chƯƠng 4 kỸ thuẬt chĂm sÓc vÀ nuÔi dƯỠng heo...Điều đó tạo điều kiện cho...

21
48 CHƯƠNG 4 KTHUT CHĂM SÓC VÀ NUÔI DƯỠNG HEO 1. Các yếu tnh hưởng đến năng sut trong chăn nuôi heo Trong chăn nuôi có nhiu yếu ttác động nh hưởng trc tiếp hoc gián tiếp đến năng sut vt nuôi. Chăn nuôi heo cũng tương tnhư thế, các yếu tnhư ging, thc ăn, sc khe, ngoi cnh, qun lý là nhng yếu tbao trùm các yếu tkhác. 1.1. Ging Tùy mc đích trong chăn nuôi heo, cũng như năng sut mun đạt được trong quá trình nuôi thì vic chn ging phi được đặt lên hàng đầu. Ngoài ra, trong thc tin chăn nuôi người nuôi phi tùy vào khnăng đầu tư điu kin phát trin mà chn heo thun hoc heo lai, heo cao sn... Heo có thđược chn theo ngoi hình hoc ging theo tiêu chun ca cơ ssn xut, hoc yêu cu ca nơi to ging. Trong điu kin hin ti đồng bng sông Cu Long, người nuôi có thchn heo lai gia heo địa phương và heo ngoi, hoc gia heo ngoi vi nhau theo công thc lai ba máu. 1.2. Thc ăn Được xem là yếu tquyết định đến năng sut vì thc ăn là ngun cung cp dưỡng cht duy nht cho heo và các loi thc ăn cùng cách cho ăn, hoc nuôi dưỡng có tác động trc tiếp đến sinh trưởng, sinh sn và cht lượng tht. Ngoài ra, thc ăn còn là yếu tquyết định trong chăn nuôi heo vì tlchi phí ln nht trong cơ cu giá thành ca sn phm theo: 65-85%. Cơ cu ca khu phn thc ăn, bao gm các thc liu cùng vi tlca nó có thlàm thay đổi hiu qusdng thc ăn, năng sut ca heo. Cht kháng dưỡng, độc t, cùng các tương tác ca các dưỡng cht có trong hn hp khu phn cũng là yếu tcn được cân nhc và chú ý đến khi nuôi heo. 1.3. Ngoi cnh Yếu tnày được gi là chung tri như là mt cách din đạt ca heo khi nuôi nht. Tuy nhiên, trong thc tế, chung tri nh hưởng đến chăn nuôi heo không chlà kiu chung, cách btrí trong chung, tri và ctrong tng ô nuôi mà còn là môi trường xung quanh. Yếu tngoi cnh tác động đến heo va trc tiếp va gián tiếp, có thxem đó là tiu khí hu và thi tiết. Trong quá trình nuôi do tác động ca thi tiết và thi gian, mt độ nuôi và cách qun lý có thlàm tiu khí hu thay đổi, nht là trong điu kin các kiu chung nuôi hhin nay. Được xem là yếu tquan trng vì không thđạt được năng sut cao nht, cũng như hiu quti đa nếu ngoi cnh không thun li cho heo phát trin. Ngoài ra, cách xlý cht thi và thi tchăn nuôi heo được chú ý rt nhiu. Cách thiết kế, btrí chung tri có thtác động mnh mtrli điu kin ngoi cnh. 1.4. Sc khe Trước đây, nhà chăn nuôi xem đây là yếu tphòng và trbnh. Trên thc tế, khi nuôi heo, heo phi trong tình trng khe mnh thì hiu sut chăn nuôi mi đạt ti đa. Do đó, sc

Upload: others

Post on 26-Dec-2019

0 views

Category:

Documents


0 download

TRANSCRIPT

48

CHƯƠNG 4 KỸ THUẬT CHĂM SÓC VÀ NUÔI DƯỠNG HEO

1. Các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất trong chăn nuôi heo

Trong chăn nuôi có nhiều yếu tố tác động ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến năng suất vật nuôi. Chăn nuôi heo cũng tương tự như thế, các yếu tố như giống, thức ăn, sức khỏe, ngoại cảnh, quản lý là những yếu tố bao trùm các yếu tố khác.

1.1. Giống

Tùy mục đích trong chăn nuôi heo, cũng như năng suất muốn đạt được trong quá trình nuôi thì việc chọn giống phải được đặt lên hàng đầu. Ngoài ra, trong thực tiễn chăn nuôi người nuôi phải tùy vào khả năng đầu tư điều kiện phát triển mà chọn heo thuần hoặc heo lai, heo cao sản...

Heo có thể được chọn theo ngoại hình hoặc giống theo tiêu chuẩn của cơ sở sản xuất, hoặc yêu cầu của nơi tạo giống. Trong điều kiện hiện tại ở đồng bằng sông Cửu Long, người nuôi có thể chọn heo lai giữa heo địa phương và heo ngoại, hoặc giữa heo ngoại với nhau theo công thức lai ba máu.

1.2. Thức ăn

Được xem là yếu tố quyết định đến năng suất vì thức ăn là nguồn cung cấp dưỡng chất duy nhất cho heo và các loại thức ăn cùng cách cho ăn, hoặc nuôi dưỡng có tác động trực tiếp đến sinh trưởng, sinh sản và chất lượng thịt.

Ngoài ra, thức ăn còn là yếu tố quyết định trong chăn nuôi heo vì tỷ lệ chi phí lớn nhất trong cơ cấu giá thành của sản phẩm từ heo: 65-85%.

Cơ cấu của khẩu phần thức ăn, bao gồm các thực liệu cùng với tỷ lệ của nó có thể làm thay đổi hiệu quả sử dụng thức ăn, năng suất của heo.

Chất kháng dưỡng, độc tố, cùng các tương tác của các dưỡng chất có trong hỗn hợp khẩu phần cũng là yếu tố cần được cân nhắc và chú ý đến khi nuôi heo.

1.3. Ngoại cảnh

Yếu tố này được gọi là chuồng trại như là một cách diễn đạt của heo khi nuôi nhốt. Tuy nhiên, trong thực tế, chuồng trại ảnh hưởng đến chăn nuôi heo không chỉ là kiểu chuồng, cách bố trí trong chuồng, trại và cả trong từng ô nuôi mà còn là môi trường xung quanh.

Yếu tố ngoại cảnh tác động đến heo vừa trực tiếp vừa gián tiếp, có thể xem đó là tiểu khí hậu và thời tiết. Trong quá trình nuôi do tác động của thời tiết và thời gian, mật độ nuôi và cách quản lý có thể làm tiểu khí hậu thay đổi, nhất là trong điều kiện các kiểu chuồng nuôi hở hiện nay. Được xem là yếu tố quan trọng vì không thể đạt được năng suất cao nhất, cũng như hiệu quả tối đa nếu ngoại cảnh không thuận lợi cho heo phát triển.

Ngoài ra, cách xử lý chất thải và thải từ chăn nuôi heo được chú ý rất nhiều. Cách thiết kế, bố trí chuồng trại có thể tác động mạnh mẽ trở lại điều kiện ngoại cảnh.

1.4. Sức khỏe

Trước đây, nhà chăn nuôi xem đây là yếu tố phòng và trị bệnh. Trên thực tế, khi nuôi heo, heo phải trong tình trạng khỏe mạnh thì hiệu suất chăn nuôi mới đạt tối đa. Do đó, sức

49

khỏe của heo phải được chú ý trước tiên. Nếu chỉ xem như là phòng và trị bệnh thì có vẻ như là bị động, không chủ động để cho heo phát triển đến mức có thể được.

Sức khỏe của heo chịu nhiều yếu tố tác động đến như con giống, thức ăn... nhất là ngoại cảnh. Do đó, việc phòng bệnh nếu được hiểu như là cung cấp những biện pháp để heo có miễn dịch tốt từ vaccin sẽ không nói lên các nội dung phải thực hiện để heo không bị bệnh.

Heo với đặc điểm sinh học rất đặc thù của nó sẽ chịu đựng ngoại cảnh khác nhau ở mỗi giai đoạn tuổi hoặc sản xuất trên cùng điều kiện nuôi. Giữ cho heo có sức khỏe tốt tức là phát triển tốt ở mỗi giai đoạn hoặc sản xuất. Ngay cả khi có sự mâu thuẫn như heo nái nuôi con với bầy con về điều kiện nhiệt độ...

1.5. Quản lý

Ngày nay, cách quản lý của một cơ sở chăn nuôi heo có thể giúp người nuôi đạt được năng suất cao với chi phí thấp. Quản lý tốt có thể giúp việc quyết định loại thải đàn những heo năng suất kém, kịp thời thay đổi cách chăm sóc nuôi dưỡng thích hợp và thay đổi cách chăm sóc nuôi dưỡng thích hợp và thay đổi qui mô nuôi hoặc cơ cấu đàn đúng lúc.

Quản lý phải phân tích, đánh giá được, hiểu được nguyên do và có những quyết định chính xác dựa trên những theo dõi trực tiếp theo dõi trên heo, ghi chép sổ sách, thống kê...

2. Nguyên tắc chăm sóc và nuôi dưỡng heo

Gọi là chăm sóc – nuôi dưỡng như là hai biện pháp tác động trong chăn nuôi heo vì phương pháp thực hiện cũng như mục đích phải đạt trước mắt của mỗi giai đoạn nuôi.

Một số đặc điểm chú ý trong chăm sóc nuôi dưỡng Chăm sóc nuôi dưỡng là hai biện pháp tác động lẫn nhau và lệ thuộc nhau. Chăm sóc tốt

thì hiệu quả của việc nuôi dưỡng tốt sẽ cao. Ngược lại, dù nuôi dưỡng với chế độ dinh dưỡng tối đa mà chăm sóc kém thì hiệu quả đạt được rất thấp.

Heo còn nhỏ tuổi, heo trong giai đoạn sản xuất như heo nái chờ phối, chửa, nuôi con, heo đực làm việc thì việc chăm sóc nuôi dưỡng phải cao hơn các tuổi và giai đoạn khác.

Hiệu quả của việc chăm sóc nuôi dưỡng của giai đoạn kế tiếp lệ thuộc vào cách chăm sóc nuôi dưỡng trước đó, như heo nái nuôi con chịu ảnh hưởng của giai đoạn mang thai, tình trạng sức khỏe của heo giai đoạn sau cai sữa có sự tác động cách chăm sóc nuôi dưỡng heo lúc theo mẹ...

Trong từng thời kỳ, tuổi, sản xuất thì có thể chú ý đến yếu tố chăm sóc hoặc yếu tố nuôi dưỡng, như heo con mới sinh thì biện pháp chăm sóc rất quan trọng, phải thật chu đáo, heo

50

nái lúc đẻ thì biện pháp chăm sóc sẽ quyết định đến hiệu quả của heo cái sinh sản. Heo thịt vào cuối giai đoạn nuôi vỗ béo thì cách cho ăn, cách nuôi dưỡng sẽ hạn chế được sự gia tăng tỷ lệ mỡ, chất lượng thịt tốt hơn...

Trong thực tiễn chăn nuôi heo hiện đại, các giải pháp được đề cập đến nhiều là làm thế nào để cải thiện hiệu quả chăn nuôi heo giai đoạn theo mẹ bằng yếu tố nuôi dưỡng như cho ăn sớm, cung cấp các chất để bổ sung khả năng tiêu hóa trong khi bộ máy tiêu hóa của heo chưa trưởng thành... không có nghĩa là bỏ qua yếu tố chăm sóc mà thật ra heo được chăm sóc tốt thì hiệu quả của giải pháp trên mới đạt được.

