Đi tÌm chỮ - isee.org.vnisee.org.vn/wp-content/uploads/2019/01/2015_di_tim_chu_mong_vn.pdf ·...

49

Upload: others

Post on 02-Sep-2019

7 views

Category:

Documents


0 download

TRANSCRIPT

1

ĐI TÌM CHỮ MÔNG

Nghiên cứu cùng cộng đồng Mông

thôn Giàng Tra, xã Tả Phìn, huyện Sa Pa

2013 - 2014

Thôn Giàng Tra,

Tả Phìn, Sa Pa

Viện Nghiên cứu

Xã hội, Kinh tế

và Môi trường

Sở Văn hóa,

Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai

Giàng A Của Phạm Thanh Trà Phan Thị Phượng

Hạng Thị Sa Hoàng Nguyên Vũ Thị Trang

Vàng A Vàng

Giàng A Trư

Lý Thị Tùng

Giàng A Lềnh

Thào Thị Di

MỤC LỤC

Lời cảm ơn 3

A. Giới thiệu 4

I. Bối cảnh 4

II. Quá trình lựa chọn vấn đề nghiên cứu 4

III. Điểm luận tài liệu 5

B. Lý thuyết và phương pháp 7

I. Cách tiếp cận “Nghiên cứu cùng cộng đồng” 7

II. Nhóm nghiên cứu địa phương 9

III. Phương pháp nghiên cứu 11

C. Kết quả nghiên cứu 16

I. Niềm khát khao được học chữ 16

II. Chữ Mông Việt Nam: Hồi ức và tưởng tượng 18

III. Chữ Mông quốc tế: Yêu thích và e ngại 22

IV. Nguyện vọng của người dân 25

D. Bình luận về quá trình nghiên cứu cùng cộng đồng 29

I. Tính chất giáo dục và hành động của nghiên cứu cùng cộng đồng 29

II. Thách thức của nghiên cứu cùng cộng đồng và bài học kinh nghiệm

31

1. Thách thức của nghiên cứu cùng cộng đồng 31

2. Bài học kinh nghiệm 34

E. Kết luận và khuyến nghị 34

Phụ lục 1. Bảng hỏi phỏng vấn sâu 37

Phụ lục 2. Một số hệ chữ Mông* 40

Phụ lục 3: Tóm lược các bước thực hiện nghiên cứu cùng cộng đồng tại Sa Pa

42

Phụ lục 4: Các chương trình liên quan tới chữ Mông quốc tế ở Việt Nam hiện nay

44

Tài liệu tham khảo 46

3

Lời cảm ơn

Nhóm nghiên cứu “Đi tìm chữ Mông” xin chân thành cảm ơn Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai đã ủng hộ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho chúng tôi thực hiện nghiên cứu. Chúng tôi đặc biệt biết ơn các thông tin viên, những người dân ở thôn Giàng Tra, xã Tả Phìn, Sa Pa bởi các bác, anh, chị đã tin tưởng, hết lòng chia sẻ thông tin, ý kiến, quan điểm, và tham gia nhiệt thành cùng chúng tôi trong dự án này. Chúng tôi chân thành cảm ơn các cán bộ UBND xã Tả Phìn: sự ủng hộ của UBND xã không chỉ giúp nghiên cứu này diễn ra suôn sẻ, mà còn là nguồn động viên rất lớn đối với chúng tôi.

Nhóm nghiên cứu xin bày tỏ lòng biết ơn tới anh Nguyễn Trường Giang (Bộ môn Nhân học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội), các chị Nguyễn Bích Tâm, Phan Tú Quỳnh, Nguyễn Thùy Linh, Đỗ Bích Thủy (Trung tâm Nâng cao Năng lực Cộng đồng - CECEM) đã giới thiệu với nhóm nghiên cứu địa phương những công cụ như PRA, photovoice (tiếng nói qua ảnh), và videovoice (phim cộng đồng) để nhóm có thể truyền tải ý kiến của mình một cách thuận lợi và hấp dẫn hơn. Chúng tôi chân thành cảm ơn anh Thào A Kỷ đã giúp phiên dịch tiếng Mông - tiếng Việt, và Nguyễn Quang Vũ giúp biên tập phim tài liệu “Đi tìm chữ Mông”.

Chúng tôi vô cùng cảm ơn Vụ Địa phương I, Ủy ban Dân tộc, và anh Vừ Bá Thông, Vụ Pháp chế, Ủy Ban Dân tộc đã chia sẻ quan điểm và hết lòng ủng hộ việc nghiên cứu và vận động chính sách liên quan đến chữ Mông của các đơn vị tổ chức nghiên cứu. Cuối cùng, chúng tôi xin cảm ơn tổ chức CARE Đan Mạch đã tin tưởng, hỗ trợ chúng tôi thử nghiệm phương pháp nghiên cứu cùng cộng đồng tại Sa Pa, và ủng hộ các sáng kiến của nhóm nghiên cứu địa phương để hiện thực hóa những ước mơ, nguyện vọng của cộng đồng.

4

A. Giới thiệu

I. Bối cảnh

Cách thành phố Lào Cai khoảng 30km đường núi, huyện Sa Pa là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất miền Bắc Việt Nam, thu hút hàng triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế mỗi năm. Với nhiều nhà hàng, khách sạn sang trọng, tiện nghi và hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển, thị trấn Sa Pa là điểm xuất phát của các du khách để từ đó, họ đi thăm quan, khám phá những bản làng hoang sơ xung quanh, đồng thời cũng là nơi không ít người Mông và Dao tới kiếm sống bằng nghề bán hàng thổ cẩm và một số sản phẩm địa phương khác. Mặc dù sống khá gần thị trấn, nơi thống trị của văn hóa Kinh pha lẫn văn hóa phương Tây, nhưng người Mông ở Sa Pa dường như vẫn đang duy trì không gian văn hóa – sinh tồn của riêng họ. Tương phản với sự "hoa lệ" của thị trấn Sa Pa, người Mông ở các thôn bản lân cận vẫn nghèo và phải đối mặt với những vấn đề mà những người lạc quan về sự phát triển du lịch không muốn để mắt tới như thiếu nước sạch, thiếu nhà vệ sinh kiên cố, nạn buôn bán phụ nữ qua biên giới, bỏ học, thất nghiệp, thiên tai và sự bấp bênh của mùa màng.

Với cách tiếp cận nghiên cứu cùng cộng đồng – trong đó những thành viên đại diện cộng đồng sẽ tham gia vào mọi khía cạnh của quá trình nghiên cứu, từ lựa chọn chủ đề cho tới báo cáo kết quả, nghiên cứu này nhằm mục tiêu khám phá những vấn đề mà cộng đồng Mông ở Sa Pa cho là quan trọng, cấp thiết trong đời sống của họ. Đó cũng là những chủ đề mới, gần gũi hơn với đời sống hiện tại của người dân và cung cấp những gợi ý quan trọng cho những chương trình, chính sách phát triển cũng như các nghiên cứu về sau. Như vậy, trong khi các nghiên cứu thông thường phục vụ mối quan tâm của nhà nghiên cứu bên ngoài, thì chương trình nghiên cứu cùng cộng đồng này hướng tới mối quan tâm của người trong cuộc, đồng thời giúp họ nâng cao năng lực tìm hiểu, phân tích và chủ động tạo ra những biến đổi xã hội tích cực ở địa phương.

II. Quá trình lựa chọn vấn đề nghiên cứu

Những nghiên cứu trước đây về người Mông ở Việt Nam nói chung và người Mông ở Sa Pa nói riêng thường tập trung vào những chủ đề như sinh kế từ ngành du lịch và giao thương với miền xuôi (Dương Bích Hạnh, 2008, Tugault-Lafleur và Turner, 2009, Michaud và Turner, 2000, Turner và Michaud, 2008, Turner, 2012), sở hữu và sử dụng đất – rừng (Vương Duy Quang, 2004, Corlin, 2004, Nguyen Tien Hai, 2009), sự cải đạo sang Tin Lành (Tapp, 1989, Ngô Thị Thanh Tâm, 2010), và văn hóa truyền thống (Vương Duy Quang, 2005, Mã A Lềnh, 2009). Bản thân nhóm nghiên cứu chúng tôi cũng rất quan tâm đến những vấn đề vĩ mô như đất rừng, khai khoáng, định kiến tộc người vì cho rằng đó là những chủ đề “hấp dẫn”, “quan trọng”, có tính khái quát cao. Mặc dù đặt mục tiêu chuyển quyền lựa chọn đề tài nghiên cứu sang cho người dân theo đúng tinh thần của cách tiếp cận nghiên cứu cùng

5

cộng đồng, nhưng trong thâm tâm, chúng tôi vẫn kỳ vọng nhóm nghiên cứu cộng đồng sẽ chọn những đề tài hợp với mối quan tâm đó.

Thông qua việc thực hành phương pháp đánh giá nông thôn có sự tham gia (Participatory Rural Appraisal) và tiếng nói qua ảnh (photovoice), các nghiên cứu viên thôn Giàng Tra đã có được cái nhìn tổng quát và những thảo luận sâu sắc về đời sống của cộng đồng mình. Từ đây, nhóm cũng xác định được những vấn đề mà cộng đồng cho là quan trọng, cấp thiết nhất. Tuy nhiên, đó lại là những chủ đề vi mô và có phần nằm ngoài sự quan tâm và hiểu biết của chúng tôi như vấn đề thiếu nước sạch, thiếu nhà vệ sinh, thiếu thức ăn cho gia súc vào mùa rét và những khó khăn của trẻ em trong việc học tập… Khi phải lựa chọn một chủ đề trong số đó để tiến hành tìm hiểu sâu hơn, nhóm nghiên cứu địa phương đã quyết định nghiên cứu về “Thực trạng sử dụng và nhu cầu học chữ Mông của người dân thôn Giàng Tra”, dựa trên giả định như sau:

Ở Việt Nam hiện đang tồn tại hai loại chữ Mông: Chữ Mông Việt Nam là bộ chữ chính thức, và chữ Mông quốc tế là bộ chữ mới du nhập và được sử dụng rộng rãi trong những người Mông theo đạo Tin Lành. Người Mông ở xã Tả Phìn đang có phong trào học chữ Mông quốc tế để theo đạo Tin Lành. Một khi đã theo đạo, người dân sẽ xóa bỏ những phong tục tập quán truyền thống của người Mông, làm mất đi bản sắc của dân tộc Mông. Do đó, cần tìm cách khôi phục và truyền bá chữ Mông Việt Nam vì đây mới đúng là chữ viết truyền thống của người Mông ở Việt Nam, giúp khẳng định và đề cao văn hóa Mông. Trong khi đó, thông tin về chữ Mông Việt Nam và người dạy loại chữ này còn rất hạn chế, cần được tìm hiểu sâu thêm.

Ban đầu, chúng tôi cảm thấy khá lo lắng trước chủ đề “xa lạ” này bởi khi tiến hành nghiên cứu về một lĩnh vực mình chưa từng biết đến, nhà nghiên cứu sẽ khó có thể biết trước mình sẽ đi xa được đến đâu. Chúng tôi cũng tự hỏi liệu sau này nhóm nghiên cứu có thể thực hiện vận động chính sách với một chủ đề “vi mô” như vậy không. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chấp nhận cùng cộng đồng đi tiếp chủ đề này, xác định rằng nghiên cứu chữ Mông sẽ là một quá trình thử nghiệm và học tập đối với cả hai bên. Hơn nữa, việc quyết định đi tiếp chủ đề mà cộng đồng cho là quan trọng sẽ giúp cộng đồng có động lực lớn hơn khi thực hiện nghiên cứu. Như vậy, trong dự án này, thẩm quyền quyết định chủ đề nghiên cứu đã được chuyển hoàn toàn về phía người dân. Cùng thảo luận với chúng tôi, nhóm nghiên cứu thôn Giàng Tra đã xác định 3 khía cạnh nghiên cứu: (i) Thực trạng việc biết, sử dụng, dạy và học chữ Mông Việt Nam và chữ Mông quốc tế ở thôn Giàng Tra; (ii) Nhu cầu học chữ Mông của bà con; (iii) Bà con muốn học và sử dụng chữ Mông Việt Nam hay chữ Mông quốc tế? Vì sao?

III. Điểm luận tài liệu

Chữ viết của người Mông ở Việt Nam chưa từng được nghiên cứu một cách có hệ thống. Lịch sử của chữ Mông Việt Nam chỉ được đề cập một cách chung chung trong một số tài liệu dạy chữ và bài viết trên báo mạng hoặc

6

website của cơ quan nhà nước (Đỗ Anh Vũ, 2010, Cao Văn Tư, 2006). Về thực trạng sử dụng chữ Mông Việt Nam, phần lớn các bài trên báo mạng mang tính chất ca ngợi, đề cập đến những cá nhân - tấm gương điển hình trong việc sử dụng và truyền bá loại chữ này (Đỗ Anh Vũ, 2010, Cao Văn Tư, 2006, Hồng Phúc, 2014, Nguyễn Hiên, 2005). Bên cạnh đó, đã có những bài nghiên cứu thể hiện quan điểm của tác giả về thực trạng chữ Mông Việt Nam không được sử dụng rộng rãi, không được người Mông đón nhận. Lý Tùng Hiếu (2009) và Hoàng Thị Châu (2006) cho rằng từ thập niên 1960, khi chữ Mông Việt Nam ra đời, nhà nước đã có quan niệm chữ viết dân tộc thiểu số chỉ là một công cụ để “bắc cầu” sang việc học ngôn ngữ phổ thông. Đến khoảng cuối thập niên 1970, các cơ quan quản lý giáo dục cho rằng việc dạy chữ dân tộc thiểu số làm chậm trễ việc học tiếng Việt nên đã bỏ lửng hoạt động này. Từ 1990 đến nay, Bộ Giáo dục đã quay lại quan tâm hơn tới chữ Mông nhưng tình hình vẫn không có nhiều tiến triển (Hoàng Thị Châu, 2006, Lý Tùng Hiếu, 2009).

Chữ Mông quốc tế lại được nhắc đến ít hơn, hầu như chỉ xuất hiện chút ít trong những nghiên cứu về đạo Tin Lành trong cộng đồng người Mông Việt Nam như là một loại chữ viết mà các nhà truyền giáo sử dụng để dạy Kinh thánh (Ngô Thị Thanh Tâm, 2010, Nguyễn Văn Chính và Nguyễn Thị Tâm, 2013). Nghiên cứu của Trần Trí Dõi (2013) về vấn đề xóa mù chữ cho người Mông ở bản Pú Tỉu, xã Ẳng Tở và bản Tát Hẹ, xã Ẳng Nưa, huyện Mường Áng, tỉnh Điện Biên cho thấy gần 99% người dân ở Pú Tỉu đã xóa mù chữ thành công bằng tiếng mẹ đẻ nhờ việc học chữ Mông quốc tế qua các bản Kinh thánh. Trong khi đó, người dân ở Tát Hẹ hầu như không biết chữ Mông do họ sinh hoạt theo tín ngưỡng dân gian chứ không theo đạo Tin Lành. Trước thực tế này, tác giả đề xuất nhà nước nên quan tâm đến giáo dục ngôn ngữ (cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc) thông qua sinh hoạt tôn giáo. Ví dụ, nhà thờ có thể dùng Kinh thánh bằng chữ phổ thông hoặc chữ Mông Việt Nam thay cho chữ Mông quốc tế. Tác giả cũng cho rằng cơ quan quản lý giáo dục nên “dứt khoát xử lý tình trạng ‘chưa thân thiện’ đối với người dùng ở trường hợp chữ Mông Latinh Việt Nam” (Trần Trí Dõi, 2013).

Trong bài viết trên Báo Điện tử Chính phủ (2010) và Tạp chí Dân tộc của Ủy Ban Dân Tộc (2011), Vừ Bá Thông nhận định rằng mặc dù không phải là loại chữ được chính thức công nhận nhưng chữ Mông quốc tế được sử dụng rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng và trong cộng đồng người Mông ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Nguyên vì dễ sử dụng. Tác giả cũng đề xuất nhà nước cần có sự lựa chọn chữ viết để đưa vào giảng dạy sao cho có hiệu quả và phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của đồng bào.

Sau khi hoàn thành nghiên cứu cùng cộng đồng Mông ở Sa Pa, chúng tôi mới được biết Ủy ban Dân tộc cũng đang thực hiện một cuộc điều tra về việc học chữ của đồng bào Mông, trong đó có đặt vấn đề so sánh chữ Mông Việt Nam và chữ Mông quốc tế (Hờ Bá Hùa, 2014). Tuy nhiên, nghiên cứu này của Ủy ban Dân tộc mang tính chất nội bộ, không công bố rộng rãi mà chỉ dành cho các cơ quan hữu quan tham khảo nhằm xây dựng chính sách về việc dạy và học chữ Mông.

7

Như vậy, hệ thống tài liệu hiện có về chữ Mông đã đề cập đến một số vấn đề cơ bản như nguồn gốc và mức độ phổ biến của hai loại chữ Mông ở Việt Nam. Nghiên cứu định tính của nhóm nghiên cứu thôn Giàng Tra sẽ làm rõ hơn về nhu cầu học chữ mẹ đẻ, sự lựa chọn chữ viết của người dân và những ẩn ý đằng sau nguyện vọng đó.

B. Lý thuyết và phương pháp

I. Cách tiếp cận “Nghiên cứu cùng cộng đồng”

Ban đầu, khi bắt tay vào tìm hiểu về nghiên cứu cùng cộng đồng với dự định thử nghiệm nó trong chương trình nghiên cứu của iSEE về dân tộc thiểu số (6/2013), chúng tôi cảm thấy khá choáng ngợp trước hàng loạt những thuật ngữ mà nhiều nghiên cứu trên thế giới đã sử dụng để miêu tả cùng một cách tiếp cận trong nghiên cứu xã hội: Nghiên cứu tham gia (participatory research), nghiên cứu hành động tham gia (participatory action research), nghiên cứu hành động (action research), nghiên cứu tham gia dựa vào cộng đồng (community-based participatory research), nghiên cứu cùng cộng đồng (co-research), v.v. Mặc dù đây không còn là cách tiếp cận quá mới, nhưng nguồn tài liệu về nghiên cứu cùng cộng đồng vẫn còn khá ít ỏi so với các phương pháp kinh điển và phổ biến trong khoa học xã hội. Tuy vậy, sự cản trở lớn nhất đối với chúng tôi vào thời điểm đó có lẽ không nằm ở sự hạn chế của tư liệu và kinh nghiệm, mà chính là sự đa dạng và linh hoạt trong quan điểm về nghiên cứu cùng cộng đồng và cách thức thực hiện nó mà các tài liệu này miêu tả. Chúng tôi cũng đã có những tranh luận không dứt về việc lựa chọn và sử dụng thuật ngữ, bởi việc gọi tên dự án của mình là nghiên cứu tham gia, nghiên cứu cùng cộng đồng, hay nghiên cứu hành động… sẽ quyết định việc chúng tôi sẽ thiết kế và thực hiện nghiên cứu như thế nào.

