai trò bá chủ của Mỹ nên Mỹ luôn tìm cách trợ giúp Nhật Bản nhằm

biến nước này thành “cánh tay phải” của mình ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Những cuộc tập trận quy mô lớn và liên tục giữa Mỹ và Nhật Bản không những làm ảnh

hưởng đến vấn đề an ninh của Trung Quốc mà còn cho cả Châu Á – Thái Bình Dương vì

cứ khi nào Mỹ và Nhật tập trận là y như rằng Trung Quốc sẽ có những phản ứng về mặt

quân sự. Chính điều đó đã làm cho cạnh tam giác Trung – Nhật ngày một “dài” ra.

4.3. Sau Chiến tranh Lạnh, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tuy ổn định hơn về mặt

an ninh nhưng thật ra nền an ninh đó vẫn gặp phải nhiều thách thức.

Những thách thức đối với nền an ninh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương liên quan

nhiều đến việc tranh chấp lãnh thổ. Có thể kể đến ở đây đó là tranh chấp Biển Đông giữa

các nước Asean, Trung Quốc, Mỹ, Nhật ; tranh chấp quần đảo Senkaku giữa Nhật và

Trung Quốc, tranh chấp quần đảo Kuril giữa Nhật và Nga. Ngoài các mâu thuẫn trên, khu

vực này còn chứa đựng hai điểm nóng nữa của thế giới đó là điểm nóng Đài Loan và bán

đảo Triều Tiên. Trong đó, vấn đề về Triều Tiên có liên quan đến cả vũ khí hạt nhân – mối

hiểm họa của toàn thế giới. Giả sử như trong kịch bản xấu nhất là các mâu thuẫn kia

không thể giải quyết ổn thỏa bằng các cuộc đàm phán hay thương lượng mà các bên buộc

phải dùng đến bạo lực thì toàn bộ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương chắc chắn sẽ trở

thành một bãi chiến trường.

Về điểm nóng Biển Đông thì vấn đề khó giải quyết và có nguy cơ dẫn đến bất ổn an

ninh khu vực cao nhất đó là vấn đề tranh chấp quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vì nó

liên quan đến nhiều quốc gia là Trung Quốc, Việt Nam, Phillipines, Malaysia, Brunei.

Các quốc gia tranh chấp vùng Biển Đông vì nơi đây không chỉ có nguồn dầu khí tiềm

tàng mà đây còn là một vị trí chiến lược quan trọng – là cầu nối giữa Đông Bắc Á và

Đông Nam Á. Không những thế, Biển Đông còn có những eo biển quan trọng “tạo thành

những cứ điểm yết hầu về quân sự”5 . Một mặt các quốc gia vẫn luôn hô to tinh thần giải

5 Cục diện Châu Á – Thái Bình Dương. GS.TS Dương Phú Hiệp – PGS.TS.Vũ Văn Hà – Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – tr.128

10

Page 11: bai lam cuoi ky 2

quyết vấn đề nhạy cảm này một cách hòa bình nhưng một mặt họ vẫn luôn tăng cường và

cố gắng phát triển lực lượng quân sự của mình để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Do đó,

nguy cơ xung đột quân sự do tranh chấp về lãnh thỗ vẫn luôn đe dọa khu vực này.

Điểm nóng Đài Loan tuy không liên quan đến nhiều nước như vấn đề Biển Đông nhưng

lại là mâu thuẫn giữa hai cường quốc có sức mạnh quân sự to lớn là Mỹ và Trung Quốc,

do đó điểm nóng này cũng góp phần làm cho tình hình an ninh của khu vực trở nên bất

ổn. Là sản phẩm của Chiến tranh Lạnh, Đài Loan có một vị trí chiến lược quan trọng mà

Mỹ và Trung Quốc đều không muốn để tuột mất. Đài Loan được xem là “con bài cuối

cùng” của Mỹ để khống chế Trung Quốc, còn Trung Quốc thì bằng mọi cách không để

Đài Loan tuyên bố độc lập vì nếu vậy Trung Quốc cũng sẽ không thể giữ được Tây Tạng

và Tân Cương, từ đó sẽ gây nên bất ổn lớn trong xã hội Trung Quốc. Nếu Mỹ và đồng

minh Nhật Bản thành công trong việc giúp Đài Loan độc lập thì nguy cơ xảy ra cuộc

đụng độ quân sự giữa ba cường quốc Mỹ, Nhật và Trung Quốc là rất lớn. Điều đó chắc

chắn sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh của khu vực.