Heo phải được chăm sóc nuôi dưỡng theo từng giai đoạn tuổi: sơ sinh, cai sữa, lứa hậu bị, chờ phối, mang thai, đẻ, nuôi con, đực làm việc và vỗ béo. Ngay trong từng giai đoạn, trình độ quản lý, quy mô đàn... mà chăm sóc nuôi dưỡng có thể được chia thành các giai đoạn ngắn hơn.

Thực hiện tốt các nguyên tắc nêu trên sẽ giúp cho người nuôi đạt được hiệu quả kinh tế cao như giảm tỷ lệ hao hụt ở giai đoạn heo con, năng suất sinh sản cao ở heo nái, hiệu quả sử dụng cao ở heo nọc và thời gian nuôi đạt trọng lượng hạ thịt ngắn cùng chỉ số chuyển hóa thức ăn thấp.

Trong chăn nuôi heo, tỷ lệ hao hụt xảy ra nhiều nhất ở giai đoạn sơ sinh do cách chăm sóc không hợp lý hoặc tỷ lệ loại thải ở heo nái cao do cách nuôi dưỡng không đúng hoặc tỷ lệ không sử dụng ở heo nọc cao... là những giai đoạn cần được chú ý chăm sóc nuôi dưỡng nhiều hơn nếu muốn đạt được hiệu quả chăn nuôi cao.

Ngày nay, các giống heo cao sản nhiều cùng với việc khai thác nhiều hơn ở heo đã tạo ra một số bất thường xuất hiện nhiều hơn trong chăn nuôi heo như tỷ lệ hao hụt lúc cai sữa cao, tỷ lệ heo nái bất thụ, phối nhiều lần không đậu thai... tăng lên cũng là những vấn đề được chú ý hơn trong chăm sóc nuôi dưỡng heo. Nhu cầu dinh dưỡng được xây dựng để đáp ứng với năng suất cao cũng có thay đổi và được phân chia theo giai đoạn ngắn hơn. Bên cạnh đó quy trình tiêm phòng, phòng bệnh bằng thuốc cùng với các chất kích thích tăng trưởng cũng được sử dụng nhiều hơn. Điều đó tạo điều kiện cho sự kháng thuốc của vi sinh vật cao hơn, cũng như nguy cơ bị nhiều stress hơn khi phải thay đổi điều kiện nuôi. 3. Kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng heo

Mục tiêu trong chăn nuôi heo cái sinh sản làm sao vừa đạt được năng suất sinh sản cao vừa có thời gian sử dụng hiệu quản dài.

3.1. Các yếu tố cấu thành năng suất sinh sản của heo nái

Có nhiều cách trình bày về yếu tố này với mục tiêu cuối cùng phải đạt được như: số con đẻ ra/ổ/nái; số con cai sữa/ổ/nái... nhưng đa số đều nhìn nhận là chỉ tiêu số con cai sữa khỏe mạnh/nái/365 ngày là phản ánh đầy đủ nhất mục tiêu nuôi heo cái sinh sản.

51

Một số tác giả Châu Âu không dừng lại ở chỉ tiêu này mà nâng lên thành số heo hạ

thịt/cái/năm nhằm đánh giá hiệu quả của con giống, cách nuôi dưỡng...

3.2. Chăm sóc và nuôi dưỡng heo hậu bị

Mục đích nuôi heo giai đoạn hậu bị: đạt được tuổi thành thục sinh dục sớm, chuẩn bị cho thời kỳ mang thai lần đầu. Heo hậu bị là những thú dùng để thay thế những con nọc, nái đang sinh sản trong tương lai. Sau khi tuyển lựa heo hậu bị phải được chăm sóc nuôi dưỡng đúng cách thì mới phát huy hết sức sinh trưởng, sinh sản trong tương lai.

52

3.2.1. Heo hậu bị thường được chọn lọc qua ít nhất 4 thời điểm

1. Lúc 7 ngày tuổi đối với heo đực, vì những con không đạt tiêu chuẩn làm giống sẽ thiến đi ở thời điểm này, dịch hoàn còn nhỏ, mau lành vết thương. Đối với heo cái thì chọn lúc 21 ngày tuổi. Lúc này nên dựa vào gia phả, thành tích sinh sản của bố mẹ, ông bà và ngoại hình của heo con. Nên chọn những con bụ bẫm, tăng trưởng tốt, trội nhất trong đàn, không có những khuyết tật, dị hình, bộ phận sinh dục không bất bình thường, số vú trên 12, các vú cách nhau đều đặn, heo linh lợi không ủ rũ, bệnh tật.

2. Lúc cai sữa hoặc 60 đến 70 ngày tuổi, giai đoạn này chọn heo để chuyển qua khu làm giống hoặc nuôi thịt bán cho nông dân nuôi thịt. Thời điểm này cũng căn cứ vào ngoại hình, sự tăng trưởng và sức khoẻ heo đã chọn.

3. Giai đoạn 4 đến 6 tháng tuổi, thời kỳ này cũng dựa vào sức sinh trưởng, sự phát triển tầm vóc, có thể cân đo hoặc nếu nuôi cá thể có thể kiểm tiêu tốn thức ăn cho mỗi kg tăng trọng. Các dị tật nếu có sẽ dễ dàng nhận ra và có thể so sánh xếp cấp phê điểm theo tiêu chuẩn định sẵn (theo tiêu chuẩn nhà nước hay tiêu chuẩn cơ sở). Những con không đạt tiêu chuẩn sẽ chuyển ngay qua khâu nuôi thịt để xuất bán, hoặc thiến đực nuôi vỗ xuất thịt.

4. Giai đoạn 7 đến 10 tháng tuổi, đây là giai đoạn quyết định chọn lọc cuối cùng. Heo phải có sự phát triển tốt các chiều đo; năng suất sinh trưởng cao; không mập mỡ khung xương vững chắc; không dị tật, bộ vú đều, núm vú lộ rõ không có vú lép, bộ phận sinh dục đầy đặn, phát triển tốt; lanh lẹ nhưng không nhút nhát sợ hãi hoặc hung dữ. Ơ giai đoạn này cần chú ý đến tính năng (libido) của heo đực: chúng thường hay chồm nhảy trên lưng nhau thực hiện phản xạ giao phối và có thể xuất tiết chất dịch từ dương vật. Những đực quá mập, dịch hoàn kém phát triển, hoặc phát triển không đều, yếu chân, nứt hư móng, viêm khớp, dịch hoàn ẩn… nên loại thải.

Đối với heo cái cần phải có biểu hiện động dục lần đầu. Cường độ động dục lần đầu mạnh hay yếu, lộ rõ hay âm thầm cho thấy khả năng phát dục của nái trong tương lai. Những nái quá mập, bộ vú xấu, quá nhút nhát hay quá hung dữ, không biểu lộ động dục đến 10 tháng tuổi thì nên loại thải.

3.2.2. Dinh dưỡng cho heo hậu bị

Từ 5 đến 6 tháng tuổi có thể phải hạn chế định lượng thức ăn để tránh hiện tượng mập mỡ kém khả năng sinh sản. Nếu nghi ngờ thức ăn kém phẩm chất cần thay đổi ngay, có thể bổ sung vitamin A, D, E để hỗ trợ sự sinh trưởng phát dục. Trong một số trại có thể bố trí sân cỏ hay sân cát cho heo hậu bị vận động để phát triển khung xương, cơ, chân móng khoẻ mạnh, chống tích luỹ mỡ.

Chuồng trại phải thoáng mát, có độ dốc thoát nước dễ dàng, có độ nhám vừa đủ, không trơn trợt hay gồ ghề làm hư móng. Phải có biện pháp chống lạnh, chống nóng, chống gió lùa, mưa tạt. Không nuôi nhốt quá chật hẹp, nếu nuôi chung cần chú ý đến sự tương đương tầm vóc, không nhốt nuôi chung nhiều con có nhiều tầm vóc thể trọng khác xa nhau.

Những con hậu bị không đạt tiêu chuẩn làm giống phải nhanh chóng loại, nuôi hay bán thịt ngay và tuyển chọn heo khác nuôi thay thế, không nên nuôi kéo dài tốn kém.

3.2.3. Dấu hiệu động dục và thời điểm phối giống

Khi được 5-6 tháng tuổi heo cái bắt đầu động dục, giống heo nội thường có thể động dục sớm hơn. Lần động dục đầu tiên thường có thể không rõ trên một số con, nhưng nói chung có ít trứng rụng, do đó người nuôi chỉ ghi nhận để dễ phát hiện chu kỳ động dục sắp tới.

53

Quãng cách giữa hai lần động dục là 21 ngày, và khi có biểu hiện động dục kéo dài từ 36 đến 72 giờ.

Khi động dục nái thường bỏ ăn, hay đi lại ngẩn ngơ trong chuồng, hay gặm máng phá chuồng và chồm nhảy lên lưng những con khác. Những con bị chồm lên lưng thường bỏ chạy (nếu không động dục) hoặc có thể đứng yên (đang động dục ở giai đoạn mê ì) con bị chồm lên lưng thường hay kêu rền (nếu không động dục) và không kêu rền (khi đã ở giai đoạn mê ì) nhưng con nhảy lên lưng con khác thường không kêu rền mà còn có phản xạ giao phối giống như con đực, chỉ khi thấy có mùi đực hoặc đực giống đi ngang mới thật sự kêu rền.

Nái tơ động dục thì âm hộ thường sưng to, đỏ, và có nước nhờn trong, nái rạ khi động dục âm hộ có thể không sưng, chỉ ửng hồng, và cũng có nước nhờn trong. Đây là giai đoạn đầu của thời kỳ động dục, giai đoạn này heo nái thường không chịu cho đực phối và nếu có phối ép hoặc gieo tinh nhân tạo thì sẽ không hiệu quả, hoặc sinh ít con.

Giai đoạn thứ hai của thời kỳ động dục là giai đoạn quan trọng, âm hộ của nái bớt sưng (gọi là hoa héo) nhăn nheo, tím tái và có nước nhờn đục, dính, khi tay lên lưng hay mông, nái đứng yên, vểnh tai, vểnh đuôi chờ đực phối. Đây là giai đoạn mê ì (mê đực) cho đực phối giống hoặc gieo tinh là thích hợp.

Sau giai đoạn mê ì là giai đoạn 3, nái cũng còn những biểu hiện động dục nhưng cường độ yếu và có thể không cho đực phối giống, nếu phối giống trễ vào giai đoạn này thì nái sinh ít con hoặc không hiệu quả.

Khi cho phối giống cần xác định đúng thời điểm mê ì, phải vệ sinh bộ phận sinh dục nái kỹ, vệ sinh chuồng trại tránh trơn trợt, tránh gồ ghề…để nọc nái phối giống với nhau. Nên phối giống vào sáng (khoảng 8-9 giờ) hoặc chiều mát (khoảng 16-17 giờ). Nhiều trường hợp cần cho nọc phối kép, hai lần phối cách nhau 24 giờ. Cũng có nái rụng trứng không tập trung kéo dài, nái đòi đực phối liên tiếp 2-4 lần, mỗi lần cách nhau 24 giờ thì mới sinh nhiều con, nếu chỉ phối 1-2 lần thì sinh ít con.