Nghiên cứu hành động, hay nghiên cứu hành động tham gia, là thuật ngữ được sử dụng và khai thác nhiều nhất. Smith (1997, trích trong Pavlish và Pharris, 2012: 5) miêu tả nghiên cứu hành động tham gia là một quá trình trong đó “một nhóm người cùng nhau tìm hiểu về hiện thực của họ thông qua việc đặt những câu hỏi gai góc, suy tưởng về những giả định liên quan đến các vấn đề và tình huống xảy ra hàng ngày, đề xuất những giải pháp để thay đổi, và thực hiện những hành động có ý nghĩa.”1 Điểm cốt lõi của nghiên cứu hành động tham gia nằm ở chỗ vấn đề nghiên cứu được xác định bởi chính những cộng đồng người đang tìm kiếm sự thay đổi tích cực trong đời sống của họ (Pavlish và Pharris, 2012: 5).

Whyte (1991: 20) cho rằng “trong nghiên cứu hành động tham gia, một nhóm người thuộc một tổ chức hay cộng đồng được nghiên cứu chủ động, tích cực tham gia cùng với nghiên cứu viên chuyên nghiệp trong suốt quá trình nghiên cứu, từ thiết kế ban đầu cho tới việc trình bày kết quả cuối cùng và thảo luận về giải pháp.” Còn theo Greenwood và Levin (1998: 5-7), nghiên cứu

1 Trong báo cáo này, những trích dẫn từ các tác phẩm nước ngoài do nhóm tác giả dịch sang tiếng Việt.

8

hành động, dù có chữ “tham gia” trong tên gọi của nó hay không, là sự kết hợp của ba yếu tố: hành động, nghiên cứu và tham gia, với mục tiêu tạo ra những kiến thức làm nền tảng cho việc phân tích và thay đổi xã hội một cách dân chủ. Thông qua quá trình này, những người tham gia nghiên cứu cũng sẽ được nâng cao năng lực để kiểm soát tốt hơn vận mệnh của mình. Như vậy, đúng như Fals Borda và Rahman (1991: 3) nhận xét, nghiên cứu hành động tham gia bao trùm cả ba thành tố là nghiên cứu, giáo dục và hành động chính trị - xã hội.

Ít gặp hơn nghiên cứu hành động tham gia hay nghiên cứu hành động là thuật ngữ “nghiên cứu tham gia dựa vào cộng đồng”. Nghiên cứu tham gia dựa vào cộng đồng được Israel và cộng sự (2005: 5) định nghĩa là một cách tiếp cận trong nghiên cứu, theo đó “các thành viên của cộng đồng, đại diện các tổ chức và các nhà nghiên cứu tham gia một cách bình đẳng trong tất cả các khía cạnh của quá trình nghiên cứu, cùng nhau đóng góp năng lực chuyên môn, ra quyết định và sở hữu bản quyền.”

Như vậy, dù mang những tên gọi khác nhau, nhưng các cách tiếp cận này đều dựa trên một nền tảng cơ bản: đó là sự bình đẳng trong việc tạo ra, sử dụng và sở hữu kiến thức giữa nhà nghiên cứu bên ngoài và các thành viên của cộng đồng được nghiên cứu. Trong quá trình này, tiếng nói và quan điểm của tất cả các bên đều được tôn trọng như nhau. Việc các bên liên tục tương tác, chia sẻ và phối hợp trong nghiên cứu không chỉ giúp khai thác tối đa các nguồn lực vô hình (ý tưởng, kiến thức, mối quan hệ) và hữu hình (cơ sở vật chất, kỹ thuật), mà còn tạo ra rất nhiều cơ hội nâng cao năng lực cho những người tham gia. Hơn nữa, nó cũng giúp nâng quyền và vị thế của người dân tham gia nghiên cứu, đặc biệt là những người thuộc các nhóm thiểu số, thiệt thòi trong xã hội.

Trong nghiên cứu thông thường, đối tượng nghiên cứu (người dân) giữ vị trí thụ động và lệ thuộc vào nhà nghiên cứu. Họ thường chỉ có nhiệm vụ cung cấp thông tin, thậm chí chỉ tuân theo yêu cầu của nhà nghiên cứu, chứ không hề có quyền và vai trò trong quá trình phân tích và sử dụng thông tin. Nhà nghiên cứu có toàn quyền phân tích và trình bày thông tin qua lăng kính của mình tới công chúng, giới truyền thông, học thuật hay các nhà hoạch định chính sách. Nghiên cứu cùng cộng đồng (hay nghiên cứu hành động tham gia, nghiên cứu hành động, nghiên cứu tham gia dựa vào cộng đồng…) đặt mục tiêu xóa bỏ mối quan hệ bất cân xứng này thông qua việc thúc đẩy sự tham gia của người dân (Fals Borda và Rahman, 1991: 5). Đó là lý do tại sao người ta coi đây là cách tiếp cận dân chủ trong nghiên cứu. Kiến thức được tạo ra một cách dân chủ sẽ là nền tảng vững chắc cho những can thiệp, chính sách dân chủ, mang lại lợi ích tối ưu cho người dân.

Cộng đồng sẽ tham gia ở mức nào?

Khi dự án nghiên cứu cùng cộng đồng này ở trong giai đoạn khởi động, chúng tôi luôn tự hỏi liệu cộng đồng sẽ hoặc có thể tham gia nghiên cứu ở mức nào, hay nói cách khác, quyền lực nên được chia sẻ như thế nào giữa nhà nghiên cứu bên ngoài và cộng đồng. Việc người dân chỉ tham gia vào dăm ba

9

thảo luận nhóm thì cũng là tham gia, nhưng như thế đâu có khác gì nghiên cứu truyền thống? Nếu người dân có quyền lựa chọn chủ đề nghiên cứu, điều gì sẽ xảy ra nếu họ chọn một chủ đề “không hay”, “không mang tính chất chiến lược”, hay không vừa ý chúng tôi? Nếu người dân tự tổ chức, điều hành và tham gia thảo luận nhóm, thì chúng tôi có được phát biểu ý kiến của mình không? Chúng tôi có nên ẩn mình một chút để họ có cơ hội nói và thực hành nhiều hơn không? Chúng tôi có sẵn sàng từ bỏ quyền lực của mình không?

Mặc dù các định nghĩa về nghiên cứu tham gia hay nghiên cứu hành động đều khẳng định vị thế bình đẳng giữa các bên tham gia nghiên cứu, nhưng về mặt ngôn ngữ, từ “tham gia” không thể hiện được ý nghĩa ấy. Đúng như băn khoăn của chúng tôi, việc người dân trả lời phỏng vấn sâu do nghiên cứu viên bên ngoài thực hiện cũng là tham gia vào nghiên cứu. Pavlish và Pharris (2012: 6) đề xuất sử dụng từ “phối hợp” (collaboration), bởi từ này hàm chứa quan hệ đối tác bình đẳng hơn. Chúng tôi cũng quyết định gọi nghiên cứu của mình là nghiên cứu cùng cộng đồng (collaborative research, co-research). Sự lựa chọn thuật ngữ này thể hiện mục tiêu của chúng tôi trong việc thực hiện nghiên cứu một cách dân chủ nhất có thể. Vì thế, câu hỏi ai là người quyết định chủ đề nghiên cứu đã có lời giải chắc chắn: chủ đề nghiên cứu sẽ do cộng đồng quyết định dựa trên những bằng chứng xác đáng về tính cấp thiết của nó do các bên cùng nhau tìm kiếm và phân tích. Nếu chủ đề ấy rất quan trọng với cộng đồng, nó chắc hẳn là một chủ đề hay. Không có chính sách vĩ mô hay chiến lược nào lại không xuất phát từ những điều thiết thực, gần gũi nhất với đời sống của người dân, dù nó nhỏ bé và “tầm thường” đến mấy.

Về những câu hỏi khác liên quan đến sự tham gia của cộng đồng và nhà nghiên cứu bên ngoài, chúng tôi sẽ để thực tế giải đáp. Nghiên cứu cùng cộng đồng coi trọng sự nâng quyền, sáng kiến và thử nghiệm (Sagor, 1992, trích trong Pavlish và Pharris, 2012: 6) và cũng là một tiến trình dài hơi (Israel và cộng sự, 2005: 9), do đó, quá trình thực hiện nghiên cứu cùng cộng đồng của chúng tôi sẽ diễn ra một cách tự nhiên và thực dụng, miễn là nó không xa rời những nguyên tắc cơ bản đã đề cập ở trên.

II. Nhóm nghiên cứu địa phương

Chuyến đi thực địa tới Sa Pa để thành lập nhóm nghiên cứu địa phương được thực hiện vào tháng 9/2013, sau khi iSEE đã thảo luận trước và có được sự đồng thuận, hỗ trợ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai2 và hai người dân đến từ địa bàn nghiên cứu là anh Má A Pho (thôn Má Tra, xã Sa Pả) và anh Giàng A Của (thôn Giàng Tra, xã Tả Phìn). Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia các dự án phát triển của nhà nước và các tổ chức phi chính phủ, anh Pho, anh Của sẽ là người điều phối nhóm nghiên cứu địa phương, và là cầu nối giữa nhóm này với các nghiên cứu viên bên ngoài đến từ iSEE và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai.

2 Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch Lào Cai đồng ý hỗ trợ iSEE về mặt thủ tục hành chính (cấp giấy phép nghiên cứu, liên hệ với chính quyền địa phương), đồng thời cử hai nghiên cứu viên tham gia vào dự án này.

10

Một cuộc họp thôn được tổ chức tại mỗi thôn dưới sự điều phối của anh Pho, anh Của, với sự tham gia tự nguyện của gần 40 người dân, cả nam và nữ. Người dân được nghe giới thiệu về dự án và những lợi ích có được khi tham gia nghiên cứu. Bên cạnh những lợi ích như nâng cao năng lực bản thân, nâng cao kiến thức về cộng đồng, cơ hội tham gia vào truyền thông và vận động chính sách, các nghiên cứu viên cộng đồng sẽ được hưởng một khoản phụ cấp mỗi tháng làm việc tương đương 10 ngày công lao động tại địa phương. Tuy nhiên, khoản phụ cấp này không được đề cập tới trong buổi họp thành lập nhóm nghiên cứu, bởi lợi ích tài chính có thể trở thành động cơ tham gia vào dự án, chứ không phải tinh thần tình nguyện vì cộng đồng.

Việc thành lập nhóm nghiên cứu địa phương (mỗi thôn 7 người)3 được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, với điều kiện người tham gia phải nhiệt tình và có thể giao tiếp cơ bản bằng tiếng Kinh. Dự án cũng khuyến khích sự tham gia của phụ nữ. Cuối buổi họp, mỗi thôn đã chọn được nhóm nghiên cứu gồm 4 nam – 3 nữ. Dù họ tự ứng cử hay được đề cử, sự tham gia của họ đều được cộng đồng nhất trí công nhận. Các nghiên cứu viên sau đó đã ký thỏa thuận hợp tác với iSEE.

Việc đưa ra tiêu chí lựa chọn người tham gia nghiên cứu "có thể giao tiếp bằng tiếng Kinh" là một hạn chế của nghiên cứu này. Mặc dù những người dân bình thường cũng có thể biết tiếng Kinh, nhưng một khả năng lớn có thể xảy ra là người biết tiếng Kinh nắm giữ vị thế, quyền lực lớn hơn ở cộng đồng. Trên thực tế, trong nhóm nghiên cứu được bầu chọn có một số người là cán bộ địa phương, như trưởng thôn, thanh tra, y tế thôn, cựu hội trưởng Hội Phụ nữ, người làm công tác Mặt trận, và những người này cũng có xu hướng được người dân "tin tưởng" lựa chọn. Việc vị thế và công việc của họ có thể ảnh hưởng như thế nào tới quá trình nghiên cứu cần được quan sát thêm để có thể có những điều chỉnh phù hợp. Ví dụ, trong khi làm việc, chúng tôi nhận thấy hai người trong nhóm có xu hướng thực hiện những công việc họ vẫn làm thường ngày, tức là tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn, hơn là đi nghiên cứu, đi hỏi người dân. Có trường hợp do quá nhập tâm với nghiên cứu, có người lại đi chụp ảnh một số hoạt động ở cơ quan chính quyền, dẫn đến xung đột với một cán bộ ở đây. Những tình huống như vậy đều được trao đổi cởi mở giữa nghiên cứu viên địa phương và nghiên cứu viên bên ngoài để tìm giải pháp và cách ứng xử phù hợp.

Tuy nhiên, việc cán bộ địa phương tham gia nghiên cứu cũng là một điều tích cực đối với dự án. Một mặt, họ có thể cung cấp nhiều thông tin và có khả năng kết nối nhóm nghiên cứu với các cán bộ khác và người dân. Mặt khác, những công việc liên quan đến dự án đã giúp họ hiểu hơn về cộng đồng của mình thông qua hình thức đối thoại, lắng nghe và tôn trọng quan điểm từ phía người dân. Bằng việc chuyển đổi vai trò từ cán bộ - tuyên truyền viên thành

3 Nhóm nghiên cứu thôn Má Tra, xã Sa Pả lựa chọn chủ đề nghiên cứu là những khó khăn của bà con trong việc chăn thả gia súc. Kết quả nghiên cứu của nhóm được thể hiện trong một báo cáo khác. Trong báo cáo này, chúng tôi chỉ thuật lại quá trình và kết quả nghiên cứu về nhu cầu học chữ Mông của thôn Giàng Tra.

11

nghiên cứu viên - người vận động chính sách, những người này đã được tiếp cận và thực hành tính dân chủ trong học thuật cũng như trong đời sống chính trị của cộng đồng.

Một hạn chế khác của nghiên cứu, đó là nhóm nghiên cứu bên ngoài không biết tiếng Mông. Điều đó khiến chúng tôi gặp khó khăn trong việc giao tiếp và thấu hiểu cộng đồng. Khi không có ngôn ngữ, việc tham gia và gắn bó với cộng đồng như một “người trong nhà” là điều rất khó thực hiện. Tuy nhiên, sự thiếu sót này của nhóm nghiên cứu bên ngoài lại là cơ hội để khẳng định vai trò và năng lực của các nghiên cứu viên cộng đồng. Trong nhiều trường hợp, nghiên cứu viên cộng đồng có thể khai thác những thông tin mà chúng tôi khó có thể khai thác được khi họ tự thực hiện phỏng vấn bằng tiếng mẹ đẻ của mình.

III. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu này nhấn mạnh sự tham gia bình đẳng của nhóm nghiên cứu địa phương trong mọi khía cạnh của nghiên cứu, từ lựa chọn chủ đề cho tới thiết kế bảng hỏi và thực hiện phỏng vấn. Vì đây là nghiên cứu trường hợp được tiến hành với quy mô nhỏ, chúng tôi chỉ áp dụng phương pháp định tính với công cụ chủ yếu là phỏng vấn sâu. Việc thiết kế bảng hỏi chủ yếu do nghiên cứu viên bên ngoài thực hiện dựa trên những tìm hiểu sơ bộ về chủ đề nghiên cứu thông qua việc trò chuyện với nghiên cứu viên địa phương. Nhóm nghiên cứu địa phương sau đó sẽ nhận xét và bổ sung để cho ra bảng hỏi cuối cùng. Bảng hỏi được in và phát cho tất cả các nghiên cứu viên. Với những người không biết chữ, chúng tôi đã đọc và giải thích cặn kẽ về nội dung và logic của bảng hỏi để giúp họ ghi nhớ. Trên thực tế, có người nhớ được một phần, có người nhớ được toàn bộ bảng hỏi và đã thực hiện được những phỏng vấn có chất lượng.

Ở công đoạn chọn mẫu, nghiên cứu viên bên ngoài đề xuất và giải thích những yêu cầu chọn mẫu như cỡ mẫu, tỷ lệ nam – nữ, tỷ lệ người già – người trẻ, việc bao gồm một số người như cán bộ địa phương, người theo đạo Tin Lành vào danh sách phỏng vấn. Dựa vào đó, nghiên cứu viên địa phương cùng nhau lập danh sách và liên hệ mời phỏng vấn. Các phỏng vấn sâu được tiến hành trong 3 đợt:

Đợt 1: Nghiên cứu viên địa phương tự đi phỏng vấn một số người trong thôn (3 người và một nhóm học sinh lớp 5) để có thông tin tổng quan về chủ đề nghiên cứu.

● Đợt 2: Sau khi hoàn thành bảng hỏi và thiết kế mẫu, nhóm nghiên cứu địa phương đã cùng nghiên cứu viên bên ngoài thực hiện phỏng vấn sâu với 16 thông tin viên. Mỗi cuộc phỏng vấn kéo dài khoảng 30 phút và được thực hiện bởi một nghiên cứu viên địa phương và một nghiên cứu viên bên ngoài, trong đó nghiên cứu viên địa phương đóng vai trò phỏng vấn chính. Nghiên cứu viên bên ngoài được phiên dịch lại nội dung phỏng vấn, và hỏi bổ sung những ý mình quan tâm. Cuối mỗi buổi phỏng vấn, hai nghiên cứu viên thảo luận về kỹ năng phỏng vấn và

12

những thông tin thu thập được, rút kinh nghiệm cho những lần phỏng vấn sau. Cuối đợt phỏng vấn, cả nhóm nghiên cứu cùng nhau tổng hợp và trình bày lại các phát hiện của nghiên cứu, đồng thời xác định những khía cạnh cần tìm hiểu sâu hơn dưới sự hướng dẫn của nghiên cứu viên bên ngoài.

● Đợt 3: Nghiên cứu viên địa phương chủ động phỏng vấn thêm 28 người, tiếp tục bổ sung những thông tin chưa khai thác được trong đợt phỏng vấn trước. Với những kỹ năng phỏng vấn thu được từ đợt 2, lần này nghiên cứu viên địa phương thực hiện được những phỏng vấn có chất lượng tốt hơn với nhiều thông tin có giá trị.

Sau 3 đợt, các nghiên cứu viên địa phương đã phỏng vấn được 48 người với số lượng nam – nữ khá cân bằng nhau. Độ tuổi trung bình của các thông tin viên khá trẻ (24 tuổi), bởi nghiên cứu này tập trung vào lĩnh vực giáo dục ngôn ngữ, vấn đề mà người trẻ (dưới 40 tuổi) quan tâm và cảm thấy cần thiết hơn. Vì nhu cầu học chữ Mông chủ yếu đến từ những người không theo đạo (phần lớn những người theo đạo đã biết hoặc đang học chữ Mông quốc tế do nhà thờ dạy), nên nghiên cứu cũng chú ý hơn đến những người dân không theo đạo. Tuy nhiên, để thu thập được đầy đủ thông tin, chúng tôi cũng phỏng vấn một số người theo đạo Tin Lành, người làm việc trong nhà thờ, cán bộ xã, và học sinh (xem Bảng 1). Riêng nghiên cứu viên bên ngoài đã tiến hành phỏng vấn 6 cán bộ cấp tỉnh ở thành phố Lào Cai.