Ngoài hai điểm nóng trên thì một lý do khác để khẳng định rằng an ninh khu vực Châu

Á – Thái Bình Dương không thật sự chắc chắn đó là vấn đề Triều Tiên. Triều Tiên cũng

là một sản phẩm khác của Chiến tranh lạnh. Nếu trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, hai siêu

cường Mỹ và Liên Xô căng thẳng với nhau trên bán đảo Triều Tiên thì nay chính bản

thân hai miền Triều Tiên lại đang làm khó nhau. Nam Triều Tiên vẫn được Mỹ bảo vệ

nhưng Bắc Triều Tiên không còn được Liên Xô “che chở” như trước. Sự ủng hộ của

Trung Quốc cũng không làm họ yên tâm trước Hàn Quốc và Mỹ. Vì lý do đó họ đã chọn

giải pháp mà ít ai ngờ tới nhất để tự bảo vệ mình, đó là sở hữu vũ khí hạt nhân. Từ khi

CHDCND Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, họ thường lấy vấn đề này ra để đe dọa và

đổi chác với các quốc gia khác. Các hội nghị, hiệp định dường như vẫn chưa có tác dụng.

Đây không những là vấn đề nhạy cảm với riêng khu vực Đông Bắc Á mà còn là vấn đề

nhạy cảm với toàn bộ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Các quốc gia đều nhận thức

được rằng phải ngăn chặn nguy cơ bùng nổ chiến tranh trên toàn khu vực vì nếu chiến

tranh thật sự nổ ra, vũ khí hạt nhân sẽ được sử dụng và sự ổn định, an ninh của không chỉ

riêng khu vực này mà của toàn thế giới sẽ biến mất hoàn toàn.

4.4. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng chia ra

11

Page 12: bai lam cuoi ky 2

hai cực rõ ràng. Tình hình an ninh khu vực trong thời gian này do Mỹ và Liên Xô quyết

định. Sau Chiến tranh Lạnh, các quốc gia độc lập hơn trong việc thực hiện các chính

sách của mình nhưng nhìn chung vẫn thiếu một cơ chế an ninh thống nhất cho toàn khu

vực.

Không giống với các nước ở Châu Âu đã cùng nhau thiết lập nên chính sách đối ngoại

và an ninh chung, từ đó tiến tới chính sách phòng thủ chung, các nước ở khu vực

Châu Á – Thái Bình Dương do sự khác nhau về văn hóa, chính trị, tôn giáo vẫn chưa thể

cùng nhau thiết lập nên một cộng đồng chung như Liên minh Châu Âu. An ninh ở khu

vực này được tạo nên bởi những cơ chế an ninh song phương và đa phương xen kẽ nhau.

Đối với cơ chế an ninh song phương thì từ thời kỳ Chiến tranh lạnh, khu vực Châu Á –

Thái Bình Dương đã tồn tại những liên minh song phương, điển hình nhất là liên minh

Mỹ - Nhật Bản, Mỹ - Hàn Quốc hay Mỹ - Philippines. Lý do mà Mỹ tích cực thành lập

các liên minh song phương với các nước ở khu vực này vì muốn kiềm chế ảnh hưởng của