3.3. Chăm sóc và nuôi dưỡng nái mang thai

Sau khi phối giống 21 ngày không thấy nái động dục trở lại xem như đã mang thai. Có thể dùng thiết bị siêu âm để chẩn đoán nái mang thai nhưng tốn công và chi phí mua máy. Thời gian mang thai kéo dài từ 114-115 ngày (3 tháng, 3 tuần, 3 ngày). Nếu nái mang thai nhiều con có khả năng sinh từ ngày 113, nếu ít con có thể sinh từ ngày 115 đến 118. Nhưng nếu nái sinh sớm từ ngày 108 trở lại thường rất khó nuôi con, dù cho có sữa nhưng con rất yếu ớt, sức bú mẹ kém, sức đề kháng kém nên tỷ lệ nuôi sống rất thấp. Trong thời kỳ mang thai có thể chia ra làm hai giai đoạn

3.3.1. Giai đoạn chửa kỳ 1: 1-84 ngày mang thai

Thời kỳ này phôi và thai còn nhỏ, sử dụng ít chất trong máu của mẹ, dưỡng chất còn lại nái dùng để dự trữ tạo sữa sau này. Thiếu dưỡng chất trong thức ăn heo nái giai đoạn này có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của phôi thai như tăng hiện tượng tiêu phôi, nái còn ít thai sống khi đẻ mà chứa nhiều thai khô (thai gỗ). Thừa dưỡng chất cũng gây ảnh hưởng tiêu phôi và làm nái trở nên mập mỡ. Nái khi cai sữa quá gầy ốm lại không dự trữ đủ dưỡng chất trong giai đoạn này sẽ bị thiếu sữa khi cho con bú trong lứa đẻ kế tiếp. Vì vậy phải định lượng thức ăn cho nái ở giai đoạn này hết sức chặt chẽ.

Vai trò của bầu tiểu khí hậu cũng rất quan trọng, nái cần được yên tĩnh, nhiệt độ ẩm độ chuồng nuôi thích hợp với điều kiện Việt Nam độ ẩm trung bình 75-80% là đạt yêu cầu .

54

Nhiệt độ quá nóng làm nái tiêu thụ ít thức ăn có ảnh huởng xấu đến thai. Chuồng phải khô ráo, có độ nhám thích hợp, không trơn trợt dễ gây té ngã. Nên nuôi nái trong chuồng có ngăn định lượng, nếu nuôi chung thì không nhốt nhiều con chật chội, khác tầm vóc, sự tranh ăn dễ xảy ra tình trạng đánh cắn nhau và phân hoá thành những con quá mập hoặc quá gầy. Thức ăn phải cân bằng dưỡng chất, tránh dư năng lượng, chất béo, thiếu xơ gây táo bón.

3.3.2. Giai đoạn chửa kỳ 2: từ 85 ngày mang thai đến lúc sinh

Thời kỳ này thai đã lớn sử dụng nhiều dưỡng chất trong máu của mẹ để phát triển, do đó thiếu dưỡng chất trong thức ăn của nái sẽ làm heo con sơ sinh nhỏ vóc, khó nuôi, tỷ lệ hao hụt cao. Nhưng nếu quá dư thừa dưỡng chất bào thai sẽ tăng trọng nhiều, trở nên lớn vóc làm cho nái đẻ khó, đẻ không ra, phải can thiệp kéo thai, móc thai gây tổn thương bộ phận sinh dục làm nái viêm nhiễm, mất sữa, hoặc bị nghẽn tắc ống sinh dục (cổ tử cung, ống dẫn trứng) trở nên vô sinh. Vì vậy ở thời kỳ này cũng cần phân nhóm nái theo thể vóc để cung cấp mức ăn thích hợp.

Ơ giai đoạn này nếu quan sát vùng hông có thể đoán biết nái mang ít hay nhiều thai để có mức ăn phù hợp.

Sự phát triển bệ sữa ở cuối giai đoạn cũng dự báo khả năng tiết sữa của nái để có chế độ nuôi dưỡng nái thích hợp tránh tình trạng nái dư sữa sau đẻ hoặc kém sữa.

Khác với thời kỳ 1, thời kỳ này nái cần cho vận động (nếu có điều kiện) để có hệ cơ tốt, chân khoẻ, khung xương chậu nở rộng (đối với nái sắp đẻ lứa đầu), nên cho nái ra sân cỏ hay sân cát vận động tuỳ thích, tiếp xúc với môi trường tự nhiên, để tăng sức đề kháng bệnh và cũng nhờ đó gia tăng hàm lượng kháng thể chống bệnh cho heo con trong sữa đầu.

Ơ thời kỳ này, tầm vóc nái nặng nề chuồng trại phải khô nhám tránh trơn trợt, bầu tiểu khí hậu phải thích hợp: thoáng mát tránh gió lùa mưa tạt, tránh lùa dời chuồng đi xa, tránh nhốt chung nhiều nái chật chội. Nếu có điều kiện nên nuôi riêng từng con trước ngày đẻ 15-20 ngày để dễ định mức thức ăn, dễ theo dõi tình trạng sức khoẻ, dễ vệ sinh kỹ bộ vú và bộ sinh dục, vệ sinh kỹ chuồng đẻ, chăm sóc vết thương hay bọc mủ trên mình nái, dễ theo dõi tình trạng táo bón của nái.

Nói chung, trong thời gian mang thai tránh để nái dư thừa dưỡng chất, trở nên quá mập, nái mập thường lười rặn, đẻ chậm, dễ gây tình trạng ngộp thai, chết thai khi hạ thai, và sau khi đẻ dễ mắc hội chứng M.M.A (metritis, mastitis, agalactia: viêm tử cung, viêm vú, mất sữa). Nái mập chịu nóng kém dễ bị say nóng, say nắng gây chết, xoay trở chậm, vụng về dễ đè chết con.

Tuy nhiên nếu nái mang thai quá gầy, lại sinh nhiều thai thì bào thai nhỏ vóc, sức sống không cao sau khi đẻ ra, và nái kém sữa thiếu sữa cho con bú. Nái gầy nuôi nhiều con thì èo uột, dễ mắc nhiều bệnh, bản thân nái cũng dễ bị bại, yếu chân, chậm lên giống lại sau cai sữa.

3.3.3. Dấu hiệu sắp sinh

Nái sắp sinh thường ăn ít hay không ăn, thường có tiếng kêu rền của nái sắp đẻ, nái thường ủi phá nền chuồng gọi là hiện tượng quần ổ. Đó là tập quán khi chưa gia hoá, heo ủi nền đất cắn cỏ để tạo một tổ ấm khi đẻ. Do đó, để nái ít hao tốn năng lượng do việc quần ổ, ta nên trải rơm, cỏ khô vào chuồng cho nái nằm.

Nái sắp sinh thường có thể tăng thân nhiệt, tăng nhịp thở, thường đi lại không yên trong chuồng hay đi phân, đi tiểu nhiều lần (gọi là đi mót) làm cho chuồng trại dơ bẩn, cần vệ sinh

55

sạch sẽ khô ráo chuồng để tránh nhiễm trùng cho heo con và bộ phận sinh dục nái sau khi đẻ.

Nái sắp đẻ phải có bộ vú phát triển rõ rệt so với khi chưa mang thai: các núm vú dài ra, quầng núm rộng, nếu heo sắc lông trắng thường có quầng núm vú và núm vú màu đỏ hồng, hai hàng vú tạo thành hai bệ sữa chạy dọc vùng bụng, có rãnh phân chia riêng biệt hai hàng vú và các vú. Điều này không thấy được khi nái chưa mang thai, do vậy nếu sau khi phối không phát hiện nái động dục trở lại, mà sau 3 tháng không có hiện tượng phát triển bộ vú như trên xem như nái bị nâng không sinh sản được.

Khi nặn khám đầu vú chưa thấy có sữa non thì chắc chắn nái chưa đẻ trong 4-6 giờ sắp tới. Nếu bắt đầu có sữa non rịn ra đầu vú qua hai lỗ tia sữa thì trong vòng 6 giờ nái sẽ hạ thai. Nếu nặn khám đầu vú thấy các vú đều có sữa non vọt thành tia dài thì trong vòng 2 giờ sẽ hạ thai. Nếu thấy bộ phận sinh dục có nước nhờn màu hồng và có lợn cợn những hạt như hạt đu đủ (đó là cứt su heo con bài tiết ra) thì trong nửa giờ sau sẽ hạ thai. Nếu thấy nái nằm nghiêng một bên, hơi thở đứt quãng, ép bụng, ép đùi quẩy đuôi rặn đẻ thì chỉ vài mươi giây sau nái sẽ hạ thai.

3.4. Chăm sóc nái đẻ và heo con sơ sinh

Nơi nái đẻ phải có bầu tiểu khí thích hợp, thoáng mát, yên tĩnh. Nhiệt độ cao hầm nóng không thông thóang làm cho nái thở mệt, lười rặn, đẻ chậm gây ngộp nhiều heo con. Sự ồn ào, lạ người chăm sóc, sự hiện diện của thú lạ như chó mèo có thể làm nái hoảng sợ hoặc hung dữ có phản ứng tự vệ, ngưng đẻ hoặc đẻ chậm, số heo con tử vong lúc đẻ tăng cao.

Thông thường mỗi 15-20 phút nái hạ một thai con, cũng có khi nái hạ liên tiếp nhiều con rồi ngưng nghỉ một thời gian. Nếu hạ thai bình thường thì trong vòng 3-4 giờ nái đẻ hết số con và nhau được tống ra sau cùng. Những nái tống nhau ra hàng loạt sau chót thường ít bị viêm nhiễm đường sinh dục vì lá nhau như là chất “lau rửa” tống khứ chất dịch hậu sản ra khỏi ống sinh dục. Trái lại những nái có thai chết trước khi sinh, tầm vóc lớn, còn nằm trong bọc nhau, thì nái ít rặn chậm đẻ những thai này và có ảnh hưởng xấu đến những thai còn sống bên trong (tăng tỷ lệ heo con ngộp, chết trong lúc sinh: chết tươi). Cần cảnh giác các trường hợp heo nái đang hạ thai nhanh bỗng nhiên ngưng đẻ, cường độ rặn yếu để có biện pháp can thiệp kịp thời tống những thai chết trước khi sinh, cứu sống những thai sống trong bụng nái. Cũng có trường hợp sau khi tống hết số nhau (bằng số con đẻ ra), vẫn còn kẹt một con cuối cùng, con này thường to và cũng do nái mệt, ngủ nên không rặn đẻ kịp thời. Kẹt con như vậy thường gây chết sau vài giờ, thai và nhau bị sình thối gây viêm nhiễm trùng nặng cho nái, sốt cao, bỏ ăn, mất sữa… chết nhiều heo con vì đói.

Không nên can thiệp bằng Oxytocin khi chưa hạ thai đầu tiên, nếu cần thiết nên khám vùng lỗ xương chậu thì không nên thọc tay sâu vào bên trong vì không cần thiết và dễ nhiễm trùng tử cung, cổ tử cung, đó là chưa kể những lần thọc sâu nhiều lần làm rối loạn nhu động đẩy heo con ra ngoài của bộ phận sinh dục nái, làm đau nái, nái ngưng đẻ một thời gian sau đó.

Nhiều trường hợp nái đẻ heo còn nằm trong bọc nhau, cần nhanh chóng xé bọc để heo thở không bị chết ngộp. Sau khi nái đẻ hết con, nhau sẽ tống ra (số lá nhau bằng số con), khi nái cho con bú nếu đuôi buông thõng thì xem như không còn sót con sót nhau. Nhưng nếu như cho con bú, nái vẫn còn cong đuôi (đuôi quấn một vòng cong) và nếu quan sát kỹ có thể thỉnh thoảng nái nín thở, ép bụng, thì xem như vẫn còn kẹt con hay kẹt nhau chưa tống ra. Dấu hiệu cong đuôi thường báo hiệu rất chính xác tình trạng sót con hay sót nhau. Riêng ở nái sự sót con xảy ra nhiều hơn sót nhau so với những thú khác.

56

Trong khi đẻ, nhiều nái thường đứng dậy, đi uống nước, hoặc đi phân, đi tiểu và trở bề nằm để tiếp tục hạ thai, có lẽ do thai nằm trong hai sừng tử cung phân bố hai bên bụng, và việc trở bề nằm là cách thức để hạ thai theo tập quán tự nhiên. Do vậy thấy nái đẻ một số con rồi nghỉ, thì nên đỡ cho đứng dậy đi một vòng và tác động các vú đối diện để cho nái trở bề nằm (nếu muốn nái nằm bên phải thì xoa nắn bệ vú, hàng vú bên trái và ngược lại).