Bang 1. Đặc điểm của mẫu nghiên cứu do nghiên cứu viên địa phương phỏng vấn

Đặc điểm Số lượng

Giới 25 nam, 23 nữ

Tuổi trung bình 24 (8-75 tuổi)

Nghề nghiệp Làm ruộng, học sinh, cán bộ xã (3 người), người làm việc trong nhà thờ Tin Lành

Tôn giáo, tín ngưỡng Tin Lành (6 người), tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Mông (42 người)

Tổng 48 người

Đáng lưu ý, nghiên cứu viên cộng đồng cũng tham gia vào việc phỏng vấn cán bộ địa phương. Một lần, nhóm nghiên cứu cộng đồng (anh Giàng A Của, chị Hạng Thị Sa, và chị Lý Thị Tùng) đã chủ động hẹn gặp một cơ quan chính quyền cấp huyện để hỏi về việc dạy và học chữ Mông nhưng hầu như không thu được thông tin gì, do cán bộ ở đây cho biết họ chỉ đồng ý tiếp cán bộ phụ

13

trách dự án ở Hà Nội. Mặc dù không thành công, nhưng việc chủ động tiếp cận cán bộ địa phương đã chứng minh sự nhiệt huyết và tự tin của các nghiên cứu viên cộng đồng. Một lần khác, nhóm nghiên cứu cộng đồng đã giúp nghiên cứu viên bên ngoài liên hệ và hẹn gặp với cán bộ xã Tả Phìn. Việc hẹn gặp lần này khá dễ dàng do những cán bộ xã này đều có quan hệ họ hàng hoặc quen biết với nghiên cứu viên cộng đồng. Chúng tôi cũng gợi ý mọi người hẹn gặp những cán bộ mà họ cho là có tâm huyết và gần gũi với bà con để có thể mở ra những cơ hội hợp tác về sau. Vì đề tài nghiên cứu liên quan đến chữ Mông, nên chúng tôi cũng ưu tiên tìm gặp cán bộ người Mông. Cuối cùng, nhóm bao gồm 2 nghiên cứu viên bên ngoài và 2 nghiên cứu viên cộng đồng đã gặp và phỏng vấn được 3 cán bộ UBND xã Tả Phìn. Sau lần phỏng vấn này, chúng tôi rút ra kinh nghiệm rằng trong thôn bản Mông, rất nhiều người có quan hệ họ hàng thân thiết với nhau, và sự quen biết này thực sự có ích trong việc kết nối, thúc đẩy sự tham gia của người dân và cán bộ.

Phần lớn các phỏng vấn đều được ghi âm, chỉ có một số ít phỏng vấn được ghi chép trong sổ tay, hoặc ghi lại theo trí nhớ của người thực hiện phỏng vấn (do thông tin viên không đồng ý ghi âm, hoặc do phỏng vấn được thực hiện ngẫu nhiên, không có chủ định từ trước). Các file ghi âm phỏng vấn đợt 1 được nghiên cứu viên địa phương phiên dịch để nghiên cứu viên bên ngoài ghi lại trên máy tính. Các file phỏng vấn đợt sau được phiên dịch và ghi lại bởi một sinh viên Mông hiện đang học tại Hà Nội.

Sau mỗi đợt phỏng vấn, tất cả các nghiên cứu viên đều thảo luận để tổng kết nội dung, và rút ra những phát hiện, kết luận của nghiên cứu. Đây cũng là lúc để các nghiên cứu viên địa phương kiểm chứng giả thiết ban đầu. Ví dụ, trước khi thực hiện nghiên cứu, họ cho rằng phần lớn người dân trong thôn muốn học chữ Mông Việt Nam, nhưng sau các đợt phỏng vấn, họ hiểu rằng phần lớn mọi người hầu như không quan tâm tới chữ Mông Việt Nam mà chỉ muốn học chữ Mông quốc tế, và việc học chữ Mông quốc tế không nhất thiết liên quan tới đạo Tin Lành. Với nhận thức mới này, các nghiên cứu viên địa phương tự thực hiện một phim phóng sự ngắn bằng tiếng Mông để báo cáo kết quả nghiên cứu của mình4. Bên cạnh đó, các phần giải băng cũng được mã hóa và phân tích bởi nghiên cứu viên bên ngoài, nhằm phục vụ cho việc báo cáo kết quả nghiên cứu dưới dạng văn bản.

Trong khi thực hiện phỏng vấn sâu, các nghiên cứu viên cũng thực hiện một số hoạt động quan sát và tìm hiểu như tham dự lớp dạy chữ Mông cho trẻ em ở nhà thờ Tả Phìn, cùng người dân xem đĩa nhạc có phụ đề chữ Mông quốc tế, và học chữ Mông Việt Nam từ những người già ở địa phương còn nhớ loại chữ này. Đặc biệt, công việc nghiên cứu giúp các nghiên cứu viên cộng đồng xác định rõ những người có khả năng dạy chữ Mông quốc tế, chữ Mông Việt Nam và những cán bộ tâm huyết ở địa phương mà họ có thể tiếp cận để tìm sự ủng hộ sau này.

4 Phim phóng sự “Chữ Mông cho người Mông” có thể được xem tại địa chỉ: https://www.youtube.com/watch?v=NoqYL1WvAsk

14

Ảnh 1: Chị Hạng Thị Sa (ngoài cùng bên phải) đang phỏng vấn một người dân trong thôn về nhu cầu học chữ Mông.

Ảnh 2: Nhóm nghiên cứu thôn Giàng Tra cùng nhau tổng hợp các phát hiện sau khi thực hiện phỏng vấn.

15

Ảnh 3: Nhóm nghiên cứu địa phương được hướng dẫn sử dụng máy quay phim để làm phim phóng sự báo cáo kết quả nghiên cứu.

Ảnh 4: Lớp học chữ Mông quốc tế do cộng đồng tự tổ chức tại thôn Giàng Tra, xã Tả Phìn, Sa Pa (2014).

16

Ảnh 5: Họp tổng kết, đánh giá dự án nghiên cứu cùng cộng đồng.

C. Kết quả nghiên cứu

I. Niềm khát khao được học chữ

Hầu hết tất cả những người được hỏi đều thể hiện sự khát khao được học chữ Mông, dù đó là chữ Mông Bác Hồ hay chữ Mông quốc tế. Đặc biệt với những phụ nữ chưa từng đi học, họ cảm nhận rõ cái bất lợi của việc không biết đọc, biết viết. Mong muốn của họ xuất phát trước tiên từ những hình dung về lợi ích thực tế mà cái chữ mang lại. Một lợi ích mà hầu như tất cả các thông tin viên đều nhắc đến, đó là việc biết chữ để lưu lại những phong tục tập quán của người Mông: con trai viết lại những bài khèn, bài cúng, cách làm cái cày, cái cuốc; con gái viết lại cách làm váy áo. Đáng lưu ý, việc ghi lại phong tục tập quán chỉ có thể được thực hiện chính xác bằng tiếng mẹ đẻ của họ, tức là chữ Mông, chứ không phải chữ phổ thông.

“Dùng chữ Mông để viết lại các bài hát, bài nhạc, điệu nhảy trong các dịp đám cưới, nói về tình cảm nam nữ, lứa đôi yêu nhau, trong các đám tang, ma chay… để lưu truyền lại cho con cháu cũng là một điều rất tốt. Ngoài ra cũng là để viết lại trình tự, các bước khâu váy áo, cắt may vải ra làm sao để để lại cho muôn đời sau, sao cho mỗi bước đi, mỗi việc làm đều đúng và chuẩn mực theo văn hóa truyền thống.” (Lù Thị A., 31 tuổi)5

5 Tất cả những câu trích dẫn phỏng vấn trong báo cáo này đều được dịch ra từ tiếng Mông.

17

Người dân cũng cho biết họ muốn học chữ để biết cách làm ăn, tính toán (nếu không biết chữ thì không làm ăn xa được), để lên mạng tra cứu thông tin, đọc sách báo, để nhắn tin, viết thư giao lưu với người Mông ở khắp nơi, để xem được phim, ca nhạc có phụ đề chữ Mông, hát karaoke, để hiểu biết pháp luật, chính sách, và để hiểu biết hơn về cuộc sống, biết phân biệt đúng sai.

Bên cạnh những lợi ích thực tế, những giá trị tinh thần liên quan đến việc biết chữ Mông cũng có tầm quan trọng không kém. Đối với nhiều người dân, chữ Mông là một phần của căn tính (identity) dân tộc Mông, và sự vắng mặt của thành tố này dẫn đến sự bối rối khi nói đến lòng tự tôn dân tộc:

“Mình là người Mông mà lại không biết chữ Mông thì cũng ngại lắm.” (Giàng A K., 32 tuổi)

Nhiều người cũng khẳng định rằng việc biết chữ sẽ giúp họ tự tin và chủ động hơn khi giao tiếp.

“Để đi xa đây đó thì người ta không bắt nạt được mình. Khi không biết chữ thì người ta dọa tí là sợ, nhưng khi đã biết rồi thì người ta có nói gì mình cũng không sợ nữa.” (Giàng A T., 31 tuổi)

“Để mình không thua kém những người khác.” (Giàng Thị P., 30 tuổi)

“Biết thì người ta cũng nể phục, tôn trọng mình hơn... Đi đâu cũng tự tin và ngẩng cao đầu.” (Hạng Thị L., 24 tuổi)

Rõ ràng, hình dung về sự tự tin có được khi biết đọc, biết viết cũng gắn liền với nỗi sợ, sự hổ thẹn và cảm giác thua kém. Những cảm xúc tiêu cực này được thể hiện cởi mở và chân thực hơn trong những phỏng vấn do nghiên cứu viên địa phương tự thực hiện. Điều đó chứng minh rằng chỉ người của cộng đồng mới có thể thấu hiểu và lắng nghe được những tâm sự chất chứa của cộng đồng.

“Tôi mắng bố mẹ nhiều vì không được đi học đến nỗi mẹ tôi phải khóc và nói rằng đó là lỗi của bố, tại bố không cho đi học nên giờ con cái mới không biết chữ… Tôi cảm thấy ghen tỵ với những người có học, họ đi đến đâu cũng biết ăn nói, biết đọc biết viết nên cái gì cũng hiểu được, làm được, mình cảm thấy hổ thẹn và thua kém người ta nhiều lắm, như tôi chỉ biết được đúng tiếng mẹ đẻ thôi chứ ngoài ra không biết bất kỳ một thứ tiếng nào khác nữa, buồn lắm.” (Thào Thị G., 22 tuổi)

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, mong muốn học chữ Mông lại đi liền với mong muốn học chữ phổ thông. Mặc dù trong thâm tâm, ai cũng thích học chữ Mông vì đó mới đúng là chữ của người Mông và có thể giúp họ lưu giữ, khẳng định bản sắc dân tộc Mông, nhưng nhiều người thừa nhận vị thế thấp hơn của chữ Mông so với chữ phổ thông. Hơn nữa, việc biết chữ phổ thông cũng có thể giúp họ dễ làm ăn, giao tiếp với người Kinh, tức là dân tộc đa số.

“Tại vì người Mông mình không có chữ Mông nên nhà nước gọi đi học chữ phổ thông và chúng nó đi học hết rồi mà.” (Giàng A H., 34 tuổi)

18

“Bây giờ theo chính sách chủ trương của nhà nước thì tôi sẽ học chữ cái phổ thông xong mới học chữ Mông.” (Lù Thị A., 31 tuổi)

“Mình thích học chỉ để cho mình biết thôi, chứ quan trọng hơn là chữ phổ thông.” (Châu Thị D., 24 tuổi)

Điều đáng nói ở đây là mặc dù nhiều người lớn, đặc biệt là phụ nữ, ở thôn Giàng Tra chưa đọc thông viết thạo chữ phổ thông, nhưng lại không có lớp xóa mù chữ được tổ chức cho họ. Theo một cán bộ xã Tả Phìn, thống kê chính thức cho thấy xã này đã xóa mù chữ 100% nên từ nhiều năm nay không còn lớp xóa mù chữ nữa. Trong khi đó, theo một cán bộ tỉnh Lào Cai, thông tin nhiều người dân ở Giàng Tra mù chữ là không chính xác vì:

“Đặc biệt là người Mông họ có cái đặc tính là rất là ngại giao tiếp, đặc biệt là phụ nữ, mình cứ tưởng họ không biết. Nhiều khi đến ký nhận tiền cho con mà bảo điểm chỉ thì họ điểm ngay, nhưng mình bảo không ký, không cho tiền thì ký được ngay, nhiều khi là thế…” (Cán bộ, tỉnh Lào Cai)

hoặc do “bây giờ xóa mù chữ đến tận 60 cơ, trước đây thì chỉ đến 25, 35 tuổi”, nên mới sinh ra nhiều người mù chữ hơn so với số liệu thống kê trước đây.

II. Chữ Mông Việt Nam: Hồi ức và tưởng tượng

Theo chính sách ngôn ngữ dân tộc của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa,6 từ năm 1957 đến 1959, Phòng Nghiên cứu Xây dựng Văn tự dân tộc thiểu số của Bộ Giáo dục đã xây dựng bộ chữ Mông Việt Nam, lấy ngữ âm Mông Hoa vùng Sa Pa, tỉnh Lào Cai làm âm tiêu chuẩn. Đến năm 1961, bộ chữ Mông này chính thức được ban hành và đưa vào sử dụng chính thức. Theo Tài liệu bồi dưỡng tiếng Mông cho giáo viên tiểu học của Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai, “đầu năm 1962, đồng bào Mông ở các nơi đều rất phấn khởi, hồ hởi đón rước “Chữ của Đảng, chữ của Bác Hồ”. Tiếp đó là phong trào học chữ, thanh toán nạn mù chữ bằng chữ Mông phát triển rầm rộ”.

Hiện chưa có nguồn tài liệu nào miêu tả đầy đủ quá trình hình thành và phát triển của chữ Mông Việt Nam. Phỏng vấn ở thôn Giàng Tra cho thấy ngoại trừ một số rất ít người lớn tuổi (khoảng 50, 60 tuổi trở lên) được học chữ Mông Việt Nam khi bộ chữ này mới ra đời, không có ai khác được học loại chữ này ở trường lớp. Thực tế này khiến phần lớn người dân cho rằng chữ Mông Việt Nam đã “biến mất”. Tuy nhiên, một cán bộ ở tỉnh Lào Cai cho rằng “không có chuyện chữ Mông Việt Nam thoái trào hay biến mất”. Thời điểm bộ chữ mới được ban hành, Nhà nước tất nhiên phải tuyên truyền mạnh mẽ để mọi người theo học, về sau thì không cần tuyên truyền như vậy nữa, nhưng chữ Mông Việt Nam vẫn được giảng dạy cho học sinh và cán bộ. Đáng lưu ý là đối với giáo dục phổ thông, chữ Mông Việt Nam chỉ được dạy ở những địa bàn

6 “Đối với các dân tộc không có chữ riêng, sẽ nghiên cứu cách phiên âm tiếng nói của các dân tộc đó. Các dân tộc đều có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình trong mọi việc.” (Điều 14, Sắc lệnh 230/SL về việc ban hành bản quy định việc thành lập Khu tự trị Thái – Mèo do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký (hiệu lực từ 29/4/1955 đến 30/4/1975). Xem thêm QUỲNH, T. 2012. Bảo tồn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

19

có 100% dân số là người Mông với chương trình thống nhất trên toàn quốc, còn ở những nơi đa dân tộc như thôn Giàng Tra (cả người Dao và người Mông) thì việc dạy tiếng Mông ở trong trường là không khả thi, nhất là khi mỗi điểm trường chỉ có vài chục học sinh.

“…người ta không nói tiếng Việt thì chết dở, còn có sự giao thoa dân tộc, một em người Dao, một em người Tày nữa chẳng hạn… thì không dạy được, thích cũng không dạy được.” (Cán bộ, tỉnh Lào Cai)

Theo một số người dân biết chữ Mông Việt Nam ở địa bàn nghiên cứu, chữ Mông Việt Nam biến mất vì những lý do như người Mông đi tản cư trong chiến tranh biên giới 1979, hoặc vì nhà nước không cho phát triển nữa do sợ chữ Mông cạnh tranh với chữ phổ thông.

“Anh tôi có năm chạy Tàu là 79, anh tôi đi làm bộ đội chống Tàu được hai năm, không thấy dạy chữ Mông từ đó đến bây giờ.” (Hạng A S., 52 tuổi, thôn Suối Hồ, xã Sa Pả)

“Ông Thào A P. học chữ Mông của thầy Doãn Thanh được 15 ngày là đi dạy luôn. Học cùng còn có 13 người nữa, một số qua đời hết rồi, thầy giáo cũng qua đời rồi. Hồi ấy, năm 1966, ông học ở trường nội trú huyện, học xong về dạy ở Sa Pả 5 năm rồi lại chuyển về xã Tả Phìn… Trong thời gian ông dạy thì chạy Tàu. Có người dọa là ai dạy chữ Mông thì bị bắt, ông sợ nên đốt hết bảng chữ cái. Từ hồi đấy không ai dạy nữa.” (Phỏng vấn ông Thào A P., ghi theo lời kể của nghiên cứu viên Giàng A Của)

“Ông Châu A D. đi học chữ Mông từ năm 64, 65. Thầy giáo là người Kinh, tên là Doãn Thanh, nhà sau cầu Kim Tân. Có bốn hay năm học sinh được dạy cùng thời ông. Ông thì không được dạy nhiều, ông tự lấy sách để xem, nghiên cứu thì tự biết. Có hai học sinh của thầy Doãn Thanh là ông Trư và ông Dơ lúc đã ra trường, khi phụ nữ đàn ông Mông đi chợ thì hai người này đều viết chữ để chặn giữa đường, ai đọc được thì mới cho đi, không đọc được thì họ dạy cho đọc được rồi mới cho đi. Sau này thì có người can thiệp, không cho làm như thế nữa, nên bị giải tán. Một số người biết chữ Mông viết văn bản kiện cáo gửi xuống tỉnh nhưng tỉnh không đọc được,7 từ đấy tỉnh cắt chữ Mông, Phòng Giáo dục không biên soạn chữ Mông nữa. Tỉnh sợ Chữ Mông với chữ phổ thông cạnh tranh nhau, theo ông nghĩ thế, từ đấy chữ Mông mất.” (Phỏng vấn ông Châu A D., 60 tuổi, ở Sâu Chua, ghi theo lời kể của nghiên cứu viên Vàng A Vàng)

“Cho đến sau này vẫn có nhu cầu học và dạy nhưng không hiểu sao phòng giáo dục không còn triển khai nữa mà bỏ đi rồi.” (Hạng Thị X., 67 tuổi, Suối Thầu)

Cứ thế, chữ Mông Việt Nam, hay theo cách gọi của bà con là chữ Mông Bác Hồ, dần trở thành một câu chuyện của quá khứ. Điều này đã khắc sâu thêm sự tiếc nuối và mong ước khôi phục chữ Mông Bác Hồ của những người đã sống

7 Việc kiện cáo này là kiện cáo nói chung, không liên quan gì đến việc ông Trư, ông Dơ dạy chữ Mông. Người kể không thạo tiếng Kinh nên kể chuyện bằng tiếng Kinh đôi khi không rõ ý.