Liên Xô. Tuy nhiên, sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc hơn một thập kỷ, các cơ chế an

ninh song phương này vẫn không hề biến mất mà ngược lại trong những năm trở lại đây,

hợp tác an ninh song phương lại có phần nổi bật. Trong đó, liên minh Mỹ - Nhật, như đã

phân tích ở trên, có ảnh hưởng nhất đến toàn bộ cục diện an ninh của khu vực. Liên minh

này đã tồn tại trong suốt Chiến tranh Lạnh và mối quan hệ vững chắc đó càng được

khẳng định và duy trì bằng Tuyên bố chung tháng 4/1996, trong đó khẳng định rằng Mỹ

và Nhật sẽ duy trì liên minh cho đến thế kỷ XXI. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, phương

châm của liên minh này thiên về phòng vệ là chính nhưng trong thời kỳ Hậu Chiến tranh

lạnh, hai cường quốc coi việc hợp tác an ninh của mình “có tầm quan trọng đối với an

ninh và phát triển kinh tế của cả khu vực chứ không phải chỉ phục vụ cho lợi ích riêng

của hai nước”6. Nhưng thật ra, theo ý kiến riêng của người viết, liên minh Mỹ - Nhật thật

ra là do Mỹ đứng đầu và các hoạt động của liên minh này hơn 80% là có sự điều khiển

của Mỹ. Liên minh này giúp Mỹ “đường hoàng chính chính” có mặt ở khu vực Châu Á –

Thái Bình Dương, từ đó có thể khống chế sự nổi lên của Trung Quốc, gây sức ép với Nga

và củng cố vị trí bá chủ của mình ở khu vực.

6 Cục diện Châu Á – Thái Bình Dương. GS.TS Dương Phú Hiệp – PGS.TS.Vũ Văn Hà – Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – tr.134

12

Page 13: bai lam cuoi ky 2

Cùng với các cơ chế an ninh song phương, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng

có những cơ chế an ninh đa phương, trong đó nổi bật nhất là Diễn đàn an ninh ASEAN

(ARF) và mới đây nhất là Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng

( ADMM+). Ý tưởng hình thành ARF được khởi xướng tại Hội nghị thượng đỉnh cấp cao

ASEAN lần thứ 4 tại Singapore và chính thức thành lập tại Băng Cốc – Thái Lan năm

1994. Mục tiêu của ARF là xây dựng lòng tin ở khu vực và là nơi để các quốc gia trong

khu vực trao đổi ý kiến và giải quyết các tranh chấp khu vực. ARF là một diễn đàn đa

phương, tại đó các nước có thể bày tỏ ý kiến, tiến hành thương lượng những vấn đề còn

khúc mắc. Thành công của ARF là đã lôi kéo được Trung Quốc – nước vốn không “mặn

mà” với chủ nghĩa đa phương tham gia vào diễn đàn. Tuy nhiên, do lợi ích của các nước

tham gia diễn đàn khác nhau nên việc hy vọng Diễn đàn an ninh khu vực ARF có thể trở

thành một cơ chế giải quyết các vấn đề an ninh của khu vực là rất khó xảy ra. Ngày 12/10

vừa qua tại Hà Nội, lần đầu tiên trong lịch sử diễn ra cuộc tham vấn về các vấn đề quốc

phòng giữa khối ASEAN và các quốc gia đối tác của tổ chức này. Đây là một bước đệm

mới đối với hy vọng phát triển một cơ chế an ninh tập thể ở khu vực Đông Nam Á. Theo

lời Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, ông Nguyễn Chí Vịnh, yếu tố này sẽ củng cố cho

sự tin cậy lẫn nhau, phối hợp chặt chẽ giữa các nước trong Hiệp hội và các đối tác trên

bình diện những nguy cơ ngày càng tăng, đe dọa sự ổn định và an ninh toàn cầu.7

Bên cạnh cơ chế an ninh đa phương và song phương, được gọi là cơ chế hợp tác an

ninh chính thức, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cũng đang chứng kiến sự lớn mạnh

của các cơ chế hợp tác an ninh không chính thức. Điển hình là Hội đồng hợp tác an ninh

Châu Á – Thái Bình Dương (CSCAP). Mục đích của tổ chức này cũng là nhằm tạo điều

kiện thúc đẩy một quá trình xây dựng lòng tin ở khu vực và hợp tác an ninh giữa các

nước và các lãnh thổ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

4.5. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, các vấn đề an ninh truyền thống là trọng tâm ở khu

vực Châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên kể từ sau chiến tranh lạnh, bên cạnh các mối

đe dọa quân sự truyền thống, những đe dọa đến từ lĩnh vực an ninh phi truyền thống có

phần gia tăng.