Trước khi nái đẻ cần làm vệ sinh sạch sẽ vùng hội âm (quãng giữa âm hộ với hậu môn) vùng này thường chứa nhiều lớp nhăn da chất bẩn hoặc phân dính, chúng dễ vấy nhiễm vào âm đạo khi can thiệp móc thai. Nên cắt sạch lông đuôi để tránh tình trạng nái quẩy đuôi khi rặn đẻ làm văng, phát tán dịch nhầy (sản dịch), hoặc dịch hậu sản, hoặc mủ (khi bị viêm đường sinh dục). Việc cắt lông đuôi cũng có lợi cho chủ nuôi trong việc đoán biết quảng cách giữa hai lứa đẻ của nái (lông đuôi ra dài thì quảng cách giữa hai lứa đẻ dài và ngược lại). Một số trại, chủ trương cắt đuôi heo nái nhưng như vậy thì mất đi dấu hiệu báo tình trạng sót con sau khi đẻ.

Nái bị hầm nóng thở mệt ít rặn đẻ thì nên chống nóng cho nái bằng cách lau mát nhiều lần, chườm lạnh vùng đầu, hoặc điều chỉnh bầu tiểu khí hậu nếu có điều kiện, nhờ đó có thể giúp nái hạ thai nhanh ít tử vong cho bào thai.

Một số nái khi sắp đẻ thường bị sưng phù âm môn rất nặng và nếu nái rặn đẻ quá mạnh hoặc dùng thuốc kích thích rặn đẻ, có thể gây vỡ âm môn, xuất huyết, cần có biện pháp cầm máu kịp thời (dùng kẹp mạch máu và chỉ cột mạch máu), tránh tử vong cho nái.

Sau khi rời khỏi bụng mẹ, heo co sơ sinh cần được xách dốc ngược đầu cho nước nhờn trong xoang miệng và mũi chảy ra ngoài, không chảy ngược vào khí quản gây sốc. Việc xách dốc ngược cũng giúp máu dồn về não trên những con bị ngộp nhờ đó não không bị tê liệt. Nên nắm chặt cuống rún tránh xuất huyết sau khi đứt rời với cuống nhau còn nằm trong bộ phận sinh dục heo nái. Nên quan sát kỹ để phát hiện tình trạng heo con bị ngộp: da tím tái, giãn cơ, heo mềm nhũn không cử động. Gặp trường hợp này phải nhanh chóng dùng khăn sạch lau móc nhớt trong xoang miệng, mở rộng miệng và dùng tay bóp lồng ngực 60 lần/phút để tạo thông khí phổi. Có thể phải tác động như thế trong vòng 15-20 phút kết hợp với việc lau, mở rộng miệng mỗi 2-3 phút/lần thì heo có thể phục hồi, cử động vặn mình, kêu… Nếu heo bị ngộp lâu thì khó hồi phục, nên dành thời gian để chăm sóc những con kế tiếp.

Khi thấy heo con bắt đầu cử động, tiến hành lau sạch chất nhầy toàn thân, cột rốn các thành bụng 4cm và cắt rốn cách chỗ cột 1cm. Chỉ cột rốn và kéo cắt rốn phải được sát trùng cẩn thận. Sau khi cắt rốn phải kiểm tra xem có xuất huyết vì cột rốn không chặt hay không và nhúng toàn bộ rốn vào dung dịch cồn iốt 5% để sát rùng cẩn thận. Nên cắt bỏ 8 răng để tránh heo con cắn đau vú mẹ.

Nên úm heo con sơ sinh nếu nhiệt độ bên ngoài lạnh để tránh tình trạng heo con hao hụt nhiều năng lượng chống lạnh, nhiệt độ úm chừng 30-33oC. Khi quan sát thấy heo con trong ổ úm bắt đầu đói ủi nhau tìm bú thì nên cho bú ngay, không nên giữ chúng lâu trong ổ úm, chúng có thể bú rốn lẫn nhau gây nhiễm trùng rốn hoặc tuột chỉ cột rốn xuất huyết nguy hiểm cho con bú rốn và con bị bú rốn.

Nên làm vệ sinh kỹ các vú, mỗi vú thường có hai lỗ tia sữa, các lỗ này thường ứ đọng các chất bã hoặc phân chứa nhiều mầm bệnh, cần cạy bỏ và nặn bỏ vài tai sữa đầu, lau sạch vú bằng thuốc sát trùng nhẹ trước khi cho heo con bú.

Cho heo con bú sớm cũng kích thích nái đẻ tiếp những con còn trong bụng vì kích thích của heo con ở đầu vú sẽ dẫn truyền về não, não thuỳ sẽ tiết ra hormon Prolactin (tạo sữa) và

57

Oxytocin (để xuống sữa, thải sữa)… Chính Oxytocin khi đến thành tử cung sẽ kích thích co bóp đẩy các bào thai còn lại ra ngoài. Nên lót rơm cỏ sạch, hoặc bao bố cho heo con nằm bú tránh lạnh bụng và trầy xước cuống rốn, cổ chân trước.

Nên làm vệ sinh chuồng trại kỹ lưỡng sau khi nái đẻ xong, cần giữ ấm cho heo con (cho bú xong nên nhốt vào ổ úm) ít nhất là 3-7 ngày, nên cho bú từng cữ cách nhau mỗi 1g30 đến 2giờ và tránh tình trạng nái bị mệt hay đè đạp con. Riêng đối với nái cũng cần giữ cho thoáng mát, tránh nóng tránh lạnh, tránh gió lùa mưa tạt.

Phải cho đủ tất cả heo con bú được sữa đầu (colostrum) vì sữa đầu chỉ sản xuất trong khoảng 24 giờ sau khi nái hạ thai và heo con cũng chỉ có khả năng hấp thụ sữa đầu tốt nhất trong 24 giờ đầu. Sữa non (hay sữa đầu) thường đậm đặc hơn sữa thường, có chứa nhiều vitamin A, nhiều protein mà đặc biệt là gamma globulin (kháng thể) của nái mẹ để truyền cho heo con, giúp heo con kháng bệnh trong thời kỳ bú mẹ, trong khi khả năng sản xuất kháng thể chống bệnh của heo con còn yếu chưa hoàn thiện. Vì vậy trong 24 giờ đầu ngoài việc cho heo con bú được sữa đầu, cần hạn chế tối đa sự nhiễm trùng cho heo con, đây là giai đoạn tranh đua giữa sự hấp thu kháng thể để chống bệnh với sự nhiễm trùng. Nếu sự hấp thu kháng thể nhanh mà sự xâm nhiễm mầm bệnh chậm thì heo con có sức đề kháng bệnh. Nhưng nếu ngược lại sự nhiễm khuẩn diễn ra nhanh chóng hơn sự hấp thu kháng thể thì sức khoẻ của heo con bị đe doạ, chúng có thể chết hàng loạt vì nhiễm trùng trong tuần lễ đầu.

Những vú ngực của nái thường có khả năng tiết sữa tốt, nhưng vú áp chót thường có sữa lúc đầu rồi sau đó ngưng tiết sữa, vú chót thường cũng sản xuất nhiều sữa và dễ bị viêm, nhất là sau khi cai sữa. Do đó, những con nhỏ vóc khi bú vú nhiều sữa, tuy có lợi là mau lớn, nhưng sức tiêu thụ sữa không nhiều, dễ gây tình trạng dư sữa, sữa ứ đọng gây viêm, hư mất vú trong các lứa đẻ về sau.

Cho heo con bú từng cữ cũng có lợi là đánh thức chúng để bú vú nái, tránh tình trạng nái nhiều sữa heo con bú no ngủ nhiều, quãng cách giữa hai lần bú xa nhau, heo con không bú hết sữa mỗi lần nái xuống sữa, gây ứ đọng lâu, dễ nhiễm trùng vú, gây viêm, sữa ứ cũng tích chứa vi sinh vật lên men làm rối loạn tiêu hoá heo con. Vì vậy nếu những nái có khả năng tiết sữa nhiều thì khoảng cách giữa hai cữ bú chừng 1 giờ là tốt, không nên quá lâu. Heo con bú nhiều cữ trong những ngày đầu cũng kích thích nái tiết nhiều oxytocin để co bóp tử cung, sừng tử cung tống các sản dịch ra ngoài nhanh chóng, tránh ứ đọng những chất dịch dễ gây nhiễm trùng, nhất là nhiễm trùng vòi trứng, cổ tử cung.

3.5. Chăm sóc nuôi dưỡng nái sau khi đẻ và nái nuôi con

Sau khi đẻ, nái thường mệt, ăn ít hay không ăn, nếu có điều kiện nên có nái uống nước cháo tinh bột gạo, bắp, hay cám để tăng lượng glucid bù đắp cho cơ thể bị mất sau khi đẻ và cũng nhờ đó tránh xảy ra trường hợp thiếu glucose trong máu gây sốt sữa (milk fever). Cũng trong mục đích chống sốt sữa, có thể cấp thêm gloconat de calcium. Phải định lượng thức ăn hàng ngày theo sự tiết sữa của nái và sức bú của heo con, nên tăng lượng thức ăn dần dần để tránh tình trạng nái dư sữa. Thức ăn cho nái trong thời kỳ nuôi con là số 10B với mức ăn trung bình 4,5kg/con mỗi ngày. Tuy nhiên phải quan sát kỹ biến đổi thể vóc của nái để cung cấp định mức thức ăn: nái mâp nên hạn chế thức ăn nếu nuôi con ít, nái gầy nuôi nhiều con nên cho ăn tự do theo nhu cầu vì sự cân bằng dưỡng chất trong thức ăn hàng ngày không đủ bù lại với nhu cầu tiết sữa nuôi con; kéo dài tình trạng cân bằng âm như vậy dẫn đến tình trạng nái bị bại, suy kiệt khi cai sữa, chậm động dục lại lần kế.

58

Sau khi đẻ cần theo dõi nhiệt độ cơ thể nái, thông thường thân nhiệt nái khoảng 39oC, nếu thân nhiệt lên trên 40oC là tình trạng báo động có viêm nhiễm trùng sau đẻ, phải có biện pháp điều trị thích hợp và kịp thời (hội chứng MMA). Cần phân biệt hội chứng MMA với sốt sữa (milk fever) để chữa trị đúng cách.

Phải theo dõi tình trạng dịch hậu sản bài xuất ở bộ sinh dục nái sau đẻ: thông thường nái đẻ tốt dịch hậu sản ít, trong hoặc hơi hồng, nhưng nếu chất dịch hậu sản quá nhiều, màu trắng đục, hoặc vàng, hoặc xanh nhạt, hoặc đỏ hồng, lợn cợn như mủ, hôi thối… xem như có sự nhiễm trùng nặng trong bộ sinh dục nái, cần có biện pháp can thiệp. Trong những trường hợp như vậy nhiều nhà chăn nuôi chủ trương điều trị bằng cách tiêm kháng sinh kết hợp với bơm thụt rửa bằng thuốc tím hay chất sát trùng. Các biện pháp này có thể giúp điều trị khỏi sự viêm nhiễm nhưng thường có thể gây di chứng tắt vòi trứng, viêm tắt cổ tử cung không thể thụ tinh trong các lần động dục kế tiếp. Biện pháp tốt hơn là sử dụng oxytocin tiêm, kích thích co bóp tử cung tống dịch hậu sản vừa kích thích tiết sữa, sau đó 1-2 giờ lại bơm dung dịch kháng sinh thích hợp vào bộ sinh dục nái, hai biện pháp luân phiên này đem lại hiệu quả hơn thụt rửa tử cung âm đạo.