20

trong thời kỳ “hoàng kim” của loại chữ này. Với họ, chữ Mông Bác Hồ là một hoài niệm, là ký ức tươi đẹp mà họ đang cố níu giữ. Sự yêu thích chữ Mông Việt Nam gắn liền với niềm tôn kính đối với Bác Hồ, và được coi là một trong những yếu tố làm nên căn tính (identity) của người Mông Việt Nam.

“[Tôi thích học chữ Mông Việt Nam] để biết ngày xưa Bác Hồ dạy những gì… Tôi muốn học chữ Mông Việt Nam thôi, chữ mà Bác Hồ đã dạy cho, còn chữ Mông quốc tế ai theo đạo Tin Lành mới học thôi.” (Vàng A P., 56 tuổi, Giàng Tra)

“Tất nhiên thích chữ Bác Hồ hơn, bởi vì mình là người Việt Nam, sinh sống và lao động tại Việt Nam.” (Lù Thị A., 31 tuổi, Giàng Tra)

Ngay cả các nghiên cứu viên cộng đồng của thôn Giàng Tra cũng bắt đầu nghiên cứu của họ với khát khao được học chữ Mông Bác Hồ. Ngay sau khi chủ đề nghiên cứu được xác định và thống nhất, nhóm nghiên cứu cộng đồng đã gặp gỡ và phỏng vấn những người còn biết và nhớ chữ Mông Bác Hồ như ông Thào A P. và ông Châu A D.. Họ cũng tin rằng phần lớn bà con trong thôn đều muốn học loại chữ này, vừa để biết chữ, vừa để khẳng định bản sắc, văn hóa truyền thống của người Mông Việt Nam trong sự tương phản với cộng đồng người Mông theo đạo Tin Lành – những người sử dụng chữ Mông quốc tế và đã từ bỏ nhiều tập quán Mông. Tuy nhiên, sau khi thực hiện gần 50 phỏng vấn với bà con ở thôn, các nghiên cứu viên cộng đồng mới nhận ra rằng phần lớn mọi người chỉ quan tâm đến chữ Mông quốc tế dù không theo đạo Tin Lành và khá thờ ơ với chữ Mông Việt Nam, chủ yếu vì lý do họ chưa bao giờ nhìn thấy loại chữ này.

“Chữ Mông của Việt Nam ngày xưa thì không biết nó trông như thế nào nên không dám khẳng định là có học nó hay không.” (Hạng Thị L., 24 tuổi, Giàng Tra)

“Trong bản thì không có ai biết đâu, ở bên ngoài cũng chưa nghe thấy đồn bao giờ mà.” (Má Thị P., 40 tuổi)

Một số thanh niên cho rằng chữ Mông Việt Nam chỉ phù hợp với người già, nên họ cũng không quan tâm.

“Chỉ có người già, người cao tuổi mới dùng chữ Mông Việt Nam mình thôi… Mình còn trẻ yêu đời nên chưa nhớ đến cái này (chữ Mông Việt Nam).” (Giàng A T., 24 tuổi)

“Chữ Mông Việt Nam là thời buổi ngày xưa được học thôi, bây giờ thì chắc không còn ai biết nữa, cũng không có ai dạy lại.” (Giàng Thị P., 27 tuổi)

Đánh giá chữ Mông Việt Nam, những người ủng hộ loại chữ này cho biết ưu điểm của chữ Mông Việt Nam là tính chính thống. Chính thống vì “chữ Mông Việt Nam là chữ mà Bác Hồ đã dạy cho… còn chữ Mông quốc tế tuyên truyền lung tung nên không thích” (Giàng A D., 42 tuổi), và vì “học chữ Mông Việt Nam để có thể dịch ra từ tiếng phổ thông các văn bản, chính sách pháp luật, chủ trương của nhà nước” (Vàng A P., 56 tuổi). Có lẽ cũng vì tính chính

21

thống này mà bà Giàng Thị M., 75 tuổi, khẳng định “biết chữ Mông Việt Nam thì được đi làm cán bộ”. Một số ít người còn đề cập đến một ưu điểm khác, đó là “chữ Mông Việt Nam giống giọng của mình hơn” nên dễ phát âm hơn mặc dù chính họ cũng không biết chữ Mông Việt Nam. Nhận định này cần được kiểm chứng thêm bởi các chuyên gia ngôn ngữ và những người thật sự biết loại chữ này.

Về nhược điểm của chữ Mông Việt Nam, phần lớn những người trả lời chưa từng nhìn thấy loại chữ này nên không thể đưa ra nhận xét, mà chỉ khẳng định rằng họ muốn học chữ Mông quốc tế. Có người tuy chưa bao giờ thấy chữ Mông Việt Nam nhưng lại phỏng đoán rằng loại chữ này “khó nói, giọng khó nghe” vì “giọng của mình nặng, sợ theo giọng mình thì khó học”. Anh Giàng A K. (27 tuổi) và anh Giàng A T. (22 tuổi) có biết đọc một chút chữ Mông Việt Nam thì nhận xét rằng loại chữ này khó viết vì “có dấu” và vì “có nhiều từ (sic) ghép quá, ví dụ ntxh, có hẳn 4-5 từ (sic) ghép vào như vậy nên rất khó”. Tuy nhiên, nhận xét này không đúng hoàn toàn vì ntxh là một phụ âm trong chữ Mông quốc tế. Có lẽ vì người trả lời không thạo cả hai loại chữ nên khó có thể đánh giá chính xác được. Bên cạnh đó, một số người cho rằng nhược điểm của chữ Mông Việt Nam là sự không phổ biến, không hữu dụng, nếu có học cũng không biết để làm gì.

“Bây giờ gần như cả nước người Mông chỉ sử dụng chữ Mông quốc tế chứ đâu có sử dụng chữ Mông Bác Hồ nữa.” (Lù Thị A., 31 tuổi)

Ngay như người già trước kia tham gia dạy và học chữ Mông Việt Nam cũng không rõ mục đích sử dụng của loại chữ này.

“Không có mục đích, không có định hướng gì mà, mà cũng có học được bao nhiêu đâu mà biết là dùng để làm gì chứ… Thấy thầy cô giáo gọi đi học thì biết đi học thôi chứ học xong có biết là sử dụng để làm gì đâu.” (Giàng Thị M., 75 tuổi)

“Dạy được trong vòng 3 năm, 3 năm ở trường nội trú, dạy chữ Mông rồi sau đó tôi về lấy chồng, tôi dạy từ năm 79 ở đó, rồi năm 80 đến 83 chuyển về đây. Từ khi chuyển về đây thì không còn sử dụng chữ Mông nữa nên tôi không còn dạy nữa.” (Hạng Thị X., 67 tuổi)

Như vậy, những phỏng vấn sâu với người dân địa phương cho thấy sự thật rõ ràng là chữ Mông Việt Nam không phổ biến và hữu dụng. Nó chỉ tồn tại trong ký ức của những người đã từng được học, hoặc trong hình dung mơ hồ của những người chưa bao giờ nhìn thấy. Những ưu nhược điểm về mặt ngữ âm học của chữ Mông Việt Nam cũng không được chỉ rõ; các đặc tính của chữ Mông Việt Nam hầu như chỉ được thể hiện qua một hình tượng trung gian, ví dụ như chữ Mông Việt Nam là “chữ của Bác Hồ”, là “chữ của người Mông ở Việt Nam”, hay học chữ Mông Việt Nam thì mới được làm cán bộ.

22

III. Chữ Mông quốc tế: Yêu thích và e ngại

Chữ Mông quốc tế8 (tên tiếng Anh là Romanized Popular Alphabet – RPA) được đồng sáng tạo bởi Tiến sĩ Linwood Barney (người Mỹ), Mục sư Yves Bertrais (người Pháp), và Tiến sĩ William Smalley (người Mỹ) khi các ông đang thực hiện công việc nghiên cứu và truyền đạo trong cộng đồng Mông ở Lào đầu những năm 1950 (Duffy, 2007, Yang, 1997). Khác với chữ Mông Việt Nam, chữ Mông quốc tế lấy ngữ âm Mông Trắng làm chuẩn. Tiếng Mông Trắng được coi là tiếng “phổ thông” của người Mông, và người Mông dù thuộc nhóm nào cũng có thể nghe, hiểu được tiếng này. Ngày nay, chữ Mông quốc tế được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng Mông ở Đông Nam Á (bao gồm cả Việt Nam), Trung Quốc và các nước có người Mông định cư (Smalley và cộng sự, 1990: 135-138), bên cạnh một số hệ chữ phổ biến khác như chữ Mông Pahawh và chữ Mông Pollard.9

Đầu thập kỷ 90, chữ Mông quốc tế vào Việt Nam qua con đường truyền đạo (Hờ Bá Hùa, 2014). Theo Nguyễn Văn Chính và Nguyễn Thị Tâm (2013), Tin Lành CMA đã vào Lào Cai từ những năm 1930 nhưng không thành công, và đến năm 1989 mới quay trở lại mạnh mẽ hơn. Trong vòng hai thập kỷ kể từ giữa những năm 1980, đã có tới 1/3 trong số 1 triệu người Mông ở Việt Nam cải đạo sang Tin Lành (Ngô Thị Thanh Tâm, 2010). Các nhà truyền giáo in và truyền bá kinh thánh và sách thánh ca bằng chữ Mông quốc tế, nên đồng thời cũng tổ chức dạy loại chữ này cho giáo dân. Bên cạnh đó, chữ Mông quốc tế cũng xuất hiện rộng rãi trong phụ đề của những đĩa phim, nhạc của người Mông ở nước ngoài được bán trên thị trường tự do, vì thế những người Mông không theo đạo cũng dễ dàng tiếp cận và trở nên yêu thích, quen thuộc với loại chữ này.

Đạo Tin Lành vào xã Tả Phìn từ năm 2005, và vì “Đảng và Nhà nước không có chính sách khuyến khích để phát triển” nên khi có nhiều người dân theo quá, xã đã “cử cán bộ công an, dân quân đến tận các hộ gia đình để tuyên truyền, vừa tuyên truyền vừa áp dụng các biện pháp mạnh, có thể áp giải những người cầm đầu xuống xã để hỏi, có một số trường hợp có thể đuổi đi không cho ở đây nữa.” Tuy nhiên, “khi sự việc đã trở nên căng thẳng thì xã cũng thống nhất cho một địa điểm cụ thể nào đó để làm nhà thờ và chỉ được phép thờ chứ không cho họp ở các gia đình khác. Với các hoạt động mừng Chúa giáng sinh… thì xã cũng tham gia giao lưu cùng chứ không ngăn chặn như ngày xưa… Bây giờ cho phép hoạt động nhưng không tạo điều kiện để phát triển.” (phỏng vấn một cán bộ xã)

Xã Tả Phìn có trên dưới 500 hộ, trong đó có 71 hộ tương ứng với 373 nhân khẩu theo đạo (số liệu do UBND Xã Tả Phìn cung cấp). Hầu hết những người theo đạo, nhất là thanh niên, đều biết chút ít hoặc thành thạo chữ Mông

8 Chữ Mông RPA chưa có tên gọi thống nhất tại Việt Nam. Các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học và người dân gọi loại chữ này bằng những tên gọi khác nhau như chữ Mông quốc tế, chữ Mông khu vực, chữ Mông nước ngoài, chữ Mông Mỹ, chữ Mông Thái, chữ Mông Latin. 9 Thế giới có tới hơn 10 hệ chữ Mông khác nhau, trong đó 3 loại chữ kể trên là phổ biến nhất.

Xem Phụ lục 2. Một số hệ chữ Mông* và http://www.hmonglanguage.net/index.html.

23

quốc tế, thông qua việc học Kinh thánh và hát thánh ca bằng tiếng Mông. Ông Vàng A S. (45 tuổi), một trong những người học đạo đầu tiên ở Giàng Tra, cho biết sách Tin lành viết bằng chữ Mông mà giáo dân được học là do một mục sư nước ngoài mang tới và truyền dạy cho mọi người. Về sau, mục sư Chang A Cang ở Tả Phìn đã học thành thạo chữ Mông quốc tế, và hiện là người dạy chính cho giáo dân ở đây. Ngoài ra, những nhóm trưởng trong cộng đồng giáo dân cũng tham gia dạy chữ ở cấp độ cơ bản (Giàng A K.).

Một số giáo dân nhìn nhận việc dạy và học chữ Mông quốc tế trong cộng đồng mình như một quá trình học tập bình thường, tuy nhiên cũng có người nhìn nó dưới khía cạnh tâm linh.

“Mình tự cầu nguyện theo suy nghĩ của mình thì mình biết hết thôi mà... Chúa bảo là theo Chúa thì Chúa để cho trong tim mình hết rồi.” (Châu Thị D., 26 tuổi)

“Những loại chữ đó đều là do mục sư đó cho cả, nếu mà muốn học để biết thì phải viết ra giấy rồi học thì mới biết. Nếu đã theo đạo thì kể cả là mình mù không biết chữ nhưng mà người ta dạy cho hát thì cũng hát theo được mà. Thấy bảo dưới kia có một người mặc dù mù nhưng đi theo đạo và khi mà anh ta sờ vào những dòng chữ trên trang giấy đó thì biết đó là chữ gì đấy10.” (Hạng Thị L.)

Như vậy, đối với nhiều người, đặc biệt là giáo dân, chữ Mông quốc tế gắn liền với đạo Tin Lành. Do đó, giáo dân có xu hướng đồng nhất lợi ích của việc học chữ với lợi ích của việc học đạo.

“Chữ Mông quốc tế thì học hay hơn, nó dạy cho cuộc sống thương yêu, đùm bọc nhau, dạy cho cách sống, cách thương người.” (Hạng Thị L., 22 tuổi)

“Khi theo đạo rồi, học chữ rồi thì bỏ cúng bái, thờ ma, thờ tổ tiên nên không có bệnh tật như xưa.” (Châu Thị L., 38 tuổi)

Trong khi đó, những người không theo đạo thường tự học chữ Mông quốc tế bằng cách xem đĩa nhạc, phim tiếng Mông có phụ đề chữ Mông quốc tế. Những đĩa nhạc, phim này thường mang nội dung giáo dục, giải trí lành mạnh, phản ánh phong tục tập quán của đồng bào Mông. Vì tự học qua đĩa, phần lớn người dân chỉ học được những từ cơ bản thường xuất hiện trên phim ảnh.

“Không có ai dạy nên không thành thạo đâu, chỉ được những từ thông dụng thôi. Ví dụ, anh thích em, anh nhớ em, yêu em, em sống ra sao, khỏe không?” (Lù Thị A.)

Với vốn chữ Mông tự học được, những thanh niên không theo đạo đã có thể lên mạng tìm thông tin, phim, nhạc, hay đăng những dòng cảm xúc

10 Có lẽ người trả lời muốn nói đến chữ nổi Braille.

24

(status) trên Facebook bằng chữ Mông quốc tế.11 Tuy nhiên, việc nhắn tin, viết thư cho nhau bằng chữ Mông quốc tế vẫn hạn chế vì không phải ai cũng biết loại chữ này. Do đó, nhiều người vẫn sử dụng chữ phổ thông.

Nói đến ưu điểm của chữ Mông quốc tế, những người không theo đạo cho rằng loại chữ này đọc lên nghe hay hơn vì ký âm theo tiếng Mông Trắng, dễ học vì không có dấu như chữ Mông Việt Nam và chữ phổ thông, dễ tiếp cận vì được sử dụng nhiều trong đời sống. Hơn nữa, học chữ Mông quốc tế cũng giúp mọi người xem được ca nhạc, phim và mở rộng giao lưu trong nước và quốc tế.

“Tiếng Mông quốc tế dễ nghe hơn, nói chuyện giọng điệu nhẹ nhàng êm tai hơn.” (Giàng A T.)

“Học chữ quốc tế thì đó là sự sử dụng rộng rãi của người Mông ở trên thế giới này, tôi học chủ yếu để giao tiếp với những người ở nước ngoài. Còn về nhược điểm thì không có gì… Khi kết bạn với mọi người thì có thể dễ dàng tìm hiểu về lịch sử, phong tục của người dân tộc mình chẳng hạn. Đó cũng chính là sự yêu thương dân tộc với nhau.” (Giàng A K.)

Trong khi những ưu điểm được liệt kê của chữ Mông quốc tế mang tính thực tiễn, các nhược điểm của loại chữ này chủ yếu được nhìn nhận trong mối quan hệ với nhà nước. Điều này được thể hiện qua sự quan ngại của người dân về tính chính thống của loại chữ này.

“Học chữ đó [chữ Mông quốc tế] không dùng được để mà làm cán bộ.” (Châu Thị D., 26 tuổi)

“Còn việc học chữ Mông quốc tế thì chưa chắc đã có thầy cô đến dạy và sợ nhà nước không cho phép, hơn nữa chỉ có những người theo đạo học thôi.” (Vàng A P., 56 tuổi)

Một số người dân không theo đạo cũng tỏ thái độ dè chừng khi nói đến chữ Mông quốc tế vì theo họ, chữ Mông quốc tế không phải là chữ “của mình” mà là chữ của người theo đạo. Em Giàng Thị V. (15 tuổi) cho biết em thích học chữ “trong tivi, ca nhạc” (chính là chữ Mông quốc tế) nhưng lại “không thích học chữ của những người theo đạo”. Như vậy, có thể thấy phần lớn người dân rất muốn học chữ Mông quốc tế nhưng lại không muốn tiếp xúc với những người theo đạo để học loại chữ này vì tâm lý e ngại đạo Tin Lành.

Sự e ngại đạo Tin Lành một phần đến từ trải nghiệm thật của bà con, rằng việc theo đạo Tin Lành sẽ làm mất đi bản sắc văn hóa của người Mông, một phần chịu ảnh hưởng từ diễn ngôn của nhà nước rằng các thế lực phản động thường sử dụng chữ Mông quốc tế để tuyên truyền, chống phá nhà nước.

11 Theo quan sát của chúng tôi, thanh niên, sinh viên người Mông đã lập nên một số nhóm trên Facebook, có sử dụng chữ Mông quốc tế để viết bài như “Hội những người yêu tiếng H’mông” (132 thành viên – tính đến ngày 8/8/2014), “BLL Sinh viên dân tộc Mông Hà Nội” (1862 thành viên) và “Sinh viên Hmong Việt Nam” (2248 thành viên).