Tuy không “đao to búa lớn” như các vấn đề chiến tranh, vũ khí hủy diệt hàng loạt, các

7 Tài liệu tham khảo đặc biệt – số ra ngày 14/10/2010

13

Page 14: bai lam cuoi ky 2

vấn đề an ninh phi truyền thống thực chất đã tồn tại từ rất lâu trong bản thân của mỗi

nước. Tuy nhiên, hiện nay các vấn đề này đã lan rộng và vượt ra khỏi phạm vi kiểm soát

của từng nước và đòi hỏi sự hợp tác của nhiều quốc gia để có thể giải quyết. Tấn công

khủng bố, cướp biển, thiên tai, buôn bán ma túy cũng như tội phạm xuyên quốc gia là

những thách thức mới đối với cộng đồng quốc tế và việc phải tăng cường hợp tác quốc tế,

đặc biệt trong lĩnh vực an ninh – quân sự đã trở thành một lựa chọn tất yếu của các nước.

Chủ nghĩa khủng bố đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng đe dọa đến không chỉ an ninh

của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương mà còn đến an ninh của toàn thế giới. Sự kiện

9/11 đã cho cả thế giới biết rằng dù một siêu cường như Mỹ cũng không phải là bất khả

xâm phạm. Ngoài ra, cuộc chiến tranh Iraq đã làm bùng phát lòng căm ghét Mỹ ở các

nước đạo Hồi. Các tổ chức khủng bố cứ “vịn” vào vấn đề Iraq để khuếch trương ảnh

hưởng, thực hiện chính sách thù địch với Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Cũng chính ở

ngay khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng đã có nhiều tổ chức khủng bố liên quan

tới Al Quaeda xuất hiện và đe dọa an ninh của khu vực. Nguy cơ khủng bố ở một số nước

Hồi giáo ở Đông Nam Á gia tăng, đặc biệt có thể trở thành điểm nóng mới của khu vực

mà tại đó, xung đột sắc tộc, tôn giáo đã nhuốm màu khủng bố.8

Một số vấn đề an ninh phi truyền thống khác đe dọa đến khu vực Châu Á – Thái Bình

Dương đó là những phong trào li khai, xung đột sắc tộc, tôn giáo ở một số nước như Thái

Lan, Indonexia cũng đã gây ảnh hưởng đến sự ổn định của khu vực Châu Á – Thái Bình

Dương. Ngay cả những bất đồng về thương mại cũng có thể ảnh hưởng đến chính trị, từ

đó ảnh hưởng đến an ninh của khu vực. Tuy nhiên hiện tại thì những bất đồng về thương

mại có khả năng dẫn đến những mối đe dọa về an ninh là rất thấp

5. Dự đoán về cục diện an ninh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong tương

lai

Trong tương lai, cục diện an ninh của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vẫn sẽ tiếp

tục diễn ra phức tạp và khó đoán vì đây là nơi hội tụ nhiều mâu thuẫn về lợi ích giữa tất

cả các nước lớn Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ. Tuy nhiên, theo quan điểm

riêng của người viết thì Mỹ vẫn sẽ có một vị trí quan trọng nhất trong cục diện an ninh

khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Chúng ta chưa thể khẳng định rằng Mỹ đã chuyển

8 Tài liệu Tham khảo đặc biệt – số ngày 25/6/2006

14

Page 15: bai lam cuoi ky 2

trọng tâm chiến lược từ châu Âu sang châu Á – Thái Bình Dương chưa nhưng việc Mỹ

ngày càng quan tâm hơn đến các vấn đề của châu Á, tăng cường sự có mặt quân sự ở

Châu Á là những nhân tố mới tác động lâu dài đến hoà bình và an ninh khu vực. Sau sự

kiện 9/11, Mỹ dưới thời của tổng thống Bush quá mải mê với những cuộc chiến tiêu diệt

lực lượng khủng bố và có vẻ lơ là khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nhưng sau khi