Phải quan sát sự xuống sữa của nái mỗi khi gọi con cho bú qua tiếng ịt sữa. Thông thường khi nái sắp cho con bú, nó trở mình nằm nghiêng, gọi con bằng tiếng ít ịt rời rạc, nghe tiếng ịt, heo con dù đang ngủ cũng đều thức dậy đến bên vú mẹ ủi cắn nhẹ trên núm vú, quầng núm vú, khi tất cả các con đều tập trung cùng một động tác ủi gặm vú, tiếng ịt sữa của nái từ rời rạc chuyển thành nhanh hơn, đến khi tiếng ịt sữa nhanh liên tục rồi im là lúc sữa đang xuống, heo con nút vú liên tục, đây là thời điểm để đoán biết nái có nhiều sữa hay không. Nếu thời điểm này kéo dài là nái nhiều sữa, nếu diễn ra nhanh, sau khi bú xong heo con còn cố nút vú là sữa ít. Có thể đánh dấu heo con hoặc cân toàn ổ trước và sau khi bú để biết được khả năng tiết sữa của heo nái. Thông thường giai đoạn xuống sữa chỉ kéo dài từ 30-60 giây, lượng sữa thải ra cho mỗi con heo con rất khác nhau tuỳ theo nái, tuỳ theo giống, tuỳ theo lứa đẻ, tình trạng dinh dưỡng, khí hậu thời tiết… tuyến sữa bị chi phối bởi định luật “cơ quan nào hoạt động thì cơ quan đó phát triển”, nếu ngày hạ thai, các vú đều đồng loạt tiết sữa, thì sau 24 giờ, những núm vú không có heo con bú sẽ tự động ngưng tiết sữa và chỉ có sữa lại trong lứa đẻ kế tiếp mà thôi. Nếu vú viêm hư hỏng tuyến sữa thì vĩnh viễn không tiết sữa nữa.

Thông thường nái đẻ tốt, sự tiết sữa bắt đầu gia tăng từ ngày thứ nhất đến ngày thứ 21 sau khi đẻ, sẽ đạt sản lượng sữa cao nhất rồi sau đó giảm dần. Vì vậy ở tuần lễ thứ tư có sự khủng hoảng vì thiếu sữa mẹ trên đàn heo con đang sức tăng trưởng cao, nếu trước đó chưa tập cho chúng quen ăn các loại thức ăn dặm. Tập cho heo con ăn sớm là một biện pháp kỹ thuật cần thiết để tránh xảy ra tình trạng này.

Để đánh giá khả năng tiết sữa của nái người ta dùng công thức sau Sản lượng sữa (kg) = 3 x (tăng trọng của heo con) (kg) Qua công thức này cho thấy để tăng trọng heo con được 1kg thì phải cần đến 3kg sữa.

Người ta thường tính sản lượng sữa của heo nái sau 7 ngày tuổi heo con (cân trọng lượng toàn ổ heo con 7 ngày tuổi rồi trừ với trọng lượng heo con sơ sinh toàn ổ để có tăng trọng heo con đến 7 ngày tuổi). Sản lượng sữa của nái sau 7 ngày thường được các nhà chăn nuôi khảo sát hơn vì heo con chưa biết ăn gì ngoài sữa mẹ, nên sự tăng trọng của chúng là do sữa mẹ mà thôi. Ngoài ra người ta cũng có thể tính sản lượng sữa của heo nái khi heo con 21 ngày tuổi, (sử dụng trị số tăng trọng toàn ổ heo con lúc 21 ngày tuổi) thời kỳ này có ảnh hưởng một phần của thức ăn dặm trên sự tăng trọng của heo con, nhưng nó biểu thị khoảng nửa giá trị sản lượng sữa của nái cho một chu kỳ sữa (thời điểm 21 ngày sản lượng sữa nái

59

lên đến đỉnh cao nhất rồi bắt đầu giảm). Người ta cũng tính sản lượng sữa cho mỗi lần xuống sữa của nái bằng cách cân trọng lượng toàn ổ heo con trước và sau khi bú, hiệu số của hai trị số đo được là trọng lượng sữa nái tiết ra cho một lần bú mẹ của đàn heo con. Đếm số lần heo nái cho con bú trong ngày ta sẽ tính được sản lượng sữa của nái trong ngày.

Để nái tiết sữa tốt, cần tạo bầu tiểu khí hậu tốt cho nái, không quá nóng, quá lạnh, ẩm thấp, hay không khí quá khô, tránh gió lùa mưa tạt. Thức ăn của nái phải đủ chất không hư mốc, vón cục, phải đủ lượng xơ cần thiết tránh táo bón.

Khả năng tiết sữa của nái thay đổi theo từng cá thể, tuỳ theo giống, tuỳ theo lứa đẻ, tuỳ theo số con nuôi, tình trạng dinh dưỡng, khí hậu thời tiết, biện pháp chăm sóc. Trong 3 nhóm giống Yorkshire, Duroc , Landrace thì Landrace có khả năng tiết sữa tốt nhưng phải bảo đảm thoả mãn đủ nhu cầu dinh dưỡng, còn Duroc tỏ ra kém khả năng tiết sữa nhất. Thông thường nái đẻ lứa 1, lứa 2 thường kém khả năng tiết sữa hơn lứa thứ 3, thứ 4, nhưng những lứa đẻ sau đó thường bắt đầu giảm sút, tuy rằng cũng có những nái đến lứa đẻ thứ 6, thứ 7 vẫn còn tiết sữa tốt. Về khí hậu thì những nái đẻ trong mùa nóng tháng 4, tháng 5 dương lịch tỏ ra kém sữa nhất, còn những nái đẻ trong tháng 12, tháng 1 dương lịch thì tiết sữa tốt hơn. Những nái nuôi dưới 6 con/ổ thì tiết sữa ít hơn những nái nuôi 9-10 con/ổ nhưng nuôi quá nhiều con thì khả năng tiết sữa ít đi, cơ thể nái gầy sút nhanh.

Nái nuôi con trong tháng đầu thường giảm trọng khoảng 10% trọng lượng cơ thể, thức ăn xấu có thể làm nái giảm trọng nhiều hơn và làm nái chậm động dục trở lại sau khi cai sữa. Đặc biệt trong thời gian nuôi con nái không động dục, chưa có công trình thử nghiệm nào cho nái vừa nuôi con vừa mang thai mà đạt hiệu quả.

Trong điều kiện chăn nuôi gia đình và nuôi bán công nghiệp, dùng sữa nái nuôi con kinh tế hơn dùng thức ăn nhân tạo thay thế sữa mẹ để cai sữa sớm hơn 21 ngày tuổi.

Trong thời gian tiết sữa nuôi con, có sự cân bằng âm giữa lượng calci, phosphore, chất béo mà nái tiết sữa. Điều này cho thấy nái phải rút calci, phosphore, chất béo dự trữ trong cơ thể để hỗ trợ cho sự tiết sữa, làm cho nái mất đi lớp mỡ bọc thân sau khi đẻ rất nhanh và xương trở nên xốp hơn, nái yếu chân dễ bị bại. Tuy nhiên khẩu phần quá dư thừa calci, phosphore, chất béo cũng không phải là biện pháp tốt mà thường là có hại. Tương tự, gia tăng hàm lượng chất sắt trong bữa ăn hàng ngày của nái cũng không làm tăng chất sắt trong sữa để giúp heo con tránh được khủng hoảng về thiếu sắt ở tuần lễ thứ 2, thứ 3 khi nuôi giam trên chuồng xi măng. Bổ sung chế phẩm có chứa iốt cho nái để tăng hoạt tuyến giáp cũng giúp cho nái tiết sữa tốt hơn thận trọng không được dùng quá liều và các chế phẩm có chứa iốt không thể giải quyết trị liệu các chứng viêm vú, sốt sữa, tắt sữa, tuyến sữa bị teo.

3.6. Chăm sóc và nuôi dưỡng heo con theo mẹ (HCTM) 3.6.1. Chuồng nuôi

Các kiểu chuồng nuôi đơn giản: chuồng nền ximăng, có vách sắt, xây tường hoặc bằng gỗ, có diện tích rộng từ 4-5m2. Heo con thường được úm riêng trong chuồng úm, chỉ thả heo con ra khi cho bú.

Nhược điểm: heo con dễ bị nái đè, kẹt khi nái đi lại hay nằm, cần phải có người trực để mở cửa chuồng úm cho heo bú. Kiểu chuồng này chiếm nhiều diện tích, chi phí xây dựng cao nên hiện nay ít được sử dụng.

Ưu điểm: của kiểu chuồng này là rộng rãi, heo được vận động nhiều. Do heo con được nhốt riêng nên nái có thời gian nghỉ ngơi. Cần phải chú ý độ dốc nền chuồng sao cho dễ thoát phân và nước tiểu.

60

Kiểu chuồng nuôi theo hướng công nghiệp: hiện nay thường sử dụng chuồng sàn nái đẻ. Kích thước: Rộng từ 1,5-1,7m, dài từ 2,5-3,5 m.

Ưu điểm của kiểu chuồng này là có vách ngăn và thanh chắn giữa nái và heo con nên hạn chế được tình trạng đè, đạp heo con. Các rảnh trên sàn được bố trí hợp lý để dễ dàng thoát phân, nước tiểu. Heo con được nhốt chung với nái do đó dễ dàng cho con bú. Giảm được công chăm sóc.

Khuyết điểm: nái không có thời gian nghỉ ngơi do heo con được nhốt chung. Chi phí đầu tư xây dựng và bảo dưỡng cho kiểu chuồng cao.

Chuồng trại phải ấm áp, khô ráo, tránh gió lùa mưa tạt. Trong tháng đầu heo con không cần tắm, trừ những lúc trời nóng oi bức có thể tắm heo con từ 3-4 tuần tuổi vào lúc ban trưa. Nếu chuồng trại có sự đối lưu không khí thích hợp thì việc tắm mát cho heo con là không cần thiết. Nếu nái cần tắm mát để tiết sữa nhiều thì phải chú ý tránh làm ẩm ướt chuồng và heo con, chúng có thể bị lạnh và dễ bị rối loạn tiêu hoá trong những ngày sau đó.

3.6.2. Sưởi ấm ( úm heo con)

Sử dụng chuồng nái đẻ tuy có tiết kiệm nhân công nhưng cũng khó tránh tình trạng nái hay đạp con gây thương tích, chuồng nái đẻ cũng làm cho heo nái mệt do heo con bú liên tục nái không có thời gian nghỉ ngơi. Điều kiện trong ổ úm phải thoát nước tốt, thông thoáng để tránh nhiễm bẩn do phân và nước tiểu chúng bài thải ra.

Sử dụng đèn tròn hoặc đèn hồng ngoại để úm heo con. Cách bố trí đèn trong ổ úm phải hợp lý không quá cao, cũng không quá thấp. Quan sát heo con trong ổ úm để điều chỉnh treo đèn, nếu heo con nằm chồng lên nhau đó là biểu hiện heo bị lạnh do nhiệt độ trong chuồng úm thấp.

Thường từ tuần lễ thứ 3 người ta đóng kín không cho heo con vào ổ úm để tránh tình trạng heo con tiêu, tiểu vào trong đó, lúc này heo con cũng đã lớn không cần đến ổ úm nữa, ổ úm chỉ còn là vai trò nhốt heo con khi cần thiết (để tiêm chích, cấp thuốc, tẩy uế chuồng).