25

“Bọn phản động trong người Mông ở nước ngoài tiếp tục sử dụng các đài phát thanh tiếng Mông để tuyên truyền, kích động tư tưởng ly khai, tự trị và liên kết với các thế lực chống Việt Nam” (Trần Nam Chuân, Website Ban Tôn giáo Chính phủ)

“- Bà con muốn tự mở lớp dạy chữ Mông cho nhau thì có được không, như tự dạy thêm ở nhà?

- Nó hơi có chút nhạy cảm, nếu có thể ở chỗ nào đấy thì phải có sự cho phép của các cấp chính quyền.

- Sao lại nhạy cảm ạ ?

- Chữ Mông nhạy cảm, có khi họp nhóm, họp nhiếc, lại có khi lại có chuyện khác.

- Nếu mà bà con học chữ Mông Thái thì có việc gì không tốt không ?

- Tôi chẳng thấy tốt ở chỗ nào cả, chẳng có ích lợi gì.” (cán bộ, tỉnh Lào Cai)

“Cái vấn đề đó [học chữ Mông quốc tế] cũng nhạy cảm… Chữ Mông Mĩ có cái phải đặt câu hỏi. Đã là dạy trong trường học thì phải dạy theo chữ Mông chuẩn của mình.” (cán bộ, tỉnh Lào Cai)

IV. Nguyện vọng của người dân

“Lấy chữ viết làm thí dụ, từ năm 1961, ngành giáo dục ta đã soạn thảo bộ chữ Mông dựa trên bảng chữ cái La Tinh, tuy nhiên mấy chục năm qua, tác dụng còn rất hạn chế, đồng bào chưa hào hứng. Vì bộ chữ Mông ta biên soạn còn phức tạp, nó kết hợp chữ cái La Tinh với âm sắc tiếng Việt, gây nên nhiều thanh sắc khó phát âm, nhiều từ khi phát âm nghe không đúng nghĩa tiếng Mông nữa, trong khi đó bộ chữ Mông quốc tế được biên soạn dễ đọc, dễ nhớ, người Mông tiếp nhận rất nhanh. Nhưng một số người vẫn nghĩ rằng kẻ địch đang lợi dụng dân tộc Mông, họ đã có tiếng nói thống nhất, nếu bây giờ có chữ viết thống nhất nữa thì sẽ là phương tiện thuận lợi cho các hoạt động sai trái. Tôi nghĩ rằng nhận thức đó không đúng, không nhân văn. Quản lý đất nước mà cứ nghi kỵ, cảnh giác với chính đồng bào của mình thì không thể nào đoàn kết một cách thực lòng.”

(Hoàng Xuân Lương, 2011)

Trong 48 người dân được hỏi, có tới 41 người cho biết họ muốn học chữ Mông quốc tế, sau khi đã xem xét ưu, nhược điểm của cả hai loại chữ. Với họ, việc học chữ Mông quốc tế là chuyện đương nhiên, chủ yếu vì tính phổ biến của loại chữ này, và cũng vì họ chưa từng nhìn thấy chữ Mông Việt Nam.

“Chữ Mông quốc tế sẽ gắn bó với xã hội người Mông lâu dài hơn, còn chữ Mông Việt Nam thì chắc sau này sẽ bị thoái hóa và biến mất thôi.” (Giàng A K., 28 tuổi)

Trong khi đó, có một số ít người ủng hộ việc dạy và học chữ Mông Việt Nam. Lý do có thể đơn giản chỉ là tò mò, vì họ chưa nhìn thấy chữ Mông

26

Việt Nam bao giờ nên muốn học cho biết. Sâu xa hơn, có người nhấn mạnh căn tính “người Mông Việt Nam” của mình, cho rằng chữ Mông Việt Nam mới là chữ của người Mông ở Việt Nam; quan điểm này có phần xuất phát từ tâm lý không ưa đạo Tin Lành nên cũng từ chối tất cả những thứ liên quan đến đạo này.

Unseth (2005: 22) cho rằng có bốn yếu tố tác động đến sự lựa chọn chữ viết. Thứ nhất, cộng đồng chọn một loại chữ nhất định nhằm phân biệt mình với nhóm khác. Nói cách khác, việc lựa chọn chữ viết là một cách để khẳng định căn tính của nhóm, và thường gắn liền với “quá khứ vinh quang” của nhóm đó. Căn tính của nhóm có thể là một thành tố của văn hóa quốc gia, nhưng cũng có thể được xác định trong mối quan hệ khăng khít với những người cùng dân tộc và ngôn ngữ, dù họ sống ở nước ngoài (Unseth, 2005: 23). Ở trường hợp của nhóm người Mông thôn Giàng Tra, một số người muốn học chữ Mông Việt Nam để khẳng định họ là người Mông ở Việt Nam và muốn gìn giữ bản sắc dân tộc mình. Quá khứ rực rỡ mà họ đề cập tới chính là thời điểm chữ Mông Việt Nam mới ra đời, gắn liền với công ơn của Bác Hồ, chứ không phải quá khứ xa xưa của một dân tộc mất quê hương mà những câu chuyện dân gian Mông thường nói tới. Trong khi đó, những người chọn học chữ Mông quốc tế lại khẳng định sự cố kết của cộng đồng người Mông, dù ở Việt Nam hay bất cứ nơi đâu trên thế giới. Phân tích tác động của diễn ngôn tôn giáo (bên cạnh diễn ngôn khoa học và diễn ngôn chính trị) đối với việc lựa chọn chữ viết, Eira (1998: 178) cho rằng hầu hết các loại chữ viết đều có ý nghĩa tâm linh, hoặc được tâm linh hóa, thần thánh hóa để xây dựng vị trí vững chắc trong tâm trí của người dùng. Điều này đúng với cả hai loại chữ: ý nghĩa tâm linh của chữ Mông quốc tế (gắn với Chúa trời) được nhìn nhận trong cộng đồng giáo dân, còn với những người người không theo đạo và muốn học chữ Mông Bác Hồ, việc họ tin rằng loại chữ này do Bác Hồ sáng tạo ra và vì thế cần phải gìn giữ dường như cũng mang ý nghĩa tinh thần.

Thứ hai, cộng đồng cũng lựa chọn chữ viết nhằm giữ khoảng cách với nhóm khác. Mong muốn giữ khoảng cách chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, bao gồm lòng tự hào dân tộc, tôn giáo và mong muốn có quyền tự chủ về chính trị (Unseth, 2005: 24). Ở Giàng Tra, một số người chọn học chữ Mông Việt Nam vì họ muốn phân tách mình khỏi nhóm Mông Tin Lành, và khẳng định quan điểm phải gìn giữ phong tục tập quán truyền thống của người Mông.

Thứ ba, những yếu tố liên quan đến phát triển trên phạm vi rộng cũng có thể ảnh hưởng đến sự lựa chọn chữ viết (Unseth, 2005: 27). Có thể nói, những người Mông không theo Tin Lành nhưng lại lựa chọn học chữ Mông quốc tế coi trọng sự phát triển của bản thân và cộng đồng hơn là các yếu tố cảm xúc, tâm linh, chính trị. Họ đơn giản muốn học chữ Mông quốc tế để nâng cao hiểu biết, mở rộng giao lưu, phát triển việc làm ăn, buôn bán. Theo Unseth (2005: 28), việc lựa chọn chữ viết dựa trên nhu cầu tương tác với các nhóm khác có thể chịu ảnh hưởng của “sự sẵn có của công nghệ in ấn”. Trong trường hợp hai loại chữ Mông ở Việt Nam, yếu tố công nghệ in ấn này không được thể hiện rõ

27

vì chữ Mông Việt Nam chủ yếu được in trong các tài liệu tuyên truyền của nhà nước mà người dân đọc không hiểu hoặc không tiếp cận được, còn chữ Mông quốc tế dường như chỉ được dùng để in Kinh Thánh và các sách dạy Kinh Thánh, Thánh ca. Những ấn phẩm xuất bản ở nước ngoài viết bằng chữ Mông quốc tế với nội dung phi tôn giáo dường như vẫn chưa được nhập về Việt Nam, ít nhất là trong cộng đồng Mông không theo đạo. Trên thực tế, công nghệ in ấn ở đây đã được thay thế bằng sự sẵn có của Internet và các nguồn tài liệu số. Trong hầu hết các phỏng vấn sâu, những người ủng hộ chữ Mông quốc tế đều đề cập đến nhu cầu gửi email, chat với người Mông ở nước ngoài, đọc sách báo bằng chữ Mông trên mạng, và xem DVD phụ đề chữ Mông.

Thứ tư, cộng đồng cũng lựa chọn chữ viết dựa trên những đặc điểm ngôn ngữ học của loại chữ đó. Họ sẽ đánh giá xem một loại chữ có thể hiện được đầy đủ các nguyên âm, phụ âm và thanh điệu trong ngôn ngữ của mình hay không (Unseth, 2005: 28). Cộng đồng Mông [không theo Tin Lành] ở thôn Giàng Tra chưa có đủ thông tin để có thể đánh giá, so sánh đặc điểm ngôn ngữ học của hai loại chữ Mông vì phần lớn chưa bao giờ nhìn thấy chữ Mông Việt Nam. Họ chỉ cảm nhận rằng chữ Mông quốc tế đọc lên nghe hay hơn và dễ học hơn vì không có dấu. Trong khi đó, giới học thuật ở Việt Nam cũng chưa công bố rộng rãi công trình nghiên cứu nào phân tích và đối chiếu các đặc điểm của hai loại chữ này.

Bên cạnh việc lựa chọn loại chữ viết để theo học, người dân cũng bộc bạch những nhu cầu thực tế khác liên quan đến việc đi học. Tất cả mọi người đều cho rằng việc tự học là rất khó, hoặc tự học thì không thể học đến nơi đến chốn được. Họ muốn có lớp học đàng hoàng, quy củ, có thầy giáo uy tín, giáo trình đáng tin cậy. Về thời gian học, họ muốn được học vào buổi tối hoặc lúc nông nhàn để không bị ảnh hưởng đến công việc hàng ngày. Mọi người cũng tin rằng học chữ Mông quốc tế không khó, nếu được mở lớp thì họ có thể biết chữ sau 3 tháng học tập.

Đáng chú ý, trong những phỏng vấn sâu do nghiên cứu viên cộng đồng thực hiện, xuất hiện những câu hỏi chứa đựng mong ước của chính người hỏi. Như đã đề cập ở trên, người dân địa phương có xu hướng coi chúng tôi như những người có thể tạo ra sự thay đổi trong cuộc sống của họ, có thể cung cấp ngay những trợ giúp vật chất.

“- Chào cháu! Nếu mai kia có dự án hỗ trợ dạy học chữ Mông ở đây được mở thì cháu có đi học chữ Mông mình không ?

- Cháu không biết đâu, cái đó còn tùy thuộc xem bố mẹ có cho đi học không đã.

- Thì người ta mở lớp dạy học ngay trong bản này mà, có cần phải đi đâu xa học đâu mà lo?” (phỏng vấn em Giàng A C.)

“- Vậy thì cháu đi học đầy đủ không được nghỉ học nhé, học cho tốt.

28

- Vâng! Cháu có mơ ước được trở thành một người thầy giáo nên sẽ cố gắng đi học tốt.

- Khi học được chữ Mông rồi thì cháu sẽ dạy lại cho mọi người trong nhà chứ?

- Cháu sẽ dạy cho các anh chị em, nếu bố mẹ không biết chữ Mông thì cháu dạy cho cả mọi người nữa, để mọi người cùng biết chữ.

- Cháu rất ngoan, làm được như vậy thì rất tốt.” (phỏng vấn em Giàng A M.)

Những đoạn hội thoại lạc quan về việc mở lớp dạy chữ Mông trong tương lai gần như trên không phải là hiếm, mặc dù chúng tôi chưa từng hứa hẹn về việc này, và đã khẳng định với nhóm nghiên cứu địa phương về vai trò điều phối, hướng dẫn và kết nối của mình. Điều này hàm ý rằng trong nghiên cứu cùng cộng đồng, quan hệ gắn bó và cam kết hành động giữa nghiên cứu viên cộng đồng và cơ quan khởi xướng dự án cùng nghiên cứu viên bên ngoài là vô cùng quan trọng, đặc biệt được thể hiện trong sự kỳ vọng của cộng đồng. Vì vậy, nghiên cứu viên bên ngoài cần tôn trọng và thực hiện cam kết, hoặc ít nhất là làm rõ với cộng đồng về khả năng cam kết của mình ngay từ đầu cũng như trong suốt quá trình nghiên cứu.

Một số người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, còn thể hiện ước mơ cao xa hơn, đó là mong muốn được đọc thông, viết thạo chữ Mông quốc tế để trở thành giáo viên dạy chữ cho những người khác. Tuy nhiên, cũng có những người cho biết phải được tiền hỗ trợ, được phát sách bút, miễn phí thì mới học mặc dù bản thân họ cũng rất muốn học chữ. Phải chăng họ đã quen với cách làm phát triển giáo dục của nhà nước?

“Học thì cần phải được tiền chứ, ngày trước họ học bổ túc văn hóa có được tiền mà. Hồi trước có một đợt họ mở lớp dạy học bổ túc và có được hỗ trợ đi học mỗi tháng 6 – 7 trăm nghìn mà, chính vì được tiền nên họ chỉ chọn những ai họ thích thì họ cho đi học, còn mình họ không ưa nên không cho đi học mà. Bây giờ mà có thầy cô dạy thì tôi muốn đi học lắm, già từng này tuổi nhưng mà không biết một chữ nào cả mà.” (Má Thị M., 30 tuổi)

“Có thêm được quần áo nữa càng tốt, đã đi học thì phải được hỗ trợ đầy đủ chứ, không thì học để mà làm gì.” (Lù Thị L., 28 tuổi)

Đáng chú ý, trong nhiều cuộc phỏng vấn với trẻ em, các em đều khẳng định nếu được hỗ trợ quần áo thì các em muốn được tặng quần áo của người Mông, chứ không phải quần áo người Kinh. Nguyện vọng này có lúc do các em tự nói ra, nhưng cũng có lúc do nghiên cứu viên địa phương hỏi trực tiếp. Dường như câu chuyện về việc nhận quà tặng là quần áo người Kinh đã được thảo luận khá nhiều trong cộng đồng người Mông.

29

D. Bình luận về quá trình nghiên cứu cùng cộng đồng

I. Tính chất giáo dục và hành động của nghiên cứu cùng cộng đồng

Thay đổi về năng lực nghiên cứu

Như đã đề cập ở chương Phương pháp nghiên cứu, nghiên cứu cùng cộng đồng bao gồm ba hợp phần: nghiên cứu, giáo dục và hành động. Trong dự án nghiên cứu về nhu cầu học chữ Mông, thông qua quá trình nghiên cứu, các nghiên cứu viên địa phương đã được học cách phân tích và tổng hợp vấn đề, cách xây dựng bảng hỏi và phỏng vấn, cách sử dụng các công cụ photovoice và videovoice để thể hiện ý tưởng của mình. Việc học tập này được thực hiện qua các khóa tập huấn chuyên biệt, hoặc qua việc thảo luận, học hỏi ngay trong công việc nghiên cứu.

Ban đầu, nhóm nghiên cứu địa phương gặp khá nhiều thách thức khi nghiên cứu. Bên cạnh việc chưa sử dụng thành thạo máy ghi âm hay chưa quen với việc đặt câu hỏi, thách thức lớn nhất đối với các nghiên cứu viên địa phương là làm sao để có được niềm tin của những người dân trong thôn bản. Có người không cho chụp ảnh, quay phim vì nghĩ rằng những người tham gia dự án sẽ kiếm được rất nhiều tiền từ những bức ảnh, thước phim đó. Có người từ chối trả lời phỏng vấn vì nghĩ rằng mình không biết gì để mà trả lời. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hành nghiên cứu, các nghiên cứu viên địa phương đã biết cách giới thiệu về mục đích nghiên cứu, cung cấp đủ thông tin về dự án để xây dựng niềm tin với bà con trong thôn. Có nghiên cứu viên lúc đầu có xu hướng thích thể hiện kiến thức và quan điểm của mình thay vì đặt câu hỏi cho người khác, và họ cũng cảm thấy ngại ngần khi hỏi những câu mà dường như ai cũng biết, không đáng hỏi, nhưng chỉ sau một vài buổi thực hành phỏng vấn, họ đã biết cách hỏi để tìm hiểu vấn đề nghiên cứu. Như chị Lý Thị Tùng tâm sự: “Hồi trước đi phỏng vấn ngại lắm. Bây giờ hết ngại rồi. Trước không đi nhiều, không quen, mình cứ ngại ngại sợ sợ. Bây giờ đi nhiều, biết nhiều hơn, nghe được nhiều hơn, mắt thấy nhiều hơn, thì không ngại, không sợ, không xấu hổ, không thấy nóng người, thấy bình thường”. Về sau, khi đã quen với công việc, nhóm nghiên cứu địa phương đã có thể khơi nguồn được những cuộc phỏng vấn tự nhiên, mặc dù đôi lúc thông tin thu được còn chưa khai thác được đến tận cùng của vấn đề.

Thay đổi về nhận thức, quan điểm

Việc tham gia nghiên cứu cũng giúp các nghiên cứu viên hiểu hơn, có cái nhìn toàn diện hơn về cộng đồng của mình và những vấn đề bên trong cộng đồng. Trước khi thực hiện nghiên cứu, một số nghiên cứu viên địa phương cho rằng đa số người dân muốn học chữ Mông Việt Nam, do đó họ cần nghiên cứu để tìm cách khôi phục loại chữ này. Khi được hỏi ai có thể dạy chữ Mông, nhóm nghiên cứu địa phương cũng chỉ nhắc tên ông Thào A P. và ông Châu A D. (là những người biết chữ Mông Việt Nam). Bản thân họ cũng có rất ít thông tin về chữ Mông Việt Nam và chữ Mông quốc tế. Sau khi phỏng vấn bà con trong thôn, nhóm nghiên cứu mới nhận thấy phần lớn người dân muốn học

30

chữ Mông quốc tế và lý do của sự lựa chọn này. Sự e ngại đạo Tin lành và “kỳ thị” chữ Mông quốc tế dường như bớt đi sau những thảo luận cởi mở, và nhóm nghiên cứu địa phương đã kể tên những người theo đạo có tiềm năng trở thành giáo viên dạy chữ Mông quốc tế trong tương lai.