Obama lên cầm quyền, ông đã có kế hoạch “quay lại” Châu Á – Thái Bình Dương. Ngoại

trưởng Mỹ Hillary Clinton đã từng tuyên bố tại Hội nghị ARF tại Thái Lan năm 2009 là

"…nước Mỹ trở lại Đông Nam Á. Tổng thống Obama và tôi tin tưởng rằng khu vực này

có tầm quan trọng sống còn đối với quá trình toàn cầu, hòa bình và phồn vinh. Chúng tôi

sẽ can dự đầy đủ với các đối tác ASEAN trước hàng loạt thách thức mà chúng ta đang

phải đối mặt".9 Trong tương lai, dù Trung Quốc, Nhật Bản có phát triển thế nào thì Mỹ

vẫn sẽ là một siêu cường trên thế giới, vẫn sẽ có một tầm quan trọng nhất định đối với

tình hình của Châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là về phương diện an ninh. Hiện nay,

vẫn chỉ có Mỹ mới đủ sức mạnh về các mặt kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao để làm

bá chủ và có ảnh hưởng quyết định tới từng khu vực trên thế giới. Các cường quốc khác ở

khu vực Châu Á – Thái Bình Dương như Nga, Trung Quốc, Nhật Bản vẫn chịu sự chi

phối của Mỹ ở nhiều mức độ khác nhau, thậm chí có nước vẫn phải dựa vào sức mạnh

quân sự của Mỹ để đảm bảo an ninh và duy trì sự phát triển của đất nước mình.

Trung Quốc tuy đang làm cả thể giới “chóng mặt” vì sự phát triển về mọi mặt của

mình như kinh tế, quân sự nhưng theo quan điểm của tôi, Trung Quốc vẫn chưa thể sánh

bằng Mỹ. Lực lượng quân sự của Trung Quốc vẫn còn kém xa so với Mỹ, đặc biệt là về

mức độ hiện đại hóa trang bị quân sự. Tuy nhiên, không ai có thể coi thường Trung Quốc

ít nhất là trong giai đoạn hiện nay. Uy tín chính trị và sức mạnh kinh tế đã giúp cho

Trung Quốc ngày càng có tiếng nói đối với các vấn đề an ninh của khu vực. Uy tín của

Trung Quốc ngày càng được nâng cao thông qua quá trình làm trung gian cho Mỹ và

Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên. Nhưng hiện nay Trung Quốc vẫn đang phải đối

mặt với nhiều thách thức và khó khăn như vấn đề Đài Loan, nhân quyền, phát triển kinh

tế quá nóng... nên Trung Quốc vẫn chưa thể là “một cực” nữa để cạnh tranh vai trò bá chủ

an ninh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với Mỹ.

9 Mỹ can dự vào Đông Nam Á gây những hiệu ứng đầy mâu thuẫn - http://www.baodatviet.vn/Home/thegioi/My-can-du-vao-Dong-Nam-A-

gay-nhung-hieu-ung-day-mau-thuan/20107/103876.datviet

15

Page 16: bai lam cuoi ky 2

Nhật Bản dù có nền kinh tế phát triển thứ ba thế giới nhưng vẫn được xem là “người

khổng lồ một chân ” vì thiếu sự phát triển về mặt quân sự. Tuy nhiên, việc Nhật đang tích

cực sửa lại Hiến pháp Hòa Bình và đang tranh thủ giành chiếc ghế Ủy viên thường trực

Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc cho thấy tham vọng to lớn của Nhật trong việc có tiếng

nói mạnh mẽ hơn trong các vấn đề của thế giới, mà trước tiên là ở Châu Á – Thái Bình

Dương, đặc biệt là về vấn đề an ninh. Nhưng từ tình hình phát triển thực tế cũng như các

khó khăn mà Nhật đang gặp phải, đặc biệt là với cường quốc Trung Quốc thì Nhật vẫn

chưa thể vươn lên là một siêu cường thực thụ.