3.6.3. Cho heo con bú mẹ

Heo con theo mẹ cần được nhốt riêng và cho bú cữ trong thời gian ít nhất là 3-4 ngày sau khi sinh để tránh tình trạng nái mệt hay vụng về đè đạp chết con, và cũng để dễ theo dõi tình trạng tiết sữa của nái. Mỗi cữ bú thường cách nhau 1g30 hoặc 2 giờ tuỳ theo tình trạng tiết sữa của nái, nái dư sữa (bệ sữa phát triển to) heo con bú không hết dễ gây tình trạng đọng sữa viêm vú hoặc giảm sữa thì nên hạn chế thức ăn cho nái và cho heo con bú nhiều cữ hơn. Sau khi heo con bú xong gom chúng vào ổ úm cũng là biện pháp tốt để tránh tình trạng heo con bị lạnh về đêm dễ bị rối loạn tiêu hoá

Mỗi lần cho heo con bú và thu gom vào ổ úm người chăm sóc phải quan sát kỹ tình trạng sức khoẻ của heo con, cần tái sát trùng rốn, kiểm tra sức bú của heo con, sự xuống sữa của nái, tình trạng tiêu chảy của heo con, nhịp thở và phát hiện sớm những con thiếu vú mẹ, vú mẹ không sữa, để sớm ghép sang những đàn khác.

Sau 3-4 ngày nái khoẻ, con mạnh thì có thể tự do cho chúng ra vào ổ úm. Trong vòng 3 ngày sau khi sinh nếu heo con không phát triển thể vóc, da lông bóng mượt mà vẫn còn đỏ, yếu ớt, da nhăn, nằm chồng đống lên nhau, gầy còm trơ xương… là tình trạng nái mất sữa kém sữa, cần có biện pháp can thiệp kịp thời.

61

3.6.4. Tiêm sắt

Do dự trữ sắt trong cơ thể heo mới sinh thấp và tốc độ tăng trưởng của heo con trong giai đoạn này cao nên nhu cầu về sắt cần đến 7mg/ngày. Bên cạnh đó lượng sắt trong sữa đầu cũ chỉ từ 2ppm (trung bình 1ppm). Trong các phương pháp nuôi trên nền xi măng hay chuồng sàn heo không được tiếp xúc với đất, nên heo không được thu nhận sắt từ đất.

Do đó khi được 3 ngày tuổi thì cần tiến hành tiêm chất sắt cho heo con (khoảng 1ml chế phẩm chứa 100mg Fe++/con) và tiến hành tiêm lặp lại lần hai cách 10 ngày sau, để chống khủng hoảng về thiếu chất sắt lúc 3 tuần tuổi. Thiếu sắt là nguyên nhân chính gây bệnh thiếu máu ở heo con. Một số chế phẩm có chứa các yếu tố cần thiết cho sự tạo hồng cầu như đồng, vitamin B12… cũng rất hữu dụng.

Chú ý không tiêm sắt quá liều vì sẽ gây ngộ độc sắt. Đối với heo con đực không làm giống thì tiến hành thiến vào ngày tuổi thứ 7 vì lúc này

dịch hoàn còn nhỏ, vết mổ nhỏ, mau lành, nên cắt hai đường trên da dịch hoàn (scrotum) để dễ thoát chất dịch từ vết thiến, tránh ứ đọng gây viêm. Đối với heo cái các giống heo ngoại, lai ngoại, nếu không làm giống thì không cần thiến để nuôi thịt.

3.6.5. Tập ăn sớm

Khi được 10 ngày tuổi tiến hành tập cho heo con ăn sớm để tránh khủng hoảng vì thiếu sữa mẹ trong tuần tuổi thứ 4 (sữa mẹ giảm sau tuần thứ 3). Việc tập ăn giúp cho heo con biết ăn sớm, không lệ thuộc sữa mẹ nên cai sữa sớm. Thường người ta sử dụng các loại tấm, bắp, đậu nành rang xay hoặc nấu chín, có mùi thơm, nhét cho heo con vài lần và luôn luôn để phần thức ăn tập ăn vào ổ úm hay máng bán tự động để heo con tự do liếm láp khi chúng cần. Thức ăn tập ăn có thể không cần chứa hàm lượng protein cao vì heo con đang có nguồn sữa mẹ dinh dưỡng dồi dào. Phải cho heo con làm quen với nguồn glucid, lipid, protid của các loại thực liệu thông thường để hệ thống tiêu hoá heo con sớm bài tiết các enzyme tiêu hoá thích hợp.

Khi heo con bắt đầu biết ăn mạnh thì thay thế dần thức ăn tập ăn bằng thức ăn hỗn hợp. Nên cho heo con ăn tự do trong các máng bán tự động, tránh dùng thức ăn ẩm, nếu thức ăn nấu hoặc ẩm thì cho ăn theo bũa ăn, phần dư thừa thường phải chuyển đi để tránh sự lên men ôi chua, sình… nếu có điều kiện, cho ăn thêm thức ăn xanh càng tốt, nhưng phải rửa thật sạch để tránh nhiễm ký sinh trùng đường ruột.

Mặc dù sữa mẹ có chứa nhiều nước, nhưng cũng phải cung cấp đầy đủ nước uống vệ sinh cho heo con. Nếu sử dụng máng uống, phải chú ý tập quán heo vừa ăn vừa uống, nên máng uống cũng chứa nhiều cặn thức ăn dễ bị sình thối, ô nhiễm nước uống. Heo con cũng có tập quán hay chui vào máng nước vừa tiểu vừa uống, hoặc vừa đi phân vừa uống. Một số heo con thích vào ổ úm để tiêu, tiểu nên ổ úm cần được vệ sinh kỹ.

3.6.6. Chăm sóc phòng bệnh

Cần phát hiện sớm những dấu hiệu ở hệ hô hấp, hệ tiêu hoá để sớm có biện pháp can thiệp kịp thời, giảm bớt tổn thất.

Sự tăng trưởng và sức kháng bệnh của heo con thời kỳ này phụ thuộc vào nái mẹ. Nếu heo nái được chủng ngừa kỹ, nuôi dưỡng trong lúc mang thai và tiết sữa đúng kỹ thuật, biện pháp chăm sóc tốt, thì đàn heo con sẽ tăng trọng nhanh, ít bệnh tật. Nếu nái có bệnh như viêm vú, viêm tử cung, sốt, bỏ ăn, lơi ăn, viêm khớp… thì đàn heo con thường bị ảnh hưởng xấu, gầy còm, tăng trọng kém dễ bị tiêu chảy, tỷ lệ chết cao.

62

Heo con có tập quán ăn phân, nhất là ăn phân nái mẹ, vì vậy việc vệ sinh chuồng kỹ tránh đọng chất bẩn, phân, thức ăn hư mốc ở các ngốc ngách, góc tường lá rất cần thiết. Các vết nứt vỡ thủng ở nền cần dặm vá trước khi nuôi nái đẻ và heo con vì những nơi này thường ứ đọng nước, phân, thức ăn sình thối, heo con rất thích ủi, ăn các chất này và dễ bị bệnh đường tiêu hoá, hô hấp… Các loại chuồng bằng lồng sắt nếu không tháo rửa kỹ cũng bị vấy bẩn, sét rỉ, heo con cắn gặm dễ bị nhiễm trùng.

3.7. Chăm sóc và nuôi dưỡng heo con cai sữa

Hiện nay heo con được cai sữa lúc 21 hoặc 28 ngày tuổi. Việc cai sữa heo con sớm hơn cũng khó làm cho nái động dục sớm và cũng không rút ngắn chu kỳ sinh sản của nái bao nhiêu, nhưng heo con khó nuôi hơn, tốn kém hơn nếu cai sữa quá sớm.

Trước khi cai sữa 1-2 ngày người ta giảm khẩu phần của nái để giảm khả năng tiết sữa, ngày cai sữa đưa nái đi qua chuồng nái khô sữa và cho nhịn ăn, nhịn uống hoặc hạn chế nước uống. Ngày thứ hai sau cai sữa cho ăn 1kg thức ăn, ngày thứ 3 cho ăn 2kg thức ăn ngày thứ 4 cho ăn 3kg và giữ mức 3kg cho đến ngày thứ 7 sau cai sữa thì có thể phối giống cho nái. Việc cho nái nhịn ăn là để tạo stress giúp các hormon sản xuất sữa không được tiết ra mà các hormon sinh tồn phát triển để gia tăng sự tích luỹ dưỡng chất, khi gia tăng thức ăn dần dần, sự tích luỹ dưỡng chất cũng gia tăng, trong khi tuyến vú từ từ chuyển về trạng thái nghỉ. Cũng có nhà chăn nuôi chủ trương thúc thức ăn cho nái sau ngày nhịn ăn để gia tăng sự tích luỹ, giúp gia tăng số lượng trứng chín, đậu thai nhiều hơn. Điều này phù hợp với những nái nuôi nhiều con, gầy còm khi cai sữa, cần được bồi bổ dưỡng chất, nhưng không phù hợp với những nái khi cai sữa do nuôi ít con, thể trọng không giảm nhiều, thúc thức ăn làm cho nái mau mập ít rụng trứng…

Ngày tuổi thứ 22, 23, 24 đại đa số heo con mọc răng tiền hàm sữa thứ 3 hàm dưới nên cai sữa ngày thứ 21 thường có ảnh hưởng đến sức khoẻ heo con vì làm tăng thêm stress. Tương tự ngày tuổi thứ 28 và 29 đại đa số heo con mọc răng tiền hàm sữa 4 hàm trên nên cai sữa ngày thứ 28 có thể làm tăng stress cho heo con. Thường khi mọc răng heo con bị sốt, tiêu chảy trước, sau khi răng nhú khỏi nướu một vài ngày. Tình trạng này làm heo con mức sức, kém sức kháng bệnh.

Khi cai sữa, heo con cần giảm bớt khẩu phần thức ăn chừng 10-20% để chống stress, giữ chuồng trại khô ráo thoáng mát (thường được nuôi trên lồng, mỗi lồng là một ổ heo con, tránh nhập nhiều đàn với nhau gây tình trạng đánh cắn nhau). Có thể pha kháng sinh vào thức ăn để phòng chống bệnh trong 3-5 ngày. Cũng có thể chọn lọc những con cùng tầm vóc cho ở chung với nhau để dễ chăm sóc nuôi dưỡng, nhất là nhóm heo nhỏ vóc cần có chế độ bồi dưỡng đặc biệt hơn. Nếu khí hậu lạnh, cần sưởi ấm heo con cai sữa, nhất là về ban đêm. Thức ăn cho heo con sau cai sữa vẫn là thức ăn hỗn hợp sau cai sữa cho đến khi heo con đạt thể trọng từ 15kg trở lên mới chuyển đổi sang sử dụng thức ăn hỗn hợp cho heo thịt . Sau 2-3 ngày hạn chế khẩu phần, nếu heo con khoẻ mạnh thì cho ăn tự do. Cần có đầy đủ nước uống cho heo con vì sau khi mất nguồn sữa mẹ heo con uống nước nhiều hơn. Khi được 60-70 ngày tuổi heo con chuyển thành heo nuôi thịt hoặc heo hậu bị làm giống và có chế độ chăm sóc nuôi dưỡng khác nhau.

Sau khi cai sữa, nếu nuôi thêm 1 tháng heo con có thể tăng gấp đôi, gấp ba trọng lượng cai sữa.

3.8. Chăm sóc và nuôi dưỡng heo thịt

Được xác định là giai đoạn sau khi cai sữa đến hạ thịt. Những heo sau cai sữa không làm giống được chuyển qua khu chuồng nuôi thịt. Thời gian nuôi thịt thường từ 5-6 tháng để đạt

63

thể trọng xuất chuồng từ 90-100kg. Ơ mức thể trọng này phẩm chất thịt ngon nhất và hiệu quả thức ăn bắt đầu giảm, heo có xu hướng tích lũy nhiều mỡ, nuôi kéo dài thêm thì không có lợi.Trong thời gian nuôi thịt có thể chia ra làm hai giai đoạn:

3.8.1. Giai đoạn nuôi thịt

Tốc độ tăng trưởng, hiệu quả sửa dụng thức ăn khác nhau ở mỗi giai đoạn tuổi và cách nuôi dưỡng có ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ mỡ, chất lượng thân thịt. Do đó, cần thiết phải có chế độ nuôi dưỡng khác nhau trong từng giai đoạn: sau cai sữa đến 70 kg, từ 70kg đến hạ thịt... nhiều tác giả nêu lên tùy cách quản lý, quy mô đàn, giống và cả thị trường tiêu thụ..., nhiều nơi hạ thịt ở 110kg nên có thêm giai đoạn nuôi kết thúc.