Như vậy, với việc thực hiện nghiên cứu, nhóm nghiên cứu địa phương đã tự học hỏi được nhiều điều. Chữ Mông đối với họ không còn là điều gì bí ẩn hay một mơ ước xa vời nữa, mà đã trở thành một cái đích rõ ràng mà họ hướng tới. Anh Giàng A Của thể hiện niềm vui và tự hào của mình trước những thành công của dự án nghiên cứu chữ Mông: “Nhóm đã tự nghiên cứu được chữ Mông. Nếu học được thì rất là vui, nhưng mà không học được thì rất là buồn. Nếu học được thì giữ được bài cúng, bài hát, bài khèn. Tôi thấy nghiên cứu quá tốt. Tôi đi tận Hầu Thào, Lao Chải [thấy có lớp] học chữ Mông rất tốt. Lớp nào được học cả hai loại chữ thì giỏi hẳn lên so với lớp học một loại chữ. Tôi đã phân biệt được chữ Mông quốc tế và chữ Mông Việt Nam và biết được nhu cầu học chữ Mông của người dân. Trong thôn ai cũng vui mừng khi có người đi nghiên cứu, tìm hiểu về chữ Mông. Ai cũng muốn học chữ Mông nên rất thích.”

Nâng cao sự chủ động, tự tin

Trên khía cạnh hành động để giải quyết vấn đề, nhóm nghiên cứu địa phương cũng có sự chủ động rất lớn. Nhờ những mối quen biết từ trước, họ đã hẹn gặp một số cán bộ chủ chốt ở UBND xã và cùng chúng tôi tới để thực hiện phỏng vấn. Có người ngại không đi, nhưng cũng có người không ngại gì và lại mang theo máy ghi âm và máy quay phim để ghi lại cuộc nói chuyện. Những cuộc gặp với cán bộ địa phương không chỉ là cơ hội để nghiên cứu viên lắng nghe nhận định của cá nhân cán bộ đó và quan điểm chính thống của nhà nước, mà còn là dịp người dân tìm hiểu những chính sách, cách thức và thủ tục để họ biến ước mơ học chữ trở thành hiện thực. Theo gợi ý của cán bộ xã, nhóm nghiên cứu địa phương sẽ phối hợp với một số trưởng thôn để khảo sát nhu cầu học chữ của bà con ở nhiều thôn khác nhau trong xã. Sau khi thu thập đủ thông tin, xã sẽ gửi kiến nghị lên các cấp chính quyền cao hơn về việc mở lớp dạy chữ Mông theo đúng nhu cầu của người dân. Trên thực tế, các cán bộ xã đã thực hiện lời hứa này, điều làm chúng tôi khá bất ngờ và đã tiếp thêm hy vọng cho tất cả những người tâm huyết với dự án chữ Mông.

Ngày 18/6/2014, anh Giàng A Của và chị Hạng Thị Sa đã đại diện nhóm nghiên cứu địa phương tham gia trình bày kết quả nghiên cứu và trình chiếu phim phóng sự do cộng đồng tự thực hiện tại hội thảo về chữ Mông do Ủy ban Dân tộc tổ chức tại Hà Nội. Điều làm cho các nghiên cứu viên cảm thấy tự hào và được tạo động lực hơn cả là việc Ủy ban Dân tộc và hầu hết các đại biểu địa phương tham dự hội thảo đều tán đồng kết quả nghiên cứu, và chia sẻ rằng họ cũng có những trải nghiệm tương tự, trong khi những nhà ngôn ngữ học phân tích những ưu điểm về mặt ngữ âm của chữ Mông quốc tế so với chữ Mông Việt Nam. Điều này làm vơi bớt nỗi lo của các nghiên cứu viên địa phương rằng chữ Mông quốc tế là bất hợp pháp và là chữ của đạo Tin Lành. Sau khi trở về nhà, anh Của, chị Sa và các thành viên của nhóm nghiên cứu đã tìm

31

kiếm sự ủng hộ của UBND Xã và bà con trong thôn để chuẩn bị cho việc mở một lớp học chữ Mông quốc tế thử nghiệm tại cộng đồng.

Tháng 7/2014, lớp học chữ Mông buổi tối của thôn Giàng Tra ra đời, thu hút tới hơn 50 học viên. Bà con trong thôn rất hứng khởi; ngay cả các cán bộ xã cũng tham gia học, vừa để học cho mình, vừa là cách đảm bảo rằng lớp học chỉ nhằm mục đích dạy và học chữ viết. Tuy nhiên, sau khi dạy được 4 buổi, lớp học đã bị dừng lại vì bị chính quyền huyện nghi ngờ bởi giáo viên của lớp lại là một mục sư. Hơn nữa, lớp học lại diễn ra mà chưa được sự đồng ý của huyện và tỉnh. Sự cố này gây nên không ít thất vọng và bức xúc trong nhóm. Sau đó, mặc dù không còn được tham gia lớp học mà cộng đồng mơ ước, nhưng nhóm nghiên cứu địa phương vẫn tự tin, tự hào về những gì họ đã làm được, và tiếp tục lên tiếng vận động cho chữ Mông quốc tế tại các diễn đàn học thuật, chính sách. Nhóm cũng cho biết họ không muốn học “chui” mà muốn được học một cách công khai, chính thức vì học chữ Mông quốc tế không có gì là sai trái cả. Họ khẳng định rằng người Mông ở Việt Nam có quyền được sử dụng chữ viết của mình, và rằng họ là những người có đủ nhận thức, nên không thể bị “lôi kéo”, “tuyên truyền” như nhà nước vẫn lo ngại.

Thay đổi của cộng đồng

Kết thúc dự án nghiên cứu, các nghiên cứu viên địa phương đã giành được niềm tin và sự ủng hộ của bà con trong thôn nhờ sự nhiệt tình, tâm huyết với việc cải thiện đời sống cộng đồng. Chị Hạng Thị Sa chia sẻ: “Nhiều người rất thích công việc mà mình làm. Họ cám ơn mình vì mở được lớp, để họ được học chữ. Nhiều người cũng sang nhà mình bảo xin cho họ học tiếp đi.” Với dự án này, trong cộng đồng xuất hiện những gương mặt mới, tích cực như chị Hạng Thị Sa, anh Giàng A Trư, anh Vàng A Vàng. Cùng các thành viên khác của nhóm, họ đang ấp ủ ý tưởng thực hiện tiếp nghiên cứu mà không cần sự hỗ trợ của các tổ chức bên ngoài. Nhóm muốn tiếp tục vận động cho việc hợp thức hóa chữ Mông quốc tế, đồng thời dự định tiến hành nghiên cứu về xóa mù chữ và giáo dục phổ thông. Như vậy, trong khi nghiên cứu truyền thống là sản phẩm của nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, thì với cách tiếp cận nghiên cứu cùng cộng đồng, những kiến thức, kỹ năng và giá trị được tạo ra từ nghiên cứu là thành quả của cộng đồng và sẽ ở lại với cộng đồng trong đời sống thường ngày cũng như trong những hoạt động phát triển tiếp theo.

II. Thách thức của nghiên cứu cùng cộng đồng và bài học kinh nghiệm

1. Thách thức của nghiên cứu cùng cộng đồng

Trong phần này, chúng tôi sẽ phân tích những thách thức của dự án nghiên cứu cùng cộng đồng về chữ Mông, dựa trên một số nhận xét của Minkler (2004) về những khó khăn mà nghiên cứu cùng cộng đồng thường gặp phải:

(i) Lựa chọn chủ đề mà cộng đồng quan tâm: Nghiên cứu cùng cộng đồng cần đảm bảo rằng chủ đề nghiên cứu thật sự đến từ cộng đồng. Nếu chủ đề do người bên ngoài lựa chọn thì phải có một quá trình để cộng đồng đánh giá

32

xem chủ đề ấy có thật sự cấp thiết đối với họ hay không. Ngoài ra, cộng đồng cũng không phải là một thực thể thống nhất, họ có thể có những ý kiến khác nhau. Do đó, người điều phối cần tạo cơ hội để cộng đồng thảo luận, đi đến quyết định chung (Minkler, 2004: 688). Bên cạnh đó, cách tiếp cận nghiên cứu cùng cộng đồng cũng chú trọng vào các vấn đề gây tranh cãi, bởi sự chiêm nghiệm, đối thoại và phản biện cởi mở, chân thành giữa những người tham gia có thể giúp làm sáng tỏ hoặc tháo gỡ những vấn đề hóc búa (Minkler, 2004: 688).

Trong dự án nghiên cứu này, chủ đề tìm hiểu chữ Mông hoàn toàn do nhóm nghiên cứu địa phương lựa chọn, dựa trên những trải nghiệm của họ về nhu cầu của cộng đồng. Trên thực tế, quá trình nghiên cứu cũng cho thấy việc học chữ Mông là mối quan tâm lớn của hầu hết người dân tại địa bàn nghiên cứu, và cũng là một chủ đề mới với cả người dân và giới học thuật. Tuy nhiên, việc trao hoàn toàn quyền lựa chọn chủ đề nghiên cứu cho người dân địa phương cũng đem lại một chút khó khăn cho nhóm nghiên cứu bên ngoài, bởi nếu chủ đề được chọn không thuộc chuyên môn của nhóm nghiên cứu bên ngoài, thì nhóm sẽ phải dành thời gian để tìm và cộng tác với cá nhân, tổ chức có chuyên môn về lĩnh vực đó, hoặc tự bổ sung kiến thức cho bản thân. Vì vậy, nghiên cứu cùng cộng đồng cũng là một quá trình học tập với ngay cả những nghiên cứu viên bên ngoài. Việc học tập hoặc kết nối với những cá nhân, tổ chức liên quan cần được thực hiện ngay sau khi xác định chủ đề nghiên cứu.

(ii) Xung đột người trong cuộc – người ngoài cuộc: Theo Minkler (2004: 689), sự căng thẳng hoặc xung đột giữa người dân địa phương và nghiên cứu viên bên ngoài có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân như ám ảnh lịch sử (historical trauma), sự tự định kiến, quyền lực ẩn, thời gian, mối ưu tiên, và sự chênh lệch lợi ích của các bên tham gia dự án. Khi thực hiện nghiên cứu về chữ Mông, mặc dù sự xung đột này không thể hiện rõ và hệ quả của nó cũng không được nhìn thấy, nhưng nếu không được kiểm soát, nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới dự án. Ví dụ, khi nghiên cứu mới bắt đầu, không ít người trong nhóm nghiên cứu địa phương coi chúng tôi như cán bộ nhà nước, mà bản thân từ “cán bộ” (nhất là cán bộ người Kinh) đã hàm chứa quyền lực: họ cho rằng chúng tôi giỏi hơn, do đó có thể làm nghiên cứu tốt hơn; họ cho rằng chúng tôi có thể đem lại những thứ mà họ đang thiếu như nước sạch, sinh kế, vốn… Khi thảo luận về các vấn đề của địa phương, cả nghiên cứu viên địa phương và người dân sử dụng cụm từ “mong nhà nước hỗ trợ” khá thường xuyên. Sự tự định kiến và quan hệ quyền lực được cảm nhận đó cần phải được ý thức rõ bởi nghiên cứu viên bên ngoài để có cách ứng xử thân thiện, chân thành và gần gũi.

Ngoài ra, sự khác biệt về thời gian và mối ưu tiên cũng khiến chúng tôi mất nhiều thời gian để lập kế hoạch làm việc và tuân theo kế hoạch đó. Đối với chúng tôi, nghiên cứu là công việc chính nhưng đối với nghiên cứu viên cộng đồng, việc đồng áng mới là việc chính, và đôi khi, vì lý do thời tiết hay thiên tai, họ phải bỏ trống một tháng nghiên cứu để lo cho mùa vụ. Bản thân chúng tôi cũng không có điều kiện để ở lại địa bàn đủ lâu để thúc đẩy nghiên

33

cứu như ý muốn và nhiều khi phải điều phối, trao đổi qua điện thoại. Điều này khiến quan hệ đối tác của chúng tôi có lúc bị nới lỏng, nhất là khi cả hai bên đều bận một việc gì khác. Chia sẻ trải nghiệm này, chúng tôi cho rằng trong các dự án nghiên cứu cùng cộng đồng, sự tin tưởng và kết nối giữa nghiên cứu viên bên ngoài và nghiên cứu viên địa phương cần liên tục được nuôi dưỡng bằng cách này hay cách khác, để mỗi bên đều cảm thấy công việc và vai trò của họ vẫn được coi trọng và quan tâm.

Cuối cùng, chúng tôi muốn bàn về lợi ích mà dự án đem lại cho những người tham gia. Mặc dù lợi ích chủ đạo mà nghiên cứu cùng cộng đồng nhắm tới là cung cấp thông tin và kiến thức mới về chủ đề mà cộng đồng quan tâm, phát triển năng lực nghiên cứu, và hành động để giải quyết vấn đề, nhưng không vì vậy mà chúng ta bỏ qua sự công bằng trong việc phân bổ lợi ích vật chất của dự án. Một số học giả nhận định rằng nhiều dự án trông đợi nghiên cứu viên địa phương sẽ làm việc với một khoản lương nhỏ và nhiều khi việc chi trả khoản lương này còn bị trì hoãn vì các thủ tục tài chính phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của người tham gia (Minkler, 2004: 689). Ở Việt Nam, không ít tổ chức và cá nhân làm phát triển cho rằng các dự án phát triển là cơ hội để người dân nâng cao năng lực và đưa quan điểm của mình đến với các nhà hoạch định chính sách, vì vậy họ không nên đòi hỏi về tiền bạc. Có người còn cho rằng nếu trả nhiều tiền thì “người dân sẽ hư”, “lần sau sẽ khó làm tiếp nếu không có tiền”. Theo chúng tôi, mức lương dự án trả cho người dân làm dự án không nên quá cao để lợi ích vật chất trở thành động cơ tham gia của họ, nhưng cũng phải đủ bù đắp chi phí thực tế và chi phí cơ hội do họ bỏ ra. Thu nhập trung bình từ một ngày công lao động ở địa phương có thể là mức cơ bản nhất để dựa vào đó xác định mức lương trả cho người tham gia. Sẽ thật không công bằng nếu các dự án phát triển tiết kiệm từng khoản chi cho người dân nghèo nhưng lại đổ phần lớn nguồn tài chính vào những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận chuyển, khách sạn và hội thảo, đó là chưa kể mức lương cao của tư vấn và nghiên cứu viên chuyên nghiệp. Để giải quyết vấn đề công bằng trong việc phân bổ ngân sách dự án, đã có những khuyến nghị rằng các dự án phát triển cần tăng nguồn ngân sách cho đối tác từ cộng đồng, đồng thời giúp họ nâng cao năng lực để có thể trở thành người nhận tài trợ cho các dự án về sau. Ngoài ra, tài chính cho các dự án nghiên cứu cùng cộng đồng nói riêng và dự án phát triển nói chung cũng cần được quản lý nghiêm túc nhưng linh hoạt để có thể đáp ứng được nhu cầu của những hoạt động mới nảy sinh dựa trên nhu cầu của cộng đồng trong quá trình thực hiện dự án (Minkler, 2004: 689).

(iii) Chia sẻ kết quả và hành động: Trong nghiên cứu cùng cộng đồng, nhóm nghiên cứu địa phương sẽ là người đồng sở hữu kết quả và sản phẩm của nghiên cứu. Họ cần có quyền và tham gia quyết định việc sử dụng kết quả nghiên cứu cho những hành động tiếp theo để giải quyết vấn đề (Minkler, 2004: 693). Để đảm bảo nguyên tắc này, mỗi lần kết quả nghiên cứu được công bố, chúng tôi đều tham vấn nghiên cứu viên địa phương để họ xác minh nội dung. Nghiên cứu viên địa phương cũng là người quyết định có công bố những thông tin mà có thể bị coi là nhạy cảm hay không. Trên thực tế, nhóm

34

nghiên cứu cộng đồng của thôn Giàng Tra đã quyết định công bố toàn bộ thông tin vì với họ, đó đều là những điều quan trọng cần được nói ra. Trên khía cạnh hành động để giải quyết vấn đề, ban đầu cộng đồng cũng kỳ vọng iSEE và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai sẽ đáp ứng nhu cầu trực tiếp của họ là mở lớp dạy chữ Mông. Trải qua quá trình nghiên cứu, làm việc với chính quyền địa phương và tham gia một số hội thảo khoa học, đối thoại chính sách liên quan đến chữ Mông, nhóm nghiên cứu cộng đồng đã hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của vận động chính sách. Bản thân nhóm cũng chủ động giải quyết vấn đề của mình bằng cách tự mở lớp dạy chữ với sự ủng hộ và giúp đỡ của chính quyền địa phương.

2. Bài học kinh nghiệm

Bước đầu áp dụng cách tiếp cận nghiên cứu cùng cộng đồng, chúng tôi coi đây là một quá trình học tập, thử nghiệm đối với chính bản thân mình và với nhóm nghiên cứu địa phương, bởi với cả hai bên, cả chủ đề và phương pháp nghiên cứu đều mới mẻ. Vì vậy, việc liên tục suy ngẫm, đánh giá về nội dung, phương pháp nghiên cứu và cách làm việc trong suốt quá trình thực hiện dự án là vô cùng cần thiết. Qua dự án này, chúng tôi đã rút ra được một số bài học kinh nghiệm có thể áp dụng cho những chương trình nghiên cứu cùng cộng đồng tiếp theo:

(i) Các khóa tập huấn về kỹ năng, phương pháp nghiên cứu là cần thiết, nhưng không nên lạm dụng vì mọi người thường thích làm hơn là ngồi học một chỗ. Việc học-trong-khi-làm sẽ hiệu quả hơn là chỉ học và thực hành riêng rẽ.

(ii) Cộng đồng tham gia nghiên cứu cần được nâng cao kiến thức (ví dụ, kiến thức về quyền, vận động chính sách, pháp luật) hơn là chỉ tập huấn về kỹ năng.

(iii) Khi thực hiện nghiên cứu, các nghiên cứu viên, đặc biệt là nghiên cứu viên cộng đồng, nên làm việc theo nhóm để người này hỗ trợ người kia. Những người mới và những người ít tham gia cần được khuyến khích, tạo cơ hội.

(iv) Những sáng kiến để giải quyết vấn đề cần được nghĩ tới, bàn luận ngay khi có kết quả nghiên cứu sơ bộ. Nói cách khác, ba khía cạnh của nghiên cứu cùng cộng đồng là nghiên cứu, giáo dục và hành động cần được đan xen, kết nối chặt chẽ với nhau chứ không phải là những hoạt động rời rạc.

(v) Những phát hiện thu được của nghiên cứu cùng cộng đồng thường chỉ mang tính chất khám phá ban đầu. Cần có những dự án toàn diện, chiến lược hơn để tìm hiểu và giải quyết vấn đề một cách triệt để.

E. Kết luận và khuyến nghị

* Về chủ đề chữ Mông

Những dữ liệu sơ cấp và thứ cấp do tất cả các nghiên cứu viên thu thập cho thấy việc học chữ, biết chữ là nhu cầu cấp thiết của người dân, đặc biệt là những người lớn và phụ nữ không biết chữ. Ngoài những lợi ích thực tiễn,

35

việc biết chữ cũng có ảnh hưởng lớn tới tâm lý và sự tự tin của người dân. Nếu như chữ phổ thông có thể giúp người Mông giao lưu, buôn bán với các dân tộc khác, thì chữ Mông được cho là cần thiết để họ khẳng định bản sắc và lưu giữ văn hóa truyền thống của mình.