Sau khi Liên Xô tan rã, nước Nga ngày nay đã trải qua một thời gian dài vật lộn với

khó khăn, thách thức và không ngừng điều chỉnh lại mọi mặt. Nước Nga thời tổng thống

Putin đã có sự khôi phục mạnh mẽ tuy nhiên vẫn chưa thể trở thành một cực đối chọi với

Mỹ như Liên Xô trước đây. Do phải tập trung vào việc ổn định tình hình nội bộ trong

nước mà Nga vẫn chưa thể “hướng ra bên ngoài” được. Hơn thế nữa, việc “vùng ảnh

hưởng truyền thống” của Liên Xô trước đây ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương ngày

càng bị thu hẹp do ảnh hưởng của Mỹ càng làm cho hình ảnh một nước Nga hùng mạnh

đang bị lu mờ, ít nhất là tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Đối với tình hình tại

khu vực này, cụ thể hơn là ở ba điểm nóng của khu vực, Nga vẫn có tiếng nói nhưng

tiếng nói đó “yếu ớt” hơn so với Mỹ và nhiều khi cả với Trung Quốc. Có lẽ vì thế mà

theo bản thân người viết, trong thời tương lai, ít nhất là 10 năm nữa, Nga vẫn khó có thể

trở thành một cực có thể trực tiếp đối chọi với Mỹ như Liên Xô trong thời gian Chiến

tranh Lạnh.

Ngoài ra, các quốc gia tầm trung như Úc, Canada và các quốc gia trong khối ASEAN

cũng ngày càng thể hiện vai trò tích cực của mình trong các vấn đề an ninh của khu vực.

Việc một quốc gia nhỏ như Việt Nam đã đứng ra tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc

phòng các nước ASEAN mở rộng ( ADMM+) trong thời gian qua và được sự ủng hộ của

các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc cũng đã thể hiện vai trò ngày càng quan

trọng của các quốc gia vừa và nhỏ đối với an ninh khu vực. Tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc

phòng ASEAN lần thứ 4, Đại tướng Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

Việt Nam đã nhận xét "An ninh khu vực ASEAN gắn liền với an ninh châu Á - Thái Bình

Dương cũng như an ninh toàn cầu. Do vậy, hợp tác quốc phòng - an ninh giữa ASEAN

với các đối tác, đối thoại đầy đủ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, một đòi hỏi khách quan và

16

Page 17: bai lam cuoi ky 2

cấp bách hơn bao giờ hết để đảm bảo cho mọi thành viên được sống trong môi trường

hòa bình, ổn định và phát triển bền vững"10. Hơn thế nữa, nếu Mỹ hay Trung Quốc muốn

chiếm được vị trí “anh cả của khu vực” thì cũng phải tranh thủ sự ủng hộ của khối

ASEAN.

6. Tổng kết

Tóm lại, sau Chiến tranh lạnh, cục diện an ninh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã

có những thay đổi sâu sắc. Việc liên Xô tan rã đã làm cho Mỹ trở thành một siêu cường

duy nhất trên thế giới. Mỹ mạnh hơn các nước lớn khác về kinh tế, khoa học - công nghệ

và quân sự. Mỹ điều chỉnh chiến lược để thực hiện ý đồ thiết lập "thế giới một cực"

nhưng gặp nhiều khó khăn. Toàn thế giới nói chung và khu vực Châu Á – Thái Bình

Dương nói riêng đang chuyển sang một cục diện mới với sự tham gia của nhiều nước,

nhiều trung tâm. Quan hệ giữa các nước lớn diễn ra phức tạp theo chiều hướng vừa đấu

tranh vừa thoả hiệp. Diễn biến của quan hệ Mỹ - Trung sẽ có ảnh hưởng quyết định đến

cục diện an ninh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong tương lai. Có nhận xét rằng

“Trung Quốc và Mỹ trở thành trục chính duy trì an ninh Châu Á – Thái Bình Dương.