Khoảng 2 tháng đầu, đây là thời kỳ cơ thể phát triển khung xương, hệ cơ, hệ thần kinh, do đó con thú ần nhiều protein, khoáng chất, vitamin để phát triển bề dài (dài thân) và bề cao. Thiếu dưỡng chất cần thiết trong giai đoạn này sẽ làm cho khung xương kém phát triển, hệ cơ vì thế cũng không phát triển, heo trở nên ngắn đòn, ít thịt vì cơ bắp nhỏ, sự tích luỹ mỡ ở giai đoạn sau nhiều hơn. Trái lại nếu dư thừa dưỡng chất sẽ làm tăng chi phí, dư protein sẽ bị đào thài ở dạng urê, heo dễ bị viêm khớp, tích luỹ mỡ sớm. Dư khoáng chất nhất là calci-phosphore gây hậu quả xấu cho sự hoá cốt tạo xương, một số khoáng vi lượng dư thừa sẽ trở nên độc.

Khoảng 2-3 tháng cuối, đây là thời kỳ heo tích luỹ mỡ vào các sớ cơ, các mô liên kết, con thú nẩy nở theo chiều ngang, mập ra. Giai đoạn này heo cần nhiều glucid, lipid hơn giai đoạn 1, nhu cầu protein, khoáng chất, vitamin cho mỗi kg thức ăn ít hơn giai đoạn đầu. Dư thừa dưỡng chất lúc này chỉ làm tăng chi phí thức ăn và tăng lượng mỡ, nhưng nếu thiếu dưỡng chất con thú trở nên gầy, bắp cơ dai không ngon, thiếu những hương vị cần thiết, thịt có màu nhạt, không hấp dẫn người tiêu dùng.

Tuy nhiên, sự khác biệt về nhu cầu dưỡng chất và năng lượng giữa các giai đoạn này không lớn mà chủ yếu là việc chọn lựa thực liệu sao cho hạ thấp được chi phí, thích hợp từng mùa vụ, tại chổ và nhất là sự cung cấp có tác dụng vừa thúc đẩy tăng trưởng vừa ngăn ngừa một số bệnh cần phải có thời gian loại thải ra khỏi quầy thịt.

3.8.2. Nuôi dưỡng

Theo tác giả Bùi Văn Trợ (1996) thì khẩu phần của heo nuôi thịt ở giai đoạn cần 16%CP (20-40kg), 14%CP (41-60kg), 12%CP (64-100kg). Riêng các heo có tỷ lệ nạc cao thì ở giai đoạn cuối cấn phải đạt ít nhất 13% CP. Có thể dùng hỗn hợp khoáng với tỷ lệ 1% trong khẩu phần với 60% bột xương, 40% bột vỏ sò và 20% là muối. Riêng vitamin tác giả đề nghị ở mức 1o/oo Sulfat Fe, 0,5o/oo sulfat Cu. Mức kháng sinh trộn vào thức ăn 20-40g/tấn thức ăn ở giai đoạn 20-40kg thể trọng và 10-20g ở giai đoạn sau.

Bảng 4.1 Nhu cầu về CP % ở các giai đoạn của heo thịt

20-40kg 41-60kg 64-100kg

CP% 16 14 12-13

Heo được cho ăn tự do. Tuy nhiên, một số tác giả đề nghị ở giai đoạn cuối nên cho ăn ở mức 75-80% so với ăn tự do để có tỷ lệ nạc nhiều hơn.

64

3.8.3. Chăm sóc

Tiêm ngừa đầy đủ các bệnh thông thường: dịch tả, lở mồm long móng... Thông thường các heo nuôi thịt được tiêm ngừa 1-2 lần tùy quy trình nuôi và điều kiện nuôi dưỡng.

Xổ lãi cho heo ở giai đoạn 2-3 tháng tuổi. Tắm chải cho heo để hạn chế các bệnh ngoài da. Giữ heo ở nhiệt độ mát. Mật độ nuôi: 0,8-1m2/con, nhưng không nhốt nhiều hơn 40 con/ô chuồng, nhốt quá nhiều

trong một ô làm cho công tác chẩn đoán bệnh hằng ngày khó khăn dễ bị bỏ sót những con chớm phát bệnh.

Trong thực tế nhiều cơ sở nuôi heo thịt đã tận dụng các phụ phế phẩm trong công nghiệp chế biến, hoặc thức ăn thừa ở các nhà hàng thì cần chú ý xử lý để tránh bệnh đường tiêu hóa cho heo.

Chuồng heo thịt phải thoáng mát có độ dốc thoát nước tốt, không lồi lõm đọng ứ phân nước tiểu. Nếu có điều kiện cho heo vận động ở sân cỏ hay sân cát để heo có hệ cơ tốt, ít mỡ, thịt ngon không nhão, bệu.

Bảng 4.2 Mối liên hệ giữa thể trọng (kg), tuổi (ngày), tăng trọng/ngày (kg) và hệ số chuyển hóa thức ăn.

Thể trọng (kg) Tuổi (ngày) Tăng trọng/ngày (kg) HSCHTĂ

1,0

4,5 13,6

18,2 36,3

45,4 54,5

72,6 90,8

100

0

14 48

56 85

96 108

128 145

155

-

0,23 0,45

0,54 0,75

0,82 0,86

0,91 0,95

0,98

-

1,5 1,9

2,2 2,8

3,1 3,3

3,5 4,1

4,4

Hiện tại số liệu về tăng trọng nhanh hơn rất nhiều, và HSCHTĂ giảm thấp nhiều do: giống được thực hiện lai 3 máu, công thức khẩu phần với sự cân đối các acid amin, có hàm lượng vi khoáng và cả các chất kích thích ngon miệng (mùi, màu) cùng chất kích thích tăng trưởng, thuốc kháng sinh... Do đó vấn đề chất lượng thịt và vệ sinh thịt được đặt ra rất chặt chẻ: ngưng sử dụng kháng sinh, hormon tăng trưởng...trước khi hạ thịt một thời gian tùy sản phẩm.

Mục tiêu đặt ra đạt được trọng lượng thịt ở 160 ngày tuổi, tăng trọng/ngày cả giai đoạn là 600g. HSCHTĂ ở 60kg 2,7; 85kg 2,9; 90kg 2,9; 115 là 3,6.

Tuổi hạ thịt của heo tùy vào giống, quy trình nuôi và cả thị hiếu người tiêu dùng. Xu hướng chung là 90-100kg.

65

3.8.4. Một số bất thường có thể gặp ở giai đoạn nuôi thịt

Ăn ít hoặc không ăn: chất lượng thức ăn, độ ngon của thức ăn, thời tiết nóng, mật độ nuôi, có ảnh hưởng đến heo.

Thiếu kẽm: thường xảy ra ở 20-40kg thể trọng. Bệnh hô hấp: thường là biểu hiện sau một thời gian mắc bệnh lúc nhỏ, do mịn, bụi và mật

độ nuôi.

3.9. Chăm sóc nuôi dưỡng và khai thác heo đực giống

Heo đực lúc 8-10 tháng tuổi thường được huấn luyện cho phối giống trực tiếp hay nhảy giá lấy tinh. Heo đực thành thục cả hai cách giao phối sẽ tăng hiệu suất sử dụng, nhất là đực trưởng thành quá lớn vóc so với heo nái. Phương pháp huấn luyện thông thường là con đực tơ tham quan con đực thành thục phối giống trực tiếp hay nhảy giá. Khi cho đực tơ phối giống phải chú ý ghép phối với những nái có tương đương tầm vóc, đang ở giai đoạn mê ì, nái hiền không hung dữ cắn đực, làm đực hoảng sợ. Tránh cho đực thấp phối với nái cao chân hoặc đực cao phối với nái thấp…

Sau khi phối giống trực tiếp thành thục có thể tiến hành tập cho đực nhảy giá lấy tinh (phải dùng dịch tiết âm hộ nái động dục bôi lên giá nhảy). Đực biết nhảy giá giúp người nuôi dễ kiểm soát tinh dịch.

Chuồng nuôi đực giống phải rộng rãi thoáng mát, không bị gió lùa mưa tạt, không trơn trợt hay quá nhám, gồ ghề dễ hư móng, té ngã què chân. Nên có sân vận động (sân cỏ hay cát) để heo tự do ủi gặm, trầm mình, giản cơ… Đặc biệt phải nhốt mỗi con một ô, tường ngăn cao và cửa không vào đối diện để tránh đực nhìn thấy nhau gây kích động, hung hãn và dễ mất sức. Khu nuôi đực phải gần khu nái tơ chờ phối hoặc nái sữa chờ phối để mùi đực kích thích nái động dục và mùi nái động dục kích thích đực tăng tính hăng.

Thức ăn cho đực sinh sản là thức ăn hỗn hợp số 10A với định mức ăn là 2,5kg/con/ngày, phẩm chất thực liệu phải tốt không hư mốc đóng vón, mọt, kiến, sâu,… Nếu có thức ăn xanh càng tốt để tránh táo bón. Có thể cung cấp thêm vitamin A, D, E khi cần thiết.

Nên tắm mát đực giống thường xuyên, nên xịt mát bộ phận sinh dục, tránh để khí hậu hầm nóng làm xệ túi da dịch hoàn (scrotum). Nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh làm giảm sự sinh tinh dịch của dịch hoàn.

Heo đực giống dưới một năm tuổi mỗi tuần phối một nái. Từ 1 đến 2 năm tuổi mỗi tuần phối 2 nái. Từ 2 đến 3 năm tuổi mỗi tuần phối 3 nái, hay phối cách nhật: ngày phối ngày nghỉ. Trong trường hợp phối lặp nhiều lần liên tiếp phải cho nghỉ bù để tránh tình trạng tinh

dịch có ít tinh trùng. Sau khi phối phải bồi dưỡng đực: - Hoặc hai quả trứng chín (trứng sống lòng trắng có chất avidin ức chế vitamin H ảnh

hưởng đến tình trạng thiếu biotin trên đực) - Hoặc 100g bột cá tốt - Hoặc 50g sữa không kem

Nên làm vệ sinh chuồng nái sạch sẽ, tắm mát đực, vệ sinh bao đầu dương vật đực và đưa đực sang chuồng nái để phối giống. Nên phối giống cho nái vào lúc 8 giờ hoặc chiều mát (4-5 giờ), không cho phối lúc trưa nóng, đực giống không hăng sức phủ nái. Cho phối trong

66

khu nái tơ, chờ phối sẽ kích thích những con nái chung chuồng nhanh chóng động dục và cóo thể động dục đồng loạt.

Hằng ngày nên luân phiên cho heo đực đi quầng nái khô sữa tạo điều kiện cho đực vận động vừa tạo kích thích sự lên giống của đàn heo nái.

Nên định kỳ kiểm tra phẩm chất của tinh dịch: - Thể tích (volume) trung bình heo ngoại mỗi lần xuất tinh từ 200-300ml - Hoạt lực (A: Activity) số tinh trùng tiến thẳng phải trên 75% - Nồng độ (C: concentration) số tinh trùng trong mỗi cm3 (ml) là 100.000.000 đến 300.000.000

Nên kiểm tra màu tinh: đục trắng như sữa cho thấy chứa nhiều tinh trùng, trắng trong cho biết ít tinh trùng. Tinh có màu bất thường như vàng, nâu, có máu… thì phải ngưng cho giao phối với nái, nhốt riêng theo dõi.