So sánh các loại chữ hiện có, chỉ một số ít người già được học từ xưa là biết chữ Mông Việt Nam, còn phần lớn mọi người chưa từng nhìn thấy chữ Mông Việt Nam, tin rằng loại chữ này đã “biến mất” khoảng từ năm 1979. Trong khi đó, người dân thấy được sự phổ biến, tiện dụng của chữ Mông quốc tế, và đa số muốn học loại chữ này. Tuy nhiên, chỉ có nhà thờ đạo Tin Lành là nơi duy nhất dạy chữ Mông quốc tế cho người dân nói chung, còn chữ Mông Việt Nam chỉ được dạy ở những trường học nơi có 100% học sinh là người Mông hoặc dạy cho cán bộ làm việc ở địa bàn có người Mông sinh sống. Hiện nay, những người Mông không theo đạo ở thôn Giàng Tra chưa biết nhiều chữ Mông quốc tế vì họ chỉ tự học được một chút qua băng đĩa có phụ đề chữ Mông. Đáng chú ý, họ muốn học chữ Mông quốc tế nhưng đồng thời cũng có tâm lý không ưa đạo Tin Lành. Điều họ cần là cơ hội để học chữ Mông quốc tế một cách phi tôn giáo. Mặc dù yêu thích chữ Mông quốc tế, nhưng nhiều người đang e ngại về tính chính thống của loại chữ này, sợ nhà nước không cho phép học, hoặc cho rằng phải biết chữ Mông Việt Nam thì mới được làm cán bộ.

Về hình thức tổ chức học chữ Mông, phần lớn người trả lời phỏng vấn muốn có lớp học đàng hoàng, bài bản. Lớp học có thể vào buổi tối hoặc lúc nông nhàn để không ảnh hưởng tới công việc thường ngày. Người dân cho rằng việc tự học chữ là rất khó, hoặc nếu có học cũng không đến nơi đến chốn được. Trong khi đó, một số nghiên cứu viên địa phương cho rằng họ muốn nhà nước chính thức công nhận và cho phép học chữ Mông quốc tế, chứ không muốn tham gia các hình thức học “chui”. Tuy nhiên, cũng có một số ít người dân có tâm lý phụ thuộc vào nhà nước. Họ muốn được hỗ trợ tiền hoặc quần áo, sách bút thì mới đi học.

Dựa trên những phát hiện của nghiên cứu, chúng tôi có một số khuyến nghị như sau:

Nhà nước và các tổ chức giáo dục cần nghiên cứu thêm về thực trạng và nhu cầu sử dụng chữ viết của người Mông ở Việt Nam, so sánh những đặc điểm xã hội và ngôn ngữ học của chữ Mông Việt Nam và chữ Mông quốc tế, qua đó xác định loại chữ phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của người dân, xem xét việc hợp thức hóa việc dạy và học chữ Mông quốc tế.

Nhà nước cần tạo cơ sở pháp lý, vật chất, kỹ thuật để người dân có thể học chữ Mông tại các lớp học hoặc câu lạc bộ do cộng đồng tự tổ chức. Việc người dân tự tổ chức lớp học không chỉ giúp tăng cường trách nhiệm của họ trong việc duy trì lớp và kiên trì học tập, mà còn giảm bớt gánh nặng cho nhà nước. Các lớp học cộng đồng cũng sẽ giúp chữ Mông và tri thức đến được với nhiều người hơn, chứ không chỉ dành cho trẻ em như các lớp chữ Mông tại trường phổ thông như hiện nay.

36

Song song với việc hợp thức hóa các lớp học cộng đồng, cơ quan quản lý giáo dục có thể thiết kế, sản xuất và lưu hành tài liệu dạy chữ Mông dưới dạng sách hoặc đĩa DVD để những người quan tâm có thể tự học ở nhà, trong điều kiện thiếu giáo viên như hiện nay.

Nghiên cứu cho thấy khá nhiều người, đặc biệt là phụ nữ, không biết chữ Phổ thông hoặc chưa đọc thông viết thạo, và họ mong muốn được học chữ phổ thông để tiện việc làm ăn và giao tiếp trong đời sống hàng ngày. Vì vậy, việc phổ cập chữ phổ thông cho người lớn cũng cần được chú trọng hơn, chương trình học cần được thiết kế cho phù hợp với văn hóa và đời sống xã hội tại cộng đồng.

* Về cách tiếp cận nghiên cứu cùng cộng đồng

Quá trình tự nghiên cứu của người dân thôn Giàng Tra đã chứng minh rằng cách tiếp cận nghiên cứu cùng cộng đồng mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho bản thân đề tài nghiên cứu, mà còn cho chính cộng đồng thực hiện nghiên cứu. Phương pháp này đã giúp xác định đề tài nghiên cứu mới, thiết thực đối với cộng đồng. Các phỏng vấn sâu do người trong cuộc tự thực hiện đã khai thác được những khía cạnh tinh tế trong tâm tư của cộng đồng mà nghiên cứu viên bên ngoài khó có thể nhìn thấy. Những thảo luận cởi mở trong chương trình nghiên cứu cũng giúp mọi người trong cộng đồng hiểu hơn về nhau và về đề tài nghiên cứu, qua đó làm sáng tỏ hơn những vấn đề của cộng đồng. Một nguồn dữ liệu sinh động, phong phú là sản phẩm của dự án nghiên cứu cùng cộng đồng, bao gồm hàng nghìn bức ảnh, 200 đoạn phim, hàng chục file ghi âm phỏng vấn bằng tiếng Kinh và tiếng Mông. Cuối cùng, việc tự thực hiện nghiên cứu đã nâng cao tiếng nói, vị thế, năng lực nghiên cứu – lãnh đạo, và động lực hành động để biến đổi xã hội của người tham gia. Với tâm thế mới này, họ có tiềm năng trở thành những người lãnh đạo cộng đồng, những người chủ động và tình nguyện hoạt động vì sự công bằng và phát triển chung của cả cộng đồng.

Với những ưu điểm như trên, cách tiếp cận nghiên cứu cùng cộng đồng nên được áp dụng rộng rãi hơn trong các dự án nghiên cứu - phát triển, song nó không nên là một hoạt động nhỏ lẻ, thời vụ mà cần có sự kết nối với những dự án, cá nhân khác có liên quan nhằm đạt được kết quả tối ưu là giải quyết vấn đề, đồng thời phát hiện và phát triển các nhóm lãnh đạo cộng đồng. Nghiên cứu cùng cộng đồng đòi hỏi nguồn lực lớn về thời gian và tài chính. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả vẫn là sự công bằng, thấu hiểu giữa nghiên cứu viên bên ngoài và nghiên cứu viên cộng đồng – những người cùng hành động vì mục tiêu chung.

37

Phụ lục 1. Bảng hỏi phỏng vấn sâu

HƯỚNG DẪN PHỎNG VẤN SÂU NGƯỜI DÂN VỀ CHỮ MÔNG

Chủ đề Câu hỏi Lưu ý

1. Giới thiệu về nghiên cứu

1. Nghiên cứu viên giới thiệu tên, cơ quan công tác

2. Mục đích cuộc phỏng vấn: nhằm tìm hiểu quan điểm và nhu cầu học chữ Mông của người dân, từ đó góp phần hoàn thiện chính sách liên quan đến dạy và học chữ Mông.

3. Thông tin thu được sẽ chỉ được dùng cho việc nghiên cứu, và không xuất hiện ở đâu khác nếu không có sự cho phép của người được phỏng vấn.

2. Thông tin chung về người trả lời

(Quan sát: Giới tính, tình trạng sức khỏe, điều kiện sinh hoạt)

4. Xin ông/ bà cho biết họ và tên?

5. Ông/bà sinh năm bao nhiêu?

6. Ông/bà hiện đang sống với ai?

7. Ông/bà đã sống ở đây lâu chưa?

8. Ông/bà đã học hết lớp mấy? Có biết đọc, biết viết tiếng Kinh hay tiếng Mông không?

3. Thực trạng việc biết và sử dụng chữ Mông ở thôn

9. Ở thôn mình có nhiều người biết chữ Mông Việt Nam không? Vì sao? Gia đình ông/bà có ai biết chữ Mông Việt Nam/quốc tế không?

10. Ở thôn mình, ai là người biết chữ Mông Việt Nam? Hỏi thông tin về người này. Người đó đã học chữ Mông Việt Nam bằng cách nào? Người đó đã sử dụng chữ Mông Việt Nam như thế nào? (hỏi lịch sử cuộc đời)

11.Ở thôn mình có nhiều người biết chữ Mông quốc tế không? Vì sao?

12. Ở thôn mình, ai là người biết chữ Mông quốc tế (thanh niên, người theo Tin lành…)? Họ đã học chữ Mông quốc tế bằng cách nào? Họ đã sử dụng chữ Mông quốc tế như thế nào?

13. Chữ Mông Việt Nam và chữ Mông quốc tế khác nhau như thế nào? Việc dùng chữ Mông Việt Nam có ưu điểm, nhược điểm gì ? Việc dùng chữ Mông quốc tế có ưu điểm, nhược điểm gì ?

Phân biệt chữ Mông Việt Nam và chữ Mông quốc tế

38

14. Theo ông/bà, biết loại chữ nào thì có lợi hơn ? Vì sao ?

4. Thực trạng việc học chữ Mông ở thôn

15. Ở thôn mình có bao nhiêu người đang học chữ Mông Việt Nam và chữ Mông quốc tế? Họ là những ai? Họ học bằng cách nào? Họ học để làm gì?

16. Ai là người dạy chữ Mông Việt Nam và chữ Mông quốc tế? Họ dạy như thế nào? Họ dạy có dễ hiểu không? Họ dạy vì mục đích gì? Họ dạy lúc nào, ở đâu ?

17. Ở thôn có sách, băng/đĩa/nguồn Internet/tài liệu phổ biến chính sách bằng chữ Mông Việt Nam và chữ Mông quốc tế không? Nhiều hay ít? Nội dung như thế nào? Giữ ở đâu? Bà con có được xem không?

18. Ông/bà có biết thông tin gì về việc học chữ Mông ở các thôn khác không?

Nghiên cứu viên xin được xem và chụp ảnh tài liệu bằng chữ Mông.

5. Nhu cầu học chữ Mông của bản thân

19. Ông/bà có nhu cầu học chữ Mông không? Học để làm gì?

20. Nếu có, ông/bà muốn học chữ Mông Việt Nam hay chữ Mông quốc tế? Vì sao?

21. Người nhà ông/bà có nhu cầu học chữ Mông không? Học để làm gì?

22. Nếu có, người đó muốn học chữ Mông Việt Nam hay chữ Mông quốc tế? Vì sao?

23. Ông/bà muốn học chữ Mông bằng cách nào: học theo lớp, nhờ người quen dạy, hay là tự học qua sách, băng đĩa, Internet? Vì sao?

24. Ông/bà có thời gian đi học chữ Mông không? Nếu có thì vào lúc nào là phù hợp?

25. Ông/bà có muốn chia sẻ thêm thông tin, ý kiến gì nữa không?

39

BẢNG HỎI CÁN BỘ ĐỊA PHƯƠNG

Cấp xã

1. Ông/bà có biết chữ Mông không? Chữ Mông Việt Nam hay quốc tế?

2. Ông/bà học loại chữ này từ bao giờ? Học như thế nào? Học để làm gì? Ông/bà đang sử dụng loại chữ này như thế nào?

3. Ông/bà nhận xét như thế nào về tình hình học chữ Mông của bà con ở địa phương?

4. Học sinh ở xã có được học chữ Mông không? Học như thế nào?

5. Theo ông/bà, bà con nên học loại chữ nào? Vì sao?

6. Xã đã sử dụng chữ Mông vào những việc gì? Có hiệu quả không?

7. Nhà nước và chính quyền địa phương có chủ trương gì đối với việc dạy và học chữ Mông?

8. Xã đang có chương trình, dự án gì liên quan đến chữ Mông không?

9. Xã có muốn phát triển việc dạy chữ Mông cho bà con không? Nếu có, xã đã làm như thế nào?

10. Ông/bà đánh giá như thế nào về tình hình bà con theo đạo Tin Lành ở Tả Phìn? Chính quyền có chủ trương gì đối với đạo Tin Lành ở đây?

11. Nhà thờ Tin Lành đã dạy chữ cho bà con như thế nào? Có hiệu quả không? Chính quyền có quan điểm gì về việc này?

Cấp tỉnh

1. Hiện nay chính quyền tỉnh đã có những dự án, chương trình nào liên quan đến việc dạy và học chữ Mông, đặc biệt là dạy chữ cho bà con dân tộc thiểu số?

2. Việc dạy chữ Mông đã được triển khai ở những trường học, cơ quan nào? Nhằm vào đối tượng nào?

3. Chương trình dạy chữ Mông cho học sinh các trường phổ thông là do ai soạn? Có thống nhất trên toàn quốc không? Hiệu quả đến đâu?

4. Chương trình đào tạo chữ Mông và cấp chứng chỉ cho học viên (cán bộ) được thực hiện như thế nào?

5. Chính quyền có quan điểm như thế nào về việc bà con học chữ Mông quốc tế? Chính quyền có kế hoạch dạy hoặc sử dụng chữ Mông quốc tế không?

6. Cá nhân ông/bà có quan điểm như thế nào?

7. Những đối tượng nào được phép mở lớp dạy chữ Mông? Nếu người dân tự mở lớp để dạy cho nhau thì có được không?

8. Nếu bà con ở thôn, xã có nhu cầu học chữ Mông, thì có thể gửi yêu cầu lên Tỉnh không? Quy trình, thủ tục như thế nào?

40

Phụ lục 2. Một số hệ chữ Mông*

Các hệ chữ được xây dựng vì mục đích chính trị - xã hội

Tên Chữ Mông Việt Nam

Chinese Roman

Pathet Lao Whitelock Lao

Whitelock Thai

Thời điểm được tạo ra

Cuối những năm 1950

Cuối những năm 1950

Cuối những năm 1960

Đầu những năm 1970

Cuối những năm 1960

Gốc Chữ Việt Pinyin Lào Lào Thái

Phương ngữ

Hmong Daw

? ? ? ?

Nguồn gốc tôn giáo/chính trị/quốc gia

Bắc Việt Nam

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa

Cộng sản Lào

Tin Lành/Chính phủ Lào chấp nhận

Tin Lành/Chính phủ Thái chấp nhận

Người sáng tạo

Các nhà ngôn ngữ học Việt Nam

Người Hoa Người Lào Whitelock Whitelock

Việc sử dụng ngày nay

Có một số ấn phẩm; dường như không còn được sử dụng

Giới học thuật Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; dường như người Mông ít dùng

? Một số người Mông Tin lành ở Hoa Kỳ và Ban Vinai12 (có thể cả ở Lào)

Nam Thái Lan, sử dụng bộ chữ cải tiến

Các hệ chữ được xây dựng vì mục đích truyền đạo Thiên Chúa

Tên Pollard Savina Homer-Dixon

Trung RPA

Thời điểm được tạo ra

Cuối thế kỷ 19

Đầu những năm 1920

Cuối những năm 1930

Đầu những năm 1930

Đầu những năm 1950

12 Một khu tị nạn lớn ở Thái Lan.

41

Gốc Không Chữ Việt Chữ Việt Thái Chữ Roman Anh/Pháp

Phương ngữ

Hmong Bo

Hmong Daw/Leng

Gần như Mong Leng

Mong Njua Hmong Daw; Mong Leng

Nguồn gốc tôn giáo/chính trị/quốc gia

Thiên Chúa giáo

Thiên Chúa giáo

Thiên Chúa giáo

Thiên Chúa giáo Việt Nam

Tin lành và Công giáo

Người sáng tạo

Pollard và China Inland Mission

Savina Homer-Dixon

Trung Smalley, Barney và Bertrais

Việc sử dụng ngày nay

Vẫn được dùng ở Trung Quốc

Có một số ấn phẩm, nhưng không còn được sử dụng

Có một số ấn phẩm, nhưng không còn được sử dụng

Không còn được sử dụng

Lào, Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ, Úc, pháp

Các hệ chữ được xây dựng thuần túy để ký âm tiếng Mông

Tên Ntawv Puaj Txwm

Nda Pa Ndau Pahawh

Thời điểm được tạo ra

Cổ xưa ? Những năm 1980 1959

Gốc Không Không Không

Phương ngữ Hmong Daw Tất cả ? Tất cả ?

Nguồn gốc tôn giáo/chính trị/quốc gia

Truyền thống Mông

Mông Thiên Chúa giáo

Truyền thống Mông

Người sáng tạo Hmong Cher Vang Kong Shong Lue Yang

Việc sử dụng ngày nay

Không Một số giáo xứ ở California

Ban Vinai; California

* Trích từ Eira (1998: 193, 196, 199). Danh mục này không phải là một thống kê đầy đủ về tất cả các hệ chữ Mông đã từng tồn tại trong lịch sử.

42

Phụ lục 3: Tóm lược các bước thực hiện nghiên cứu cùng cộng đồng tại Sa Pa

1. Thành lập nhóm nghiên cứu địa phương: Người điều phối ở địa phương tổ chức một cuộc họp thôn để giới thiệu về dự án và chọn người tham gia nghiên cứu. Việc thành lập nhóm nghiên cứu địa phương gồm 7 người được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, với điều kiện người tham gia phải nhiệt tình và có thể giao tiếp cơ bản bằng tiếng Kinh. Dự án cũng khuyến khích sự tham gia của phụ nữ. Cuối buổi họp, nhóm nghiên cứu gồm 4 nam – 3 nữ được thành lập. Dù họ tự ứng cử hay được đề cử, sự tham gia của họ đều được dân làng nhất trí công nhận.

Cách tiếp cận nghiên cứu cùng cộng đồng được giới thiệu cho nghiên cứu viên địa phương để họ hiểu được tầm quan trọng của tiếng nói người trong cuộc, và vai trò của mình trong việc đưa tiếng nói ấy đến với công chúng và các nhà hoạch định chính sách. Nguyên tắc được nhấn mạnh là vị thế và vai trò bình đẳng giữa nghiên cứu viên địa phương và nghiên cứu viên bên ngoài trong suốt quá trình thực hiện nghiên cứu.

2. Tìm hiểu chung về các vấn đề của cộng đồng bằng PRA và photovoice: Các nghiên cứu viên được hướng dẫn sử dụng và thực hành những công cụ mang tính trực quan như PRA (đánh giá nông thôn có sự tham gia) và photovoice (tiếng nói qua ảnh). Với những công cụ này, nhóm nghiên cứu địa phương có thể truyền tải ý kiến của mình một cách thuận lợi và hấp dẫn hơn. Trong khóa thực hành PRA, nhóm nghiên cứu địa phương đã dùng sơ đồ thôn bản và biểu đồ lịch sử để phác họa tổng quan các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội ở cộng đồng mình. Sau đó, trong 1 tháng thực hành photovoice, nhóm đã đi chụp ảnh và phỏng vấn người dân về những vấn đề nổi bật ở địa phương như tình trạng thiếu nước sinh hoạt, gia súc thiếu thức ăn vào mùa rét, trồng rừng, phong tục tập quán, việc canh tác, v.v.