Mâu thuẫn Trung – Mỹ là mâu thuẫn toàn diện và mang tính chiến lược, không giống với

mâu thuẫn giữa các nước lớn khác với Mỹ chỉ là mâu thuẫn của một bộ phận chiến

lược.Trung quốc có mâu thuẫn chiến lược với Mỹ trên cả ba phương diện chính trị, an

ninh, kinh tế còn Nhật Bản, Châu Âu và Nga chỉ có mâu thuẫn mang tính chiến lược với

Mỹ về mặt kinh tế hoặc an ninh mà thôi ” 11.

Tuy nhiên, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc và sự mong muốn giảm bớt sự lệ

thuộc vào Mỹ của Nhật tại khu vực Châu Á cho tới lúc này và kể cả trong ít nhất là 10

năm tới cũng không thể làm giảm bớt vai trò của Mỹ đối với các vấn đề tại khu vực. Xét

cho cùng thì tiếng nói của Mỹ tại khu vực này, đặc biệt là trong các vấn đề an ninh vẫn

rất “có giá trị”. Nhiều nước vừa và nhỏ ở Châu Á – Thái Bình Dương vẫn phải nhờ Mỹ

để bảo đảm an ninh của nước mình.

Có ý kiến cho rằng xu hướng nhằm vào trật tự đa cực vẫn là một xu hướng nổi trội

trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Các nước trong khu vực sẽ cố gắng hạn chế

vai trò bá chủ của Mỹ và làm sao để bản thân họ trở thành một cực, ít nhất là trong khu

10 Các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN với vấn đề biển Đông-http://www.baodatviet.vn/Home/thegioi/Cac-Bo-truong-Quoc-phong-ASEAN-voi-van-de-bien-Dong/201010/114433.datviet11 Trần Phong Quân, Tạp chí Kinh tế và chính trị thế giới, tr.21.

17

Page 18: bai lam cuoi ky 2

vực. Tuy nhiên, theo quan điểm của người viết thì quá trình này sẽ kéo dài rất lâu. Trong

tương lai gần, Mỹ vẫn sẽ là người “lãnh đạo thế giới” và sẽ có vai trò đặc biệt quan trọng

đối với tình hình an ninh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Mỹ sẽ có vai trò quyết

định trong việc “cho phép” bất kì điểm nóng an ninh nào ở khu vực Châu Á – Thái Bình

Dương có nổ ra hay không.

Tuy nhiên, xét cho cùng thì, tình hình an ninh chính trị ở khu vực Châu Á – Thái

Bình Dương sau Chiến tranh lạnh nói chung là tương đối ổn định. Sau hàng thế kỷ tồn tại

sự đối đầu, có lúc chuyển thành xung đột quân sự, nay hoà bình, ổn định, hợp tác đang là

xu thế nổi trội ở khu vực này. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là xung đột quân sự sẽ

biến mất hoàn toàn vì trong khu vực này vẫn còn tồn tại nhiều điểm nóng chưa được giải

quyết. Nhiều vấn đề tồn tại giữa các nước trong khu vực chưa được giải quyết như tranh

chấp trên biển Đông, bán đáo Triều Tiên, eo biển Đài Loan, tranh chấp Nhật-Trung ở đảo

Điếu Ngư…. Trong tương lai gần, theo quan điểm riêng của người viết thì các điểm nóng

này vẫn chưa thể được giải quyết một cách toàn diện vì mỗi khi nhắc tới những vấn đề

nhạy cảm này, các nước có liên quan trong khu vực lại dè chừng lẫn nhau, không ai muốn

lợi ích của mình bị gạt ra ngoài. Các điểm nóng này có căn nguyên lịch sử, pháp lý rất

phức tạp, tầm quan trọng về chiến lược, địa kinh tế nên rất khó đạt được sự nhân nhượng

và thỏa hiệp của các bên liên quan.