Kiểm tra sự phát triển của dịch hoàn trong suốt thời kỳ sử dụng đực, nếu như dịch hoàn không đều nhau, hoặc một trong hai phát triển to quá, hoặc teo nhỏ lại phải nuôi riêng theo dõi.

Heo đực hung hăng, hay nhút nhát trong khi đưa đi phối giống cần lưu ý huấn luyện lại hoặc loại thải. Những đực già có răng ranh dài bén nhọn cần chú ý không làm chúng hung hăng tấn công người chăm sóc hoặc nái khi đi phối.

Mùa nóng cần tắm mát cho nọc, nhất là phải làm mát dịch hoàn sao cho da bao dịch hoàn không xệ sau khi phối giống, sự hầm nóng có thể làm giảm tính hăng của nọc. Sau khi phối nái, để tái tạo tinh trùng, mạch máu đến dịch hoàn thường cương mạch, cường độ trao đổi chất ở các mô bào dịch hoàn khẩn trương hơn, do đó nhiệt độ ở dịch hoàn sẽ tăng và nhu cầu làm mát là một biện pháp tích cực để hỗ trợ hoạt động sinh tinh.

Thời gian sử dụng nọc thường khoảng 3-4 năm tuỳ theo giống và cá thể. Nọc già thường chậm chạp nặng nề khó phối trực tiếp, cần phải lấy tinh gieo cho nái để tránh tình trạng ít sử dụng, tinh kém phẩm chất, thú mau mập không hăng sức.

Nếu có điều kiện nên định kỳ xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán các bệnh nguy hiểm như Brucellosis, leptospirosis, aujesky, dịch tả tiềm ẩn…

Khi đực già, sự tuần hoàn huyết ở da kém thường có thể phát sinh những bệnh da như nhiễm nấm, cái ghẻ, eczema, nụt cóc trên da dịch hoàn, rụng lông… làm cho ngoại hình thú xấu xí đi, không hấp dẫn khách hàng tham quan chọn giống để mua.

Đực giống loại thải có thể giết thịt ngay không cần thiến để nuôi vỗ béo, vả lại việc vỗ béo thường tốn kém và ít hiệu quả.

3.10. Nuôi con ghép

Sau khi thụ tinh có rất nhiều lý do khiến cho một số phôi không còn sống đến khi thành thai và đến khi sinh ra còn rất ít thai sống. Những nái sinh ít con là một vấn đề đối với nhà chăn nuôi vì để nái nuôi con thì không kinh tế, tốn kém, hiệu quả sử dụng nái không cao. Mặt khác, cũng có nhiều nái sinh mỗi lứa rất nhiều con, không đảm đương nuôi đủ tất cả các con mà nó đẻ ra, vì vậy cần có biện pháp kỹ thuật ghép con từ những nái nhiều con cho những nái đẻ ít con nuôi hộ. Biện pháp nuôi con ghép sẽ làm tăng số heo con cai sữa mỗi ổ và thể trọng bình quân heo con khi cai sữa cũng cao hơn, nhờ đó giảm chi phí sản xuất heo con, tăng lợi nhuận cho nhà chăn nuôi.

67

Để đảm bảo việc ghép con có hiệu quả, mẹ nuôi nhận con dễ dàng và heo con phát triển tốt cần thực hiện các điều sau: 1. Hai ổ heo đẻ cùng trong một ngày sẽ rất dễ dàng vì nái mẹ nuôi con còn mệt khó phân biệt được con ruột và con nuôi, chỉ cần nhốt hai nhóm con chung trong ổ úm và cùng lúc cho bú mẹ. Vì sinh cùng lúc nên khả năng bú được sữa đầu, hấp thu sữa đầu giữa hai nhóm heo con như nhau. 2. Chỉ nên ghép heo con sinh trước cho nái đẻ sau vài ngày (mà ít con) chứ không nên ghép con đẻ sau vài ngày cho nái đẻ trước đó (mà ít con) vì nái đẻ ít con trước đó sẽ không còn nhiều vú có sữa để cho heo con ghép sau bú, mặt khác heo con đẻ sau thường yếu ớt khó giành bú lại với đàn con của mẹ đẻ, thiếu sữa thì con ghép khó có khả năng phát triển được.

Trong trường hợp chờ ghép với mẹ nuôi đẻ sau thì đàn con chờ ghép phải bú đầy đủ sữa đầu của nái mẹ ruột vì sữa đầu heo con chỉ có thể hấp thu được tốt trong vòng 24 giờ đầu, sau vài ngày thì khả năng này không còn nên không thể hấp thu được kháng thể của nái mẹ nuôi qua sữa đầu. Vì vậy cũng không nên quá lo lắng khi ghép con nuôi với nái mẹ nuôi, chúng thường bị tiêu lỏng hay sền sệt trong ngày đầu và hiện tượng này thường tự nhiên khỏi không cần điều trị. Những heo con nuôi thường bị đói trước đó nên sức thúc vú để bú rất mạnh làm cho tuyến sữa của nái mẹ nuôi phát triển tốt, các con ruột của nái nhờ vậy phát triển tốt hơn.

Phải dùng nước tiểu hay nước nhau của nái mẹ nuôi bôi lên mình con ghép để tránh tình trạng nái mẹ phân biệt con lạ, cắn con, không cho bú. Khi cho bú cần khéo léo không cho con ghép bò ra trước mũi nái mẹ nuôi và cũng tránh cho chúng kêu la. Nhốt chung hai nhóm con trong ổ úm cũng giúp cho nái không phân biệt được con lạ. Nhiều nhà chăn nuôi nuôi nhiều nái chửa trong cùng một ô chuồng và khi chúng đẻ cận ngày với nhau, chúng co 1thể nuôi con chung trong những ô chuồng lớn. Nếu nái có biểu hiện cắn con, cần nhốt con, cho bú cữ.

Sau 2-3 ngày nếu nái mẹ khoẻ mạnh thường sẽ không còn phần biệt con ruột, con nuôi, đàn heo con sẽ phát triển tốt. 3.11. Nuôi heo còi

Dù trình độ kỹ thuật cao, biện pháp chăm sóc tốt, khi cai sữa vẫn có một số ít heo con nhỏ vóc thường gọi là heo loại 3 hay heo còi. Những heo này nhỏ vóc vì nhiều nguyên do: do bị viêm nhiễm mãn tính ở một số nơi trên cơ thể như rốn, bị mẹ đạp tổn thương, do tiêu chảy kéo dài hoặc bú nhằm vú sữa ít, vú viêm mãn tính…

Nếu điều kiện kinh tế khả quan, người ta không nuôi vỗ béo các heo này, mà giết thịt làm bột thịt hoặc tiêu huỷ… Tuy nhiên với người nuôi ít vốn, nếu nuôi vỗ tốt, chăm sóc kỹ thì nhóm heo loại 3 cũng đóng góp một phần vốn không nhỏ. Thông thường mỗi đàn heo con có thể có 1-2 con nhỏ vóc. Các heo này thường có biểu hiện ngắn đòn, bụng to, da nhăn, lông xơ xác, gầy trơ xương. Nếu không có những biểu hiện bệnh lý thì việc nuôi dưỡng rất có triển vọng, chỉ chậm lớn so với những heo tốt chừng 1-2 tháng để đạt thể trọng xuất thịt.

Nên có ô chuồng riêng để nuôi với bầu tiểu khí hậu thích hợp, đủ thức ăn tốt, nước uống đầy đủ. Có thể bổ sung vitamin ADE, B1, B6 và nhất là B12 như là yếu tố kích thích tăng trưởng bình thường. Phải thường xuyên tiêu độc tẩy uế để tránh lây nhiễm mầm bệnh với nhau, việc rải vôi bột khô, quét khô các chỗ ẩm ướt, bệnh phẩm, giúp cho đàn heo khoẻ mạnh hạn chế bớt thuốc thú y điều trị. Trong một số thời điểm khí hậu thời tiết bất lợi cần

68

bổ sung một số kháng sinh như là chất phòng bệnh hoặc chất kích thích sinh trưởng (như nhóm tetracylin, bacitracin…)

Heo còi sau khi nuôi vỗ vẫn có thể còn một số biểu hiện như bụng to, xương nhỏ, tích mỡ sớm, hệ cơ kém phát triển cho đến khi xuất thịt. Vì vậy một số nhà chăn nuôi chỉ nuôi chúng đến 30-40kg thể trọng thì giết thịt làm heo quay (thịt mềm xương mềm, ít mỡ ở gai đoạn này). 3.12. Sinh sản đồng loạt

Là biện pháp kỹ thuật cho nhiều nái sinh con trong cùng mốt thời điểm, nhờ đó có thể ghép đàn san sớt đều số con cho mỗi nái nuôi con để tăng tỷ lệ nuôi sống và trọng lượng cai sữa. Việc sinh sản đồng loạt còn có lợi là dễ chăm sóc heo con heo nái như tiêm chất sắt, vitamin, tiêm phòng đồng loạt, tránh bỏ sót và tránh phải sử dụng thuốc dang dở (ví dụ thuốc dùng tiêm chủng 100 liều chỉ tiêm cho 1 đàn 8-10 con thì sau đó phải bỏ, lãng phí).

Việc sinh sản đồng loạt cũng có lợi là tránh cho thú đẻ vào lúc khí hậu thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh hay xảy ra, hoặc thời điểm giáp hạt thức ăn gia súc đắt đỏ hoặc heo con ế ẩm không có người mua.

Tuy nhiên sinh sản đồng loạt cũng có những bất lợi như trong cùng một thời điểm thì nhu cầu đực giống rất cao, sau đó thì đực không sử dụng, phẩm chất tinh sẽ xấu, lãng phí, nhu cầu chuồng trại cũng sẽ cần nhiều trong một thời điểm rồi sau đó bỏ trống. Nhu cầu lao động chăm sóc cũng sẽ căng thẳng ở thời điểm nái đẻ nuôi con, dễ xảy ra tình trạng sai sót, rồi sau đó thì lại quá rãnh rỗi, thiếu việc để làm mà vẫn hưởng lương. Mặt khác nhiều heo con trong cùng một lứa dễ sinh dịch bệnh và dịch bệnh có thể gây tổn thất rất lớn trong một thời gian ngắn, việc điều trị sẽ rất tốn kém, khối lượng công việc nhiều dễ gây sai sót, khắc phục hậu quả sẽ rất khó khăn.

Muốn tránh những bất lợi trên, người ta thường cho sinh sản đồng loạt từng nhóm nái 5-10 con, không quá nhiều. Để có nhiều nái sinh sản đồng loạt người ta thực hiện các biện pháp sau:

3.12.1. Tuyển nái hậu bị cùng một thời điểm:

Khi nái hậu bị đến động dục thì cho đực giống kích thích hàng ngày. Thường tuyển nái hậu bị vào mùa xuân hoặc mùa thu thiên văn (tháng 1, tháng 2, tháng 8, tháng 9 dương lịch hằng năm) và sau 12 tháng thì sẽ có đàn con đầu tiên, cũng vào mùa xuân hoặc mùa thu, thuận lợi khí hậu thời tiết và thị trường nuôi heo thịt.

3.12.2. Cai sữa đồng loạt

Cai sữa đồng loạt từng nhóm nái trong tuần, với biện pháp cho nhịn ăn rồi tăng dần lượng thức ăn, hơn 80% nái sẽ cùng động dục và có thể phối giống sau khi cai sữa 7 ngày, nhờ đó sau này sẽ cùng đẻ trong một thời điểm rất gần nhau. Những nái có ngày đẻ không giống nhau ở lứa này cũng có thể cai sữa đồng loạt để chúng động dục đồng loạt, phối giống và đẻ đồng loạt trong lứa kế tiếp. ...........................................................................................................................................................

...........................................................................................................................................................

...........................................................................................................................................................

...........................................................................................................................................................

...........................................................................................................................................................