3. Nhóm nghiên cứu địa phương tự xác định chủ đề nghiên cứu: Sau khi xác định các vấn đề nổi bật ở địa phương, nhóm nghiên cứu cộng đồng đã thảo luận và lựa chọn một chủ đề mà bản thân họ và bà con trong thôn cho là quan trọng, cấp thiết nhất để tiến hành nghiên cứu sâu hơn.

4. Cùng xây dựng bảng hỏi phỏng vấn sâu: Nghiên cứu viên bên ngoài và nghiên cứu viên địa phương cùng thảo luận để xây dựng bảng hỏi với các câu hỏi được chia thành một vài chủ đề lớn.

5. Hướng dẫn phương pháp nghiên cứu (chọn mẫu, lập kế hoạch, cách phỏng vấn): Nghiên cứu viên bên ngoài gợi ý những tiêu chí chọn mẫu như số lượng, giới tính, độ tuổi, v.v. và hướng dẫn cách sử dụng máy ghi âm, cách hỏi và lắng nghe khi thực hiện phỏng vấn. Nghiên cứu viên địa phương lên danh sách những người cần phỏng vấn theo đúng tiêu chí chọn mẫu và lập kế hoạch phù hợp.

43

6. Phỏng vấn sâu: Ban đầu, mỗi cuộc phỏng vấn kéo dài khoảng 30 phút và được thực hiện bởi một nghiên cứu viên địa phương và một nghiên cứu viên bên ngoài, trong đó nghiên cứu viên địa phương đóng vai trò phỏng vấn chính. Nghiên cứu viên bên ngoài được phiên dịch lại nội dung phỏng vấn, và hỏi bổ sung những ý mình quan tâm. Từ đợt phỏng vấn sau, nghiên cứu viên địa phương chủ động phỏng vấn mà không cần sự hướng dẫn của nghiên cứu viên bên ngoài.

7. Phân tích dữ liệu và tiếp tục phỏng vấn cho đến khi vấn đề được tìm hiểu, giải thích cặn kẽ: Cuối mỗi buổi phỏng vấn, các nghiên cứu viên thảo luận về kỹ năng phỏng vấn và những thông tin thu thập được, rút kinh nghiệm cho những lần phỏng vấn sau. Cuối mỗi đợt phỏng vấn, cả nhóm nghiên cứu cùng nhau tổng hợp, phân tích và trình bày lại các phát hiện của nghiên cứu, đồng thời xác định những khía cạnh cần tìm hiểu sâu hơn. Nhóm tiếp tục phỏng vấn cho đến khi vấn đề được tìm hiểu cặn kẽ.

8. Báo cáo kết quả nghiên cứu bằng phim và văn bản: Nhóm nghiên cứu địa phương được hướng dẫn sử dụng máy quay phim cầm tay để tự thực hiện phóng sự ngắn về chủ đề nghiên cứu. Với các chất liệu phim thu thập được, nghiên cứu viên bên ngoài cùng nghiên cứu viên địa phương dựng phim, đồng thời viết báo cáo nghiên cứu bằng văn bản.

9. Chia sẻ kết quả nghiên cứu cấp trung ương và địa phương: Nghiên cứu viên địa phương và nghiên cứu viên bên ngoài cùng trình bày kết quả nghiên cứu tại các diễn đàn học thuật và chính sách như:

● Hội thảo “Báo cáo kết quả thực hiện khảo sát việc sử dụng tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Mông” do Ủy Ban Dân Tộc tổ chức ngày 18/6/2014 tại Hà Nội

● Hội thảo “Nghiên cứu cùng cộng đồng: Ứng dụng nhân học trong phát triển ở vùng dân tộc thiểu số Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường, Viện Dân tộc học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), và Bộ môn Nhân học (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) phối hợp tổ chức ngày 1/10/2014 tại Hà Nội

● Hội thảo “Chữ Mông ở Việt Nam: Thực trạng sử dụng, phổ biến và vai trò trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai và Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường phối hợp tổ chức ngày 13/12/2014 tại thành phố Lào Cai

10. Tiếp tục áp dụng phương pháp nghiên cứu cùng cộng đồng: Sau thành công của nghiên cứu chữ Mông, nhóm nghiên cứu địa phương nhận được tài trợ nhỏ của tổ chức CARE cho đề án cộng đồng tự nghiên cứu và hành động để xóa mù chữ phổ thông ở thôn mình.

11. Chính quyền địa phương tham gia giải quyết vấn đề do nghiên cứu đặt ra: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai chuẩn bị mở lớp học chữ Mông quốc tế thí điểm cho người dân tại Lào Cai vào năm 2015.

44

Phụ lục 4: Các chương trình liên quan tới chữ Mông quốc tế ở Việt Nam hiện nay

1. Năm 2001, UBND tỉnh Bắc Kạn đã mở khóa đào tạo tiếng Mông bằng chữ Mông quốc tế cho cán bộ, công an, quân đội và giáo viên. Đến nay, tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng, nghiệm thu và đưa vào sử dụng giáo trình dạy tiếng Mông bằng chữ Mông quốc tế cho các đối tượng nói trên. Năm 2009, giáo trình này đã được sử dụng để dạy tiếng Mông cho cán bộ và giáo viên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tại lớp đào tạo do Tỉnh ủy Thái Nguyên và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên tổ chức (Nguyễn Kiến Thọ và Lầu Văn Chinh, 2014).

2. Năm 2006, Ban Tôn giáo Chính phủ phối hợp với Công an tỉnh Thái Nguyên tổ chức biên dịch Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo và các văn bản pháp luật có liên quan đến người Mông bằng chữ Mông quốc tế để phổ biến cho các chức sắc, tín đồ người Mông theo đạo Tin Lành trên địa bàn tỉnh (Nguyễn Kiến Thọ và Lầu Văn Chinh, 2014).

3. Chương trình truyền hình tiếng Mông của các Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên đã sử dụng phụ đề bằng chữ Mông quốc tế (Nguyễn Kiến Thọ và Lầu Văn Chinh, 2014).

4. Trung tâm Nghiên cứu - Đào tạo Ngôn ngữ và Văn hóa các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc, Đại học Thái Nguyên, đã sử dụng chữ Mông quốc tế trong công tác đào tạo tiếng Mông. Khóa đào tạo thử nghiệm do Trung tâm thực hiện tại trường Văn hóa I - Bộ Công an có kết quả tốt, tạo tiền đề để Trung tâm tiếp tục tổ chức các lớp học tiếng Mông bằng chữ Mông quốc tế cho sinh viên và giảng viên (Phạm Thị Phương Thái, 2014).

5. Năm 2012, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai đã thực hiện khảo sát, đánh giá việc giảng dạy chữ Mông tại 2 huyện Bảo Thắng và Sa Pa, tỉnh Lào Cai với đối tượng khảo sát là học sinh tiểu học, học sinh trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện, Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện; cán bộ, công chức đã tham gia học chữ Mông; và cộng đồng bà con dân tộc Mông. Kết quả khảo sát cho thấy «cộng đồng nói và đọc được chữ Mông Thái Lan rất nhiều», chủ yếu học qua Kinh Thánh, băng đĩa hình, và truyền miệng. Tổ khảo sát nhận định rằng chữ Mông Việt Nam ít phổ biến hơn chữ Mông Thái không phải vì khó hơn, mà do cách dạy, cách tuyên truyền chưa tốt, chưa áp dụng được vào thực tiễn. Trong khi đó, cách dạy chữ Mông Thái rất linh hoạt, uyển chuyển, gắn với đời sống văn hóa, tinh thần, tôn giáo của cộng đồng, cộng thêm sự bổ trợ của băng đĩa hình nên rất dễ đi vào lòng người. Tổ khảo sát đề xuất nên đẩy mạnh việc tìm hiểu, nghiên cứu, cải tiến và tuyên truyền về chữ Mông Việt Nam, đồng thời có thể xem xét dạy chữ Mông Thái cho cán bộ, công an tại nơi có nhiều người Mông sử dụng chữ Mông Thái (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai, 2012).

45

6. Tháng 10/2013, Vụ Địa phương I, Ủy ban Dân tộc đã tiến hành điều tra thực trạng sử dụng chữ viết (chữ Mông Việt Nam và chữ Mông Khu vực) trong đồng bào Mông tại 3 tỉnh Lào Cai, Sơn La và Nghệ An. Kết quả điều tra cho thấy người Mông có xu hướng sử dụng chữ Mông Khu vực nhiều hơn, nhất là người trẻ tuổi. Nhóm nghiên cứu đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đánh giá toàn diện thực trạng dạy, học và sử dụng hai loại chữ Mông và đưa ra ý kiến chính thức về hai bộ chữ này. Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng cho rằng cần xem xét việc nghiên cứu để sử dụng chữ Mông Khu vực (Ủy ban Dân tộc, 2013).

7. Nối tiếp dự án điều tra thực trạng sử dụng chữ viết của đồng bào Mông năm 2013, cuối tháng 3, đầu tháng 4/2014, Trung tâm Vì sự phát triển bền vững miền núi (CSDM) phối hợp với Vụ Địa phương I, Ủy ban Dân tộc tiến hành điều tra tại 5 tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang và Cao Bằng. Kết quả điều tra cho thấy số người biết và sử dụng chữ Mông Khu vực cao hơn đáng kể so với chữ Mông Việt Nam. Người càng trẻ tuổi thì việc sử dụng chữ Mông Khu vực chiếm tỷ lệ càng cao vì loại chữ này «dễ học, dễ nhớ, dễ viết» và có thể tự học được qua băng đĩa nhạc bằng tiếng Mông có phụ đề chữ Mông Khu vực. Nhóm nghiên cứu đề xuất Ủy ban Dân tộc tiếp tục khảo sát tại các tỉnh Tây Nguyên có đông đồng bào Mông sinh sống, đồng thời phối hợp với các bộ ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu để đưa ra lựa chọn hợp lý, thống nhất về tiếng nói, chữ viết của người Mông sao cho phù hợp với tình hình hiện nay (Hờ Bá Hùa, 2014).

46

Tài liệu tham khảo

CORLIN, C. 2004. Hmong and the Land Question in Vietnam: National Policy and Local Concepts of the Environment. In: TAPP, N., MICHAUD, J., CULAS, C. and LEE, G. Y. (eds.) Hmong/Miao in Asia. Thailand: Silkworm Books.

CHÂU, H. T. 2006. Tình hình và chính sách xây dựng và phổ cập chữ viết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

CHÍNH, N. V. and TÂM, N. T. 2013. Người Mông Tin Lành ở Lào Cai: Cải đạo, thích nghi và bản sắc tộc người.

CHUÂN, T. N. Tăng cường quốc phòng-an ninh đấu tranh làm thất bại mọi thủ đoạn lợi dụng vấn đề tôn giáo trong vùng đồng bào dân tộc các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta. Đăng tại địa chỉ: http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/169/0/1855/Tang_cuong_quoc_phong_an_ninh_dau_tranh_lam_that_bai_moi_thu_doan_loi_dung_van_de_ton_giao_trong_vung [truy cập ngày 11/3/2014].

DÕI, T. T. 2013. Vấn đề xóa mù chữ vùng dân tộc thiểu số: Suy nghĩ về trường hợp bản người Mông Pú Tửu, huyện Mường Áng, tỉnh Điện Biên. Tọa đàm khoa học quốc tế "Tôn giáo và văn hóa: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn". Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

DUFFY, J. 2007. Writing from these roots: Literacy in a Hmong-American community, University of Hawaii Press.

EIRA, C. 1998. Authority and discourse: Towards a model for orthography selection. Written Language & Literacy, 1, 171-224.

ENWALL, J. 2008. Script choice among the Miao in China. International Journal of the Sociology of Language, 2008, 153-169.

FALS BORDA, O. và RAHMAN, M. A. 1991. Action and knowledge: breaking the monopoly with participatory action-research, Apex Press.

GREENWOOD, D. J. and LEVIN, M. 1998. Introduction to action research: Social research for social change, Sage.

HAI, N. T. 2009. Human Ecological Analysis of Land and Forest Use by the Hmong People for Harmonising with the Governmental Reforestation Program in Vietnam. PhD, Technischen Universität Dresden

HẠNH, D. B. 2008. Contesting marginality: consumption, networks, and everyday practice among Hmong Girls in Sa Pa, Northwestern Vietnam. Journal of Vietnamese Studies, 3, 231-260.

HIÊN, N. 2005. Trạm Tấu (Yên Bái) gìn giữ chữ Mông. Báo Yên Bái, 13/7/2005.

HIẾU, L. T. 2009. Xây dựng, sửa đổi chữ viết của các tộc người thiểu số ở Việt Nam: Những quan niệm phiến diện về công năng của chữ. Đăng tại địa

47

chỉ: http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/van-hoa-viet-nam/van-hoa-cac-dan-toc-thieu-so/1306-ly-tung-hieu-xay-dung-sua-doi-chu-viet-cua-cac-toc-nguoi-thieu-so-o-viet-nam.html.

HÙA, H. B. 2014. Báo cáo kết quả điều tra, nghiên cứu thực trạng sử dụng chữ Mông ở các tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang và Cao Bằng. Vụ Địa phương I, Ủy ban Dân tộc.

ISRAEL, B. A., ENG, E., SCHULZ, A. J. và PARKER, E. A. 2005. Introduction to Methods in Community-Based Participatory Research For Health. In: ISRAEL, B. A., ENG, E., SCHULZ, A. J. and PARKER, E. A. (eds.) Methods in Community-Based Participatory Research For Health. Jossey-Bass.

LỀNH, M. A. 2009. Ghi chép về văn hóa dân gian Hmôngz, Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin.

LƯƠNG, H. X. 2011. Từ văn hoá truyền thống nghĩ về giải pháp bảo đảm các quyền của đồng bào Mông ở Việt Nam hiện nay. Dân Tộc - Tạp chí lý luận của Ủy Ban Dân Tộc. Ủy Ban Dân Tộc.

MICHAUD, J. và TURNER, S. 2000. The Sa Pa marketplace, Lao Cai Province, Vietnam. Asia Pacific Viewpoint, 41, 85-100.

MINKLER, M. 2004. Ethical Challenges for the “Outside” Researcher in Community-Based Participatory Research. Health Education & Behavior, 31, 684-697.

PAVLISH, C. P. và PHARRIS, M. D. 2012. Community-Based Collaborative Action Research: A Nursing Approach, Jones & Bartlett Publishers.

PHÚC, H. 2014. Người dạy chữ Mông ở Điện Biên. Quân Đội Nhân Dân Online, 13/4/2014.

QUANG, V. D. 2004. The Hmong and Forest Management in Northern Vietnam's Mountainous Areas. In: TAPP, N., MICHAUD, J., CULAS, C. and LEE, G. Y. (eds.) Hmong/Miao in Asia. Thailand: Silkworm Books.

QUANG, V. D. 2005. Van hóa tâm linh của người Hmông ở Việt Nam: Truyền thống và hiện tại, Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin & Viện Văn hóa.

QUỲNH, T. 2012. Bảo tồn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

SMALLEY, W. A. 1994. Marginal Languages Adapting to the Hierachy: Hmong (Meo/Miao). Linguistic Diversity and National Unity: Language Ecology in Thailand.

SMALLEY, W. A., VANG, C. K. và YANG, G. Y. 1990. Mother of writing: the origin and development of a Hmong messianic script, University of Chicago Press.

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH LÀO CAI. 2012. Báo cáo Kết quả khảo sát, đánh giá việc giảng dạy chữ Mông trên địa bàn huyện Bảo Thắng, Sa Pa tỉnh Lào Cai. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai.

48

TAPP, N. 1989. The impact of Missionary Christianity upon marginalized ethnic minorities: the case of the Hmong. Journal of Southeast Asian Studies, 20, 70-95.

TÂM, N. T. T. 2010. Ethnic and Transnational Dimensions of Recent Protestant Conversion among the Hmong in Northern Vietnam. Social Compass, 57, 332-344.

THÁI, P. T. P. 2014. Góp bàn về cách thức đào tạo tiếng Mông cho cán bộ miền núi phía Bắc từ một vài thử nghiệm. Hội thảo “Chữ Mông ở Việt Nam: Thực trạng sử dụng, phổ biến và vai trò trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc". Lào Cai.

THỌ, N. K. và CHINH, L. V. 2014. Vấn đề sử dụng và phổ biến chữ Mông hiện nay, nhìn từ thực tiễn tại hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên. Hội thảo “Chữ Mông ở Việt Nam: Thực trạng sử dụng, phổ biến và vai trò trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc". Lào Cai.

TUGAULT-LAFLEUR, C. và TURNER, S. 2009. The price of spice: Ethnic minority livelihoods and cardamom commodity chains in upland northern Vietnam. Singapore Journal of Tropical Geography, 30, 388-403.

TURNER, S. 2012. Making a living the Hmong way: an actor-oriented livelihoods approach to everyday politics and resistance in upland Vietnam. Annals of the Association of American Geographers, 102, 403-422.

TURNER, S. và MICHAUD, J. 2008. Imaginative and adaptive economic strategies for Hmong livelihoods in Lao Cai province, Northern Vietnam. Journal of Vietnamese Studies, 3, 158-190.

TƯ, C. V. 2006. Bước tiếp chặng đường đi tìm ngọc. Dân Tộc - Tạp chí lý luận của Ủy Ban Dân Tộc. Ủy Ban Dân Tộc.

THÔNG, V. B. 2010. Luận bàn để đưa chính sách dạy tiếng dân tộc vào cuộc sống. Báo điện tử Chính phủ Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

THÔNG, V. B. 2011. Để dạy và học tiếng dân tộc có hiệu quả. Dân Tộc - Tạp chí lý luận của Ủy Ban Dân Tộc. Ủy Ban Dân Tộc.

UNSETH, P. 2005. Sociolinguistic parallels between choosing scripts and languages. Written Language & Literacy, 8, 19-42.

ỦY BAN DÂN TỘC. 2013. Báo cáo tóm tắt kết quả dự án điều tra cơ bản việc sử dụng tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Mông. Hà Nội: Ủy ban Dân tộc.

VŨ, Đ. A. 2010. Một ẩn sĩ giữa lòng Hà Nội. Công An Nhân Dân.

WHYTE, W. F. E. 1991. Participatory action research, Sage Publications, Inc.

YANG, X. V. 1997. Brief Historical Background of the Hmong RPA Script and Its Founders [Online]. Đăng tại địa chỉ: http://hmongrpa.org/aboutus.html [truy cập ngày 2/7/2014].