Đặc điểm của khu vực này sau chiến tranh Lạnh vẫn tồn tại nhiều loại đồng minh chính

trị và quân sự. Lý do bởi “các nước trong khu vực này đa phần đều coi chủ quyền là trên

hết và an ninh quân sự đảm bảo cho chủ quyền”12. Bên cạnh đó, các vấn đề an ninh phi

truyền thống như khủng bố, xung đột sắc tộc, chủ nghĩa ly khai, tình hình nội bộ một số

nước phức tạp và sự can thiệp từ bên ngoài vẫn sẽ tiếp tục là những nhân tố tác động đến

an ninh và ổn định khu vực.Các vấn đề này đòi hỏi sự hợp tác của tất cả các quốc gia và

trong tương lai xa, chúng ta có thể hy vọng rằng các quốc gia tại khu vực Châu Á – Thái

Bình Dương, đặc biệt là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và các nước Asean sẽ có thể tin

tưởng lẫn nhau nhiều hơn về vấn đề an ninh, cùng nhau trao đổi “thật sự thẳng thắn” và

bớt đi “cái tôi” của chính quốc gia mình để tìm ra một cơ chế an ninh thống nhất cho toàn

khu vực, từ đó có thể giải quyết các điểm nóng và các mâu thuẫn giữa các cường quốc. 12 Cục diện Châu Á – Thái Bình Dương. GS.TS Dương Phú Hiệp – PGS.TS.Vũ Văn Hà – Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – tr.139

18

Page 19: bai lam cuoi ky 2

Chỉ có vậy thì khu vực này mới có thể thật sự có một nền an ninh ổn định chắc chắn và

dài lâu. Tuy nhiên, quá trình đó chắc vẫn sẽ còn rất lâu và rất xa...

Tài liệu tham khảo

1. Tập bài đọc An ninh Châu Á – Thái Bình Dương – Th.S. Lê Hồng Hiệp

2. Cục diện Châu Á – Thái Bình Dương. GS.TS Dương Phú Hiệp – PGS.TS.Vũ Văn Hà – Nhà

xuất bản Chính trị Quốc gia

3. Tài liệu tham khảo đặc biệt – số ra ngày 14/10/2010

19

Page 20: bai lam cuoi ky 2

4. Tài liệu Tham khảo đặc biệt – số ngày 25/6/2006

5. Mỹ can dự vào Đông Nam Á gây những hiệu ứng đầy mâu thuẫn

http://www.baodatviet.vn/Home/thegioi/My-can-du-vao-Dong-Nam-A-gay-nhung-hieu-ung-day-

mauthuan/20107/103876.datviet

6. http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com/2008/01/01/3412-2/

7. Châu Á - Thái Bình Dương trong chiến lược toàn cầu của Mỹ - Th.S Nguyễn Đức Thắng

http://www.tapchicongsan.org.vn/details.asp?Object=20954872&news_ID=14758961

8. Kiến trúc an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương - thách thức và triển vọng –Lê Linh Lan. 

http://www.hocvienngoaigiao.org.vn/nr040730095659/nr040730100743/nr050517172714/

ns050525131545

9. Vai trò của các nước vừa và nhỏ trong quan hệ quốc tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương –

Lê Linh Lan

http://www.hocvienngoaigiao.org.vn/nr040730095659/nr040730100743/nr050517174020/

ns050530173552

10. Thế giới sau 10 năm chiến tranh lạnh – Phan Doãn Nam

http://www.hocvienngoaigiao.org.vn/nr040730095659/nr040730100743/nr050517180634/

ns050601161133

11. Cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) dưới góc độ trật tự quan hệ quốc tế

http://antg.cand.com.vn/vi-vn/hosomat/2009/7/69966.cand

12. Hội thảo An ninh châu Á - Thái Bình Dương năm 2000 – Hà Nồng Hải

http://www.hocvienngoaigiao.org.vn/nr040730095659/nr040730100743/nr050601164440/

ns050608174524

13. Hội đồng hợp tác an ninh châu Á - Thái Bình Dương: Sự thành lập và phát triển - Phạm Thị

Miên

http://www.hocvienngoaigiao.org.vn/nr040730095659/nr040730100743/nr050517180813/

ns050601162433

20

Page 21: bai lam cuoi ky 2

21